CHƯƠNG 2 : PHƯƠNG PHÁP VÀ CÁCH TIẾN HÀNH NGHIÊN CỨU
2.1. Căn cứ xây dựng bộ chỉ số phân loại các cơ sở GDĐHở Việt Nam
2.1.2. Căn cứ pháp lý
Vấn đề về phân tầng GDĐH Việt Nam được Đảng, nhà nước và chính phủ quan tâm. Nhiều nghị quyết, quyết định về vấn đề này đã lần lượt được ban hành. Cụ thể:
Nghị định số 14/2005/NĐ-CP ngày 2/11/2005 của chính phủ về đổi mới căn bản GDĐH Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020. Nghị định nêu rõ một trong những mục tiêu cụ thể của GDĐH Việt Nam trong giai đoạn này “Hoàn chỉnh mạng lưới các cơ sở GDĐH trên phạm vi toàn quốc, có sự phân tầng về chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bảo đảm hợp lý cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu vùng miền, phù hợp chủ trương xã hội hóa GD và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và của địa phương”
Quyết định số 181/2005/QĐ-TTg ngày 19/7/2005 của Thủ tướng chính phủ về Quy định phân loại, xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập. Điều 8 của quyết định có quy định rõ khung xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập thuộc ngành GD và đào tạo do Trung ương và địa phương quản lý có 11 hạng, trong đó cấp ĐH xếp 3 hạng, cao đẳng xếp 2 hạng. Cụ thể: 1. Hạng đặc biệt: ĐH Quốc gia, Học viện Hành chính Quốc gia; 2. Hạng 1: ĐH vùng, các trường ĐH trọng điểm; 3. Hạng 2: Các trường ĐH còn lại; 4. Hạng 3 - 4: Các trường cao đẳng (bao gồm cả cao đẳng dạy nghề).
Quyết định số 121/2007/QĐ-TTg ngày 27/7/2007 về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH và cao đẳng giai đoạn 2006 – 2020. Mục g Khoản 3 điều 1 của quyết định có đề cập đến vấn đề phân tầng mạng lưới trường ĐH, cao đẳng “Các trường ĐH được xếp hạng trong nhóm 200 trường hàng đầu thế giới; Các trường ĐH đào tạo định hướng nghiên cứu; Các trường ĐH, cao đẳng đào tạo định hớng nghề nghiệp - ứng dụng.”
Luật số 08/2012/QH13 về Luật GDĐH. Điều 9 của Luật đề cập về mục đích phân tầng cơ sở GDĐH: “Cơ sở GDĐH được phân tầng nhằm phục vụ công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở GDĐH phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển, nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học của cơ sở GDĐH; thực hiện quản lý nhà nước”. Để thực hiện phân tầng GDĐH, Điều 12 của Luật cũng đã quy định “Tăng
ngân sách nhà nước đầu tư cho GDĐH; đầu tư có trọng điểm để hình thành một số cơ sở GDĐH chất lượng cao, theo định hướng nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản, các ngành công nghệ cao và ngành kinh tế - xã hội then chốt đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới”. Với những quy định trong Luật về phân tầng GDĐH có thể thấy rằng Luật GDĐH đã tạo điều kiện cho các trường ĐH hàng đầu hành lang pháp lý chặt chẽ, nhất quán, thay đổi được tư duy quản lý cũ về ĐH Việt Nam, hướng đến việc hội nhập vào xu thế phát triển chung của các trường ĐH trên thế giới. Tại điều 9 của Luật cũng đã xác định cơ sở GDĐH được phân tầng và xếp hạng theo các tiêu chí: “Vị trí, vai trò trong hệ thống GDĐH; Quy mô, ngành nghề và các trình độ đào tạo; Cơ cấu các hoạt động đào tạo và khoa học công nghệ; Chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học; Kết quả kiểm định chất lượng GDĐH”. Từ đó, cơ sở GDĐH được phân tầng thành: “Cơ sở GDĐH định hướng nghiên cứu; Cơ sở GDĐH định hướng ứng dụng; Cơ sở GDĐH định hướng thực hành.”
Nghị quyết Hội nghị trung ương 8 khóa XI của Ban Chấp hành trung ương Đảng ngày 22/10/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện GD và đào tạo đã chỉ đạo một trong những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để thực hiện đổi mới GD là “thực hiện phân tầng cơ sở GDĐH theo định hướng nghiên cứu và ứng dụng, thực hành”. Đồng thời, nghị quyết cũng chỉ ra rằng “đổi mới mạnh mẽ nội dung GDĐH và sau ĐH theo hướng hiện đại, phù hợp với từng ngành, nhóm ngành đào tạo và việc phân tầng của hệ thống GDĐH”.
Như vậy, qua các văn bản của Đảng và nhà nước về vấn đề phân tầng GDĐH, chúng ta nhận thức rằng vấn đề này rất được quan tâm và chỉ đạo sâu sát. Với những điều được quy định trong Luật và chỉ đạo của Nghị quyết Đảng, cũng chính là các đơn đặt hàng cho Bộ GD và các nhà nghiên cứu GD nghiên cứu và đề xuất các giải pháp để thực hiện nhằm hướng dẫn việc thực hiện có hiệu quả.