Ngày 18/1/2012, DOC quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm tháp điện gió nhập khẩu từ Việt Nam và điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Quyết định được đưa ra sau khi Liên minh thương mại Tháp gió Hoa Kỳ, gồm một nhóm nhà sản xuất Hoa Kỳ, đệ đơn kiện đòi áp thuế chống phá giá 59% đối với sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam và 64% với sản phẩm tháp gió nhập khẩu từ Trung Quốc. Tại Việt Nam, bị đơn trong cuộc điều tra là Công ty CS Wind Corporation.
và Công ty TNHH CS Wind Việt Nam (gọi chung là CS Wind Group). Bên kiện sử dụng các số liệu chi phí sản xuất ở Ấn Độ và cho rằng tuabin điện gió do Việt Nam sản xuất bán phá giá với biên độ gần 60%. Riêng với sản phẩm xuất xứ Trung Quốc, liên minh này còn muốn áp thuế chống bán phá giá bổ sung để bù lại phần trợ cấp của Chính phủ. Trong khi đó, Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ cũng tiến hành phiên điều trần để xem xét các công ty Mỹ có bị tổn hại và đe dọa từ việc nhập khẩu sản phẩm trên hay không. Ngày 18/12/2012, DOC đã ra quyết định cuối cùng về mức thuế chống bán
phá giá sau khi điều tra sản phẩm tháp điện gió nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, bị đơn bắt buộc là CS Wind Group được xác định biên độ phá giá là 51,5%. Các nhà sản xuất và xuất khẩu khác của Việt Nam có biên độ phá giá cuối cùng là 58,49%. Như vậy, DOC sẽ hướng dẫn Hải quan Mỹ yêu cầu các công ty đặt cọc tiền dựa trên các mức bán phá giá sơ bộ trên. Với các mức thuế trên các doanh nghiệp liên đới sẽ phải chịu tác động rất nặng nề [60].
Thực tế cho thấy, khi nền kinh tế Mỹ gặp khó khăn thì số vụ kiện chống bán phá giá cũng có xu hướng tăng lên, quốc gia có khối lượng buôn bán với Mỹ càng lớn thì bị kiện bán phá giá càng nhiều. Theo thống kê, những nước bị kiện bán phá giá vào Mỹ nhiều nhất từ trước đến nay là Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Trung Quốc, Braxin, Ấn Độ và Việt Nam. Nước ta mới đẩy mạnh quan hệ thương mại với Mỹ từ năm 2002 sau khi hiệp định thương mại song phương giữa hai nước có hiệu lực. Từ đó đến nay, Việt Nam đã bị Mỹ kiện bán phá giá đối với nhiều mặt hàng, như cá tra, tôm, lò xo, đệm giường, mắc treo quần áo làm bằng thép, ống thép carbon, túi PE đựng hàng, tháp điện gió và gần đây nhất là ống thép dẫn dầu. Để hạn chế bị kiện bán phá giá và thiệt hại khi bị kiện, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý, tùy sản phẩm mà thực hiện cạnh tranh sản phẩm bằng giá. Các doanh nghiệp mới tham gia thị trường thường có cạnh tranh bằng giá, tuy nhiên ngoài giá thì những yếu tố khác như chất lượng, thời gian giao hàng cũng đóng vai trò quan trọng. Đối với hàng hóa là thực phẩm, doanh nghiệp nên tập trung vào nâng cao chất lượng và bảo đảm thời gian giao hàng để nâng cao uy tín đối với khách hàng, từ đó có thể duy trì hoặc nâng cao được giá bán. Bên cạnh đó, khi tính toán chi phí sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam, DOC không quan tâm đến chi phí sản xuất tính bằng tiền của doanh nghiệp, mà lấy khối lượng tiêu hao nguyên - nhiên liệu, lao động của doanh nghiệp rồi nhân với giá của những yếu tố đó ở nước thay thế để tính ra chi phí sản xuất. Vì vậy, các DN phải tách bạch chi phí, nhất là khối lượng tiêu hao
nguyên - nhiên liệu và lao động dùng để sản xuất ra hàng xuất khẩu sang Mỹ, bảo đảm thời gian giao hàng và nâng cao giá bán cùng với tiết kiệm chi phí sản xuất để giảm rủi ro bị kiện bán phá giá. DN cần giữ sổ sách kế toán đầy đủ, rõ ràng. Có không ít DN chưa làm tốt việc này nên khi bị điều tra không có đủ thông tin cung cấp cho cơ quan điều tra, dẫn đến từ chối không tham gia vào quá trình điều tra, vì vậy phải chịu thuế suất toàn quốc thường là cao gấp nhiều lần so với thuế suất riêng áp cho các DN tham gia vào quá trình điều tra. Ngoài ra, luật CBPG của Mỹ rất phức tạp, hầu hết công ty nước ngoài, kể cả những công ty lớn ở những nước hay bị kiện bán phá giá nhất, cũng khó có thể tự mình ứng phó. Vì thế, DN nên chọn những công ty luật có kinh nghiệm về kinh tế phi thị trường, hiểu về kinh doanh ở Việt Nam, có uy tín đối với DOC, đã từng tư vấn thành công cho DN Việt Nam trong những vụ kiện trước.