1.4. Chế định về người thực hiện TGPL của một số nước trên
1.4.1. Chế định người thực hiện TGPL phân loại theo mô hình TGPL
Trong quá trình nghiên cứu chế định về người thực hiện TGPL của một số nước trên thế giới, ta thấy có một số mô hình chính là: mô hình từ thiện, mô hình Luật sư trợ giúp được trả lương từ ngân sách Nhà nước, mô hình hỗn hợp. Qua đó, cho thấy đội ngũ người thực hiện TGPL có các đặc điểm khác nhau trong những mô hình TGPL.
- Theo mô hình từ thiện, người thực hiện TGPL là các luật sư: Có thể nói đây là mô hình được hình thành sớm nhất vào giữa thế kỷ XIX ở Đức, Anh, Hà Lan và hiện nay còn một số nước theo mô hình này, như: Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bỉ, Ireland.... Theo đó, luật sư có nghĩa vụ thực hiện một số dịch vụ pháp lý miễn phí cho người nghèo như là chuẩn mực đạo đức của họ. Văn phòng luật sư tình nguyện cung cấp một số dịch vụ pháp lý miễn phí (chủ yếu là tư vấn) mang tính chất nhân đạo, từ thiện. Ưu điểm của mô hình này là luật sư làm việc một cách vô tư, nhiệt tình trên tinh thần tự nguyện. Tuy nhiên, hạn chế của mô hình này là các luật sư làm "không công", đồng thời không có nguồn kinh phí tài trợ, vì vậy luật sư không thể TGPL bằng hình thức đại diện, bào chữa trước Toà án (do tốn nhiều công sức và tiền bạc), mà chủ yếu thực hiện TGPL bằng hình thức tư vấn pháp luật. Trong mô hình này, luật sư tự nguyện đóng góp các dịch vụ của mình mà không thu tiền; tổ chức luật sư hoặc tổ chức phi lợi nhuận cũng có thể giúp đỡ người nghèo bằng cách cung cấp các dịch vụ miễn phí hoặc giảm phí. Có thể thấy hoạt động TGPL theo mô hình này có một số đặc điểm như: hoạt động TGPL chủ yếu xuất phát từ ý chí của luật sư, do luật sư hành nghề tự do thực hiện trên cơ sở tự nguyện; phụ thuộc vào lòng từ thiện của luật sư và các tổ chức tư vấn, TGPL không phải là quyền của công dân mà chỉ được thực hiện khi có luật sư tình nguyện giúp đỡ miễn phí (mang tính nhân đạo); hoạt động TGPL cho các đối tượng nghèo được thực hiện miễn phí, một số nước không miễn phí hoặc chỉ
giảm phí đối với những chi phí cho việc đại diện, bào chữa ở Toà án; phần lớn các dịch vụ TGPL đều do luật sư trẻ, luật sư tập sự, chưa có nhiều kinh nghiệm thực hiện, như ở Bỉ chủ yếu là do luật sư tập sự thực hiện.
- Theo mô hình luật sư trợ giúp được trả lương từ ngân sách nhà nước,
hoạt động TGPL được thực hiện chủ yếu do đội ngũ luật sư công và luật sư tư thực hiện và được trả lương theo mức cố định của nhà nước hoặc được trả thù lao từ ngân sách nhà nước theo một mức nhất định, tuỳ thuộc vào tính chất, loại vụ việc.Mô hình này được áp dụng ở Mỹ, Bang Quebec (Canada) và một số nước khác. Ưu điểm của mô hình này là được nhà nước cấp kinh phí và các Luật sư được trả lương ổn định. Tuy nhiên, mô hình này có hạn chế ở chỗ nguồn kinh phí phụ thuộc vào ngân sách nhà nước và dễ thay đổi theo chính sách tài chính của nhà nước theo từng thời kỳ. Hoạt động TGPL theo mô hình này có một số đặc điểm như sau: hoạt động TGPL được thực hiện miễn phí, toàn bộ chi phí cho hoạt động TGPL do ngân sách nhà nước cấp; đội ngũ luật sư công và luật sư tư thực hiện TGPL được nhà nước trả lương cố định mà không trả thù lao theo vụ việc; đối tượng được TGPL không được lựa chọn luật sư mà theo luật sư chỉ định của cơ quan quản lý luật sư; số vụ việc TGPL thường rất hạn chế, nói chung, những vụ việc phát sinh nhiều chi phí thì thường không được nhận trợ giúp, vì kinh phí do nhà nước cấp có hạn, hầu như không đáp ứng được nhu cầu TGPL ngày càng tăng và có xu hướng ở một số nước ngân sách dành cho hoạt động TGPL ngày càng bị cắt giảm (ví dụ như ở Mỹ và Hà Lan). Hiện nay, phần lớn các tổ chức TGPL theo mô hình này phải tìm thêm nguồn kinh phí hỗ trợ từ bên ngoài.
- Theo mô hình hỗn hợp, hoạt động TGPL do luật sư công của tổ chức TGPL của nhà nước, luật sư tư, cán bộ TGPL của nhà nước và một số đối tượng khác có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật (như sinh viên luật, cộng tác viên không phải là luật sư ….) thực hiện. Mô hình này
được áp dụng phổ biến ở Anh, Nhật, Hà Lan, Úc, Nam Phi, Thụy Điển... Theo đó, các tổ chức TGPL (nhà nước hay tổ chức xã hội, luật sư tư...) được nhà nước tài trợ kinh phí, nhân viên của các tổ chức này làm việc thường xuyên và được trả lương từ ngân sách nhà nước, nhiệm vụ của họ là TGPL cho người nghèo. Mô hình này là kết quả của sự kết hợp giữa mô hình truyền thống do các luật sư tư thực hiện và mô hình có tổ chức và được sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước. Mô hình này ra đời nhằm phát huy ưu điểm và khắc phục những hạn chế của mỗi mô hình nêu trên. Ưu điểm của mô hình này là kết hợp được cả yếu tố nhà nước và xã hội về nguồn lực trong hoạt động TGPL. Tùy thuộc vào các đặc điểm kinh tế, chính trị - xã hội của mỗi nước, mà mức độ kết hợp giữa hai yếu tố nói trên ở mỗi nước có khác nhau. Mô hình này có một số đặc điểm như sau:tổ chức TGPL của nhà nước ngoài nhiệm vụ thực hiện TGPL còn đóng vai trò như một cơ quan trung gian giữa khách hàng và luật sư, quản lý ngân sách hoạt động TGPL và trả thù lao cho luật sư thực hiện TGPL;được nhà nước tài trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí để giúp đỡ cho các đối tượng được trợ giúp miễn phí; một số nước quy định được thu một phần chi phí của đối tượng, nghĩa là đối tượng phải nộp một phần chi phí trợ giúp khoảng 10, 20 hoặc 30% chi phí, tuỳ theo điều kiện hoàn cảnh khó khăn của đối tượng; tổ chức TGPL thực hiện trợ giúp nhiều loại vụ việc khác nhau;đối tượng được tự do lựa chọn luật sư theo nguyện vọng.
Hiện nay, đa số các nước trên thế giới và Việt Nam đang áp dụng mô hình hỗn hợp. Ở Hà Lan có Uỷ ban TGPL trực thuộc Bộ Tư pháp, dưới Uỷ ban có Văn phòng TGPL (Burô), hiện nay, Uỷ ban có 20 Văn phòng chính với 57 Văn phòng TGPL độc lập dưới sự quản lý, điều hành của Uỷ ban. Ở Liên bang Úc có 126 Trung tâm TGPL của Nhà nước; Philipin hiện có Cục TGPL thuộc Bộ Tư pháp, 16 Văn phòng khu vực, 252 Văn phòng quận và 12 Chi nhánh với 991 luật sư công thực hiện TGPL. Hoạt động TGPL chủ yếu do
luật sư công (Úc, Philipine, Trung Quốc...) thực hiện được trả lương cố định như công chức Nhà nước và luật sư tư hành nghề tự do thực hiện tự nguyện hoặc được nhà nước hỗ trợ kinh phí.