1.2. Áp dụng pháp luật trong thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ
1.2.3. Quy trình hoạt động áp dụng pháp luật trong thực hành quyền công tố
kiểm sát điều tra vụ án hình sự
Quy trình hoạt động ADPL trong THQCT và KSĐT vụ án hình sự của VKSND có thể phân chia ra các giai đoạn như sau:
Giai đoạn thứ nhất: Thụ lý, nghiên cứu, xem xét, đánh giá chứng cứ có liên quan đến sự kiện phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và các hoạt động TTHS của cơ quan điều tra
Khi nhận được hồ sơ vụ án hình sự do CQĐT chuyển đến, ngay lập tức, KSV được phân công phải thụ lý và bắt tay vào nghiên cứu hồ sơ. Đây là khâu đầu tiên, có ý nghĩa quan trọng của ADPL trong hoạt động THQCT và KSĐT của VKS. Khi nghiên cứu hồ sơ, cần tập trung làm rõ những nội dung cơ bản như sau:
- Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm hay không;
- Việc thu thập tài liệu, chứng cứ đã đầy đủ chưa, có bảo đảm tính hợp pháp, tính có căn cứ không, đúng quy trình của TTHS không;
- Xác định tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, đã đến mức truy cứu TNHS hay chưa;
- Xác định, làm rõ chủ thể thực hiện hành vi phạm tội như: Tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự, có đồng phạm không...;
- Hậu quả của hành vi phạm tội, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả; - Công cụ, phương tiện phạm tội và việc thu giữ các vật chứng có liên quan đến hành vi phạm tội;
- Có cần phải áp dụng ngay các biện pháp ngăn chặn, truy bắt người thực hiện hành vi phạm tội, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi...
- Xác định thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử vụ án.
Nếu hồ sơ, tài liệu chưa đầy đủ thì KSV yêu cầu CQĐT tiếp tục thu thập tài liệu, chứng cứ, nếu có vi phạm tố tụng thì yêu cầu CQĐT xử lý, khắc phục vi phạm. Việc thụ lý, nghiên cứu hồ sơ ban đầu của vụ án có một ý nghĩa rất quan trọng, đây là quá trình bảo đảm cho việc ra quyết định ADPL của VKS trong THQCT và KSĐT đúng pháp luật.
Giai đoạn thứ 2: Lựa chọn quy phạm pháp luật để áp dụngtrong hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra của Viện kiểm sát
Đây là giai đoạn có ý nghĩa hết sức quan trọng trong hoạt động THQCT và KSĐT của VKS. Để thực hiện tốt giai đoạn này thì đòi hỏi ở giai đoạn thứ nhất, KSV nắm chắc nội dung hồ sơ vụ án và các tài liệu, chứng cứ đã thu thập đầy đủ, đúng trình tự theo quy định của BLTTHS, đó là cơ sở cho giai đoạn thứ hai. Ở giai đoạn thứ hai là việc lựa chọn quy phạm pháp luật để áp dụng. Nếu lựa chọn quy phạm pháp luật đúng thì sẽ giải quyết vụ án bảo đảm chính xác, còn việc lựa chọn quy phạm pháp luật sai để áp dụng sẽ dẫn đến kết quả xử lý vụ án sẽ sai hoặc phải kéo dài thời gian như: Phải gia hạn thời hạn điều tra vụ án, trả hồ sơ điều tra bổ sung... để khắc phục sai sót do việc lựa chọn quy phạm pháp luật áp dụng không chính xác.
Giai đoạn này được thực hiện dựa trên ý thức pháp luật, trình độ hiểu biết, kiến thức pháp luật của chủ thể có thẩm quyền ADPL là CQĐT và của VKS. Quy phạm pháp luật được lựa chọn áp dụng phải là những quy phạm đang có hiệu lực thi hành, không trái với văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, không trái với những văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. ADPL trong THQCT và KSĐT của VKS thông thường có liên quan đến nhiều loại quy phạm khác nhau, chẳng hạn như việc phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp, phê chuẩn gia hạn tạm giữ, phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam...Việc phê chuẩn dựa trên kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án và đối chiếu với các quy định của BLTTHS, BLHS để tiến hành ra quyết định phê chuẩn hay không phê chuẩn. Khi nghiên cứu phê chuẩn cần phải xác định rõ người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có cấu thành tội phạm hay không, nếu hành vi cấu thành tội phạm thì phạm tội gì, điểm, khoản, khung hình phạt, quy định ở điều nào trong BLHS.... Tuy nhiên, trong thực tiễn thì việc lựa chọn quy phạm pháp luật không phải tất cả các trường hợp đều khó khăn, phức tạp mà nhiều trường hợp hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội đã rõ ràng thì việc nghiên cứu phê chuẩn của VKS khá đơn giản, chỉ một số trường hợp cụ thể khó xác định tội danh, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có đủ yếu tố cấu thành tội
phạm hay không..., có khi còn có các quan điểm khác nhau, thường xảy ra ở một số tội phạm như: Lừa đảo, lạm dụng, công nhiên, chiếm đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, giết người trong trạng thái tinh thẩn bị kích động mạnh, vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng... hoặc các tội phạm thuộc chương các tội phạm về chức vụ trong BLHS như các tội: tham ô, cố ý làm trái, lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản...Trong những trường hợp này, để lựa chọn quy phạm pháp luật được chính xác không hề đơn giản, đòi hỏi KSV phải có trình độ nghiệp vụ và ý thức pháp luật cao, có sự tích lũy nhiều kinh nghiệm trong công tác. Ngoài ra còn phải có sự hiểu biết trên nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, chẳng hạn như các lĩnh vực kinh tế, tài chính, kỷ thuật, công nghệ thông tin, ngoại ngữ...Trong một số vụ án, nếu không có sự hiểu biết trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, chỉ căn cứ vào các điều luật trong BLHS, thì khó có thể lựa chọn được chính xác quy phạm cần phải áp dụng.
Như vậy, việc lựa chọn và làm sáng tỏ nội dung tư tưởng của quy phạm pháp luật được áp dụng là một thao tác nghiệp vụ rất quan trọng, nếu áp dụng không đúng quy phạm pháp luật hiện hành hoặc áp dụng không phù hợp, không đúng nội dung tư tưởng của quy phạm pháp luật sẽ dẫn đến việc ban hành văn bản ADPL không chính xác, có thể dẫn đến oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Do đó, khi lựa chọn quy phạm để áp dụng trong hoạt động THQCT và KSĐT, VKS phải lựa chọn trên cơ sở khách quan, thận trọng, phải xem xét đánh giá chứng cứ một cách toàn diện, tỷ mỉ, chính xác, từ đó lựa chọn quy phạm pháp luật chính xác, phù hợp để áp dụng.
Giai đoạn thứ 3: Ban hành văn bản áp dụng pháp luật
Ban hành văn bản ADPL trong giai đoạn THQCT và KSĐT vụ án hình sự là việc VKS ban hành quyết định như: quyết định phê chuẩn hoặc không phê chuẩn, quyết định huỷ bỏ, quyết định gia hạn...trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Những văn bản ADPL của VKS trong THQCT và KSĐT được ban hành có giá trị pháp lý bắt buộc thi hành đối với những đối tượng bị áp dụng, nên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, của cá nhân và đặc biệt là ảnh hưởng đến quyền tự do, quyền con người của công dân…,
nên đòi hỏi người có thẩm quyền ban hành văn bản ADPL phải tuân thủ nghiêm ngặt theo các trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật. Vì vậy, văn bản ADPL của VKS trong THQCT và KSĐT phải có căn cứ pháp lý, phải được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục do TTHS quy định, đúng thẩm quyền, đúng mẫu hướng dẫn thống nhất của VKSND tối cao ban hành. Nội dung văn bản phải cụ thể, rõ ràng và phải ghi đầy đủ những thông tin theo mẫu quy định. Trước khi ban hành văn bản phải kiểm tra, để bảo đảm văn bản có đầy đủ thông tin, phải có con dấu, chữ ký của người có thẩm quyền thì mới ban hành văn bản áp dụng pháp luật.
Giai đoạn thứ 4: Tổ chức thực hiện văn bản áp dụng pháp luật của cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân trong thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án hình sự
Tổ chức thực hiện văn bản ADPL là giai đoạn cuối cùng của quá trình ADPL trong giai đoạn THQCT và KSĐT của VKS. Pháp luật hình sự là pháp luật mang tính cưỡng chế nghiêm khắc nhất, vì vậy văn bản ADPL của CQĐT trong giai đoạn điều tra và của VKS trong THQCT và KSĐT bắt buộc CQĐT, tổ chức và mọi công dân có liên quan phải thực hiện triệt để. Cơ chế giám sát việc thực hiện các văn bản ADPL của VKS trong toàn bộ hoạt động điều tra vừa là chức năng, vừa là nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân đã được Hiến pháp và pháp luật quy định cụ thể, đó là những biện pháp bảo đảm để các văn bản ADPL của VKS được thực hiện một cách nghiêm chỉnh, thống nhất và đạt hiệu quả cao.