7. Kết cấu của luận án
4.1. VỀ CẤU TRÚC VĨ MÔ VÀ CẤU TRÚC VI MÔ
Về mặt thuật ngữ, vĩ mô ở đây không có nghĩa là to lớn và vi mô không có nghĩa là nhỏ bé. Vĩ mô có nghĩa là quan hệ tương tác giữa các chỉnh thể thống nhất với nhau để hình thành một chỉnh thể hệ thống lớn hơn. Trong thực tế, cấu trúc vĩ mô của diễn ngôn đã được thảo luận dưới nhiều tên gọi khác nhau: Halliday và
Hassan: cấu trúc vĩ mô (macro – structure), cấu trúc chức năng, cấu trúc giản đồ (schematic structure), khuôn mẫu diễn đạt (rhetorical patterns) (Dẫn theo [43]). Trong chương này, chúng tôi không trao đổi về quan niệm cấu trúc vĩ mô, vi mô, mà chỉ nêu để xác định phạm vi nghiên cứu cho phần này của luận án. Trong phạm vi của chương này, cấu trúc vĩ mô được hiểu là khuôn hình cấu trúc của bài bình luận.
Vi mô, (dẫn theo [43]) theo định nghĩa từ điển Ted Honderics, là cấu tạo bên trong của nội bộ một hệ thống riêng biệt. Trong hai loại cấu trúc thì cấu trúc vĩ mô quyết định cơ chế vi mô của diễn ngôn. Các đặc điểm cấu trúc: đầu đề, phần mở đầu, phần phát triển, phần kết luận, đoạn văn…, giữ chức năng tổ chức diễn ngôn thành một khuôn hình. Các yếu tố này, chúng tôi coi là các yếu tố tổ chức vĩ mô của văn bản.
Halliday và Hassan [116] đưa ra khái niệm chất văn bản (texture), trong đó
trường, phương thức, không khí chung được coi là các phạm trù thuộc mặt ngoại
tại của chất văn bản. Mặt nội tại của chất văn bản (tổ chức nội bộ các thành tố trong văn bản) gồm hệ thống liên kết và hệ thống cấu trúc thông tin. Phương diện ngoại tại của chất văn bản cho thấy văn bản như là một hệ thống hoạt động trong quan hệ phù hợp với ngữ cảnh và nó chính là cấu trúc vĩ mô của văn bản. Mặt ngoại tại của diễn ngôn thuộc ngữ cảnh tình huống; mặt nội tại của diễn ngôn thuộc ngôn ngữ học. Hai mặt này quan hệ ràng buộc với nhau như hai mặt của một tờ giấy, không có cái nọ thì sẽ không có cái kia. Như vậy, theo quan điểm này thì cấu trúc của văn bản bao gồm cả các yếu tố bên trong và bên ngoài của văn bản. Trong chương này của luận án, chúng tôi vận dụng cách tiếp cận của tác giả Nguyễn Thị Hà [43], dùng cấu trúc vĩ mô và cấu trúc vi mô để chỉ cấu trúc diễn ngôn khi được tiếp cận từ một quan điểm đã dẫn.