NHÌN TỪ QUAN ĐIỂM LỊCH SỬ 2.1. Dẫn nhập
Chương 3 CÁC THIẾT CHẾ VÀ SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ: “QUẢN TRỊ
3.3. Quá trình phát triển thiết chế ở các nước đang phát triển trước kia và hiện nay
3.3.1. Tổng quan về lịch sử phát triển thiết chế ở các nước NDC
A. 1820 – Những ngày đầu công nghiệp hóa
Năm 1820, không nước NDC nào có quyền phổ thông đầu phiếu cho nam giới. Khi quyền bầu cử được nới rộng, cũng chỉ có nam giới giàu có – và thường là những người trên 30 tuổi – mới có quyền bầu cử. Ở các nước này, kiểu gia đình trị, hưởng bổng lộc, “ngồi mát ăn bát vàng” và mua bán chức vụ rất phổ biến trong những vụ bổ nhiệm vào cơ quan hành chính. Cơ quan nhà nước thường được coi như là tài sản tư nhân, và hầu hết các nước đều không có bộ máy quản lí hành chính ăn lương, theo nghĩa hiện đại của thuật ngữ này (Phổ và một vài bang khác ở Đức là những ngoại lệ đang chú ý).
Việc tạo ra những quyền sở hữu mới, nhất là ở những nước mới thành lập như Mỹ, thường xuyên xâm phạm những quyền sở hữu hiện hữu. Chỉ một vài nước có luật sáng chế (Anh, Mỹ, Pháp và Áo), chất lượng của những bộ luật này vẫn còn rất thấp, gần như không có sự kiểm tra về tính nguyên gốc của phát minh xin cấp bằng sáng chế. Phải một thập kỉ rưỡi sau, tức là phải đến năm 1836, khi luật sáng chế của Mỹ được sửa đổi thì mới xuất hiện một bộ luật gần giống với luật sáng chế “hiện đại”.
Trách nhiệm hữu hạn, nền tảng quan trọng nhất cho sự phát triển của những tập đoàn hiện đại, không phải là thiết chế phổ biến ở tất cả những nước này, và vì vậy, nó là một đặc ân hơn là một quyền. Ngay cả những nước có hệ thống tài chính phát triển nhất cũng vẫn không có luật yêu cầu phải kiểm toán từ bên ngoài và cung cấp đầy đủ thông tin về hoạt động của doanh nghiệp. Luật phá sản, nếu có, cũng không đầy đủ, mà chỉ giới hạn trong một số hoạt động kinh doanh; hơn nữa, những đạo luật này lại không có khả năng “xã hội hóa rủi ro”
bằng cách cho những người phá sản “khởi nghiệp lại từ đầu”. Luật cạnh tranh không thực tế, hạn chế và ít hiệu lực, ví dụ như Điều 419 trong Bộ luật Hình sự Pháp năm 1810.
Ngân hàng đối với nhiều người vẫn là dịch vụ mới lạ, trừ một vài nơi ở Ý (Venice, Genoa và một số địa phương khác), Anh và ở mức độ thấp hơn là Mỹ;
nhưng không nước nào có ngân hàng trung ương theo đúng nghĩa, tức là ngân hàng có độc quyền phát hành tiền giấy và là người cho vay cuối cùng. Chỉ một vài nước có luật về thị trường chứng khoán, nhưng lại không đầy đủ và hiếm khi được tuân theo. Không nước nào có quy định về thuế thu nhập, trừ trường hợp được sử dụng như là biện pháp “khẩn cấp” trong thời kì chiến tranh (ví dụ, Anh thời kì 1799-1816, Đan Mạch trong thời kì Chiến tranh Napoleon).
Ngoài ra, không một nước NDC nào có các thiết chế phúc lợi xã hội, hoặc quy định về thời gian làm việc của người lao động, lao động trẻ em hoặc về sức khỏe
và an toàn lao động. Một hoặc hai bộ luật nhỏ và không có hiệu quả về điều tiết lao động trẻ em ở một số ngành dệt ở Anh (luật năm 1802 và năm 1819), và giới hạn tuổi làm việc hợp pháp từ chín tuổi trở lên ở Áo (1787) là những ngoại lệ duy nhất.
B. 1875 – Công nghiệp hóa hết tốc lực
Đến năm 1875, cùng với quá trình công nghiệp hóa, các nước NDC đã trải qua quá trình phát triển thiết chế đáng kể, nhưng chất lượng của các thiết chế này vẫn không được như chúng ta kì vọng với các nước đang phát triển hiện nay, khi ở cùng một mức độ phát triển với các nước NDC trước đó (xem so sánh trong mục 3.3.3).
Không nước nào trong số các nước NDC có quyền phổ thông đầu phiếu, mặc dù một vài nước như Pháp, Đan Mạch và Mỹ, về mặt lí thuyết có quyền phổ thông đầu phiếu cho nam giới; nhưng ở Mỹ, sau đó đã bị rút lại. Nhưng ngay cả những nước này cũng không có một số thiết chế dân chủ cơ bản, ví dụ như bỏ phiếu kín, và gian lận trong bầu cử là hiện tượng phổ biến. Bộ máy hành chính chỉ mới bắt đầu áp dụng những yếu tố hiện đại chủ yếu, như tuyển dụng nhân tài và những biện pháp kỉ luật; nhưng ngay cả lúc đó cũng chỉ ở một vài nước tiên phong như Phổ và Anh (Mỹ không áp dụng hệ thống này), trong khi ở rất nhiều nước, việc giao quyền hành cho những người ủng hộ đảng phái thắng cử vẫn được sử dụng một cách rộng rãi.
Hầu hết các nước NDC có thể đã có luật về sáng chế (Thụy Sỹ và Hà Lan là những ngoại lệ nổi bật), nhưng chất lượng của những bộ luật này lại rất thấp.
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của người nước ngoài đặc biệt kém, một phần do lúc đó không có hệ thống quyền sở hữu trí tuệ quốc tế. Ví dụ, mặc dù là nước bảo vệ mạnh mẽ hệ thống bằng sáng chế quốc tế, Mỹ vẫn không công nhận bản quyền của người nước ngoài, và nhiều doanh nghiệp Đức vẫn tiếp tục làm giả hàng hóa của Anh.
Trong thời gian này, trách nhiệm hữu hạn phổ quát có thể đã thâm nhập vào nhiều nước (Thụy Điển, Anh, Bồ Đào Nha, Pháp và Bỉ), nhưng ngay cả những nước này cũng không có các luật lệ liên quan đến thủ tục kiểm toán và công khai thông tin của những công ty trách nhiệm hữu hạn. Phải ba thập kỉ sau khi Anh có Luật Phá sản tương đối “hiện đại”, theo đó, những người phá sản có cơ hội “khởi nghiệp lại từ đầu” (1849), Mỹ vẫn chưa có luật phá sản liên bang. Luật cạnh tranh có cũng như không, mặc cho sự phát triển rất nhanh của các doanh nghiệp lớn và những hoạt động theo kiểu tờ-rớt (trước đó, Điều 419 của Bộ luật Hình sự Pháp năm 1810 đã không còn được sử dụng).
Tại nhiều nước NDC, ngân hàng vẫn là thiết chế mới, nhiều nước trong số đó – nổi bật là Ý, Thụy Sỹ và Mỹ – vẫn chưa có ngân hàng trung ương. Ngay cả những nước về danh nghĩa là đã có ngân hàng trung ương (Bồ Đào Nha, Thụy Điển và Đức), thì tính hiệu quả của ngân hàng trung ương vẫn thường bị giới hạn nhiều, vì các ngân hàng này không có độc quyền phát hành tiền giấy. Luật về
hoạt động ngân hàng vẫn hiếm, việc cho vay theo lối “ô dù” và ngân hàng phá sản là chuyện phổ biến. Ngay cả Anh – nước có thị trường chứng khoán phát triển nhất – cũng không có quy định chứng khoán phù hợp, kết quả là mua bán tay trong và thao túng giá cả là những hiện tượng thường xảy ra. Thuế thu nhập thường trực đầu tiên được áp dụng ở Anh năm 1842, vẫn là hiện tượng mới.
Trong thời kì này, không nước NDC nào có hệ thống phúc lợi xã hội hiện đại, ngoại lệ duy nhất là bảo hiểm tai nạn lao động ở Đức năm 1871. Những thiết chế điều tiết lao động trẻ em đã có ở một số nước như Anh, Phổ và Thụy Điển, nhưng thường là thực thi kém. Ở nhiều nước, việc sử dụng lao động trẻ em ở độ tuổi từ 9 đến 12 vẫn được chấp nhận. Trong thời gian này, một số nước khác như Bỉ, Ý và Na Uy không có bất cứ luật lệ nào về lao động trẻ em. Tất cả các nước NDC đều chưa áp dụng thời gian làm việc tối đa đối với nam giới, mặc dù một vài nước đã thông qua luật hạn chế thời gian làm việc của nữ giới; nhưng thời gian làm việc lại tương đối dài: 10 đến 12 giờ một ngày. Luật đảm bảo an toàn tại nơi làm việc, nếu có, cũng hầu như không được thực thi.
C. 1913 – Công nghiệp hóa bắt đầu chín muồi
Đến năm 1913, khi những nước NDC thịnh vượng nhất đạt được mức giàu có tương đương với mức của các nước giàu hơn trong số các nước đang phát triển hiện nay (Brazil, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kì, Mexico, Columbia), tức là những nước được kì vọng là đã thiết lập được các thiết chế đạt “tiêu chuẩn quốc tế”, thì những nước NDC đang phát triển lúc đó có các thiết chế chất lượng thấp hơn.
Quyền phổ thông đầu phiếu vẫn còn là hiện tượng mới – chỉ có ở Na Uy và New Zealand – và thậm chí quyền phổ thông đầu phiếu thực sự cho nam giới theo nghĩa “mỗi người một lá phiếu” vẫn chưa phổ biến. Ví dụ như ở Mỹ và Úc có sự phân biệt về sắc tộc; trong khi ở Đức mỗi người lại có số phiếu bầu khác nhau, tùy thuộc vào tài sản, trình độ học vấn và tuổi tác. Phải đến năm 1913 ở Pháp mới có bỏ phiếu kín; Đức hoàn toàn không có bỏ phiếu kín. Quá trình hiện đại hóa bộ máy hành chính đã có những bước tiến quan trọng, đặc biệt là ở Đức, nhưng việc giao chức vụ cho những người ủng hộ đảng thắng cử vẫn phổ biến ở nhiều nước (nhất là Mỹ và Tây Ban Nha); trong khi đó, tính chuyên nghiệp của bộ máy hành chính là hiện tượng thậm chí vừa mới xuất hiện ở những nước như Mỹ – ba thập kỉ kể từ khi việc tuyển dụng với mức độ cạnh tranh tối thiểu được áp dụng trong bộ máy quản lí liên bang Mỹ (năm 1883).
Ngay cả ở Anh và Mỹ, thiết chế quản lí doanh nghiệp cũng cực kì thiếu sót, nếu so với tiêu chuẩn hiện đại. Anh đã thông qua luật kiểm toán bắt buộc đối với các công ty trách nhiệm hữu hạn, trước một thập kỉ so với Mỹ (1900), nhưng do lỗ hổng của luật pháp, bảng cân đối tài sản của các công ty đưa ra thường không được cập nhật. Ở cả hai nước này, việc công khai thông tin cho các nhà đầu tư khi chào bán chứng khoán cho công chúng vẫn không bắt buộc. Luật cạnh tranh có cũng như không: Mặc dù đã được nói đến trong Đạo luật Sherman năm 1890, nhưng phải đến Đạo luật Clayton năm 1914 thì nước này mới có luật chống tờ- rớt đúng nghĩa. Châu Âu phải đợi thêm một thập kỉ nữa mới có luật cạnh tranh đầu tiên, đó là Luật Các-ten của Đức năm 1923.
Hoạt động ngân hàng tiếp tục phát triển chậm – ví dụ, ở Mỹ, các chi nhánh vẫn không được chấp nhận. Ở hầu hết các nước, luật về hoạt động ngân hàng vẫn mang tính chắp vá. Ngân hàng trung ương trở thành thiết chế phổ biến, nhưng chất lượng vẫn kém xa những điều hiện nay chúng ta kì vọng. Ví dụ, mãi đến năm 1913, Mỹ mới có ngân hàng trung ương và ngân hàng này chỉ kiểm soát được 30% ngân hàng trong nước mà thôi. Ngân hàng trung ương Ý vẫn phải đấu tranh giành độc quyền phát hành tiền giấy. Mua bán tay trong và thao túng giá chứng khoán vẫn chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ. Cả Anh và Mỹ, những nước có thị trường chứng khoán phát triển nhất, đều không có luật về chứng khoán (phải đến năm 1939 Anh mới có luật này, còn Mỹ thì đến năm
1933). Thuế thu nhập vẫn được coi là hiện tượng mới. Phải đến năm 1913, sau hai thập kỉ chiến đấu trên mặt trận chính trị và tranh cãi trên mặt trận pháp lí, Mỹ mới áp dụng thuế thu nhập; trong khi đó, Thụy Điển mặc dù đã áp dụng rộng rãi thuế thu nhập trong những giai đoạn về sau, nhưng tại thời điểm đó, nước này vẫn hoàn toàn chưa áp dụng thuế thu nhập.
Chỉ có một điều NDC làm tốt, so với những nước đang phát triển ở trình độ tương đương, là các thiết chế an sinh xã hội, với sự phát triển đặc biệt ấn tượng từ những năm 1880. Đến năm 1913, hầu hết các nước NDC (trừ Canada, Mỹ và Bồ Đào Nha) đã có – mặc dù chưa đầy đủ – bảo hiểm tai nạn lao động, bảo hiểm sức khỏe (trừ Hà Lan, New Zealand, Tây Ban Nha, Phần Lan, Úc và Bồ Đào Nha) và hệ thống lương hưu (trừ Na Uy, Phần Lan, Thụy Sỹ, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha). Nhưng bảo hiểm thất nghiệp vẫn là hiện tượng mới, được áp dụng đầu tiên ở Pháp năm 1905; và sau đó là Ireland, Anh, Đan Mạch và Na Uy năm 1913. Nhưng những nước như Na Uy và Thụy Điển vẫn tước quyền bầu cử của những người được nhận trợ cấp xã hội.
Nhiều luật về lao động liên quan đến thời gian làm việc, an toàn tại nơi làm việc, lao động trẻ em và phụ nữ cũng được thông qua trong thời gian này, nhưng tiêu chuẩn còn rất thấp, mức độ bao trùm vẫn hạn chế, và việc thực thi cũng chưa tốt. Ví dụ như Mỹ, việc giới hạn thời gian lao động là 10 giờ mỗi ngày đã bị những người quản lí và các vị thẩm phán bảo thủ kịch liệt phản đối, và mãi đến 1/4 thế kỷ sau thì lao động trẻ em mới bị cấm trên toàn liên bang (1938).
Thời điểm này, không nước nào có thời gian làm việc một tuần là 48 giờ (chưa nói đến 40 giờ một tuần).