Trong động cơ xăng thông thường, bướm ga điều khiển lượng khí nạp vào khi bàn đạp ga không được nhấn hoàn toàn (chế độ tải trung bình). Điều này tạo ra áp suất chân không bên trong xi lanh, gây ra tải thêm cho piston. Ngược lại, động cơ có hệ thống Dual VVT-i trong quá trình lái ở chế độ tải trung bình, pha phân phối khí của động cơ được điều chỉnh sớm và độ trùng lặp xupap tăng lên để tăng tuần hoàn khí thải (EGR) và hút một phần khí xả trở lại xi lanh. Điều này tạo ra ba kết quả: Áp suất âm bên trong xi lanh được giảm thiểu để giảm thất thoát khí nạp và tăng khả năng tiết kiệm nhiên liệu; nhiệt độ đốt được hạ xuống để giảm NOx; và khí chưa cháy được đưa trở lại buồng đốt để đốt lại, khử hydrocacbon.
Pha phân phối khí trễ hơn tức điều chỉnh góc trùng điệp nhỏ lại để khí cháy được thải sạch ra ngoài giảm khí xả chạy ngược lại phía nạp khi động cơ chạy không tải và tốc độ chạy không tải được hạ xuống để cải thiện khả năng tiết kiệm nhiên liệu.
Nhờ có cảm biến đo nồng độ oxy dư đặt ở cụm góp xả để nhận biết tỷ lệ nhiên liệu được đốt có tối ưu từ đó điều chỉnh chế độ nạp nhiên liệu.
2.7.1.2Tăng mô men xoắn và công suất
Trong điều kiện lái xe ở chế độ tải cao đòi hỏi mô men xoắn và công suất lớn, thời điểm đóng mở van nạp được điều khiển tối ưu dựa trên tốc độ động cơ. Hiệu ứng quán tính dòng khí nạp được tận dụng tối đa để tăng lượng khí nạp, do đó cải thiện mô men xoắn và công suất.
Để tăng lượng khí nạp, thời điểm đóng van nạp phải được xác định liên quan đến hiệu ứng quán tính khí dòng nạp và lượng khí nạp trở lại do piston nâng lên. Thay đổi thời điểm tối ưu phù hợp với tốc độ động cơ.
Động cơ có hệ thống Dual VVT-i tăng mô men xoắn ở tốc độ thấp tới trung bình bằng cách điều khiển đóng van nạp sớm ở dải tốc độ thấp tới trung bình. Khi tốc độ động cơ tăng lên, thời điểm đóng van nạp bị chậm lại để tăng công suất.