Các chiến lược ứng xử của cha mẹ đối với con cái

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan niệm của cha mẹ về một số hành vi của con tuổi mẫu giáo và chiến lược ứng xử với trẻ luận văn ths tâm lý học 603104 (Trang 36 - 40)

2 .Khái niệm cơ bản và một số lý thuyết liên quan

2.2 .Khái niệm ứng xử

2.2.3. Các chiến lược ứng xử của cha mẹ đối với con cái

a.Phân loại dựa trên phong cách ứng xử của cha mẹ với con cái

Phân loại phong cách ứng xử của cha mẹ với con cái theo quan điểm của Diana Baumrind.Ở phương diện phong cách ứng xử giữa cha mẹ và con cái, phải kể đến nghiên cứu của Diana Baumrind vào đầu những năm 60 của thế kỷ XX. Nghiên cứu được thực hiện trên khách thể là cha mẹ và con cái trước tuổi đến trường. Trong công trình nghiên cứu này, tác giả đã chỉ ra có 3 kiểu ứng xử giữa cha mẹ và con cái: kiểu ứng xử độc đoán, kiểu ứng xử dân chủ, kiểu ứng xử dễ dãi. Sau đó, một

nghiên cứu sâu hơn của hai tác giả Maccoby và Martin đã phân rõ kiểu ứng xử dễ dãi trong quan điểm Diana Baumrind thành hai kiểu ứng xử với con cái, tạo thành bốn kiểu ứng xử: kiểu ứng xử độc đoán, kiểu ứng xử dân chủ, kiểu ứng xử thờ ơ và kiểu ứng xử nuông chiều.

+ Chiến lược ứng xử độc đoán của cha mẹ với con cái

Cha mẹ có kiểu ứng xử này thường có yêu cầu rất cao với con cái. Họ luôn muốn con cái phải nỗ lực trong học tập và công việc. Con cái có cha mẹ kiểu này không có quyền lựa chọn con đường riêng cho mình. Con đường mà con cái đi là con đường mà cha mẹ đã vạch sẵn. Đó là con đường mà những bậc cha mẹ kiểu này cho rằng nó phù hợp với con cái mình. Những cha mẹ kiểu này thường không cho con họ cơ hội được trao đổi, thảo luận. Họ đặt ra những giới hạn chính xác buộc con phải tuân theo. Họ cũng quản lý con cái chặt chẽ và khống chế con hoàn toàn. Trong nghiên cứu của mình, Diana Baumrind cũng nhận thấy con cái có cha mẹ kiểu này hay có cảm giác lo lắng và thường sai lệch về những hành vi xã hội.

+ Chiến lược ứng xử dân chủ của cha mẹ với con cái

Cha mẹ có phong cách ứng xử này cũng có yêu cầu cao với con và có sự quản lý con chặt chẽ. Nhưng họ vẫn cho phép con cái trao đổi thảo luận và khuyến khích tính độc lập ở trẻ. Những cha mẹ kiểu này thường ứng xử với con bằng sự quan tâm chăm sóc. Họ cũng không ngại ngần bày tỏ với con tình cảm của mình dành cho con. Cha mẹ kiểu này là những tấm gương tốt để con cái học cách ứng xử và giao tiếp xã hội. Chính vì thế, con cái có cha mẹkiểu này thường tự tin và có kỹ năng giao tiếp xã hội tốt.

+ Chiến lược ứng xử thờ ơ của cha mẹ với con cái

Cha mẹ có kiểu ứng xử thờ ơ thường không quan tâm đến con cái mình. Trong khi con cái, đặc biệt là trẻ vị thành niên luôn có nhu cầu được cha mẹ quan tâm. Chính vì thế, khi không nhận được sự quan tâm của cha mẹ, trẻ vị thành niên thường nghĩ rằng cha mẹ còn có nhiều điều khác quan trọng hơn chúng.Vị thành niên có cha mẹ kiểu này thường sử dụng những kỹ năng xã hội không tốt, kém tự chủ và không biết xử lý tình huống một cách độc lập.

+ Chiến lược ứng xử nuông chiều của cha mẹ với con cái

Cha mẹ thuộc kiểu ứng xử này thường rất quan tâm đến con nhưng lại sao nhãng việc quản lý con và rất ít khi đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi với con cái. Nhiều cha

mẹ chủ ý nuôi nấng con theo cách này vì họ tin rằng, sự quan tâm trìu mến kết hợp với việc ít kiềm chế, bó buộc sẽ giúp họ nuôi dạy con thành người tự tin và sáng tạo. Vì thế, cha mẹ kiểu này thường cho phép con làm những gì chúng muốn nên con của họ thường tự ti, luôn thụ động và trông chờ vào sự chỉ dẫn của người khác [65, tr.1 -101].

c.Phân loại dựa trên thái độ ứng xử của cha mẹ với con cái

Không giống như Diana Baumind, Mạnh Dục Quần và Từ Tụ Như lại căn cứ vào thái độ của cha mẹ để phân loại chi tiết các kiểu ứng xử của cha mẹ với con cái. Theo các tác giả này khi ứng xử với con cái, cha mẹ thường thể hiện 5 thái độ: thái độ từ chối, thái độ can thiệp, thái độ bảo hộ, thái độ phục tùng, thái độ mâu thuẫn không nhất quán [34, tr. 20 – 26].

+Chiến lược ứng xử với thái độ từ chối của cha mẹ với con cái

Thái độ này chỉ khuynh hướng từ chối trong tình cảm hoặc thái độ của cha mẹ với con cái. Ví dụ: thiếu tình yêu thương với con, từ chối giúp đỡ, không tôn trọng lao động của con. Thái độ này có thể chia thành hai nhóm:

- Một là, không thương yêu con

- Hai là, thương yêu con nhưng không có phương pháp phù hợp khiến con cái không cảm nhận được tình yêu từ phía cha mẹ

+ Chiến lược ứng xử với thái độ can thiệp

Đó là những bậc cha mẹ thích can thiệp quá mức đến con cái, coi con cái là vật sở hữu của mình, thường lấy quyền làm cha mẹ để khống chế con cái. Cha mẹ có thái độ này thường có hai kiểu ứng xử:

- Chiến lược ứng xử nghiêm khắc: Những cha mẹ có kiểu ứng xử này thường rất yêu thương con nhưng họ lại thường có thái độ quá nghiêm khắc, quá cứng nhắc để ép buộc, ra lệnh, giám sát con cái. Cha mẹ có thái độ này sẽ dễ khiến cho con cái nảy sinh tư tưởng phản kháng với những việc mà cha mẹ bắt chúng làm hoặc vẻ bề ngoài có vẻ ngoan ngoãn, nghe lời làm theo nhưng thực tế đó chỉ là sự trốn tránh tạm thời.

- Chiến lược ứng xử đặt nhiều hi vọng: Những cha mẹ kiểu này thường đặt tất cả niềm tin vào con cái nhưng lại không hiểu rõ khả năng và sở thích của con. Họ thường mong con cái phục tùng theo yêu cầu của mình để thực hiện mọi ước mơ mà mình mong đợi. Con cái của những bậc cha mẹ này thường dễ chán nản, nhụt chí,

thiếu niêm tin vào bản thân, đặc biệt là rất dễ tự ti khi khả năng của chúng không đáp ứng được mong muốn của cha mẹ.

+Chiến lược ứng xử với thái độ bảo hộ

Những cha mẹ có thái độ này thường lo lắng một cách quá mức cho con cái. Nếu họ không bình tĩnh để xử lý tình huống thì họ dễ có kiểu ứng xử như sau:

- Chiến lược ứng xử can thiệp: cha mẹ kiểu này có cách ứng xử tương đối giống với kiểu đặt nhiều hi vọng vào con cái. Họ chăm sóc tỉ mỉ, dặn dò con từng li từng tí để con mình làm tốt mọi việc.

- Chiến lược ứng xử bất an: cha mẹ thường có những lo lắng quá mức về cuộc sống, học hành, sức khỏe quan hệ bạn bè và tương lai của con. Vì thế khiến họ cảm thấy phải có trách nhiệm trên mức bình thường, quan tâm tới con một cách quá mức. Con cái của các cha mẹ có kiểu ứng xử như trên dễ bị chậm phát triển hơn so với những trẻ khác, thích dựa dẫm, phụ thuộc, không kiên nhẫn trong công việc, hay đùn đẩy trách nhiệm cho những người khác. Ngoài ra do thói quen ỷ lại nên trẻ thường ít tiếp xúc với bạn cùng trang lứa, do vậy trẻ thiếu các hiểu biết xã hội, ngại tiếp xúc với mọi người, thậm chí còn sợ tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

+ Chiến lược ứng xử với thái độ mâu thuẫn không nhất quán

Đây là trường hợp một trong hai bên cha mẹ mâu thuẫn trong việc giáo dục con cái ở các thời điểm và hoàn cảnh khác nhau hoặc cách giáo dục của hai bên cha mẹkhông thống nhất. Điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy khó xử không biết nên nghe cha hay nghe mẹ. Tuy nhiên cha mẹ thường không nhận thức được vấn đề mà mình mắc phải, các trường hợp này thường có hai kiểu ứng xử phổ biến dưới đây.

- Chiến lược ứng xử mâu thuẫn: Cùng một hành động ở trẻ nhưng cha mẹ lúc thì mắng mỏ cấm đoán, lúc lại chấp thuận khuyến khích trẻ làm, đây là thái độ mâu thuẫn thiếu tính nhất quán. Cũng có cha mẹ do thái độ căm ghét, phản cảm đối với con cái nhưng nhiều lúc họ lại cảm thấy rất mâu thuẫn, thấy có lỗi với chúng. Những mâu thuẫn này dễ gây ra những tổn hại cho sự phát triển của trẻ. Trẻ có cha mẹ kiểu này thường cũng có sự mâu thuẫn trong hành động và thường xuyên ở trong tình trạng căng thẳng. Mặc dù có lúc cha mẹ khen ngợi chúng nhưng chúng cũng không biết khi nào thì bị mắng mỏ.Vì vậy nên trẻ luôn cảm thấy bất an. Khi bị mắng mỏ chúng cũng không biết vì sao mình bị mắng vì thế tinh thần của chúng rất không ổn định. Nếu tình trạng này luôn tiếp diễn trẻ dễ có những triệu chứng bất ổn

về thần kinh, không thích ứng được với cuộc sống hàng ngày. Ngoài ra, trẻ cũng sẽ học theo những hành vi mâu thuẫn của cha mẹ, điều này khiến cho chúng dễ có khuynh hướng đi ngược lại với xã hội.

- Chiến lược ứng xử không nhất quán: cha mẹ có cách ứng xử này thường quản giáo con và không nhất quán. Ví dụ: cha quá nghiêm khắc trong khi mẹ lại quá dễ dãi; cha mắng con nhưng mẹ lại ngăn cản. Cha đã quyết định một việc gì đó nhưng mẹ lại phản đối. Con cái của những cặp cha mẹ này dễ bị bất an trong tinh thần do sự kìm kẹp của cả hai bên. Đặc biệt là trong trường hợp người cha quá nghiêm khắc, người mẹ lại dễ dãi bênh vực thì trẻ dễ có những phản ứng quá khích, thậm chí xuất hiện khuynh hướng đi ngược với xã hội. Ngoài ra trẻ thường dấu đi bản tính công kích của mình, tỏ vẻ ngoan hiền nhưng thực chất chúng lại rất vô tình, tàn nhẫn [34, tr.26 -28].

Tuy các tác giả có cách phân chia không thống nhất với nhau nhưng họ đều nhận thấy một thực tế là trong chiến lược ứng xử của cha mẹ với con cái, rất ít có những đặc trưng điển hình của một chiến lược ứng xử nhất định mà thường có sự kết hợp, đan xen lẫn nhau giữa các chiến lược ứng xử với nhau. Các nhà khoa học cũng thống nhất quan điểm cho rằng chiến lược ứng xử theo phong cách dân chủ/uy quyền là chiến lược ứng xử tin tưởng nhất mà cha mẹ nên dành cho con cái của mình.

Trong đề tài của mình, chúng tôi đồng ý với cách phân loại ban đầu của Diana Baumind. Chúng tôi cũng sẽ ứng dụng cách phân loại tương tự như tác giả về chiến lược ứng xử của cha mẹ với con cái.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan niệm của cha mẹ về một số hành vi của con tuổi mẫu giáo và chiến lược ứng xử với trẻ luận văn ths tâm lý học 603104 (Trang 36 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(145 trang)