Chương 1: CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA ĐỀ TÀI
1.4. Bài học rút ra từ tổng quan tài liệu
Các công trình nghiên cứu nước ngoài đã đưa ra nhiều quan điểm khác nhau về phát triển cà phê bền vững, nhưng chung quy lại phát triển cà phê bền vững được dựa trên nền tảng của phát triển nông nghiệp bền vững. Các thuật ngữ “cà phê hữu cơ“, “cà phê bóng che“, “cà phê thương mại bình đẳng“ luôn được đề cập nhiều trong các nghiên cứu. Các nghiên cứu kết luận rằng những loại cà phê này đều được gọi chung một tên là cà phê bền vững. Đến những năm 2000, cà phê bền vững được hiểu là cà phê được cấp giấy chứng nhận mới.
“Cà phê hữu cơ”,“cà phê bóng che” là nói đến phát triển cà phê bảo đảm bền vững về môi trường, cà phê được sản xuất với các phương pháp bảo tồn đất và nghiêm cấm việc sử dụng các hóa chất tổng hợp.
“Cà phê thương mại bình đẳng” là nói đến phát triển cà phê bảo đảm bền vững về kinh tế và xã hội, cà phê được mua trực tiếp từ hợp tác xã của nông dân có quy mô nhỏ, bảo đảm một mức giá hợp đồng để tối thiểu chi phí trung gian, có lợi cho người trồng cà phê và nâng cao hiệu quả kinh tế. Như vậy, cà phề bền vững cũng được xem xét trong sự liên kết chặt chẽ giữa các vấn đề bền vững về môi trường, xã hội và kinh tế. Cụ thể, trong vấn đề sản xuất cà phê là tính hữu cơ, canh tác dưới tán cây và công bằng trong thương mại cà phê.
Các nghiên cứu trong nước là những công trình quan trọng có đóng góp to lớn trong phân tích thực trạng, khai thác tiềm năng sản xuất, kinh doanh, chỉ
ra những bất cập trong việc phát triển ngành cà phê Việt Nam, đề xuất các giải pháp cơ bản phát triển ngành cà phê bền vững trong thời gian qua.
Các nghiên cứu trên cũng đã đề cập đến những mặt, những khía cạnh về cơ sở lý luận, phương pháp và các nhân tố tác động đến phát triền cà phê bền vững. Tuy nhiên, những nghiên cứu này được thực hiện trong các phạm vi và thời gian khác nhau và đề cập đến những khía cạnh khác nhau của việc nghiên cứu PTCPBV. Chưa có một nghiên cứu, bài viết nào nghiên cứu một cách chi tiết, hoàn chỉnh và có tính hệ thống về PTCPBV.
Trên cơ sở nghiên cứu các quan điểm khác nhau có liên quan đến PTCPBV, tác giả đề tài cho rằng: “PTCPBV là quá trình phát triển hướng tới thay đổi về kỹ thuật và công nghệ sản xuất và chế biến cà phê thân thiện với môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế, công bằng xã hội, nhằm đảm bảo thỏa mãn nhu cầu sản phẩm cà phê chất lượng cao của con người cho thế hệ hôm nay và mai sau”.
Quan điểm trên cho thấy PTCPBV được xem xét trên 3 phương diện là môi trường, kinh tế và xã hội. Trong quan điểm của tác giả là PTCPBV phải hướng tới sự thân thiện với môi trường, thông qua việc thay đổi, hoàn thiện kỹ thuật và công nghệ sản xuất cà phê theo hướng vừa đảm bảo môi trường sinh thái, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nhằm thỏa mãn nhu cầu sản phẩm cà phê ổn định, chất lượng cao của con người cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Điều này sẽ giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực về kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái, đồng thời đảm bảo chất lượng của sản phẩm cà phê, tăng sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.
Do đó PTCPBV phải xem xét bối cảnh kinh tế, xã hội, môi trường cụ thể của quốc gia và địa phương đó để đặt ra các mục tiêu và kế hoạch hành động PTCPBV cho phù hợp. Tùy theo bối cảnh phát triển cụ thể, có thể áp dụng các biện pháp ưu tiên khác nhau cho các nước, địa phương. Mặc dù có những điểm khác biệt giữa các quốc gia, các địa phương, nhưng phát triển cà phê theo hướng
bền vững nên là hướng ưu tiên của các quốc gia, địa phương, trong đó có huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.