Đánh giá hiệu quả của trị liệu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) rối loạn căng thẳng sau sang chấn luận văn ths tâm lí học lâm sàng (chuyên ngành đào tạo thí điểm) (Trang 99 - 101)

Từ trường hợp nghiên cứu chúng tôi nhận thấy hiệu quả của trị liệu phụ thuộc rất nhiều vào nội lực của thân chủ. Xét về các yếu tố khác ngoài thân chủ như môi trường sống, các vấn đề trong cuộc sống mà thân chủ phải đối mặt, mức độ hỗ trợ xã hội và các mất mát trong cuộc đời thì ở trường hợp này tất cả đều bất lợi. Lan sống ở một làng quê nhỏ, nơi rất nặng nề về vấn đề trinh tiết của người phụ nữ, nơi mà dư luận có sức ảnh hưởng ghê gớm đến mỗi cá nhân, bản thân Lan cũng chịu thêm nhiều sang chấn hậu sang chấn bị xâm hại tình dục. Có thể nói đây là môi trường sống chứa đựng nhiều yếu tố làm gia tăng các vấn đề của Lan sau sang chấn. Không những thế bản thân Lan vốn đã phải đối mặt với nhiều vấn đề như sống trong gia đình bố mẹ ly hôn, bà nội khắc nghiệt, kinh tế gia đình khó khăn. Bên cạnh đó, không có một sự hỗ trợ xã hội nào có hiệu quả tại nơi trẻ sinh sống khi sang chấn xảy ra, có chăng đó chỉ là “những lần thăm hỏi, càng làm lộ ra việc cháu

bị xâm hại tình dục, sau mỗi lần ấy, hàng xóm sang xem rồi lại bàn tán, làm cháu thêm đau khổ, xấu hổ”. Bản thân Lan là yếu tố thuận lợi nhất, ở đây Lan là người

mạnh mẽ, linh hoạt, sáng tạo, cháu đã chủ động tận dụng các kinh nghiệm trị liệu để ứng dụng nó vào giải quyết ngay các vấn đề trong cuộc sống của mình. Bên cạnh đó, mỗi lần thực hiện các kĩ thuật không thành công, cháu đều gọi điện cho nhà trị liệu để tìm kiếm sự trợ giúp giải quyết ngay khó khăn. Hơn thế nữa, Lan là người đã có kinh nghiệm trong giải quyết các vấn đề tương tự. Khi bàn về lường trước các khó khăn trong tương lai, trẻ nói “mọi chuyện dần dần rồi cũng sẽ qua thôi cô ạ,

như chuyện bố mẹ cháu ly hôn, ban đầu các bạn trong lớp cũng trêu nhiều, nhưng 1, 2 năm rồi các bạn ấy cũng chẳng trêu nữa, khi nó quen quá rồi thì họ sẽ quên mất nó. Rồi chuyện này cũng thế, cháu nghĩ vài năm nữa mọi người cũng quên đi”.

Như vậy, đúng như Bohart đã nói, rõ ràng thân chủ và nhiều biến số làm nên thực tại bên trong và bên ngoài của chính thân chủ góp phần lớn tạo ra sự cân bằng hiệu quả trị liệu.

Trong nghiên cứu của mình, ban đầu chúng tôi dự định sử dụng hai cách khác nhau để đánh giá hiệu quả của quá trình can thiệp. Tuy nhiên do thân chủ không đến trong buổi dự kiến cuối cùng nên chúng tôi chưa thể thực hiện được cách đánh giá lại bằng các thang đo sử dụng ban đầu. Đây cũng là mặt hạn chế của quá trình trị liệu này, đó là không có được những kết quả đánh giá định tính, chỉ có kết quả đánh giá định lượng.

Dựa trên các mục tiêu đầu ra thì sau 9 phiên trị liệu, về cơ bản cả 4 mục tiêu đã đạt được những bước tiến triển tích cực và các triệu chứng cũng như các vấn đề của Lan hầu như đã giảm. Chất lượng cuộc sống của cháu được tăng lên khá nhiều, cháu ít bị ám ảnh bởi các kí ức xâm nhập, cháu không còn đổ lỗi cho bản thân hay đánh giá tiêu cực về mình nữa, và điều quan trọng hơn cả là suy nghĩ và hành động của cháu không còn bị ảnh hưởng nhiều bởi đánh giá của những người xung quanh. Cháu cũng đã trải nghiệm được mối các mối quan hệ tốt với nhà trị liệu và với một người bạn ở gần nhà. Đây là điểm tựa giúp cháu có thể tiếp tục nỗ lực tự giải quyết các khó khăn của mình. Bên cạnh đó thì mục tiêu thứ nhất và mục tiêu thứ 4 chưa được giải quyết một cách triệt để. Cụ thể Lan vẫn còn một số dấu hiệu PTSD, trầm cảm, trong khi môi trường sống của cháu vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tái sang chấn, hàng ngày cháu vẫn phải tiếp xúc với những người đã gây tổn thương cho mình.

Còn dựa trên các tiêu chí đánh giá của thang lâm sàng của Karvasarxki B. D theo tiếp cận từ góc độ lâm sàng-xã hội, chúng tôi có thể thấy trị liệu đem lại những hiệu quả sau:

1) Mức độ giảm bớt của các triệu chứng: theo báo cáo của thân chủ theo từng buổi về việc thực hiện các kĩ thuật thì thân chủ đã kiểm soát được các hình ảnh, âm thanh, sau khi kiểm soát được kí ức xâm nhập thì nó giảm hẳn, chỉ thỉnh thoảng khi có người nói đến chuyện đó thì mình mới cảm thấy khó chịu một chút, còn bình thường không ai nói đến thì không sao. Thân chủ không dùng biện pháp cắt tay để tự giải tỏa nữa mà đã biết cách sử dụng các kĩ thuật thư giãn để lấy lại cân bằng. Tự đánh giá về bản thân đã được nâng lên, trẻ không còn đổ lỗi cho bản thân mình, đã lên kế hoạch về tương lai và từng bước thực hiện nó.

2) Mức độ ý thức về cơ chế nảy sinh rối loạn: thân chủ hiểu được cơ chế nảy sinh và duy trì của rối loạn trầm cảm và PTSD, hiểu được sự tác động qua lại giữa nhận thức – cảm xúc – hành vi, trong quá trình trị liệu, thân chủ đã có cơ hội kiểm định lại những nội dung mà nhà trị liệu cung cấp nên hiểu và vận dụng nó rất tốt trong việc kiểm soát các vấn đề của mình.

3) Mức độ thay đổi thái độ của nhân cách: thân chủ được trải nghiệm khi nhìn nhận một vấn đề dưới nhiều góc độ khác nhau nên dễ chấp nhận quan điểm của người khác hơn.

4) Mức độ cải thiện chức năng xã hội: thân chủ đã khởi động lại việc đi học thêm, tham gia vào hoạt động trại hè của thôn, đi chùa, giúp mẹ việc nhà.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) rối loạn căng thẳng sau sang chấn luận văn ths tâm lí học lâm sàng (chuyên ngành đào tạo thí điểm) (Trang 99 - 101)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)