Vấn đề trách nhiệm hoàn trả của công chức được đặt ra phụ thuộc vào quan điểm về trách nhiệm của chính Nhà nước đối với việc bồi thường. Nếu Nhà nước nhìn nhận trách nhiệm của mình là trách nhiệm trực tiếp thì vấn đề hoàn trả của công chức sẽ không phải là vấn đề cơ bản của đạo luật này. Nếu Nhà nước nhìn nhận trách nhiệm của mình là một dạng trách nhiệm thay thế thì trách nhiệm hoàn trả của công chức sẽ luôn được đặt ra (vì trong trách nhiệm thay thế, Nhà nước chỉ là người trả thay cho công chức các chi phí bồi thường chứ không phải là chủ thể chịu trách nhiệm).
Đa số pháp luật của các nước đều quy định về trách nhiệm hoàn trả của công chức, theo đó trong những điều kiện nhất định thì công chức sẽ phải thực hiện hoàn trả đối với Nhà nước. Những điều kiện này theo pháp luật các nước thường là điều kiện về mức độ lỗi của công chức. Trường hợp lỗi cố ý thì trách nhiệm hoàn trả khác so với trường hợp lỗi vô ý.
Thực tiễn thi hành Luật Bồi thường nhà nước của Nhật Bản cho thấy từ lúc ban hành đến nay chưa có công chức nào phải hoàn trả cho Nhà nước với mức 100% vì quan điểm luật học của Nhật Bản cho rằng: Nhà nước với tư cách là chủ thể được hưởng lợi ích từ việc công chức thực thi nhiệm vụ do vậy Nhà nước cũng phải cùng gánh chịu rủi ro.
Tại Hàn Quốc, sau khi Nhà nước bồi thường cho bên bị thiệt hại thì Nhà nước có thể yêu cầu công chức bồi hoàn cho nhà nước nếu lỗi này là lỗi cố ý; còn lỗi vô ý do bất cẩn thì Nhà nước không yêu cầu công chức này bồi hoàn.
Trách nhiệm hoàn trả của công chức theo pháp luật của Cộng hoà liên bang Đức cũng có đặc thù là có thể được thực hiện trong trường hợp Nhà nước đã thanh toán khoản bồi thường. Trường hợp công chức có bảo hiểm công vụ thì bảo hiểm sẽ thanh toán cho khoản bồi thường này, do đó công chức không cần phải thực hiện việc hoàn trả cho Nhà nước.
Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước của Việt Nam quy định về trách nhiệm hoàn trả của công chức dựa trên các yếu tố sau: (1) Mức độ lỗi của người thi hành công vụ; (2) Mức độ thiệt hại đã gây ra; (3) Điều kiện kinh tế của người thi hành công vụ. Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại, nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường căn cứ vào mức độ thiệt hại gây ra, điều kiện kinh tế của người đó để quyết định họ phải hoàn trả một khoản tiền nhất định, nhưng tối đa không quá 36 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả. Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây ra thiệt hại thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường căn cứ vào mức độ thiệt hại gây ra, điều kiện kinh tế của người đó để quyết định họ phải hoàn trả một khoản tiền nhất định, nhưng tối đa không quá 03 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 56 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự do việc thực hiện hành vi trái pháp luật đó thì người thi hành công vụ phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự. Về cơ
bản, trình tự, thủ tục quyết định việc hoàn trả, thẩm quyền ra quyết định hoàn trả và thực hiện việc hoàn trả bao gồm các bước sau: thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày đã thực hiện xong việc chi trả tiền bồi thường, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả để xác định trách nhiệm hoàn trả, mức hoàn trả đối với người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại. Trên cơ sở quyết định hoàn trả, người thi hành công vụ có thể thực hiện việc hoàn trả một lần hoặc nhiều lần.
Chƣơng 3
KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH VÀ PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ TRÁCH NHIỆM BỒI THƢỜNG CỦA NHÀ NƢỚC