Hoạt động du lịch đã góp phần bảo tồn, duy trì lâu bền những giá trị văn hóa đang dần mai một hoặc bị phá hủy bởi thời gian, bởi sự lãng quên của người dân bản địa. Tuy nhiên, hoạt động du lịch cũng mang đến những tác động tiêu cực đối với nền văn hóa. Du lịch thâm nhập vào cộng đồng, làm thương mại hóa những giá trị văn hóa bản địa thuần túy. Ngày nay, dễ dàng nhận thấy những hình ảnh khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, các quán ăn tạm, các cửa hàng bán đồ lưu niệm… mọc lên nhan nhản với các hoạt động kinh doanh manh mún, xô bồ xung quanh khu vực du lịch.
Du lịch cũng ảnh hưởng đến lối sống của một bộ phận người dân địa phương, làm mai một đi những giá trị văn hóa trong tâm thức họ. Ngày nay đến Cúc Phương, du khách có thể thấy những chàng trai, cô gái dân tộc Mường ăn mặc lai căng, nói tiếng Kinh, tiếng Anh sõi hơn tiếng mẹ đẻ. Với
các sản phẩm thổ cẩm được bày bán tại mọi điểm du lịch, tất cả đều hao hao giống nhau. Chủ yếu là thổ cẩm công nghiệp, dệt bằng sợi nilon, phối mầu và hoa văn dệt theo kiểu thổ cẩm. Do đó, sự độc đáo của thổ cẩm thể hiện từ quan niệm màu sắc đến các hoa văn tinh tế, được kí hiệu hóa để chuyển tải các dấu hiệu có tính biểu tượng của văn hóa mỗi tộc người chưa được giới thiệu chi tiết. Chủ yếu là quảng cáo để bán các sản phẩm từ thổ cẩm như túi, ví, khăn...
Văn hố Mường qua nhiều thế hệ đã khẳng định sự giàu có và đồ sộ của mình với áng sử thi Đẻ đất, đẻ nước, các bài mo, mỡi, văn hoá cồng chiêng, kiến trúc nhà sàn, cọn nước, dệt thổ cẩm và những hoa văn trang trí độc đáo trên cạp váy Mường. Những đêm hội cồng chiêng, nghiêng ngả ché rượu cần chính là chất men tạo nên sự quyến rũ và cuốn hút của văn hoá Mường với du khách gần xa. Những ngôi nhà sàn đang dần vắng bóng trong những làng xóm của người Mường, chỉ còn rất ít người Mường mặc trang phục dân tộc, ít đám cưới được tổ chức theo nghi thức truyền thống. Tiếng Mường và việc sử dụng tiếng Mường trong sinh hoạt hằng ngày đang trong tình trạng báo động.