Các quy định về quản lý chất thải

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp ở việt nam (Trang 46 - 49)

2.3. Thực trạng quy định về quản lý chất thải tại các KCN

2.3.1. Các quy định về quản lý chất thải

Điều 68 Luật bảo vệ môi trường 2014 quy định chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc thu gom, xử lý nước thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường; thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý, thải bỏ chất thải rắn theo quy định của pháp luật; bảo đảm không để rò rỉ, phát tán khí độc hại ra môi trường; hạn chế tiếng ồn, độ rung, phát sáng, phát nhiệt gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường xung quanh và người lao động; bảo đảm nguồn lực, trang thiết bị đáp ứng khả năng phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; xây dựng và thực hiện phương án bảo vệ môi trường. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh lượng chất thải lớn, nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường phải có bộ phận chuyên môn hoặc nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường; phải được xác nhận hệ thống quản lý môi trường theo quy định của Chính phủ.

Chất thải công nghiệp: là những chất thải phát sinh từ quá trình sản xuất công nghiệp, gồm có chất thải nguy hại và các chất thải thông thường. Chất thải công nghiệp, đặc biệt là chất thải nguy hại là một thách thức lớn đối với công tác quản lý môi trường của nhiều địa phương trong cả nước, các chất thải công nghiệp có thể ở dạng khí, lỏng, rắn.

Nước thải từ KCN: Có thành phần đa dạng, chủ yếu là các chất lơ lửng, chất hữu cơ, dầu mỡ và một số kim loại nặng. Với mỗi ngành nghề sản xuất

kinh doanh, mỗi nhà máy, thành phần nước thải không giống nhau dẫn đến việc xử lý tập trung khó khăn. Trong nhiều trường hợp, nước thải của các nhà máy, doanh nghiệp trộn lẫn sẽ tạo thành chất gây ô nhiễm mới rất nguy hại đối với môi trường. Thông thường, ở các KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các doanh nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải riêng sẽ ký hợp đồng xử lý nước thải ở cơ sở tập trung. Đến nay, trên phạm vi cả nước đã có 221/251 KCN, KCX đang hoạt động có HTXLNTTT đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, đạt 88,05% (tăng 8,05% so với năm 2017) [16, tr.18] đạt chỉ tiêu đề ra, trong đó các địa phương có số lượng KCN lớn như TP.Hồ Chí Minh, TP.Hà Nội, các tỉnh: Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Quảng Ninh, Bắc Ninh,.. tỷ lệ này đều đạt 100% (Phụ lục I: Tỷ lệ các KCN, KCX đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường trên phạm vi cả nước năm 2018 theo Báo cáo số 206/BC- CP ngày 15/5/2019 của Chính phủ).

Ô nhiễm không khí, tiếng ồn tại KCN: Chủ yếu là do ô nhiễm bụi, ở một số KCN xuất hiện ô nhiễm CO, SO2, NO2. Nhìn chung, vấn đề ô nhiễm không khí thường tập trung ở những KCN cũ do công nghệ lạc hậu, chưa đầu tư hệ thống khí thải. Nồng độ bụi STP tại rất nhiều điểm quan trắc xung quanh các KCN vượt giới hạn cho phép theo QCVN 05:2013/BTNMT, thậm chí vượt nhiều lần giới hạn cho phép đối với trung bình 24 giờ và trung bình năm [31]. Bên cạnh đó, một số ngành công nghiệp đang hoạt động vẫn tiếp tục phát thải vào môi trường không khí một lượng bụi lớn, đó là các ngành khai khoáng, nhiệt điện, xi măng. Tại hầu hết các khu vực quan trắc xung quanh các KCN, mức ồn đo được đều xấp xỉ hoặc vượt theo quy chuẩn QCVN 26:2010/BTNMT.

Chất thải rắn (CTR): Theo thống kê bình quân mỗi ngày các KCN nước ta thải ra hàng chục nghìn tất chất thải rắn; bình quân mỗi năm thải ra trên

triệu tấn. Theo dự báo đến năm 2020 sẽ tăng lên 9-13,5 triệu tấn/năm. Tuy nhiên vấn đề thu gom, vận chuyển và tái chế, tái sử dụng CTR ở các KCN còn nhiều bất cập, đặc biệt đối với vận chuyển, quản lý và đăng ký nguồn thải đối với chất thải nguy hại.

Hoạt động quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải tại KCN [21, tr.145]

Theo khoản 15, Điều 3 Luật bảo vệ môi trường 2014 quy định quản lý chất thải là quá trình phòng ngừa, giảm thiểu, giám sát, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải. Việc quản lý chất thải phải bảo đảm được quản lý trong toàn bộ quá trình phát sinh, giảm thiểu, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và tiêu hủy. Chất thải thông thường có lẫn chất thải nguy hại vượt ngưỡng quy định mà không thể phân loại được thì phải quản lý theo quy định của pháp luật về chất thải nguy hại [32].

Như vậy, để phục vụ việc quản lý chất thải, chúng ta phải tiến hành phân định để xác định một vật chất là chất thải hay không phải là chất thải, chất thải nguy hại hay chất thải thông thường và xác định chất thải đó thuộc một loại hoặc một nhóm chất thải nhất định với mục đích để phân loại và quản lý trên thực tế. Sau đó tiến hành phân loại chất thải là hoạt động phân tách chất thải trên thực tế nhằm chia thành các loại hoặc nhóm chất thải để có quy trình quản lý khác nhau.

Vận chuyển chất thải là quá trình chuyên chở chất thải từ nơi phát sinh đến nơi xử lý, có thể kèm theo hoạt động thu gom, lưu giữ tạm thời, trung chuyển chất thải và sơ chế chất thải tại điểm tập kết hoặc trung chuyển.

Tái sử dụng chất thải là việc sử dụng lại chất thải một cách trực tiếp hoặc sau khi sơ chế mà không làm thay đổi tính chất của chất thải.

Sơ chế chất thải là việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật cơ - lý đơn thuần nhằm thay đổi tính chất vật lý như kích thước, độ ẩm, nhiệt độ để tạo

điều kiện thuận lợi cho việc phân loại, lưu giữ, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý nhằm phối trộn hoặc tách riêng các thành phần của chất thải cho phù hợp với quy trình quản lý khác nhau.

Tái chế chất thải là quá trình sử dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật để thu lại các thành phần có giá trị từ chất thải.

Thu hồi năng lượng từ chất thải là quá trình thu lại năng lượng từ việc chuyển hóa chất thải.

Xử lý chất thải là quá trình sử dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật để làm giảm, loại bỏ, cô lập, cách ly, thiêu đốt, tiêu hủy, chôn lấp chất thải và các yếu tố có hại trong chất thải.

Đồng thời xử lý chất thải và việc kết hợp một quá trình sản xuất sẵn có để tái chế, xử lý, thu hồi năng lượng từ chất thải trong đó chất thải được sử dụng làm nguyên vật liệu, nhiên liệu thay thế hoặc được xử lý.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp ở việt nam (Trang 46 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)