Cơ sở lý luận

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Biện pháp cưỡng chế kê biên và xử lý tài sản của người phải thi hành án dân sự 03 (Trang 29 - 33)

1.3. Cơ sở của việc quy định biện pháp cưỡng chế kê biên và xử lý tài sản của

1.3.1. Cơ sở lý luận

Việc pháp luật Thi hành án dân sự quy định về biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự nói chung và biện pháp cưỡng chế kê biên và xử lý tài sản của người phải thi hành án dân sự nói riêng xuất phát từ những cơ sở lý luận sau đây:

Thứ nhất, xuất phát từ yêu cầu cần có biện pháp có tính chất áp đặt, đủ sức “răn đe” trong khi biện pháp tự nguyện và biện pháp bảo đảm thi hành án không thực sự hiệu quả.

Trong thi hành án dân sự, thuật ngữ "cưỡng chế thi hành án dân sự" là việc Chấp hành viên được giao nhiệm vụ sử dụng quyền năng mà pháp luật trao cho để buộc người phải thi hành án phải thực hiện nghĩa vụ của họ đối với người được thi hành án mà nghĩa vụ đó đã được ấn định trong Bản án, quyết định đã có hiệu pháp luật. Và hiển nhiên, việc cưỡng chế thi hành án dân sự là trái với ý muốn chủ quan của người phải thi hành án. Khoản 2 Điều 9 Luật thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định: "Người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế thi hành án theo quy định của Luật này". Khoản 1 Điều 45 Luật thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định: "Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án". Như vậy, qua các quy định trên rút ra điều kiện bắt buộc phải thoả mãn đủ thì Chấp hành viên mới có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với người phải thi hành án là:

Người phải thi hành án có điều kiện thi hành án.

Khái niệm "có điều kiện thi hành án" đã được giải thích tại khoản 6 Điều 3 Luật thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014, theo đó là các trường hợp người phải thi hành án có tài sản, thu nhập để thi hành nghĩa vụ về tài sản; tự mình hoặc thông qua người khác thực hiện nghĩa vụ thi hành án (đối với nghĩa vụ về buộc thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định).

Để xác định là người phải thi hành án có điều kiện thi hành, Chấp hành viên phải tiến hành xác minh một cách đầy đủ và toàn diện, các nguồn cung cấp thông tin phải đáng tin cậy. Trong thực tế thi hành có nhiều trường hợp do không xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của công tác xác minh nên việc thu thập thông tin về điều kiện thi hành án diễn ra qua loa, chiếu lệ, không có sự chọn lọc thông tin thu thập được dẫn đến việc cưỡng chế tài sản không phải

là của người phải thi hành án hay là cưỡng chế tài sản của vợ để thi hành nghĩa vụ riêng của chồng ....

Đã hết thời gian tự nguyện thi hành án.

So với Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 và Luật thi hành án dân sự năm 2008, Luật thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2015 đã có quy định khác về thời gian tự nguyện thi hành án. Theo Pháp lệnh trước đây thì thời gian tự nguyện thi hành án do Chấp hành viên ấn định nhưng tối đa không quá 30 ngày. Luật thi hành án dân sự năm 2008 quy định thời gian tự nguyện thi hành án là 15 ngày. Đến nay, theo Luật thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì đối với mọi trường hợp, người phải thi hành án đều có thời gian tự nguyện thi hành án là 10 ngày, trừ trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, huỷ hoại tài sản hoặc trốn tránh việc thi hành án thì Chấp hành viên có thể áp dụng ngay các biện pháp bảo đảm hoặc biện pháp cưỡng chế thi hành án mà không cần phải đợi hết thời gian tự nguyện thi hành án.

Như vậy, sau khi được phân công tổ chức thi hành, Chấp hành viên cần thực hiện ngay việc thông báo Quyết định thi hành án cho người phải thi hành án để làm căn cứ tính thời điểm kết thúc thời hạn tự nguyện thi hành án vì khoản 1 Điều 45 Luật thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014 đã quy định thời gian tự nguyện là 10 ngày, mốc tính bắt đầu thời gian tự nguyện là kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án. Việc thông báo thế nào là hợp lệ được quy định cụ thể tại các Điều 40, 41, 42, 43 Luật thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014, Điều 12 Nghị định số 62/NĐ-CP ngày 18/7/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự và Điều 3 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân

dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự.

Như vậy, hai điều kiện nói trên là bắt buộc và phải thoả mãn đủ (nếu không thuộc trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, huỷ hoại tài sản hoặc trốn tránh việc thi hành án) thì Chấp hành viên mới có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với người phải thi hành án được. Chấp hành viên không được coi nhẹ bất cứ điều kiện nào nếu không rất dễ phát sinh khiếu nại từ phía người phải thi hành án. Trong thực tiễn đã chứng minh có nhiều trường hợp, Chấp hành viên vì coi nhẹ hoạt động thông báo nên đã không thực hiện việc thông báo quyết định thi hành án cho người phải thi hành án, sau khi cưỡng chế người phải thi hành án đã khiếu nại vì không nhận được quyết định thi hành án nên không biết thời gian tự nguyện thi hành.

Thứ hai, từ yêu cầu của việc đa dạng hóa các biện pháp tổ chức thi hành án dân sự và sự khác nhau giữa biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự và biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự.

Theo quy định tại Điều 9 Luật thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì tự nguyện thi hành án là một trong hai biện pháp thi hành án dân sự, cụ thể:

“1. Nhà nước khuyến khích đương sự tự nguyện thi hành án.

2. Người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế thi hành án theo quy định của Luật này”.

Tự nguyện thi hành án là xuất phát từ phía các bên đương sự, nhằm thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự đã được bản án, quyết định ghi nhận, thể hiện ý chí và sự mong muốn của các đương sự. Mặt khác, tự nguyện thi hành án còn là một biện pháp của Chấp hành viên được áp dụng trong quá trình thi hành án. Kết quả của tự nguyện thi hành án là tiền đề, là cơ sở, là căn cứ để Chấp hành viên áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án nếu đương sự không tự

nguyện thi hành án. Như vậy, tự nguyện thi hành án là biện pháp đầu tiên, quan trọng để các Chấp hành viên thi hành bản án, quyết định trên thực tế. Mặt khác, tự nguyện thi hành án cũng là mục tiêu phấn đấu và cũng là sự mong muốn hướng tới của các Cơ quan thi hành án dân sự nói chung và các Chấp hành viên nói riêng bởi hiệu quả của việc tự nguyện thi hành án là cao, giữ vững được sự ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trong khu vực, thắt chặt được mối quan hệ đoàn kết, tiết kiệm thời gian, tiền của, công sức và cao hơn hết là tác động đến ý thức chấp hành pháp luật của công dân. Thông qua tự nguyện thi hành án đối với những vụ việc khó khăn, phức tạp, phần nào đánh giá được năng lực chuyên môn nghiệp vụ của Chấp hành viên. Như vậy, có thể nói: “ Tự nguyện thi hành án là cách thức mà các đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan tự mình lựa chọn để thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản theo bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật”.

Trong khi đó, việc áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án trong thực tiễn đã cho thấy những hạn chế, bất cập nhất định. Chính vì vậy, việc áp dụng các biện pháp bảo đảm được các Chấp hành viên áp dụng hạn chế. Do đó, việc quy định các biện pháp cưỡng chế thi hành án nói chung và biện pháp cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án nói riêng trong Luật thi hành án dân sự là hết sức quan trọng.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Biện pháp cưỡng chế kê biên và xử lý tài sản của người phải thi hành án dân sự 03 (Trang 29 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)