Chƣơng 1 BÁO NGÀY NAY VÀ NHÀ BÁO HOÀNG ĐẠO
1.3. Một số nhà báo tiêu biểu
Ngày Nay là “người thừa kế” của tuần báo Phong Hóa. Những nhân vật trụ cột
của nhóm TLVĐ vẫn tiếp tục đóng góp công sức cho sự phát triển của báo Ngày Nay.
Hiện nay vẫn có hai ý kiến khác nhau về số thành viên của nhóm TLVĐ. Ý kiến rộng rãi nhất là TLVĐ gồm tám người. Còn một dòng ý kiến khác cho rằng TLVĐ chỉ bao gồm bảy thành viên: Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ, Xuân Diệu, không có Trần Tiêu [3]. Ở đây, chúng tôi theo quan điểm rộng rãi cho rằng TLVĐ gồm tám thành viên. Việc giới thiệu về nhà báo Hoàng Đạo sẽ được trình bày cụ thể ở mục 1.4.
Nguyễn Tƣờng Tam (1906 – 1963), bút danh Nhất Linh
Trong tám thành viên của TLVĐ, Nhất Linh là người sáng lập và “cầm trịch” trong việc quản lý báo Ngày Nay. Nhất Linh là anh của Hoàng Đạo và Thạch Lam. Ông từng học ở trường Bưởi Hà Nội, đậu bằng Thành Chung năm 1920. Trong thời gian du học tại Montpellier (Pháp) từ năm 1927 đến năm 1929, ông đã học tập nghề viết báo. Ông đậu bằng Khoa học và trở về nước năm 1930, kể từ đó ông lăn xả vào
nghề báo. Nhất Linh từng làm việc tại trường École Thăng Long, nơi ông gặp gỡ Khái Hưng. Trong thời gian làm việc ở Sở Tài chính thuộc địa (trước khi du học), ông gặp Tú Mỡ. Sự gặp gỡ giữa Nhất Linh với Khái Hưng và Tú Mỡ giống như một cơ duyên xếp đặt cho những con người tài năng cùng chí hướng được gặp nhau.
Nhất Linh là một gương mặt lớn, nổi bật của làng báo Việt Nam. Nếu như Phạm Quỳnh có ảnh hưởng lớn đến tờ Nam Phong, Nguyễn Văn Vĩnh có ảnh hưởng lớn đến tờ Đông Dương tạp chí và Trung Bắc Tân văn, thì Nhất Linh có ảnh hưởng lớn tới báo Ngày Nay. Tuy nhiên, Nhất Linh không trở thành “cái bóng” đè nặng cả đội ngũ làm báo. Ngược lại, ông còn có biệt tài phát hiện và khuyến khích anh em phát huy được tài năng, sở trường của mình, như trường hợp của Thế Lữ và Tú Mỡ. Khi Thế Lữ còn chưa là thành viên của báo và nhiều bài viết của ông còn ở dạng bản thảo thì Nhất Linh đã phát hiện tài năng thơ mới của ông và viết bài phê bình “Nguyễn Thế Lữ, một nhân vật mới trong làng thơ mới”, đăng trên Phong hóa
tuần báo, số 54 (năm 1933). Khi còn làm việc ở Sở Tài chính, chỉ một lần bông đùa
mà Nhất Linh đã phát hiện ra sở trường làm thơ hài hước của Tú Mỡ. Sau này, nhà thơ Tú Mỡ nhớ lại cảm động mà rằng “một lời đã biết đến nhau” [64; tr. 354]. Rồi các chuyên mục trên báo do mỗi người đảm trách đều rất đúng sở trường cũng là do sự phân công của Nhất Linh.
Trên báo Ngày Nay, người đọc ít thấy tên Nhất Linh xuất hiện trên các bài báo, thường chỉ kí dưới các tiểu thuyết như Đoạn tuyệt, Lạnh lùng, Hai buổi chiều vàng,... Có tiểu thuyết, truyện dài ông viết chung với các thành viên khác của TLVĐ, như truyện dài Con đường sáng viết cùng Hoàng Đạo (trong bốn kỳ từ số 139 đến số 142, Nhất Linh đứng tên viết riêng, từ số 143 bắt đầu viết cùng Hoàng Đạo. Từ số 152, Hoàng Đạo đảm nhiệm hoàn toàn việc viết truyện Con đường sáng).
Nhất Linh và nhóm TLVĐ đã phát động phong trào Ánh sáng, một hoạt động từ thiện với mục đích cải tạo nếp sống ở thôn quê, trong đó có việc làm nhà hợp vệ sinh cho dân nghèo... Các hoạt động của Đoàn Ánh sáng đều được đăng tải trên báo
Ngày Nay, thu hút nhiều nhân sĩ, tầng lớp xã hội tham gia và tạo được ảnh hưởng không nhỏ.
Trần Khánh Giƣ (1896 – 1947), bút danh Khái Hƣng
Khái Hưng xuất thân là con quan Tuần phủ Trần Mỹ. Vợ ông là bà Lê Thị Hòa, biệt hiệu Nhã Khanh, là con gái của một vị Thượng thư trong triều Nguyễn. Cho nên văn chương của Khái Hưng “vừa bao quát không khí mới mẻ, lại vẫn giữ được nét truyền thống phương Đông trữ tình lãng mạn” [67; tr. 97]. Khúc Hà Linh gọi Khái Hưng là một “cậu ấm làm văn chương” [67; tr. 95].
Hồi nhỏ, nhà văn Khái Hưng học chữ Hán, sau mới chuyển sang học chữ Tây ở trường Albert Sarraut. Trước khi gặp Nhất Linh, Khái Hưng làm giáo sư trường tư thục Thăng Long, một ngôi trường có bề thế lúc bấy giờ.
Khái Hưng là một nhà văn chuyên viết tiểu thuyết lãng mạn. Tên tuổi của ông gắn liền với Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng xuân,...Trong đó, Hồn bướm mơ tiên
(1933) là tiểu thuyết đầu tay của Khái Hưng, cũng là tiểu thuyết đầu tiên của TLVĐ. Tuy nhiên, các sáng tác của Khái Hưng không đi ra ngoài tôn chỉ của TLVĐ, không thuần túy chỉ nói chuyện lãng mạn của tình yêu đôi lứa, mà còn phụng sự cho mục đích đấu tranh chống cái cũ, đổi mới theo cái tân tiến, nhất là trong việc chống lễ giáo phong kiến và giải phóng con người khỏi những cổ tục lạc hậu, đặc biệt là với người phụ nữ. Nhất Linh có Đoạn tuyệt, thì Khái Hưng có Thoát ly. Tác phẩm này được đăng dài kỳ trên báo Ngày Nay từ số 77 (ra ngày 19/9/1937). Trong TLVĐ, Khái Hưng là người viết tiểu thuyết nhiều nhất và truyện của ông cũng bán chạy nhất. Truyện của Khái Hưng đã góp phần “mê hoặc” được người đọc gắn bó với báo Ngày Nay.
Bên cạnh một nhà tiểu thuyết xuất sắc, Khái Hưng còn là một nhà báo có biệt tài. Ông được giao phụ trách mục Câu chuyện hàng tuần (kí Khái Hưng) và Hạt Sạn (kí bút danh Hàn Đãi Sạn, không phải là Hàn Đãi Đậu như nhiều tài liệu đã ghi). Trong Câu chuyện hàng tuần, Khái Hưng tỏ ra là một nhà bình luận sắc sảo về những vấn đề thời sự nổi bật trong tuần, từ tin trong nước đến các tin tức quốc tế.
Mục này được đăng trên trang 4 các số báo, ngay sau các bài viết theo các chuyên đề của Hoàng Đạo.
Nguyễn Thứ Lễ (1907 – 1989), bút danh Thế Lữ
Thế Lữ nổi tiếng với bài thơ Nhớ rừng – bài thơ đánh dấu tên tuổi của ông trong làng Thơ mới. Ông là một trong những nhà báo xuất sắc của báo Ngày Nay.
Dưới bút danh Lê Ta trên Phong Hóa và Ngày Nay, Thế Lữ thường xuyên điểm bình các sáng tác thơ đương thời, khuyến khích hoặc phê phán những tác giả, tác phẩm cụ thể. Ông chịu trách nhiệm chính cho các mục “Tin văn...vắn”, “Điểm báo”, “Tin thơ”,...trong đó, mục “Tin thơ” do ông viết hầu như toàn bộ, đã phát hiện và khích lệ một số tài năng thơ mới. Thế Lữ là người đã giới thiệu, khẳng định tài năng thơ của Xuân Diệu. Thế Lữ viết phóng sự, bút chiến, văn vui…cũng rất thu hút, như loạt bài Lê Ta làm báo, Lê Ta xuống Hải Phòng,…
Thế Lữ không chỉ là người “đã dựng thành nền thơ mới ở xứ này”, đã “làm rạn vỡ những khuôn khổ ngàn năm không di dịch” [94; tr.61] của nền thơ cũ vốn chịu ảnh hưởng sâu đậm của thơ Trung Quốc, Thế Lữ còn là người khai mở cho những thể loại văn học mới ở Việt Nam: như truyện trinh thám, truyện kinh dị,...Thế Lữ trở thành tác giả viết truyện trinh thám là do Nhất Linh, vì Nhất Linh đưa ra ý kiến: “Bây giờ là lúc báo cần có truyện trinh thám để thay đổi món ăn, anh Thế Lữ viết được loại này. Anh nên viết đi!” [84]. Khi đọc các truyện trinh thám của Thế Lữ như: Lê Phong và Mai Hương, Đòn hẹn,... người đọc sẽ bị lôi cuốn ngay bởi các tình tiết trong truyện và không khỏi trầm trồ, thán phục.
Trong thời gian hoạt động ở báo Ngày Nay, Thế Lữ cũng đã cùng một số nghệ sĩ thành lập ban kịch Thế Lữ và công diễn một số vở kịch như vở Đoạn tuyệt, soạn theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nhất Linh được công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội, vở kịch “Ông Ký Cóp” được công diễn tại Vĩnh Yên (3/1939). Hoạt động nghệ thuật biểu diễn kịch nói sau này vẫn được Thế Lữ tiếp tục cho đến cuối đời.
Hồ Trọng Hiếu (1900 – 1976), bút danh Tú Mỡ
Nhà thơ Tú Mỡ khi còn đi học đã nổi tiếng là học giỏi. Nhà văn Nguyễn Công Hoan trong cuốn sách Nhớ gì ghi nấy ghi chép lại rằng: Tú Mỡ “nổi tiếng ở Bắc Kì là học giỏi, vì anh đỗ đầu kì thi đầu tiên tuyển học sinh vào ban Thành Chung ở trường Bưởi, năm 1914. Trước năm ấy, vào ban Thành Chung không phải qua kì thi. Năm ấy bắt đầu có thi, thì Hiếu đỗ đầu. Khét tiếng là Premier Tonkin (đầu xứ)” [61; tr. 221-222]. Tên tuổi của Hồ Trọng Hiếu gắn liền với bút danh Tú Mỡ, khi ông bước vào địa hạt báo chí, chuyên làm thơ trào phúng.
Tài năng làm thơ trào phúng của Tú Mỡ được phát lộ khi ông gặp Nhất Linh ở Sở Tài chính Hà Nội. Trong một lần nói chuyện phiếm với các đồng nghiệp, Nhất Linh khen Tú Mỡ có khiếu làm thơ trào phúng, vậy là từ đó, ông bắt đầu làm thơ trào phúng thật [75].
Tú Mỡ cũng có khi định lấn sang lĩnh vực khác nhưng khi đọc bài phóng sự của ông, Nhất Linh phê bình ngay: “Dở quá, anh nên chuyên về thơ trào phúng, tốt hơn!” [84]. Cho nên Tú Mỡ chỉ tập trung viết thơ trào phúng và thơ của ông được nhiều thế hệ bạn đọc yêu thích. Trên Phong Hóa, ông phụ trách chuyên mục Dòng
nước ngược. Chuyển sang báo Ngày Nay, Tú Mỡ vẫn phụ trách mục thơ trào phúng,
có khi là tự ông đưa ra ý tưởng, có khi ông dựa vào thơ ngụ ngôn của La Phông-ten viết ngụ ngôn mới đả kích những điều hổ lốn trong xã hội như châm biếm bọn quan lại Nam triều, những kẻ muốn khư khư giữ lấy chế độ phong kiến, Tú Mỡ viết bài ngụ ngôn Chó dữ. Ông ví những kẻ “Lòng bảo hoàng lại quá nhà vua” cũng rứa chó Mực muốn tỏ ra trung thành với chủ nên “Khách vào nhà, bất cứ rằng lạ quen/ Thấy người đến nhẩy liền ra sủa/ Mặc chủ sua (xua), sấn sổ cắn bừa”, để đến nỗi chủ mắng là “chó ngộ, chó điên” rồi xích lại. Tú Mỡ khuyên “lắm kẻ cũng rứa” hãy nên “Trông gương chó Mực, liệu cơ sửa mình” [74; tr. 17]. Thậm chí, ông còn cùng Lê Ta (Thế Lữ) viết kịch đả kích các ông Nghị “gật” ở Bắc Kỳ như vở hí kịch Tuồng
Nhà thơ Tú Mỡ khẳng định, ở thời kỳ làm báo Ngày Nay, tay bút của ông đã vững vàng hơn, chính ông cũng thừa nhận rằng khi còn làm ở báo Phong Hóa, ông mới chỉ đang học việc, nhưng đến khi làm báo Ngày Nay, ông đã trưởng thành hơn.
Nguyễn Tƣờng Lân (1910 – 1942), bút danh Thạch Lam
Là em của Nhất Linh và Hoàng Đạo, nhà văn Thạch Lam lại có một tính cách khác hẳn với các anh. Tính cách này được thể hiện rõ nét trong văn ông: nhẹ nhàng, bình dị, thường hướng tới những con người nhỏ bé với những ước mơ cũng rất đời thường như trong truyện ngắn Hai đứa trẻ, Nhà mẹ Lê, Tối ba mươi,...những câu chuyện giàu lòng nhân đạo, cảm thông với số phận con người trước bóng tối của cuộc đời. Trong tòa soạn báo Ngày Nay, Thạch Lam được giao nhiệm vụ chủ bút, chuyên lo việc bài vở gửi về tòa soạn. Ông cũng tham gia phụ trách nhiều mục như: tường thuật về các vở kịch do ban kịch Thế Lữ thực hiện, phê bình các tác phẩm tham gia dự thi giải thưởng TLVĐ các năm (với vai trò là báo cáo ủy viên của Hội đồng giám khảo), phụ trách mục Trang Văn chương cùng với các thành viên khác của TLVĐ (bắt đầu đăng từ số 99) bàn về các vấn đề của văn chương như: đọc tiểu thuyết để làm gì, dịch văn, hình ảnh người nhà quê trong văn chương,...và có cả phê bình các tác phẩm văn học thời bấy giờ, như ở số 99 (ngày 27/2/1938), Thạch Lam viết bài phê bình hai phóng sự Cơm thầy cơm cô và Lục xì của Vũ Trọng Phụng. Những bài viết của Thạch Lam luôn chứa đựng một tinh thần nghiêm túc và chân thành trong từng lời bình luận, phê bình, góp ý.
Trần Tiêu (1900 – 1954)
Ông là em ruột của nhà văn Khái Hưng, kết nạp vào TLVĐ theo lời giới thiệu của anh trai. Trước khi vào TLVĐ, ông cũng là một nhà giáo.
Trong TLVĐ, Trần Tiêu không nổi danh bằng các thành viên khác. Ông chỉ tham gia viết văn và nổi tiếng với các tiểu thuyết chuyên viết về làng quê như: Sau lũy tre (đăng trên Ngày Nay từ số 76), Con trâu (đăng trên Ngày Nay từ số 140),...
Lê Thị Đức Hạnh nhận xét về văn Trần Tiêu như sau: “Trước đây, khi nói tới cây bút tiêu biểu cho khuynh hướng tiến bộ nhất TLVĐ (cả tư tưởng chính trị và
khuynh hướng nghệ thuật), người ta thường chỉ nhắc tới Thạch Lam, nay có thể nhắc thêm Trần Tiêu. Ông miêu tả trực diện đời sống khổ cực của người nông dân, với cái nhìn thông cảm, trân trọng. Nói được cái ác, cái xấu của bọn cường hào, địa chủ, đã nêu được cả vấn đề bóc lột nợ lãi” [59; tr. 19].
Ngô Xuân Diệu (1916 – 1985)
Xuân Diệu đỗ tú tài toàn phần thứ nhất và thứ hai trong những năm 1935 – 1937, ông từng làm viên chức ở Mỹ Tho. Sau đó, ông ra Hà Nội và trở thành thành viên của TLVĐ.
Xuân Diệu được mệnh danh là ông Hoàng của thơ tình Việt Nam. Tài năng của Xuân Diệu được Thế Lữ giới thiệu trong bài “Một nhà thi sĩ mới – Xuân Diệu” đăng trên Ngày Nay số Tết năm 1937. Tháng 12/1938, Nxb Đời Nay đã cho in bản đẹp tập thơ đầu tay Thơ thơ của Xuân Diệu và giới thiệu rầm rộ trên báo Ngày Nay.
Nhà thơ Huy Cận nhận xét: “Xuân Diệu không chỉ là hoàng tử của thơ mà còn là một nhà nghiên cứu văn học sâu sắc, một nhà phê bình tinh tế, một nhà lý luận văn học độc đáo” [87; tr. 55]. Báo Ngày Nay đã cho đăng nhiều bài phê bình, lý luận văn học cũng như những truyện ngắn của Xuân Diệu. Trong đó, truyện ngắn đầu tay của ông có tên Mèo hoang (đăng trên Ngày Nay, số 81).
Ngoài tám thành viên cốt cán của TLVĐ, báo Ngày Nay cũng thu hút được nhiều văn nghệ sĩ, trí thức trong nước cộng tác. Trong số đó có thể kể đến thi sĩ Tản Đà và ba họa sĩ trứ danh thời bấy giờ là Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí và Nguyễn Cát Tường.
Họa sĩ Nguyễn Cát Tường nổi tiếng với áo dài Lemur, mở màn cho phong trào cách tân áo dài phụ nữ Việt Nam, đã hợp tác với TLVĐ từ thời kỳ làm báo Phong Hóa. Các họa sĩ Tô Ngọc Vân và Nguyễn Gia Trí thường được giao phụ trách phần vẽ và thiết kế trang bìa cho báo Ngày Nay, vẽ tranh phụ bản số Tết tặng người đọc.
Nguyễn Gia Trí với bút danh RIGT chủ yếu vẽ tranh biếm họa trang bìa, nhưng cũng có nhiều phóng sự tranh đắt giá. Tô Ngọc Vân vẽ hình minh họa cho các sáng tác của TLVĐ (kí tên Ái Mỹ hoặc Tô Tử). Từ số 157 (ra ngày 15/4/1939),
ông phụ trách mục “Cuốn sổ tay” - một thiên phóng sự bằng tranh đăng đều trên các số báo cũng mang đậm sắc thái trào phúng. Ngoài ra, ông còn có một số phóng sự dài kì nữa như Phóng sự đi Siam.
Thi sĩ Tản Đà từng bị báo Phong Hóa công kích kịch liệt, nhưng sau đó ông trở thành người bạn thân thiết của tòa soạn báo Ngày Nay, phụ trách chuyên mục thơ Đường trong hai năm 1937-1938. Theo Hồ Sĩ Hiệp, Tản Đà “là một trong những người dịch Kinh Thi và Đường thi hay nhất Việt Nam mà từ trước đến nay chưa có ai vượt được” [62; tr. 27]. Mối quan hệ giữa Tản Đà và TLVĐ trở nên rất thân thiết. Khi thi sĩ lâm vào cảnh túng bấn, khó khăn, phải làm thêm cả nghề đoán lý số, giảng Hán văn và Quốc văn kiếm thêm chút đồng ra đồng vào lúc cuối đời thì TLVĐ đã hết lòng ủng hộ ông. Khi Tản Đà mất, tòa soạn báo Ngày Nay cho đăng liền mấy bài viết về cuộc đời, sự nghiệp của thi sĩ, đồng thời còn mở cuộc lạc quyên kêu gọi đồng bào giúp đỡ bà Tản Đà.
Từ năm 1937 đến năm 1939, nhiều văn nghệ sĩ có tài khác như: Vi Huyền Đắc, Đoàn Phú Tứ, Thanh Tịnh, Huy Cận, v.v... cũng đã tích cực cộng tác với báo