Chương 2 : NHỮNG BIẾN ĐỔI VỀ KINH TẾ
2.3.2. Sự xuất hiện của các khu công nghiệp
Nằm trong vùng KTTĐ Bắc Bộ, với địa hình bằng phẳng có hệ thống giao thông thuận lợi, Thành phố Hải Dương được xem là địa điểm lý tưởng cho việc xây dựng và phát triển các khu công nghiệp tập trung và dịch vụ quy mô lớn.
Tổng diện tích đất công nghiệp toàn thành phố là 496,2 ha, trong đó đất công nghiệp nội thị là 396,2 ha. Hệ thống khu công nghiệp tập trung ở khu trung tâm, khu phía Tây (dọc quốc lộ 5) và phía Nam, ở các phường Bình Hàn, Cẩm Thượng, Tứ Minh và Việt Hòa. Nếu trong giai đoạn trước năm 2000, công nghiệp Thành phố Hải Dương phân bố khá phân tán thì từ năm 2000 tới nay, xu hướng tập trung sản xuất vào các khu/ cụm công nghiệp đã hình thành khá rõ:
- Khu công nghiệp Đại An : có quy mô 170 ha được xây dựng từ năm 2003. Dự kiến khu công nghiệp này sẽ tiếp tục mở rộng thêm 300 ha về phía huyện Cẩm Giàng. Nằm ở vị trí phía Nam quốc lộ 5, thuộc phường Tứ Minh và thị trấn Lai Cách, khu công nghiệp này tập trung sản xuất các mặt hàng công nghiệp, công nghệ cao (điện tử) và công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, may mặc… Hiện đã có 14 doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp này với tổng số vốn đầu tư là khoảng 85 triệu USD.
- Khu công nghiệp Việt Hòa và cảng nội địa: có quy mô 270,0 ha, nằm ở vị trí phía Tây thành phố, phía Bắc quốc lộ 5. Sản phẩm kinh doanh bao gồm các mặt hàng công nghiệp sạch, công nghệ cao không gây ô nhiễm, bao gồm các ngành cơ khí chính xác, điện tử, điện lạnh, lắp ráp ô tô, xe máy và cảng hàng hóa nội địa.
- Cụm công nghiệp Cẩm Thượng: có quy mô 50 ha. Nằm ở vị trí phía Tây Bắc thành phố, cụm công nghiệp tập trung sản xuất các sản phẩm công nghiệp chế tạo bơm, cơ khí, đái mài, may mặc, thủ công mỹ nghệ.
- Khu công nghiệp Nam Sách và cụm công nghiệp Nam Đồng: Quy mô 100 ha nằm ở vị trí phía Đông thành phố, bên cạnh đường quốc lộ 5, thuộc xã Nam Đồng, kinh doanh và sản xuất dây chuyền công nghiệp điện tử, công nghiệp dệt, nhuộm, giày da, may, dụng cụ thể thao, chế biến gỗ, chế biến nông sản, vật liệu xây dựng cao cấp (kính, tấm lợp…). Hiện tại có 12 doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp này với tổng số vốn là 44,56 triệu USD.
- Cụm công nghiệp phía Nam tại khu vực ngã ba Phú Tảo và xí nghiệp da giầy: có diện tích 40 ha, nằm ở vị trí trên đường tỉnh lộ 17A đi Gia Lộc và đường Ngô Quyền kéo dài. Các mặt hàng kinh doanh chủ yếu là: Công nghiệp chế biến thịt gia súc, gia cầm đông lạnh, chế biến cà chua hành tỏi, tơ tằm, nước giải khát, dệt may, giầy da xuất khẩu, vật liệu xây dựng.
- Cụm công nghiệp kho - cảng hàng hóa Cống Câu: quy mô 100 ha, nằm ở vị trí đường Tỉnh lộ 191 đi Tứ Kỳ, kinh doanh và sản xuất về lĩnh vực công nghiệp cơ khí, đóng và sửa chữa thiết bị nâng hạ, kho, cảng vận tải hàng hóa, công suất cảng 450.000 tấn/ năm.
Song song với sự xuất hiện của các cụm/ khu/ điểm công nghiệp, trên địa bàn thành phố có khoảng trên 70 nhà máy, xí nghiệp lớn nhỏ. Trong đó có khoảng 15 nhà máy, xí nghiệp có quy mô lớn với dây chuyền công nghệ hiện đại như: lắp ráp ô tô Ford, chế tao bơm EBARA, xí nghiệp chế tác kim cương, công ty giầy Hải Dương, xí nghiệp may xuất khẩu..
Ngoài ra trên địa bàn thành phố còn có nhiều cụm/ khu/ điểm công nghiệp khác đang tiếp tục xúc tiến xây dựng… Nhìn chung, các khu/ cụm/ điểm công nghiệp trên địa bàn thành phố đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp trong nước (ODA) và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI).
Với cách làm chủ động trong chiến lược thu hút đầu tư và đẩy mạnh hoạt động phát triển công nghiệp, từ một nền kinh tế mang tính thuần nông cho đến nay trên địa bàn thành phố đã có hàng chục khu công nghiệp và nhiều cụm công
nghiệp, thu hút hàng ngàn doanh nghiệp đăng ký hoạt động, kinh doanh…Trong thời gian tới, thành phố cùng với tỉnh sẽ tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp đã và đang hoạt động trong các khu công nghiệp sử dụng có hiệu quả mặt bằng, đồng thời hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp không ngừng cải tiến, đổi mới thiết bị và phát huy tối đa năng lực sản xuất. Giá trị sản xuất công nghiệp không ngừng tăng nhanh và đóng góp một phần quan trọng vào giá trị kinh tế chung. Đặc biệt, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nước nhà, Đảng và Nhà nước ta đã triển khai xây dựng những thành phố vệ tinh, khuyến khích phát triển các thành phố nhỏ và trung bình. Cụ thể là trong chiến lược quy hoạch tổng thể thủ đô Hà Nội đến năm 2020, Thành phố Hải Dương được chú trọng đầu tư để trở thành thành phố vệ tinh của thủ đô Hà Nội. Chiến lược này sẽ tạo ra cơ hội lớn để Thành phố Hải Dương và tỉnh Hải Dương thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư từ ngoài tỉnh. Sự thay đổi to lớn đó đã tạo cơ sở vững chắc cho tỉnh Hải Dương trở thành địa phương điển hình trong sự nghiệp CNH, đô thị hóa thời kỳ Đổi mới.