Phim độc lập hướng về đô thị

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự thể hiện không gian đô thị trong dòng phim độc lập việt nam (từ góc nhìn văn hóa học) (Trang 30 - 34)

7. Cấu trúc của luận văn

1.2. Cơ sở thực tiễn

1.2.3. Phim độc lập hướng về đô thị

Phim độc lập không chỉ được gọi là phim “underground” (ngầm), mà còn được gọi là phim đô thị. Bởi các nhà làm phim độc lập chọn đối tượng phản ánh là cuộc sống tại các đô thị lớn, số phận của tầng lớp “đáy” đô thị,

những hậu quả do đô thị hóa gây nên. Phim độc lập của các nước và vùng lãnh thổ như: Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Việt Nam, Đài Loan, Hong Kong… đều chung cảm thức sâu sắc về đô thị, về sự rạn vỡ của xã hội truyền thống châu Á trước những đổi thay về chính trị - kinh tế - xã hội cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI. Thế hệ thứ 6 của điện ảnh Trung Quốc với những bộ phim như Xe đạp Bắc Kinh (2002, đạo diễn Vương Tiểu Soái), Lạc lối ở Bắc Kinh (2007, đạo diễn Lưu Ngọc) và Người tốt Tam Hiệp (2006), Thế giới

(2007), Thiên trụ định (2013), Thiên hà cố nhân (2016) của đạo diễn Giả Chương Kha đều phản ánh các đô thị lớn của Trung Quốc như một đại công trường ngổn ngang. Những nhân vật trong các bộ phim này phần lớn là người nghèo, dân ngoại tỉnh, có đời sống đầy bất hạnh. Nhà làm phim Đài Loan Thái Minh Lượng với Bên ấy mấy giờ (2001), Tôi không muốn ngủ một mình

(2006) tập trung khắc họa nỗi cô đơn cùng cực của những con người đô thị. Còn phim độc lập của Philippines như Transit (2013), Ordinary People

(2016) không khác gì phim tài liệu về người nghèo ở đô thị. Những bộ phim tình yêu nổi tiếng như Trùng Khánh Sâm Lâm (1994), Tâm trạng khi yêu

(2000)… của đạo diễn Vương Gia Vệ không chỉ mê hoặc khán giả toàn cầu bởi câu chuyện tình yêu, mà còn tạo ra những ấn tượng đặc biệt về đô thị Hong Kong.

Những nhà làm phim độc lập Việt Nam phần lớn là thế hệ 7X, 8X được sống trong giai đoạn chuyển giao cực kì quan trọng của đất nước. Đó là giai đoạn Việt Nam bước vào thời kì Đổi Mới (1986), chuyển từ kinh tế tập trung, bao cấp sang kinh tế thị trường, phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đẩy mạnh quá trình đô thị hóa. Sau 30 năm Đổi mới, kinh tế Việt Nam đạt chỉ số tăng trưởng cao hơn trước, GDP bình quân trên đầu người tăng, từng bước xóa đói giảm nghèo… Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Việt Nam vẫn chưa thực sự hiểu “Kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa” là gì. Mặc dù kinh tế tăng trưởng cao nhưng

không bền vững, tam nông chưa được quan tâm xứng đáng, giáo dục còn nhiều hạn chế, bất cập, ô nhiễm môi trường tăng cao, mâu thuẫn xã hội gay gắt [7]. Sống trong giai đoạn chuyển giao này, các nhà làm phim độc lập đã bị tác động rất lớn. Vào những năm 2000, họ không thể tìm thấy cơ hội làm phim từ các hãng phim nhà nước, cũng như các hãng phim tư nhân. Những khó khăn đó đã thôi thúc họ vượt thoát khỏi hoàn cảnh, khiến họ càng khát khao sáng tạo. Do đó phim độc lập có xu hướng “giải cấu trúc” điện ảnh truyền thống, phản ánh những mặt trái của phát triển trong xã hội Việt Nam đương đại. Phim độc lập Việt Nam đã triệt để khai thác đô thị, bởi phần lớn các nhà làm phim độc lập trẻ sinh ra từ đô thị, hoặc sinh sống và làm việc tại đô thị, họ thường làm về nơi họ hiểu biết nhất. Như đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã từng chia sẻ: “Với tôi, Hà Nội là một nguồn dữ liệu khổng lồ để làm phim” [12].

Nếu dòng phim thương mại thuần túy sử dụng hình ảnh đô thị như bối cảnh trong phim, đôi khi là “trữ tình ngoại đề” làm tăng hiệu quả cho tâm lý của nhân vật, thì phim độc lập coi KGĐT như một nhân vật trong phim. Đô thị Hà Nội xuất hiện trong hầu hết các bộ phim độc lập “đời đầu” như Chơi vơi, Tâm hồn mẹ, Bi, đừng sợ!, Đập cánh… Còn thành phố Hồ Chí Minh là nhân vật rất quan trọng trong phim Homostratus, Cha, con và…, Cha cõng con... Nếu các bộ phim nhà nước cho thấy một Việt Nam tươi đẹp, hồn hậu, nhân văn qua những khuôn hình đầy chất thơ về làng quê, thì phim độc lập lại cho thấy một đô thị bề bộn, ngổn ngang, nham nhở cũ – mới, ở đó người ta phá dỡ những phần cổ kính của thành phố, loại bỏ những mảng xanh thiên nhiên còn sót lại để mở đường cho những tòa nhà chọc trời, những chung cư. Đời sống đô thị được phản ánh thực như phim tài liệu, nhưng mặt khác nhà làm phim cũng có xu hướng xóa nhòa ranh giới giữa hiện thực và tưởng tượng trong phim. Nhà làm phim độc lập không những “giải cấu trúc” phim truyền thống mà còn khước từ những đại tự sự của điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Họ đi sâu vào phản ánh đời sống hàng ngày của những con người vô

danh nơi đô thị, cung cấp một cái nhìn trực diện vào xã hội đương đại. Nhân vật của phim độc lập thường là người nghèo ở đô thị, dân nhập cư, người đồng tính, gái mại dâm… không có nền tảng đạo đức vững chắc như những nhân vật trong phim nhà nước, thậm chí cá tính mờ nhạt. Do đó các nhà làm phim có xu hướng sử dụng những diễn viên không chuyên là những người có trải nghiệm không gian xã hội đương đại với nhà làm phim, cũng như với khán giả. Nhà làm phim cũng sử dụng không gian sống quen thuộc của cư dân đô thị phục vụ cho dàn cảnh.

Tiểu kết

Trong Chương I, chúng tôi đã trình bày khái niệm, lịch sử phát triển của đô thị, làm rõ đặc điểm của đô thị Việt Nam. Đô thị Việt Nam vẫn còn mang nhiều dấu vết của nông thôn, phát triển trong tình trạng manh mún, chắp vá, thiếu một quy hoạch tổng thể có tầm nhìn xa như đô thị phương Tây. Mặt khác, đô thị Việt Nam đang chịu sức ép rất lớn từ toàn cầu hóa, phải chống đỡ vất vả với những luồng văn hóa ngoại lai. Những đặc trưng này có ảnh hưởng rất lớn đến phim độc lập Việt Nam, thể loại phim chọn KGĐT là đối tượng phản ánh.

Ngoài ra, Chương I đã thu thập các khái niệm về phim độc lập trên thế giới để rút ra một khái niệm chung về phim độc lập, đồng thời trình bày lược sử phát triển của phim độc lập Việt Nam. Dù số lượng nhà làm phim độc lập Việt Nam cũng như số lượng tác phẩm còn rất khiêm tốn, nhưng sau hơn một thập niên phát triển, phim độc lập đã trở thành một dòng phim tại Việt Nam. Phim độc lập đã thoát khỏi sự bó buộc về thể loại, đề tài, cũng như tư tưởng của dòng phim nhà nước. Phim độc lập không chịu sức ép doanh thu như dòng phim thương mại, nên tự do hơn về ngôn ngữ nghệ thuật. Trong giai đoạn điện ảnh Việt Nam phát triển cực đoan, thiên về sản xuất phim giải trí, lấy mục tiêu lợi nhuận là hàng đầu, phim độc lập xuất hiện như một nhân tố cân bằng, hướng nền điện ảnh đi tìm ngôn ngữ điện ảnh mới, giàu tính nghệ thuật. Thực tế cho thấy, trong suốt một thập niên qua, chỉ có phim độc lập mới đủ chất lượng nghệ thuật để tham dự các LHP quốc tế, và cũng chính phim độc lập đem vinh quang về cho điện ảnh Việt Nam.

CHƢƠNG 2: KHÔNG GIAN ĐÔ THỊ NHƢ LÀ HỆ THỐNG

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự thể hiện không gian đô thị trong dòng phim độc lập việt nam (từ góc nhìn văn hóa học) (Trang 30 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)