3.1 Dữ liệu trong nghiên cứu
Trong quá trình hoàn thành bài báo cáo này, tác giả đã tiến hành thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau để phục vụ cho mục đích nghiên cứu. Các nguồn dữ liệu đã thu thập được phân thành hai loại là nguồn thông tin sơ cấp và nguồn thông tin thứ cấp. Trong đó, nguồn thông tin sơ cấp được tập hợp từ việc phỏng vấn chuyên sâu 7 học sinh lớp 12 tại trường THPT Nguyễn Trung Trực, và phỏng vấn trực tiếp kết hợp trực tuyến thông qua bảng câu hỏi khảo sát đối với 200 học sinh lớp 12 nhằm phục vụ cho nghiên cứu. Nguồn thông tin thứ cấp được tác giả tổng hợp từ các nguồn như sau: các bài báo khoa học, các đề tài nghiên cứu khoa học, luận văn, giáo trình, báo chí và một số thông tin tham khảo từ internet.
3.2 Tiến trình nghiên cứu
Tiến trình nghiên cứu được chia thành 3 giai đoạn chính, mỗi giai đoạn gồm nhiều bước:
Giai đoạn một: Tác giả tiến hành nghiên cứu định tính. Sau khi nghiên cứu đặc điểm về đối tượng nghiên cứu và xác định mục tiêu nghiên cứu, tác giả đã đưa ra tính cấp thiết của đề tài, nghiên cứu các học thuyết, lý thuyết cùng các mô hình nghiên cứu, các tài liệu nghiên cứu có liên quan, tham khảo ý kiến của giảng viên hướng dẫn. Hơn nữa, tác giả còn lấy thêm ý kiến của 7 học sinh lớp 12 trường THPT Nguyễn Trung Trực. Từ đó, tác giả có thể bước đầu xác định những nhân tố có ảnh hưởng đến ý định chọn trường đại học của học sinh THPT. Thêm vào đó, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu sơ bộ với 5 thang đo ban đầu gồm: cơ hội việc làm trong tương lai, học phí – cơ sở vật chất, đặc điểm bản thân học sinh, các cá nhân có ảnh hưởng, nỗ lực giao tiếp của trường ĐH, cùng 23 biến quan sát.
Giai đoạn hai: Tác giả tiến hành nghiên cứu định lượng. Bước đầu lấy ý kiến sơ bộ từ 50 bạn học sinh lớp 12 THPT Nguyễn Trung Trực, sau đó sàng lọc dữ liệu và đưa vào phần mềm SPSS 20.0 để xử lý dữ liệu và tiến hành các kiểm định cần thiết. Các thang đo và biến quan sát phù hợp với tiêu chuẩn sẽ được giữ lại để tiến hành bước khảo sát chính thức.
Giai đoạn ba: Tác giả tiến hành nghiên cứu chính thức. Cụ thể, tác giả khảo sát trực tuyến nhận được 227 phiếu trả lời và trực tiếp 50 người tạitrường THPT Nguyễn Trung Trực và
THPT Gò Vấp. Sau khi làm sạch dữ liệu, loại bỏ những mẫu không đạt tiêu chuẩn, tác giả tiến hành nhập liệu với 200mẫu hợp lệ, xử lý dữ liệu bằng SPSS 20.0, bằng phương pháp lấy mẫu thuận tiện, thực hiện các bước kiểm định: kiểm định độ tin cậy bằng hệ số Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá (EFA- Exploratory Factor Analysis). Kết quả trên dùng để phân tích hồi quy tuyến tính bội để kiểm định các giả thuyết của mô hình và tiến hành phân tích kết quả nghiên cứu. Từ đó, tác giả đưa ra một số hàm ý quản trị nhằm giúp các trường đại học đưa ra các chính sách thu hút học sinh vừa thoã mục tiêu nhà trường đặt ra vừa mang tính bền vững lâu dài.
Hình 3.1 Tiến trình thực hiện nghiên cứu
Nguồn: Tác giả thiết kế