Phần 2 Tổng quan tài liệu
2.3. Những nghiên cứu cơ bản về các tính trạng của cây lúa
2.3.1. Thời gian sinh trưởng
Thời gian sinh trưởng của cây lúa được tính từ khi hạt lúa nảy mầm đến khi thu hoạch. Tùy theo giống, môi trường và điều kiện canh tác mà thời gian này có thể kéo dài từ 3-6 tháng. Thời gian sinh trưởng dài hay ngắn phụ thuộc vào đặc tính di truyền của giống, thời vụ gieo cấy, điều kiện ngoại cảnh và trình độ thâm canh của từng địa phương. Thường thì các giống lúa địa phương có thời gian sinh
trưởng dài hơn giống lúa cải tiến. Vụ Xuân, thời gian sinh trưởng của các giống lúa dài hơn vụ Mùa. Một số giống lúa gieo trồng ở vụ Mùa sẽ có thời gian sinh trưởng ngắn hơn ở vụ Xuân 15-20 ngày.
Hiện nay thời gian sinh trưởng lý tưởng của cây lúa là 90 – 100 ngày. Tuy nhiên thời gian sinh trưởng của cây lúa còn phụ thuộc vào thời vụ gieo cấy với điều kiện ngoại cảnh khác nhau. Trong điều kiện ở miền Bắc nước ta, do ảnh hưởng của của điều kiện nhiệt độ thấp, thời gian sinh trưởng của cùng một giống lúa nếu gieo cấy vào vụ Xuân sẽ dài hơn gieo cấy trong vụ Mùa. Trong cùng một vụ, nếu thời vụ gieo cấy sớm hay muộn thì thời gian sinh trưởng của một giống lúa cũng thay đổi. Ngay cả trong cùng một thời vụ gieo cấy ở vụ chiêm Xuân, năm nào trời rét lúa trỗ muộn, thời gian sinh trưởng kéo dài; năm nào ấm thì ngược lại. Còn trong vụ Mùa, nhiệt độ ít thay đổi qua các năm nên thời gian sinh trưởng của các giống lúa tương đối ổn định.
Trong sản xuất hiện nay, người nông dân rất cần có những giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt, khả năng chống chịu cao, không phản ứng với quang chu kỳ để có thể trồng được nhiều vụ trong năm, nhằm tăng hệ số sử dụng ruộng đất từ đó tăng sản lượng và tăng thu nhập cho nhà nông.
Bén rễ hồi xanh là trạng thái sống của cây lúa sau khi chuyển sang môi trường ruộng lúa khi kết thúc giai đoạn sống trên ruộng mạ. Là khi cây lúa ra bộ rễ mới, bắt đầu sử dụng được nước và dinh dưỡng trong ruộng để bắt đầu sinh trưởng. Thời gian BRHX phụ thuộc hoàn toàn vào đặc tính, khả năng sinh trưởng từng giống đồng thời phụ thuộc chặt với các điều kiện ngoại cảnh như: Thời tiết, mùa vụ, mực nước, chất đất…. các giống lúa lai có sức sinh trưởng khỏe thì thường thời gian BRHX ngắn hơn các giống lúa thường. Vụ Mùa nhiệt độ cao thì thời gian BRHX ngắn hơn vụ Xuân.
Thời gian đẻ nhánh là khoảng thời gian được tính từ khi cây mạ hình thành nhánh phụ thứ nhất đến khi đạt số nhánh tối đa và sau đó dừng lại hoặc có những nhánh phụ chết đi. Trong cùng điều kiện mạ gieo như nhau có những giống đẻ nhánh sớm, có giống đẻ nhánh muộn.
Thời gian bắt đầu đẻ nhánh của cây lúa cũng rất khác nhau: giống ngắn ngày sớm hơn giống dài ngày, nhiệt độ phù hợp đẻ nhánh sớm hơn nhiệt độ thấp. Thời gian bắt đầu đẻ nhánh của giống ngắn ngày trong vụ xuân khoảng 15-20 ngày sau cấy, giống trung và dài ngày khoảng 20-30 ngày sau cấy. Trong nhiệt độ cao ở vụ
mùa, giống trung và dài ngày khoảng 7-10 ngày. Thời gian đẻ nhánh cũng phụ thuộc rất lớn vào điều kiện môi trường, dinh dưỡng, kỹ thuật canh tác. Những giống cải tiến đạt số nhánh tối đa sau cấy 50-60 ngày, sau đó giảm đi do một số nhánh đẻ muộn sinh trưởng yếu bị chết. Vụ chiêm xuân thời gian đẻ nhánh kéo dài khoảng 50-60 ngày, vụ mùa thời gian đẻ nhánh ngắn hơn (40-45 ngày).
Thời gian trỗ là khoảng thời gian theo dõi được khi trong ô thí nghiệm có 5% số cây trỗ (bắt đầu) đến khi có 100% cây trỗ (trỗ hoàn toàn). Khoảng thời gian này về cơ bản các chuyên gia cho rằng nếu thời gian càng ngắn thì được gọi là trỗ tập trung và là một đặc tính quý, giống trỗ nhanh và tập trung 2-3 ngày khả năng cho năng suất cao hơn những giống trỗ lai rai, những bông trỗ sau thường chín muộn. Trong điều kiện giữa vụ Xuân và vụ Mùa thì thời gian trỗ bông của một dòng, giống cũng khác nhau, thường thì các giống sẽ có thời gian trỗ bông trong vụ Xuân dài hơn trong vụ Mùa.