Đại học Đông Dương – cái nôi đào tạo đội ngũ trí thức Tây học có trình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đại học đông dương với sự hình thành tầng lớp trí thức việt nam thời thuộc địa 001 (Trang 109 - 115)

6. Bố cục của đề tài

3.3. Vai trò của trí thức Đại học Đông Dƣơng với cuộc hiện đại hóa ở Việt

3.3.2. Đại học Đông Dương – cái nôi đào tạo đội ngũ trí thức Tây học có trình

học có trình độ cao – lực lượng tiên phong trong công cuộc hiện đại hóa nước nhà

Hệ thống giáo dục đại học Pháp ở Việt Nam thể hiện tham vọng của thực dân Pháp muốn xác lập ảnh hưởng tuyệt đối về chính trị, văn hóa, tư tưởng thông qua việc đào tạo lớp trí thức trình độ cao này. Chủ nghĩa thực dân về văn hóa được áp đặt vào dân tộc Việt Nam thì bắt buộc nó phải nằm trong quỹ đạo của dân tộc ta. Nếu như giới nho sĩ trước kia thể hiện thái độ cự tuyệt văn minh phương Tây, như một nhà nghiên cứu phương Tây đã nhận xét: Chủ nghĩa thực dân như một chậu nước bẩn mà họ hắt đi, nhưng họ quên mất rằng trong chậu nước bẩn đó có “chú bé Hài đồng” là văn minh kỹ thuật phương Tây. Vì thế đã hắt đi một cơ hội quan trọng [14;38], thì cơ hội quan trọng đó đã được giới trí thức Tân học tận dụng triệt để, để hiện đại hóa mình, rồi biến mình làm nhân tố thúc đẩy mạnh mẽ cuộc hiện đại hóa của cả dân tộc.

Cơ hội tiếp xúc trực tiếp với văn hóa nghệ thuật Pháp đã thổi bùng lên trong họ khát vọng hiện đại hóa mạnh mẽ. Đầu thập kỷ 40 của thế kỷ XX, một cây bút tên tuổi của nhóm Thanh Nghị, Đinh Gia Trinh, đồng thời là cựu sinh viên trường Đại học Luật Đông Dương, đã phản ánh tâm trạng của giới trí thức đương thời trước sự du nhập của văn minh phương Tây: “ngày xưa, cái ngày xưa xa xôi, tôi sống trong lũy tre xanh, tôi thở trong bầu không khí phương Đông... Tôi leo dần lên bậc thang học vấn. Tri thức của tôi sống với các nhà tư tưởng, giác quan của tôi được cảm xúc bởi những kỹ xảo của mỹ thuật Tây phương... Đứng ở chỗ giao thông của hai thế giới, tôi tựa như đang chơ vơ, đang tìm kiếm chân lý, như kẻ si tình tìm người yêu để thờ phụng. Đông phương hay Tây phương? Lòng tôi xôn xao bứt rứt trong một cảm giác băn khoăn, vô định hoài” [10;70-79]. Cộng với lòng yêu nước, ý chí muốn

phục hưng dân tộc, tư tưởng hiện đại hóa, hòa nhập vào phương Tây đã trở thành tư tưởng, phương pháp suy nghĩ trung tâm của giới trí thức Tây học.

Trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, chỉ mấy chục năm, với khát khao cháy bỏng và sức làm việc không mỏi mệt của đội ngũ văn nghệ sĩ này, nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam đã tiến những bước dài chưa từng có, có chiều sâu cả trăm năm, với sự ra đời của vô số tác phẩm văn hóa nghệ thuật có giá trị, hàng trăm các văn nghệ sĩ xuất sắc. Dường như là sự chuyển mình, sự thay da đổi thịt trên lĩnh vực văn hóa tư tưởng nhanh chóng và sâu đậm hơn trong các lĩnh vực khác của xã hội.

Nền báo chí hiện đại ra đời, là mảnh đất hoạt động sôi nổi của các trí thức. Năm 1929, Việt Nam có 154 tờ báo, tạp chí và đỉnh cao nhất là năm 1938 có 400 tờ báo bao gồm phong phú các thể loại với chữ quốc ngữ, chữ Pháp, Anh, Trung Quốc... [15;113] Báo chí tiếng Việt mở đầu là tờ Gia Định báo, phát triển mạnh mẽ với hàng loạt Đông Dương tạp chí, Nam Phong, Trung Bắc tân văn, Trung Bắc chủ nhật, Phụ nữ tân văn, Đông Pháp, Ngày nay, Hữu Thanh tạp chí, Thanh Nghị, Tri Tân,v.v.... Ngành xuất bản, in ấn

hiện đại hình thành với nhiều nhà xuất bản và nhà in như: nhà in Trung Bắc, nhà in Lê Văn Phúc, nhà xuất bản Nam Đồng Thư xã, nhà xuất bản Tân Dân...

Sự hòa quyện một cách nhuần nhuyễn và sôi nổi giữa văn học và nghệ thuật với sự hỗ trợ tích cực từ sự bùng nổ của báo chí đã tạo nên trào lưu hiện đại hóa vô cùng mạnh mẽ trong nền văn hóa Việt Nam mà trung tâm chính là đội ngũ trí thức được đào tạo từ trường đại học Pháp.

Rất nhiều trí thức được đào tạo từ các trường cao đẳng, đại học thuộc Đại học Đông Dương đã trở thành những tài năng văn hóa nghệ thuật xuất sắc như Nguyễn Phan Chánh, Hoàng Ngọc Phách, Dương Quảng Hàm, Phạm Duy, Văn Cao... Những trí thức này đã tham gia tích cực, là lực lượng đi đầu trong cuộc hiện đại hóa nền văn hóa nghệ thuật nước nhà.

Tên tuổi của Nguyễn Phan Chánh luôn được những người say mê hội họa Việt Nam nhắc đến với niềm cảm phục và sự trân trọng đặc biệt. Ông là người mở đường, người đầu tiên mang vinh quang về cho tranh lụa Việt Nam [67;52]. Được sự hướng dẫn của Giáo sư Victor Tardieu - người họa sĩ lớn đã đưa tranh lụa vào giảng dạy tại trường Mỹ thuật Đông Dương, Nguyễn Phan Chánh đã thực sự tỏa sáng một cách điêu luyện trong thể loại tranh vẽ này ngay khi còn là một sinh viên Mỹ thuật. Các tác phẩm hội họa nổi tiếng của ông trước năm 1945 chủ yếu tập trung vào cuộc sống bình dị của người nông dân Việt Nam. Mảng đề tài rất giản dị, đời thường nhưng đã đem lại cho ông những thành công không chỉ được công nhận ở Việt Nam mà còn ở Pháp và châu Âu. Điển hình là bức họa “Chơi ô ăn quan”, “Đi cày”, “Lên đồng”, “Chị em đùa cá”... Ông được coi là người chiết trung phương pháp tạo hình phương Tây và họa pháp tranh lụa phương Đông. Nguyễn Phan Chánh là họa sĩ Việt Nam duy nhất ưa dùng chữ Nho trong tác phẩm của mình. Sự kết hợp giữa thơ và họa trong tranh Nguyễn Phan Chánh gợi ta nhớ đến những mẫu mực của nghệ thuật cổ điển phương Đông và phương pháp tạo hình phương Tây. Trong cuộc Đấu xảo thuộc địa năm 1931 tại Paris những tác phẩm đầu tiên của Nguyễn Phan Chánh đã gây được tiếng vang lớn. Ông được xem như một trong những họa sĩ tiêu biểu cho nền hội họa Đông Dương. Ông sinh năm 1892, tại Thạch Hà, Hà Tĩnh. Năm 1922, ông Tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Đông Ba, Huế. Năm 1925, ông trở thành sinh viên khóa đầu tiên của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Cùng khóa với ông còn có nhiều người sau trở thành các họa sĩ, nhà văn, nhà báo nổi tiếng như Lê Văn Đệ, Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Nguyễn Tường Tam (sau này là nhà văn Nhất Linh).

Trong lĩnh vực kiến trúc phải kể đến gương mặt tiêu biểu của kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng và Ngô Viết Thụ. Từng học Kiến trúc tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Nguyễn Bá Lăng đã trở thành một kiến trúc sư nổi tiếng về kiến trúc cổ Việt Nam. Ông là người góp công lớn vào trùng tu Tứ trấn Hà Nội, dựng lại Cầu Thê Húc và chùa Một Cột... Ngoài ra, ông được

nhiều người biết đến và tham khảo trong công trình Kiến trúc Phật giáo Việt Nam được Viện Đại học Vạn Hạnh xuất bản lần đầu tiên tại Sài Gòn vào năm 1972.

Ngô Viết Thụ sinh ra và lớn lên tại Huế, theo học ngành Kiến trúc, trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, khóa (1944-1949). Ông là kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên đạt Giải thưởng lớn Roma về kiến trúc. Ông đã tạo dựng sự nghiệp kiến trúc với nhiều công trình nổi tiếng như Dinh Độc lập, quy hoạch đô thị khu Sài Gòn – Chợ Lớn, Viện Đại học Huế (nay là trường Đại học Sư phạm Huế), Nhà thờ Phủ Cam... Đại diện cho thế hệ kiến trúc sư của nền kiến trúc hiện đại mang phong cách phương Tây, nhưng ông cũng là một bậc thầy trong phong thủy kiến trúc.Tài năng và tên tuổi của ông được nhiều nước trên thế giới biết đến.

Hoàng Ngọc Phách được mệnh danh là người mở đầu tiểu thuyết hiện đại Việt Nam ngay từ khi còn là cậu sinh viên Ban Văn chương của trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương. Tiểu thuyết Tố tâm – tiểu thuyết lãng mạn đầu tiên của nền văn học Việt Nam hiện đại – ông sáng tác khi đang học năm cuối Cao đẳng Sư phạm, được đánh giá là một trong những tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của Việt Nam, tác phẩm đã được giáo sư Michele Sullivan và Emmanuel Lê Ốc Mạch dịch sang tiếng Pháp. Nhà xuất bản Gallimard - nổi tiếng với bộ sách Tìm hiểu phương Đông, chuyên dịch và giới thiệu các tác

phẩm văn học nổi tiếng ở các nước Ảrập, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam - đã ấn hành cuốn sách này với tên gọi Một trái tim trong sáng.

Dương Quảng Hàm (1898-1946), hiệu là Hải Lượng, là nhà nghiên cứu văn học, nhà giáo dục Việt Nam. Tác phẩm Việt Nam văn học sử yếu (1941) do ông dày công biên soạn, được xem là cuốn văn học sử phổ thông bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam. Năm 1920, ông tốt nghiệp thủ khoa trường cao đẳng Sư phạm Đông Dương. Ông viết rất nhiều bài báo tiếng Việt, tiếng Pháp đăng trên các báo Nam Phong, Hữu Thanh, Tri Tân và báo của người

Pháp. Ông là người thầy xuất sắc đã đào tạo hàng nghìn học trò trong một phần tư thế kỷ; một nhà nghiên cứu văn học đã đặt nền móng cho môn lịch sử

văn học, văn học so sánh ở Việt Nam, người khởi xướng chương trình quốc học cho nền giáo dục hiện đại; một nho sĩ yêu nước, một nhà mô phạm từ cách ăn mặc, nói năng đến mối quan hệ thầy trò, nhất nhất đều theo quan niệm chữ Lễ của Khổng học.

Phạm Duy, tên thật Phạm Duy Cẩn, sinh năm 1921, là một nhạc sĩ, ca sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc của Việt Nam. Ông được coi là một trong những nhạc sĩ lớn của nền Tân nhạc với số lượng sáng tác đồ sộ và đa dạng về thể loại, trong đó có những bài đã trở nên rất quen thuộc với người Việt. Ngoài sáng tác, Phạm Duy còn có nhiều công trình khảo cứu về âm nhạc Việt Nam có giá trị. Ông từng là sinh viên dự thính của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Văn Cao (1923 – 1995) là một nhạc sĩ Việt Nam nổi tiếng. Ông là sinh viên dự thính của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông là tác giả của

Tiến quân ca, quốc ca của Việt Nam, đồng thời cũng là một trong những

gương mặt quan trọng nhất của tân nhạc. Văn Cao còn là một họa sĩ, nhà thơ với nhiều tác phẩm giá trị. Thuộc thế hệ nhạc sĩ tiên phong, Văn Cao sáng tác các ca khúc lãng mạn Bến xuân, Suối mơ, Thiên Thai, Trương Chi... ghi dấu ấn trong lịch sử tân nhạc Việt Nam. Sau khi gia nhập Việt Minh, Văn Cao viết

Tiến quân ca, Trường ca Sông Lô, Tiến về Hà Nội... trở thành nhạc sĩ tiêu

biểu của dòng nhạc kháng chiến.

Vi Huyền Đắc (1899-1976), từng học trường Mỹ thuật Đông Dương là nhà thầu khoán, đồng thời là nhà sáng tác kịch, góp phần xây dựng nền kịch nói Việt Nam hiện đại.

Cuộc cách tân này biểu hiện nổi bật nhất ở lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nhưng trên các lĩnh vực khác của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội cũng không kém phần sôi nổi. Kết quả là nền kinh tế xã hội Việt Nam đã chuyển mình từ nền kinh tế xã hội của một đất nước phong kiến nông nghiệp sang nền kinh tế xã hội của một nước thuộc địa với sự đa dạng, phong phú về cơ

cấu ngành kinh tế, công nghiệp và thương nghiệp có bước phát triển vượt bậc, tận dụng tối đa những công nghệ phương Tây được đưa vào Việt Nam.

Đội ngũ trí thức được đào tạo từ trường đại học Pháp ở Việt Nam đã trở thành cầu nối giữa văn hóa phương Tây và văn hóa Việt Nam. Sự ra đời và hoạt động của đội ngũ trí thức này có sức ảnh hưởng lớn đến cuộc hiện đại hóa ở Việt Nam đầu thế kỷ XX. Được đào tạo bài bản tại trường đại học, những trí thức này đã khéo léo kết hợp giữa vốn tri thức Á Đông với tri thức Tây phương hình thành tri thức mới, con người mới, như những mũi xung kích trong cuộc hiện đại hóa nền văn hóa xã hội nước nhà. Nhiều người trong số họ trở thành những nhà chuyên môn tài giỏi, có nhiều đóng góp lớn cho nền khoa học kỹ thuật của đất nước. Nhiều người lại biết vận dụng những tri thức khoa học, những tư tưởng tiến bộ trong trường đại học làm lý luận và phương pháp đấu tranh cách mạng, đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, trở thành những nhà chính trị, những lãnh tụ của phong trào cách mạng. Dù trong lĩnh vực chuyên môn hay trên mặt trận giải phóng dân tộc, đội ngũ trí thức được đào tạo từ trường đại học Pháp đều hoàn thành tốt sứ mệnh trên hai mũi tiến công văn hóa xã hội và chính trị trong sự nghiệp hiện đại hóa đất nước và giải phóng dân tộc.

Sau khi đất nước độc lập, một số trí thức tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong chính phủ cách mạng của nước Việt Nam mới, hoặc tiếp tục trở thành những nhà báo, nhà thơ, nhà văn, họa sỹ, nhạc sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng, những kỹ sư, nhà chuyên môn giỏi trên mặt trận kinh tế. Dù “số phận lịch sử” của đội ngữ trí thức ưu tú này sau năm năm 1945 có rất nhiều biến động nhưng những đóng góp của họ cho công cuộc hiện đại hóa đất nước thời thuộc địa luôn được ghi nhận.

Sự tiếp nhận trực tiếp văn minh phương Tây bên cạnh mặt tích cực vốn có được hàm chứa trong các giá trị văn hóa, còn bị chi phối bởi ý đồ thực dân của chính quyền thuộc địa. Đó là ý muốn nhanh chóng đào tạo một tầng lớp trí thức có trình độ cao chịu ảnh hưởng mạnh của Pháp, làm công cụ thống trị

về chính trị cũng như về văn hóa tư tưởng, và phục vụ hiệu quả công cuộc khai thác thuộc địa ngày càng mạnh mẽ của thực dân Pháp.

Thực dân Pháp không những tìm mọi cách xóa bỏ ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa bằng việc tạo ra một tầng lớp trí thức mới đại diện văn hóa Pháp ở Việt Nam cạnh tranh và loại bỏ các Nho gia mà còn cố gắng đem vào tư tưởng kì thị văn hóa truyền thống trong nền giáo dục Pháp tại thuộc địa.

Hậu quả của tư tưởng kì thị văn hóa truyền thống dân tộc được nhồi nhét vào đầu bộ phận sinh viên là việc xuất hiện những “trí thức Việt nói tiếng Pháp”, lai căng, rẻ rúng mọi giá trị mà ông cha của họ công nhận và thực hành. Một số trí thức được đào tạo từ trường đại học Pháp đã trở thành tay sai của chính quyền thực dân, gây thiệt hại không nhỏ cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc.

Mưu đồ thực dân trong chính sách văn hóa giáo dục của thực dân Pháp được bộc lộ rõ qua việc tìm mọi cách khống chế, ép buộc những trí thức mà họ dày công đào tạo phải làm tay sai. Hay nói cách khác, nếu không lựa chọn cách thức uốn lưng quỳ gối mà Trần Văn Thạch nêu ra ở trên, thì phải chịu cảnh như bị kìm kẹp, tù tội như Nguyễn An Ninh và nhiều trí thức yêu nước khác.

Cuộc tiếp xúc văn hóa Đông Tây đã thúc đẩy mạnh mẽ những biến chuyển văn hóa xã hội, mở đường cho sự tiếp thu một cách ồ ạt các hệ giá trị mới của phương Tây theo cách đến mức mà dường như “việc chọn lựa một cách cẩn thận là điều không thể, hơn nữa cũng không nhất thiết phải như vậy” [65;13], [14], hiện đại hóa gần như đồng nghĩa hoàn toàn với phương Tây hóa không chỉ ở diện mạo mà còn ở hệ thống giá trị xã hội. Trong đó, nhiều giá trị truyền thống bị mai một đi, nhiều lối sống lệch lạc được du nhập và đòi hỏi phải được khắc phục trong giai đoạn hậu thực dân sau đó.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đại học đông dương với sự hình thành tầng lớp trí thức việt nam thời thuộc địa 001 (Trang 109 - 115)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(147 trang)