liên quan đến tài sản chung của vợ chồng là động sản không phải đăng ký
Theo pháp luật hôn nhân gia đình hiện hành, vợ hoặc chồng có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung, bao gồm cả động sản không phải đăng ký, nếu mục đích của giao dịch là nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong gia đình mà không cần sự đồng ý của bên còn lại. Đây là quy định hợp lý, nhằm đảo bảo đáp ứng kịp thời, nhanh chóng các nhu cầu thiết yếu trong gia đình. Bên cạnh đó còn bảo vệ quyền lợi cho người thứ ba trong giao dịch, cũng như tạo sự mềm dẻo, linh hoạt để tài sản tham gia vào giao lưu dân sự. Với quy định này, nếu vợ hoặc chồng vay mượn tiền, tài sản hay bán, trao đổi một tài sản chung của vợ chồng, cho dù chồng hoặc vợ họ không biết nhưng mục đích của giao dịch nhằm để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu trong gia đình, thì các giao dịch này vẫn có giá trị
pháp lý và các nghĩa vụ tài sản phát sinh từ giao dịch, cả hai vợ chồng phải liên đới chịu trách nhiệm. Pháp luật nước ngoài cũng có những quy định tương tự, cụ thể Điều 220 BLDS Pháp quy định “Mỗi Bên vợ, chồng đều có thể một mình ký kết hợp đồng nhằm mục đích duy trì đời sống gia đình hoặc giáo dục con cái; bên kia có trách nhiệm liên đới đối với nghĩa vụ phát sinh từ việc ký kết Hợp đồng này”. Như vậy, có thể thấy rằng quy định về vợ, chồng có quyền tự mình xác lập, thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự tiến bộ của pháp luật hôn nhân gia đình Việt Nam, cũng như tiệm cận với xu thế chung của quốc gia có bề dày kinh nghiệm áp dụng hệ thống dân Luật như
Riêng với giao dịch liên quan đến tài sản chung của vợ chồng là động sản không phải đăng ký, Điều 32 Luật HNGĐ năm 2014 đã quy định cho vợ, hoặc chồng đang chiếm hữu động sản quyền tự mình xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến động sản đó. Như vậy, quyền xác lập, thực hiện giao dịch của vợ chồng liên quan đến động sản không phải đăng ký trên cơ sở nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình được đặt ra trong trường hợp người vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện giao dịch đang không chiếm hữu động sản và/hoặc người thứ ba tham
gia giao dịch không ngay tình. Điều này càng làm rõ cho việc quyền của người vợ,
chồng đối với tài sản chung đã được mở rộng một cách tối đa, ví dụ: Anh A và chị B là vợ chồng đã đăng ký kết hôn hợp pháp nhưng trên thực tế lại sống ly thân với nhau ở hai nơi khác nhau. Do cần tiền chữa bệnh, chị B ký bán cho ông C là chú của chị bộ bàn ghế bằng gỗ quý và trang sức là tài sản chung của vợ chồng tạo lập khi còn sống chung và do anh A quản lý. Sau đó, ông C đã thanh toán đủ tiền cho chị B và đến nhà ông A đang sống để đòi bộ bàn ghế, và số trang sức đã mua. Tuy nhiên, anh A không đồng ý giao vì cho rằng anh không biết việc mua bán này, đồng thời trước ly thân anh và chị B đã họp gia đình hai bên (ông C cũng tham gia) để trình bày lý do và nói rõ bất kỳ tài sản chung nào sau khi ly thân muốn đem bán cũng phải được sự thống nhất của hai vợ chồng, hiện anh vẫn còn giữ văn bản có chữ ký của chị B. Trong trường hợp này, nếu xác định mục đích chị A bán các động sản không phải đăng ký trên là để nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình, giao dịch hoàn toàn hợp pháp theo quy định pháp luật hiện hành dù cho hai vợ chồng đã ly thân, tài sản không do người bán chiếm hữu và người mua cũng không
ngay tình. Bởi lẽ, tình trạng ly thân, như đã biết, không phải là một tình trạng pháp
lý được thừa nhận trong khung cảnh của luật thực định Việt Nam, nên chừng nào hôn nhân còn tồn tại, vợ chồng vẫn phải có nghĩa vụ thực hiện các giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình. Dù vậy, việc xác định thế nào là giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình lại là một vấn đề khó khăn trên thực tế, cụ thể:
Thứ nhất, Khoản 20, Điều 3 Luật HNGĐ năm 2014 định nghĩa “Nhu cầu thiết yếulà nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình”. Theo khái niệm này và với ví dụ nêu ra, nếu việc khám chữa bệnh của chị B là “nhu cầu sinh hoạt thông thường” thì sẽ được xem như nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu và anh A phải chịu trách nhiệm liên đới, tuân
thủ giao dịch mà chị đã thực hiện.Nhưng như thế nào là nhu cầu thông thường, giả sử việc điều trị chị B yêu cầu thực hiện tại một bệnh viện quốc tế, ở phòng VIP riêng biệt, có thuê người chăm sóc hàng ngày, thuốc men bổ trợ đều là loại nhập khẩu cao cấp nhất thì liệu đây có thể xem là nhu cầu sinh hoạt thông thường không?
Trong nỗ lực nhất định, một tác giả đã cố gắng khái quát các điều kiện chung của nhu cầu thông thườngdựa trênhai cơ sở sau72:
(i) Sự cần thiết cho gia đình
Để xác định một hoạt động nào đó là gắn hay không gắn với nhu cầu của gia đình, ta không thể dựa vào các con số thể hiện giá trị của giao dịch, mà phải dựa vào lợi ích do giao dịch mang lại và sự cần thiết của lợi ích đó đối với gia đình. Một giao dịch không tốn kém nhiều nhưng lại không cần thiết thì không được coi là nhằm đáp ứng nhu cầu của gia đình, ngược lại, một giao dịch liên quan đến tài sản có giá trị lớn nhưng cần thiết cho gia đình, thì vẫn được coi là đáp ứng nhu cầu của gia đình. Đồng thời, cụm từ “cần thiết” nên được hiểu theo nghĩa thoáng nhất, đây không nhất thiết phải là không có thì không sống được hoặc không sống được một cách dễ chịu. Sự cần thiết phải được ghi nhận một khi việc đáp ứng nhu cầu gọi là cần thiết đó đóng góp vào việc duytrì và phát triển các phẩm chất về thể lực, trí lực và nhân cách của con người và được thể hiện qua nhiều lĩnh vực trong cuộc sống hằng ngày, chẳng hạn như sự cần thiết cho cuộc sống vật chất tối thiểu; cho việc nâng cao trình độ học vấn - phổ thông và chuyên môn; cho hoạt động nghề nghiệp, hoạt động tạo thu nhập nói chung; cho việc giao tiếp xã hội lành mạnh; cho việc bảo vệ tính mạng; sức khỏe; hay cho cả cuộc sống tinh thần, tâm linh. So sánh trong
khung cảnh của pháp luật hôn nhân gia đình Việt Nam hiện hành, pháp luật của nhiều nước (trong đó có Điều 222 BLDS Pháp đã được trích dẫn ở trên) tách riêng
các chi phí giáo dục con cái và chi phí học tập, nâng cao trình độ văn hóa hoặc chuyên môn của vợ chồng thành một nhóm chi phí độc lập với nhóm chi phí nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của gia đình. Đối với những hệ thống luật tại các quốc gia này, việc nâng cao trình độ văn hóa, năng lực khoa học, nghề nghiệp không được xếp cùng loại với việc thỏa mãn các đòi hỏi vật chất của gia đình. Dù vậy, mặc cho có tồn tại sự tách biệt hay không thì luật Việt Nam và luật của nhiều nước vẫn gặp nhau ở một điểm là vợ chồng có quyền tự xác lập các giao dịch liên quan
đến tài sản chung nhằm đáp ứng các nhu cầu này và đều phát sinh trách nhiệm liên đới.
(ii) Sự tương thích với phong cách sống và đặc biệt là với mức thu nhập ổn định của gia đình.
Có những nhu cầu xuất hiện ở người này, nhưng lại không xuất hiện ở người khác, do mỗi người có cách sống của riêng mình. Chẳng hạn như một nhà khoa học có nhu cầu đọc các tạp chí chuyên ngành một cách thường xuyên, do đó có nhu cầu đặt mua dài hạn đối với các tạp chí đó, nhưng lại không có nhu cầu ăn uống theo một chế độ áp dụng đối với vận động viên cử tạ. Mặt khác, ngay đối với một nhu cầu cùng loại, sự đáp ứng cũng có thể ở các mức độ tốn kém khác nhau, do sự khác biệt trong cách sống và nhất là sự khác biệt về điều kiện thu nhập, nhưng đều có thể được coi là hợp lý, tựa như trong một gia đình giàu có thì cha mẹ xem việc mua tã lót cao cấp cho con là nhu cầu thiết yếu, nhưng việc này lại trở nên xa xỉ đối với gia đình lao động với mức thu nhập khiêm tốn. Trên thực tế, có những nhu cầu rất cần thiết, nhưng thu nhập của gia đình không cho phép việc chi tiêu để đáp ứng nhu cầu đó. Nếu một trong hai vợ chồng tự mình xác lập một nhu cầu như thế mà không có sự đồng ý của người còn lại, hẳn là trách nhiệm liên đới của người vợ hoặc chồng không tham gia vào giao dịch phải bị loại trừ. Chẳng hạn như ví dụ được đặt ra ở
trên, giả sử thu nhập của vợ và chồng anh A, chị B chỉ đủ để sử dụng các dịch vụ y tế cơ bản thông thường của bệnh viện và các điều kiện này đã đủ cho việc điều trị bệnh tình của chị B. Tuy nhiên, trên thực tế chị B lại sử dụng các dịch vụ y tế cao cấp (ở phòng VIP, thuê người chăm sóc riêng, sử dụng thuốc nhập khẩu đặc trị,…)
thì giao dịch bán bộ bàn ghế bằng gỗ quý và trang sức vì lý do chữa bệnh của chị A cũng không thể được xem là nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.
Có thể thấy rằng, vì sự đa dạng của nhu cầu thiết yếu của gia đình mà pháp luật của Việt Nam và Pháp đều không thể xây dựng tiêu chí nhận dạng các giao dịch xác lập nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình bằng các quy tắc pháp lý. Thay vào đó, với sự năng động của thực tiễn xét xử các tiêu chí này có thể được xây dựng và hoàn thiện bằng án lệ. Chẳng hạn, trong luật của Pháp, án lệ đã lập được một danh sách các giao dịch được cho là thuộc loại đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình: nuôi con, điều trị bệnh theo khả năng chi trả của gia đình, tiền nhà, phí dịch vụ chung cư, lương trả cho người làm công,…Án lệ Pháp cũng ghi nhận một số trường hợp tranh cãi về việc có nên xem một số chi phí nào đó là gắn hay không
gắn với nhu cầu thiết yếu của gia đình73. Bên cạnh đó, Điều 220 BLDS Pháp còn
quy định “Bên không tham gia ký kết sẽ không phải chịu trách nhiệm liên đới đối với những chi tiêu rõ ràng vượt quá mức sinh hoạt của gia đình, giao dịch vô ích hoặc giao dịch với người thứ ba không ngay tình”. Theo đó, phạm vi quyền ký kết các hợp đồng nhằm đáp ứng các nhu cầu của cuộc sống gia đình đã bị giới hạn dựa trên mức sinh hoạt của gia đình, sự cần thiết của giao dịch và đặc biệt hơn là chủ thể tham gia giao dịch với người vợ hoặc chồng phải đáp ứng điều kiện là có tính “ngay tình”. So sánh với Luật HNGĐ năm 2014, Việt Nam đang có hướng tiếp cận không
quan tâm đến tính ngay tình của người thứ ba tham gia xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung của vợ chồng, miễn là giao dịch này nhằm mục đích đảm bảo nhu cầu thiết yếu của gia đình. Theo tác giả, với quy định hiện hành tại
Luật HNGĐ năm 2014, việc xác định một giao dịch có nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình hay không còn phụ thuộc nhiều vào nhận thức của người vận dụng và khi có tranh chấp thì phụ thuộc vào quan điểm của cơ quan xét xử, do vậy nếu bên thứ ba trước tiên đã biết hoặc phải biết rằng giao dịch mà mình tham gia xác lập, thực hiện trái với thỏa thuận trước đây giữa vợ chồng đối với tài sản chung liên quan bằng một cách thức nào đó thì không nên công nhận giá trị hiệu lực của giao
dịch này để tránh xáo trộn các quan hệ dân sự khi tranh chấp xảy ra. Bên cạnh đó,
trở lại ví dụ được đặt ra, thiết nghĩ sẽ có nhiều yếu tố cần được làm rõ trước khi Tòa án đưa ra phán quyết cuối cùng về hiệu lực của giao dịch và pháp luật hiện hành vẫn bỏ ngỏvới các yếu tố này.
Thứ hai, pháp luật hiện hành đã có quy định về khái niệm “nhu cầu thiết yếu” nhưng lại chưa làm rõ được thế nào là “nhằm đáp ứng”, hay nói cách khác nếu tại ví
dụ được đặt ra, chị B lấy số tiền có được từ việc bán động sản không phải để trả phí chữa bệnh trực tiếp mà lấy đầu tư vào công việc kinh doanh hằng ngày rồi mới sử dụng phần lợi nhuận để chi trả chi phí chữa bệnh thì liệu đây có được xem là giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình không? Nhìn vào quá trình lịch sử, trước đây trong giai đoạn Luật HNGĐ năm 2000 có hiệu lực, việc nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình được đặt ra như một điều kiện để giao dịch do một bên vợ hoặc chồng tự mình xác lập, thực hiện làm phát sinh trách nhiệm liên đới cho người chồng hoặc vợ của mình (Điều 27). Theo đó, thực tế vận dụng cho thấy Tòa án theo hướng giao dịch “trực tiếp” và “gián tiếp” nhằm đáp ứng
nhu cầu thiết yếu của gia đình đều sẽ phát sinh trách nhiệm liên đới cho vợ chồng74.
Thiết nghĩ, hướng giải quyết này hoàn toàn vẫn còn giá trị khi vận dụng Luật
HNGĐ năm 2014 vì so với Luật HNGĐ năm 2000, pháp luật chỉ bỏ đi từ “sinh hoạt” và không có sự thay đổi trong bản chất của vấn đề được được đề cập. Ngoài
ra, về mặt lý luận cũng cần ủng hộ việc công nhận quyền tự xác lập, thực hiện của vợ chồng đối với giao dịch liên quan đến tài sản chung nhằm đáp ứng “gián tiếp” nhu cầu thiết yếu của gia đình. Bởi lẽ, để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình, có nhiều cách khác nhau và thực tế trong nhiều trường hợp cần phải có nhiều cách thức khác nhau mới có thể đáp ứng được, chứ không thể chỉ bằng cách thức “trực tiếp”. Vì vậy, cách hiểu và suy luận như này sẽ đảm bảo đáp ứng kịp thời và lâu dài các nhu cầu thiết yếu của gia đình, đảm bảo quyền lợi cho các thành viên trong gia đình, cho người vợ, chồng trực tiếp tham gia giao dịch và cho chủ thể thứ ba trong giao dịch đó75. Tác giả cũng đồng tình với cách tiếp cận này, tuy nhiên trong bối cảnh không có quy định rõ ràng như hiện nay, thiết nghĩ một hướng dẫn cụ thể cần được ban hành để đảm bảo việc áp dụng thống nhất giữa các Tòa án khi xét xử.
Thứ ba, pháp luật hôn nhân gia đình hiện hành vẫn chưa có quy định về nghĩa vụ chứng minh mục đích giao dịch liên quan đến tài sản chung của vợ chồng, do một bêntự xác lập, thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu thuộc về ai khi có
tranh chấp xảy ra. Về phía pháp luật tố tụng dân sự, cả đương sự có yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, lẫn đương sự phản đối yêu cầu của người khác đối với mình cùng có nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu hay sự phản đối