Chủ sở hữu quyền tác giả

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Bảo hộ quyền tác giả tại Việt Nam với việc Việt Nam gia nhập Công ước Berne001 (Trang 58 - 60)

Theo Điều 36 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 thì chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này.

Các điều 37 và 42 của Luật sở hữu trí tuệ và Điều 27 Nghị định 100/2006/NĐ-CP quy định chủ sở hữu quyền tác giả là chính tác giả, đồng thời còn có Nhà nước là chủ sở hữu của các tác phẩm khuyết danh; tác phẩm còn trong thời hạn bảo hộ mà chủ sở hữu quyền tác giả chết không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận di sản hoặc không được quyền hưởng di sản; tác phẩm được chủ sở hữu quyền tác giả chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước. Cụ thể, chủ sở hữu quyền tác giả có thể là:

- Tổ chức, cá nhân Việt Nam;

- Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định tại Việt Nam;

- Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam;

- Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo Điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Việt Nam là thành viên.

Như thế, theo qui định của pháp luật hiện hành, chủ sở hữu quyền tác giả là:

- Tác giả là chủ sở hữu toàn bộ hoặc một phần quyền tác giả đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra;

- Các đồng tác giả là chủ sở hữu chung (hợp nhất hoặc theo phần) quyền tác giả đối với tác phẩm do họ cùng sáng tạo;

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu một phần quyền tác giả đối với tác phẩm mà họ giao nhiệm vụ sáng tạo hoặc giao kết hợp đồng sáng tạo với tác giả;

- Người thừa kế hợp pháp là chủ sở hữu một phần quyền tác giả sau khi tác giả chết trong trường hợp tác giả đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm;

- Cá nhân, tổ chức được chủ sở hữu quyền tác giả chuyển giao theo qui định của pháp luật;

- Nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả trong một số trường hợp nhất định theo qui định của pháp luật, ví dụ như tác phẩm khuyết danh.

Như trình bày ở trên, tác phẩm chỉ là sự hiện thực hoá sự sáng tạo trí tuệ của tác giả. Trong những trường hợp, chủ sở hữu không đồng thời là tác giả thì khi họ thực hiện quyền của mình không được ảnh hưởng tới quyền tác giả đã được bảo hộ.

Theo Công ước Berne thì chủ sở hữu trùng với tác giả, không có sự tách biệt riêng, ngoại trừ đối với tác phẩm điện ảnh, theo Điều 14 bis của Công ước Berne. Theo điều này thì các tác phẩm điện ảnh được bảo hộ như một nguyên tác nếu nó không vi phạm quyền tác giả của các tác phẩm đã dùng để phóng tác hay sao chép. Người sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh được hưởng những quyền giống như tác giả của tác phẩm gốc.

Như vậy, do sự phát triển của xã hội, điều kiện hiện nay nên quy định của pháp luật chúng ta về chủ sở hữu rộng hơn so với quy định của Công ước Berne về chủ sở hữu quyền tác giả.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Bảo hộ quyền tác giả tại Việt Nam với việc Việt Nam gia nhập Công ước Berne001 (Trang 58 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)