Một số tranh chấp tiền công ty

Một phần của tài liệu NHỮNG vấn đề PHÁP lý TRONG GIAI đoạn TIỀN CÔNG TY THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM (Trang 77 - 82)

7. Bố cục luận văn

2.6 Một số tranh chấp tiền công ty

Do tính chất đặc biệt của giai đoạn này, các tranh chấp liên quan đến các thoả thuận, giao dịch tiền công ty trên thực tế cũng xảy ra không ít. Tuy nhiên, sự lỏng lẻo trong các quy định pháp luật khiến việc giải quyết tranh chấp gặp không ít khó khăn. Đối tượng tranh chấp về cơ bản khá đa dạng và phải tuỳ vào thực tế sự kiện cũng như hoàn cảnh cụ thể để có hướng đánh giá và giải quyết phù hợp. Người viết xin được dẫn ra một số tranh chấp trên thực tế để làm cơ sở nghiên cứu và hiểu rõ hơn về giai đoạn này.

Tranh chấp hợp đồng thỏa thuận hợp tác thành lập Công ty [55]

Bản án số 2007/KDTM-ST ngày 18/10/2007 giữa. Nguyên đơn :Ông Đỗ Xuân Trường

Bị đơn : Bà Phạm thị Kiều Thu

Người có quyền và nghĩa vụ liên quan: Bà Mạch Kim Liên – sinh 1985; Bà Mạch Kim Lan – sinh 1986; Bà Đỗ thị Hồng Loan – sinh 1983

Nội dung cụ thể như sau:

Ngày 21/4/2006 ông Trường và bà Thu ký hợp đồng thỏa thuận hợp tác thành lập Công ty cổ phần Đầu tư Thẩm Mỹ Xuân Trường với các điều khoản như sau: bị đơn góp vốn bằng căn nhà số 139AB Nguyễn Trãi, Quận 1 TP.HCM còn nguyên đơn góp bằng tiền sửa chữa mặt bằng, đầu tư trang thiết bị và đầu tư thành lập Công ty. Sau khi hoàn tất thủ tục thành lập, Công ty gồm có 5 thành viên là bà Thu, ông Trường, bà Liên, bà Lan và bà Loan.

Công ty hoạt động được khoảng 2 tháng thì vào đầu tháng 7/2006, bị đơn tự ý đóng cửa Công ty, ngưng hợp đồng với nguyên đơn trước thời hạn, cất giấu toàn bộ hồ sơ giấy phép, dấu mộc của Công ty và khoá cửa. Theo lời khai của bà Thu, bà ký hợp đồng là do tin tưởng nguyên đơn có bằng cấp chuyên môn về phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng khi nhận được giấy phép thấy không được cấp phép kinh doanh ngành nghề này nên đã hỏi nguyên đơn. Nguyên đơn đề nghị sẽ thuê bằng của bác sĩ có chuyên môn để tiếp tục hoạt động kinh doanh. Bị đơn không chấp nhận vì đây là hành vi kinh doanh trái phép, nguyên đơn đã lừa dối bị đơn khi giao dịch hợp tác kinh doanh.

Về phía bà Liên và bà Lan, hai bà là đồng sở hữu căn nhà 139 AB Nguyễn Trãi Quận 1 và là thành viên của Công ty CP Đầu tư thẩm mỹ Xuân Trường, tuy nhiên, hai bà này không góp vốn cùng kinh doanh mà chỉ cùng ký tên vào hợp đồng hợp tác ngày 21/4/2006.

Bà Loan cũng xác nhận về hình thức bà là thành viên Công ty, thực tế không góp vốn và không rõ về hoạt động kinh doanh của Công ty.

Hợp đồng thỏa thuận hợp tác ngày 21/4/2006 thể hiện phần góp vốn của bà Thu và ông Trường như đã nêu trên; các thành viên khác không góp vốn (không có quyền sở hữu tài sản công ty và không được phân chia lợi nhuận). Đồng thời, chia lợi nhuận sau khi trừ chi phí hoạt động, được chia đều 50% cho bà Thu và ông Trường. Như vậy, Công ty đã kê khai không trung thực, không chính xác về nội dung hồ sơ đăng ký kinh doanh theo quy định khi xác nhận việc ghi tên và phần góp vốn của các bà Liên, Lan và Loan vào giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Trước khi hợp tác kinh doanh với bị đơn, ông Trường đã hoạt động hành nghề phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ tại Trung tâm chăm sóc sắc đẹp Xuân Phương ở số 55 Trương Định Quận 1 TP.Hồ chí Minh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề nêu trên và đã bị phạt theo quy định. Như vậy, việc bị

đơn cho rằng đã bị lừa dối khi ký hợp đồng hợp tác là có cơ sở, bởi lẽ, tại điều 3 trong hợp đồng ghi rõ ông Đỗ Xuân Trường chịu trách nhiệm về chuyên môn phẫu thuật. Do đó, căn cứ điều 131 Bộ luật dân sự, hợp đồng hợp tác bị vô hiệu toàn bộ do nhầm lẫn vì nguyên đơn đã cố ý làm cho bị đơn nhầm lẫn về nội dung giao dịch mà xác lập việc giao dịch trên với nguyên đơn.

Quyết định:

1. Tuyên bố hợp đồng thỏa thuận hợp tác lập ngày 21/4/2006 ký giữa ông Đỗ Xuân Trường và bà Phạm Thị Kiều Thu bị vô hiệu toàn bộ.

2. Kiến nghị Sở Kế hoạch và đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh xử lý hành vi vi phạm luật Doanh nghiệp đối với Công ty CP Đầu tư Thẩm Mỹ Xuân Trường về việc không thực hiện việc kê khai trung thực, chính xác về nội dung hồ sơ đăng ký kinh doanh.

Trong vụ việc trên, hợp đồng hợp tác kinh doanh là một trong những trường hợp điển hình cho các giao dịch tiền công ty. Các bên không những không tìm hiểu kỹ sự việc mà còn thành lập và hoạt động công ty một cách trái phép. Một khi giao dịch tiền công ty bị vô hiệu tuyệt đối, các hậu quả đặt ra đối với công ty cũng như quyền lợi của các bên bị ảnh hưởng rất nhiều. Đây cũng là một bài học đắt giá cho sáng lập viên trong quá trình chuẩn bị thành lập công ty và hoạt động kinh doanh. Bất cứ sự lừa dối, nhầm lẫn nào cũng sẽ không thể được chấp nhận trong chế định này.

Tranh chấp hợp đồng góp vốn và tư cách thành viên của công ty [56]

Bản án số 1851/2008/KDTMST ngày 14/11/2008 giữa: Nguyên đơn: Ông Nguyễn Tấn Lộc

Bị đơn: Bà Nguyễn Thị Lan và ông Trần Công Minh

Vụ việc được tóm tắt như sau: tháng 4 năm 2006, bà Nguyễn Thị Lan, ông Tạ Hùng Quốc Việt, ông Nguyễn Tấn Lộc, ông Nguyễn Phú Tài và bà Đặng Thị Phương Anh cùng nhau bàn bạc thành lập công ty trách nhiệm hữu

hạn sản xuất thương mại xuất nhập khẩu Đắc Phúc, dự kiến giao cho ông Lộc làm giám đốc và đại diện theo pháp luật của công ty, bà Lan làm chủ tịch hội đồng thành viên, ông Trần Công Minh (do bà Lan giới thiệu) làm thủ quỹ.

Các thành viên giao cho ông Tài mở và đứng tên tài khoản, việc rút tiền từ ngân hàng phải có chữ ký của cả ông Tài và ông Minh. Các cổ đông phải nộp một phần tiền trước ngày 10/4/2006 để trang trải cho việc thành lập công ty. Ông Lộc chịu trách nhiệm soạn thảo điều lệ công ty để các thành viên thông qua và đăng ký với sở kế hoạch và đầu tư. Ngày 07/4/2006, các thành viên gồm ông Lộc, ông Tài và bà Anh, có cả ông Minh, ông Việt cùng đến Vietcombank – chi nhánh Bình Tây mở tài khoản cho ông Tài đứng tên và nộp tiền vào tài khoản. Ông Nguyễn Tài nộp 191.000.000đ; bà Anh nộp 250.000.000đ ; ông Lộc nộp 250.000.000đ.

Sau khi nhận hồ sơ, Sở kế hoạch và đầu tư thành phố Hồ Chí Minh phát hiện số CMND mang tên Nguyễn Thị Lan không trùng khớp với số CMND ghi trong sổ hộ khẩu nên yêu cầu bà Lan điều chỉnh hoặc có xác nhận hợp lệ bổ sung hồ sơ thành lập công ty nhưng bà Lan không đáp ứng yêu cầu này.

Việc rút tiền từ tài khoản ngân hàng do ông Tài đứng tên để chi tiêu được ông Minh cập nhật vào cuốn sổ riêng do ông Minh giữ và có chữ ký duyệt của ông Lộc trong các khoản tiền rút từ ngân hàng hay chi cho việc thành lập công ty theo thỏa thuận của các thành viên góp vốn.

Đến tháng 5/2006, ông Mai Thanh Bình được tuyển làm kế toán trưởng đã thống kê lại chi thu quỹ tiền mặt trong tháng 4/2006, ông Lộc thấy các khoản chi tiêu không rõ từ phía bà Lan, ông Minh nên nhiều lần nhắc nhở kiểm quỹ, quyết toán đối chiếu nhưng hai người không làm.

Đến ngày 25/5/2006, bà Lan tuyên bố không thành lập công ty Đắc Phúc và chỉ đạo di dời, tẩu tán tài sản cũng như trả nhà thuê, trốn tránh việc trả lại vốn góp cho các thành viên.

Nguyên đơn yêu cầu Tòa án buộc bà Nguyễn Thị Lan và ông Trần Công Minh phải hoàn trả số tiền góp vốn là 220.000.000đ (đã trừ chi phí thành lập công ty 30.000.000đ), vì ngay từ lúc thỏa thuận góp vốn, bà Lan đã xác định chịu trách nhiệm về thủ quỹ mà mình giới thiệu.

Quyết định: Chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn (buộc ông Minh có trách nhiệm phải trả cho ông Lộc 155.000.000đ).

Như vậy, tại thời điểm công ty chưa được thành lập, mặc dù đã thực hiện nghĩa vụ góp vốn theo thỏa thuận nhưng tư cách thành viên công ty của người góp vốn vẫn chưa phát sinh. Mặc dù luật cho phép các thành viên được quyền ký các hợp đồng phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp trước đăng ký kinh doanh nhưng sau khi doanh nghiệp được thành lập thì mới chuyển giao các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng này cho công ty. Trường hợp công ty không được thành lập thì người ký hợp đồng chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm tài sản về việc thực hiện hợp đồng này.

Chương 3

KIẾN NGHỊ KHUNG PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN GIAI ĐOẠN TIỀN CÔNG TY

Một phần của tài liệu NHỮNG vấn đề PHÁP lý TRONG GIAI đoạn TIỀN CÔNG TY THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM (Trang 77 - 82)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)