Đẩy mạnh đào tạo nghề

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Bảo vệ người lao động trong lĩnh vực việc làm, tiền lương trong pháp luật lao động Việt Nam – Thực tiễn tại thành phố Đà Nẵng 07 (Trang 85 - 88)

3.2. Một số giải pháp cụ thể nhằm bảo vệ người lao động trong lĩnh vực việc làm,

3.2.7. Đẩy mạnh đào tạo nghề

Hiện nay thành phố Đà Nẵng có hơn 10.000 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đang hoạt động. Có thể thấy, hạ tầng các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố được đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh, diện tích hơn 1.576 ha, hiện nay thu hút trên 350 dự án trong và ngoài nước tại các khu công nghiệp [31]. Riêng đối với các doanh nghiệp hoạt động tại Đà Nẵng tính đến nay là 10.042 doanh nghiệp. Có gần 494.617 lao động, lao động tăng thêm 19.882 người, tỷ lệ thất nghiệp 4,45% [31].

Dân số thành phố Đà Nẵng hiện nay là 989.330 người (tính đến tháng 12/2012) trong đó lực lượng lao động chiếm 515.018 người lao động có việc làm 489.681 người [7].

Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư vào các doanh nghiệp phản ánh trình độ người lao động ở Đà Nẵng còn chưa đồng đều, nhiều hạn chế về tay nghề. Đây là rào cản không chỉ trong việc đẩy mạnh, thu hút các nhà đầu tư vào Đà Nẵng, vì vậy việc đào tạo nghề cho người lao động là vấn đề rất cần thiết trong tình hình hiện nay.

Trên lĩnh vực lao động, việc làm, dạy nghề, các ngành đã tham mưu thành phố ban hành nhiều đề án, chương trình liên kết giải quyết việc làm cho người lao động. Đặc biệt là chương trình thành phố “3 có”, các ngành được giao thực hiện đề án giải quyết việc làm cho người trong độ tuổi lao động, để thực hiện đề án này hàng loạt các đề án nhánh được ban hành như quyết định ban hành chính sách hỗ trợ vốn đối với các doanh nghiệp tiếp nhận lao động vào đào tạo nghề và giải quyết việc làm; đề án đẩy mạnh hoạt động dạy nghề và giải quyết việc làm; đề án tổ chức hội chợ việc làm định kỳ được tổ chức hàng năm và đã trở thành sàn giao dịch hàng tháng, góp phần giải quyết việc

làm hàng năm hơn 30 ngàn lao động; đề án tổ chức hoạt động hệ thống thông tin thị trường lao động được triển khai nhằm ghi chép thông tin cung, cầu của người lao động và người sử dụng lao động từ các địa phương, doanh nghiệp..; đề án hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm, ổn định đời sống đối với đối tượng trong diện thu hồi đất sản xuất, di dời, giải toả. Triển khai thực hiện Đề án xã hội hoá hoạt động dạy nghề đến các Trường đào tạo kỹ thuật - kinh tế Đà Nẵng thành những trường dạy nghề chất lượng cao. Tiếp tục thực hiện chính sách đào tạo nghề miễn phí tại các cơ sở dạy nghề tập trung cho đối tượng là con liệt sỹ, con thương binh, gia đình diện chính sách, có công với cách mạng, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, lao động thuộc hộ nghèo, dân tộc ít người, lao động thuộc diện chỉnh trang đô thị, nông dân không còn đất sản xuất. Hàng năm trên địa bàn thành phố đã đào tạo miễn phí cho hơn 3 ngàn lao động; thông qua chương trình xuất khẩu lao động đã đưa hơn 7 ngàn lao động đi làm việc tại các nước như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản.... các thành phần kinh tế của thành phố tham gia và giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động, góp phần hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn thành phố xuống còn 4,75% [17].

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Quốc hội (tháng 8/2012), Bà Nguyễn Thị Thanh Hưng – Giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội đã báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương và thu nhập của người lao động trên địa bàn thành phố giai đoạn 2010 – 2012 và nêu lên một số vấn đề nổi cộm, đặc trưng của thành phố hiện nay là tình hình lao động nhập cư chiếm gần 42% tổng số lao động tại thành phố Đà Nẵng, nhất là trong các khu công nghiệp. Phần lớn trong số họ có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp, chỉ có khoảng 29% có chứng chỉ nghề, nên cần phải có chính sách đào tạo lại cho các đối tượng lao động nhập cư . Qua buổi làm việc Đoàn đã đánh giá cao tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương và thu nhập của người lao động trên địa bàn

thành phố giai đoạn 2010 – 2012. Nhất là trong công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, công tác an sinh xã hội, thành phố đã có nhiều chính sách đột phá, đi đầu, giữ vững được tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người tăng rõ rệt, năm sau cao hơn năm trước.

Mặc dù đào tạo nghề phát triển giúp cho Đà Nẵng giải quyết được hàng chục nghìn công việc làm mỗi năm, năm sau cao hơn năm trước, góp phần chuyển dịch số lượng lao động lớn ở lĩnh vực nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Với mục tiêu cụ thể của ngành Thương binh – Lao động và Xã hội Đà Nẵng trong năm tới là: tập trung giải quyết việc làm cho 3,2-3,4 vạn lao động/ năm; giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 4,0% [43]. Bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho 35 ngàn lao động; đến năm 2015, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 65%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề 51%. Đặc biệt đối với lao động chất lượng cao trong các doanh nghiệp ở Đà Nẵng ngày cần nhiều nên dẫn đến hiện tượng “cung” chưa đáp ứng “cầu”. Hiện nay một số doanh nghiệp đang mở rộng sản xuất cần tuyển thêm hàng trăm lao động kỹ thuật, nhưng rất khó tuyển theo đúng nhu cầu hoặc việc đào tạo nghề chưa cung cấp đủ cho các doanh nghiệp.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do công tác đào tạo chưa bắt kịp với sự phát triển của các doanh nghiệp. Tỷ lệ đào tạo lao động được đào tạo dài hạn, trung cấp, cao đẳng nghề hàng năm ở địa phương chiếm khoảng hơn 15% tổng số lao động được đào tạo; trong khi đó lực lượng lao động đào tạo ngắn hạn, chuyển giao công nghệ lại chiếm tỷ lệ lớn, dẫn đến trình độ kỹ năng chuyên sâu của phần lớn lao động chưa đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của các doanh nghiệp. Hiện nay tâm lý một số ngườ i trong độ tuổi lao động trẻ lại thích theo học đại học, điều này chứng tỏ muốn là “thầy”, trong khi đó các doanh nghiệp cần “thợ” nhiều hơn. Vì thế, nhiều cơ sở đào tạo nghề không tuyển học sinh theo chỉ tiêu, dẫn đến đào tạo mất cân đối ngành nghề….

Có chính sách hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp tiếp nhận và đào tạo lao động phổ thông thuộc đối tượng là lao động nghèo, lao động thuộc diện chính sách, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự gắn với giải quyết việc làm cho họ sau thời gian học nghề tại doanh nghiệp. Tổ chức việc kết nối giữa các trường và các doanh nghiệp để đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề theo địa chỉ, phù hợp với yêu cầu sử dụng của doanh nghiệp.

Tập trung giải quyết việc làm cho 3,2-3,4 vạn lao động/ năm; giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 4,0%. bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho 35 ngàn lao động; đến năm 2015, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 65%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề 51% [43].

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Bảo vệ người lao động trong lĩnh vực việc làm, tiền lương trong pháp luật lao động Việt Nam – Thực tiễn tại thành phố Đà Nẵng 07 (Trang 85 - 88)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)