Giai đoạn 1945 1959

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Đổi mới hoạt động giám sát của hội đồng nhân dân cấp tỉnh (Trang 30 - 32)

1.2.2. Quá trình hình thành và phát triển chế định giám sát của Hộ

1.2.2.1. Giai đoạn 1945 1959

Ngay từ khi nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, cơ chế giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước đã được đề cao, trong đó có việc nhân dân giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước và bộ máy nhà nước giám sát hoạt động của chính mình thông qua việc cơ quan cấp trên giám sát cơ quan cấp dưới, cơ quan dân cử giám sát cơ quan hành pháp và tư pháp.

Sắc lệnh số 63 ngày 23/11/1945, văn bản đầu tiên đặt nền móng cho việc xây dựng chính quyền địa phương đã có những quy định sơ khai về quyền giám sát của HĐND cấp tỉnh. Mặc dù trong Sắc lệnh không có một quy định nào nhắc đến hoạt động giám sát của HĐND tỉnh nhưng thông qua những quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tỉnh có thể thấy hình thức giám sát đầu tiên đã được quy định, đó là quyền bỏ phiếu tín nhiệm Uỷ ban hành chính tỉnh và Uỷ ban hành chính kỳ của HĐND tỉnh và hậu quả pháp lý của hình thức giám sát này.

Khi một phần ba (1/3) tổng số hội viên tất cả các Hội đồng nhân dân tỉnh yêu cầu phúc quyết Uỷ ban hành chính tỉnh thì Uỷ ban hành chính tỉnh phải triệu tập ngay Hội đồng nhân dân tỉnh để bỏ phiếu tín nhiệm... Nếu quá nửa tổng số hội viên của Hôi đồng nhân dân tỉnh bỏ phiếu không tín nhiệm Uỷ ban hành chính thì Uỷ ban hành chính tỉnh bắt buộc phải từ chức...

Khi một phần ba tổng số hội viên tất cả các Hội đồng nhân dân tỉnh yêu cầu phúc quyết Uỷ ban hành chính kỳ thì Bộ trưởng Bộ Nội vụ phái người về tổ chức cuộc bỏ phiếu tín nhiệm... Nếu quá nửa tổng số hội viên các hội đồng nhân dân tỉnh không tín nhiệm Uỷ ban hành chính kỳ thì Uỷ ban hành chính kỳ phải xin từ chức... (Điều thứ 48 và 59 của Sắc lệnh số 63)

Có thể thấy rằng trong văn bản đầu tiên về chính quyền địa phương, không chỉ quyền giám sát mà hình thức giám sát và đối tượng giám sát còn đơn giản, chỉ là Uỷ ban hành chính tỉnh theo hình thức “cả gói” mà không có “giám sát” cá nhân từng thành viên của Uỷ ban hành chính.

Hơn 1 năm sau khi ban hành Sắc lệnh 63, Hiến pháp đầu tiên ra đời. Hiến pháp 1946 là Hiến pháp trong thời chiến, đảm bảo sự đơn giản, dễ hiểu, ngắn gọn nên các quy định về tổ chức và hoạt động của HĐND nói chung và HĐND cấp tỉnh nói riêng cũng chỉ là những quy định cơ bản nhất với 3 điều. Quy định chi tiết về hoạt động của HĐND được dành cho một đạo luật sẽ định rõ những chi tiết tổ chức các Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính

(Điều thứ 62, Hiến pháp 1946).

Văn bản luật đầu tiên quy định chi tiết về tổ chức, hoạt động của HĐND, UBND mãi 12 năm sau mới ra đời, đó là Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 1958. Trong luật này, những quy định về “giám sát” của HĐND tỉnh mới được mở rộng hơn, mặc dù cũng không có một điều nào ghi nhận cụ thể HĐND có quyền giám sát. Khoản 5, 7, 8, Điều 7 Luật quy định quyền giám sát của HĐND tỉnh không chỉ còn giới hạn trong bỏ phiếu tín nhiệm Uỷ ban hành chính mà còn bao gồm:

1) Thẩm tra và phê chuẩn dự toán và quyết toán ngân sách.

2) Thẩm tra các báo cáo công tác của Uỷ ban hành chính cấp mình. 3) Sửa đổi hoặc huỷ bỏ những nghị quyết không thích đáng của Uỷ ban hành chính cấp mình, của HĐND và Uỷ ban hành chính cấp dưới. Xét duyệt những nghị quyết của HĐND và Uỷ ban hành chính cấp dưới trong các trường hợp do luật lệ quy định.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Đổi mới hoạt động giám sát của hội đồng nhân dân cấp tỉnh (Trang 30 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)