Nguyên nhân của thực trạng

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng nhu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay (Trang 81 - 87)

- Tính minh bạch Tính minh bạch của pháp luật là một đòi hỏi rất quan

2.3.5. Nguyên nhân của thực trạng

Thứ nhất, các quy định của pháp luật về tính thống nhất và đồng bộ còn chưa đầy đủ và thống nhất, cụ thể:

Một là, pháp luật quy định chức năng nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước chưa rõ ràng, thậm chí còn chồng chéo. Trên thực tế vẫn còn tính trạng nhiều cơ quan nhà nước cùng ban hành các văn bản khác nhau để điều chỉnh cùng một vấn đề. Trên thực tế một tình trạng đáng báo động là cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản để quản lý thì dường như quên không tiến hành đối chiếu, rà soát với các văn bản còn hiệu lực khác. Vì vậy, tình trạng các văn bản đưa ra các quy định mâu thuẫn, chồng chéo không đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ là điều dễ hiểu.

Hai là, trong các văn bản pháp luật hiện nay tính thống nhất và đồng bộ chưa được quy định cụ thể cho nên xảy ra tính trạng các chủ thể trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng như trong quá trình kiểm tra xử lí văn bản quy phạm pháp luật vi phạm không biết dựa vào những tiêu chí nào để xác định một văn bản quy phạm pháp luật có đảm bảo

tính thống nhất, đồng bộ hay không dẫn tới có nhiều cách để hiểu tính thống nhất, đồng bộ trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và từ đó cách xử lí cùng một văn bản vi phạm cũng khác nhau.Ví dụ như: Luật Thanh tra chưa quy định việc xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra; chồng chéo giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra khác của các cơ quan nhà nước, do đó khi phát sinh không có cơ chế để xử lý, làm giảm hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra, kiểm tra nói chung và thanh tra nói riêng. Theo quy định tại Điều 44 của Luật Thanh tra, thủ trưởng cơ quan quản lý có trách nhiệm xem xét, xử lý kết luận, kiến nghị thanh tra, cho nên sau khi có kết luận thanh tra, việc thi hành kết luận phụ thuộc chủ yếu vào thủ trưởng. Luật chưa xác định cơ quan nào có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc thực hiện kiến nghị, kết luận, quyết định xử lý về thanh tra, do vậy nhiều quyết định xử lý về thanh tra không được cơ quan, tổ chức cá nhân có trách nhiệm thi hành hoặc thi hành không đúng, các hành vi sai phạm không được ngăn chặn, xử lý kịp thời, thậm chí tiếp tục diễn ra ở mức độ nghiêm trọng hơn.

Thứ hai, còn nhiều bất cập trong quá trình xây dựng ban hành văn bản pháp luật, biểu hiện:

Việc soạn thảo văn bản còn tùy tiện do luật, pháp lệnh không quy định chi tiết, chủ yếu là " luật khung" (Luật khung tức là các luật thường có nhiều điều khoản chỉ dừng lại ở những quy định mang tính nguyên tắc hoặc chung nhất, chưa đạt đến một sự điều chỉnh cụ thể, rõ ràng và đầy đủ đến mức cần thiết, do vậy chưa thể áp dụng ngay vào thực tiễn;cần có các văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý thấp hơn quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật) cần nhiều văn bản hướng dẫn tạo cơ hội nẩy sinh những mâu thuẫn, chồng chéo giữa luật với các văn bản dưới luật và giữa các văn bản dưới luật với nhau. Sự tùy tiện trong việc soạn thảo văn bản, rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành hiện nay vẫn sử dụng một công thức rất cũ, đó là đưa ra điều khoản "những quy định trước đây trái với văn bản này đều bãi

bỏ". Vì vậy, khi một văn bản mới ra đời vẫn chưa thể xác định chính xác được những quy định hoặc văn bản nào bị hủy bỏ hoặc hết hiệu lực thi hành.

Trong quá trình soạn thảo văn bản, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở trung ương chưa áp dụng kỹ thuật lập pháp "luật sửa nhiều luật" trong việc sửa đổi, bổ sung văn bản. Kỹ thuật " luật sửa nhiều luật" được hiểu là trong trường hợp ban hành văn bản mới có điều khoản mâu thuẫn với văn bản khác đã được ban hành trước đó, thì văn bản được ban hành trước sẽ được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm sự thống nhất và tính đồng bộ của hệ thống văn bản. Văn bản mới ban hành phải sửa đổi, bổ sung các văn bản khác có liên quan. Tuy nhiên, trên thực tế khi sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, mỗi ban soạn thảo hoặc cơ quan được giao chủ trì soạn thảo chủ yếu chỉ quan tâm đến việc soạn thảo hoặc sửa đổi, bổ sung từng văn bản đơn lẻ. Điều này dẫn đến sự không thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản pháp luật có liên quan.

Về mặt kỹ thuật, có tình trạng một vấn đề được nhắc lại ở nhiều đạo luật. Khi tiến hành sửa đổi một số điều của luật này mà không sửa đổi, giải quyết triệt để, đồng thời các điều luật khác thì không chỉ làm hạn chế khả năng sửa đổi chính luật đó mà còn làm mất đi tính thống nhất của hệ thống văn bản pháp luật, trong khi nguyên tắc áp dụng pháp luật quy định tại Điều 80 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không phải lúc nào cũng thực hiện được, dẫn đến xung đột pháp luật, ảnh hưởng đến hoạt động áp dụng, thi hành pháp luật. Ví dụ: Bộ luật Dân sự có quan hệ chặt chẽ với các luật khác như: Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thương mại… nhưng khi sửa các quy định của luật này có ảnh hưởng đến nội dung quy định trong luật kia thì cơ quan soạn thảo không giải quyết được ngay mà phải chờ một thời gian, khi việc sửa đổi này được đưa vào chương trình xây dựng luật chính thức. Trên thực tiễn, việc sửa một điều của Luật Tổ chức Quốc hội thường khó được chấp thuận, nếu được chấp thuận thì việc sửa đổi sẽ mất rất nhiều thời gian, có khi kéo dài vài năm, do đó, tâm lý của người soạn thảo là ngại sửa những điều, khoản đã

được các văn bản khác quy định. Điều này dẫn đến sự trì trệ, hạn chế trong công tác hoàn thiện pháp luật.

Một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng văn bản pháp luật thiếu thống nhất và đồng bộ đó là do trong quá trình soạn thảo văn bản pháp luật thiếu phương pháp soạn thảo văn bản hợp nhất và kỹ thuật pháp điển hóa trong quá trình soạn thảo, ban hành văn bản. Hiện nay, hầu như chưa có văn bản pháp luật nào quy định về hợp nhất văn bản dẫn đến tình trạng hợp nhất văn bản pháp luật sau khi sửa đổi, bổ sung vẫn chưa được thực hiện thống nhất theo một nguyên tắc nhất định. Do các cơ quan soạn thảo, ban hành không tiến hành chính thức hợp nhất văn bản nên có thể xảy ra tình trạng mâu thuẫn giữa văn bản sửa đổi, bổ sung và văn bản được sửa đổi, bổ sung.

Thứ ba, về đội ngũ cán bộ thực hiện công tác xây dựng và ban hành văn bản pháp luật

Năng lực của các cơ quan tiến hành soạn thảo văn bản còn yếu, đôi khi chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn xây dựng pháp luật. Mặt khác công tác đảm bảo tính thống nhất đồng bộ của hệ thống pháp luật là công việc phức tạp, mang tính chuyên môn cao, đòi hỏi sự am hiểu pháp luật sâu sắc trong tất cả các lĩnh vực và sự đầu tư lớn về thời gian, công sức. Không ít các trường hợp các Ban soạn thảo văn bản ở cấp trung ương không có khả năng đưa đầy đủ các quy định điều chỉnh một vấn đề vào luật. Các chuyên gia khi tham gia vào quy trình soạn thảo văn bản chưa chuyên nghiệp, chủ yếu là các chuyên gia đến từ lĩnh vực quản lý mà ít có các chuyên gia xây dựng pháp luật.

Thứ tư, về công tác rà soát, hệ thống hóa pháp luật và xử lí văn bản pháp luật

Công tác kiểm tra, xử lí văn bản là công tác còn khá mới, do đó khi thực hiện nhiệm vụ các đơn vị thường gặp khó khăn, nhất là đối với các vấn đề có liên quan chưa được quy định hoặc chưa được làm rõ như xác định văn

bản rà soát, hình thức xử lí văn bản sau rà soát, văn bản làm căn cứ để rà soát… nhiều văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp nhưng chưa kịp thời phát hiện; việc xử lý văn bản trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo chưa được triệt để; tỷ lệ văn bản được kiến nghị, xử lý so với số lượng văn bản được phát hiện có dấu hiệu trái pháp luật còn thấp. Bên cạnh đó nguyên nhân chủ quan nữa đó là do chúng ta chưa coi trọng việc nghiên cứu khoa học và thiếu sự tổng kết điều tra thực tiễn. Nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn chưa được làm sáng tỏ, nên việc xây dựng các quy định không sát, không hợp lý, không sửa đổi kịp thời, tính dự báo không cao. Kinh nghiệm lập pháp còn hạn chế. Cách tổ chức xây dựng các văn bản pháp luật còn thiếu chuyên nghiệp, còn chịu ảnh hưởng của tư duy xây dựng nghị quyết. Thường vấn đề thuộc bộ, ngành nào thì do bộ, ngành đó soạn thảo, nên không khắc phục được sự cục bộ. Đội ngũ chuyên gia hoạch định chính sách, thể chế có trình độ cao còn thiếu, đầu tư chưa đủ tầm.. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Thứ năm, cơ chế huy động trí tuệ của nhân dân, xã hội vào công tác xây dựng pháp luật cũng như cơ chế bảo đảm sự kiểm tra, giám sát của người dân, xã hội đối với công tác thi hành pháp luật chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan.

Từ phía cơ quan nhà nước, còn nhiều cơ quan chưa coi trọng đúng mức việc thăm dò, lấy ý kiến, tổng hợp, xử lý và giải trình đầy đủ ý kiến của nhân dân, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật; trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật cũng rất hiếm khi cơ quan có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến của người dân về hiệu quả điều chỉnh của văn bản pháp luật, về giải pháp, cơ chế tổ chức thi hành pháp luật... Từ phía xã hội, nhiều cá nhân, tổ chức cũng chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm cũng như còn hạn chế về năng lực tham gia xây dựng pháp luật, giám sát và phản biện xã hội đối với việc thực thi các chính sách, pháp luật của Nhà nước.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 2

Việc đánh giá thực trạng hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay dựa trên các yêu cầu cho thấy:

- Bên cạnh những ưu điểm, tiến bộ trong quá trình xây dựng và áp dụng hệ thống pháp luật ở Việt Nam, còn có những bất cập, hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới, cụ thể như: hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn chưa có quy phạm điều chỉnh kịp thời một số quan hệ xã hội mới phát sinh, chưa toàn diện về mặt nội dung; một số văn bản tính thống nhất và đồng bộ chưa cao, vẫn còn nhiều văn bản chống chéo, mâu thuẫn, không thống nhất, thiếu đồng bộ; việc áp dụng pháp luật trên một số lĩnh vực (hình sự, dân sự, thương mại…) còn nhiều bất cập.

- Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế bất cập là do các quy định của pháp luật về tính thống nhất và đồng bộ còn chưa đầy đủ và thống nhất, hạn chế trong quá trình xây dựng, công tác rà soát, hệ thống hóa và xử lý văn bản pháp luật, năng lực của các cơ quan tiến hành soạn thảo văn bản cò yếu, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn xây dựng pháp luật hiện nay.

Đánh giá đúng thực trạng, chỉ ra nguyên nhân của các thực trạng một cách cụ thể, khách quan là cơ sở để đề xuất những giải pháp hoàn hiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.

Chương 3

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng nhu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay (Trang 81 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)