CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN
1.4. Tính cấp thiết của đề tài
24
Sở hữu trí tuệ là động lực phát triển của nhân loại, nhất là trong kỷ nguyên của nền kinh tế tri thức để đưa các nước tiến mạnh lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa như đường lối của Đại hội Đảng đề ra. Sở hữu trí tuệ hiện nay cũng là một trong những trụ cột của thương mại quốc tế, kể cả đa phương lẫn song phương. Do đó, trong những chính sách gần đây của Chính phủ, đổi mới sáng tạo luôn được nhắc đến như là nền tảng phát triển đất nước. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp nói chung và đơn đăng ký sáng chế nói riêng được nộp vào Cục SHTT đã tăng một cách đáng kể qua các năm.
Tài liệu sáng chế, giải pháp hữu ích là nguồn tài nguyên trí tuệ quan trọng bảo vệ lợi ích của cá nhân, tổ chức và các công ty. Khác với các tài liệu web thông thường, tài liệu bằng sáng chế, giải pháp hữu ích có định dạng được xác định rõ ràng bao gồm bản tóm tắt, phần mô tả, yêu cầu bảo hộ và hình vẽ. Tuy nhiên, chúng dài và phong phú về thuật ngữ kỹ thuật, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của con người để phân tích. Do đó, những năm gần đây xuất hiện nhu cầu điều tra, xử lý và phân tích các tài liệu bằng sáng chế, giải pháp hữu ích [28].
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhằm bảo đảm quyền lợi cho người sáng tạo có thể khai thác giá trị kinh tế từ các thành quả sáng tạo do mình tạo ra, bù đắp công sức sáng tạo, đồng thời công bố sản phẩm trí tuệ cho toàn xã hội biết để chia sẻ, ứng dụng kết quả nghiên cứu của mình, tiết kiệm chi phí nghiên cứu. Tuy nhiên, việc bảo hộ SC, GPHI nói chung cũng như giá trị pháp lý của bằng SC, GPHI nói riêng vẫn chưa được các chủ đơn quan tâm, dường như các chủ đơn vẫn thờ ơ với với việc đăng ký SC, GPHI bởi những nguyên nhân sau:
- Trước hết, nguyên nhân xuất phát từ những đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, quyền sở hữu chưa được rõ ràng nên việc đăng ký còn bị hạn chế do trở ngại liên quan đến tranh chấp quyền sở hữu.
- Thứ hai, việc các chủ đơn lo sợ lộ giải pháp kỹ thuật, bí quyết kỹ thuật cũng khiến cho việc đăng ký SC, GPHI ít đi. Tuy nhiên, trên thực tế, việc bảo hộ
25
SC, GPHI chỉ cần bộc lộ 70-80% bản chất đối tượng bảo hộ là đã đạt yêu cầu, còn 20-30% bí quyết công nghệ có thể được giữ lại.
- Quan trọng hơn nữa là rất nhiều chủ đơn chưa ý thức được đầy đủ ý nghĩa của việc đăng ký bằng SC, GPHI.
Một bộ phận chủ đơn chưa khai thác được ý nghĩa và vai trò tích cực của việc yêu cầu bảo hộ SC, GPHI cho giải pháp kỹ thuật của mình. Khi chủ đơn được cấp bằng SC, GPHI, họ có quyền sản xuất độc quyền ở trong nước cũng như cấm các doanh nghiệp khác nhập khẩu sản phẩm tương tự và tiêu thụ vào thị trường trong nước. Trên thực tế, còn tồn tại không ít chủ đơn xem nhẹ việc bảo hộ cho sản phẩm của mình, tạo điều kiện cho hàng giả hàng nhái xuất hiện trên thị trường với mục tiêu lợi nhuận.
Thực trạng cho thấy các chủ đơn chưa cập nhật đầy đủ các thông tin về SHTT, bởi vậy khi nộp đơn vào Cục Sở hữu trí tuệ, các đơn bị từ chối bởi nhiều lý do, không chỉ về chuyên môn và mà còn về các thủ tục, hình thức của đơn.
Xuất phát từ tình hình thực tế trên, chúng tôi tiến hành thực hiện đề tài
“Phân tích thực trạng cấp văn bằng bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích trong
lĩnh vực dược tại Cục Sở hữu trí tuệ năm 2020”, để từ kết quả nghiên cứu đưa
ra một số ý kiến đề xuất giúp quá trình đăng ký bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích của người nộp đơn được thuận lợi và công tác quản lý việc cấp văn bằng bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích tại Cục Sở hữu trí tuệ được tốt hơn.
26