Hoạt động kinh tế xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) so sánh hoạt động của đảng dân chủ và đảng cộng hòa trong hệ thống chính trị mỹ từ năm 2001 đến nay (Trang 54 - 59)

7. Kết cấu của đề tài

2.2. Hoạt động kinh tế xã hội

Trong suốt tám năm nhiệm kỳ của Tổng thống Bill Clinton nền kinh tế Mỹ đã có những bước phát triển tích cực, xã hội ổn định, nhưng đến cuối năm 2000, nền kinh tế Mỹ đã bước vào suy thoái. Bắt đầu từ tháng 3/2001, Hoa Kỳ dưới chính quyền Tổng thống G. Bush buộc phải tuyên bố kinh tế suy thoái, kết thúc giai đoạn phát triển thần kỳ của nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Chỉ số thị trường chứng khoán Mỹ cũng sụt giảm đáng kể, lạm phát tiếp

tục tăng, trong khi thâm hụt mậu dịch không giảm, thâm hụt cán cân thương mại ở mức độ nghiêm trọng vẫn tiếp tục là một nguy cơ lớn, thất nghiệp tăng vọt [26,103]. Đặc biệt, vụ khủng bố 11/9/2001 đã gây ra những những thiệt hại vật chất và nhân lực nghiêm trọng khiến nước Mỹ rơi vào tình trạng khó khăn. Về vật chất ước tính thiệt hại hàng nghìn tỷ USD. Về nhân lực, khoảng 3.000 người thuộc 90 quốc gia thiệt mạng và mất tích, đồng thời khiến khoảng 50.000 người mất việc làm trong vòng một tuần sau đó [13, 29]. Cuộc tấn công ngay lập tức gây ra những tác hại nghiêm trọng đối với nền kinh tế của nước Mỹ và trên thị trường thế giới. Rất nhiều công ty và tập đoàn quan trọng nhất của thị trường tài chính thế giới có trụ sở tại, hoặc gần Trung tâm thương mại thế giới (WTC) vào thời điểm diễn ra vụ khủng bố 11/9 và các vụ tấn công đó đã bị cắt đứt hệ thống liên lạc, cũng như hoạt động của nhiều công ty ở phố Wall. Thị trường Chứng khoán New York (NYSE), thị trường Chứng khoán Mỹ và NASDAQ đóng cửa trong ngày 11/9/2001 và ngưng hoạt động cho đến ngày 17/9/2001 [52]. Khi thị trường chứng khoán mở cửa trở lại vào ngày 17 tháng 9 năm 2001, sau thời gian đóng cửa lâu nhất kể từ Cuộc Đại Suy thoái (Great Depression) năm 1929, chỉ số Dow Jones (Dow Jones Industrial Average – DJIA) tuột xuống 684 điểm, tức 7,1%, chỉ còn 8920 điểm, sự tụt dốc chưa từng xảy ra chỉ trong vòng một ngày. Đến cuối tuần, chỉ số DJIA rơi tự do 1369,7 điểm (14,3%), lần sụt giảm lớn nhất trong vòng một tuần trong lịch sử của chỉ số này. Sự sụt giảm tiếp theo của những thị trường cổ phiếu đã làm mất tới 1.400 tỷ USD. Các công ty bảo hiểm cũng ước tính phải thanh toán các hóa đơn lên đến 30 tỷ USD. Ngành hàng không có khoảng 70 ngàn nhân viên mất việc làm, tất cả các hãng hàng không lớn của Mỹ như Boeing, Continetal 7, US Airways đều phải vạch kế hoạch sa thải hàng chục nghìn nhân viên. Theo số liệu của chính phủ, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 9/2001 đã lên tới 4,9% [17,19]. Đến năm 2005, Phố Wall và Phố Broadway gần NYSE vẫn được canh gác cẩn thận nhằm ngăn ngừa một vụ tấn công tương tự vào tòa nhà này [52].

Đứng trước tình hình kinh tế suy sụp, chính quyền Tổng thống Bush đã đưa ra những chính sách nhằm vực dậy nền kinh tế sau 11/9. Chính quyền mới của Bush đã dành những ưu tiên hàng đầu cho chính sách tài khóa (Chương trình cắt giảm thuế khổng lồ), đảo ngược các ưu tiên ở thời Tổng thống Clinton. Một yếu tố mới xuất hiện cũng có thể xem là nguyên nhân mới góp phần làm xấu tình hình kinh tế đang có vấn đề của nước Mỹ, đó là việc tiến hành cuộc chiến chống khủng bố và nguy cơ còn bị tấn công tiếp tục, đặc biệt là cuộc tấn công bằng vũ khí sinh học của lực lượng khủng bố [13, 20].

Hai năm cuối cùng trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Bush đã xảy ra khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn, dẫn đến sự can thiệp của chính phủ để bảo lãnh cho các tổ chức tài chính bị thiệt hại và một nền kinh tế suy yếu. Chi ngân sách dưới thời Tổng thống Bush trung bình chiếm 19,9% GDP. Theo Thống kê của Lầu Năm góc, kể từ khi phát động cuộc chiến chống khủng bố, Mỹ đã phải chi cho cuộc chiến này hàng chục tỷ USD; trong đó, chỉ tính riêng cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan đã tiêu tốn của nước này khoảng 6000 tỷ USD, cao hơn gấp nhiều lần so với dự chi ban đầu của Nhà trắng (từ 200 đến 400 tỷ USD). Nhiều nhà phân tích quốc tế cho rằng, chi phí tốn kém cho các cuộc chiến chống khủng bố đã gây tác động đến nền kinh tế Mỹ và là một trong những nguyên nhân chính đẩy Washington lâm vào khủng hoảng tài chính (2008) tồi tệ nhất kể từ sau thập niên 30 của thế kỷ XX. Nước Mỹ tuy vẫn giữ vị trí số 1 thế giới về kinh tế, nhưng cũng đang là “con nợ” lớn nhất toàn cầu (nợ hơn 10 ngàn tỷ USD)

Các giải pháp nhằm vực dậy nền kinh tế của chính quyền Tổng thống G. Bush đã không đưa lại hiệu quả. Vì vậy, Đảng Cộng hòa đã bị mất uy tín, Bush đã không còn nhận được sự tín nhiệm của người dân. Những di sản của chính quyền tiền nhiệm buộc chính quyền Tổng thống B.Obama phải dành ưu tiên hàng đầu cho nhiệm vụ khôi phục nền kinh tế đang suy thoái nặng nề. Theo đó, nỗ lực đầu tiên của Tổng thống B. Obama là việc triển khai kế hoạch

áp dụng các gói kích thích kinh tế lớn nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, với tên gọi “Luật tái đầu tư và phục hồi Mỹ năm 2009” lên đến gần 800 tỉ USD. Đồng thời, trên phương diện các hoạt động đối ngoại, chính quyền Obama cũng hướng tới việc duy trì và củng cố vị thế siêu cường duy nhất của Mỹ trên thế giới [30, 13].

Trong thời gian tranh cử nhiệm kỳ 2 của Obama, ông đã chủ trương tiếp tục thúc đẩy đà phục hồi kinh tế; cam kết tạo thêm hàng triệu việc làm mới, tăng gấp đôi xuất khẩu nhằm hỗ trợ việc làm; giảm một nửa lượng nhập khẩu năng lượng vào năm 2020 bằng cách phát triển năng lượng xanh; giảm thâm hụt ngân sách; tăng thuế đối với những người giàu có nhất nhưng giảm thuế thu nhập cho tầng lớp trung lưu và những gia đình có thu nhập thấp; cải cách bộ luật thuế doanh nghiệp để giảm thuế cho những công ty đưa việc làm từ nước ngoài về Mỹ; khuyến khích tăng sản lượng hàng hóa “Made in America” [61].

Để đối phó với khủng hoảng tài chính, Bộ trưởng Ngân khố của chính quyền B. Obama đã lập quỹ dự phòng 2000 tỉ USD để mua bất động sản đang mất giá. Obama quyết định can thệp vào nền công nghiệp ô tô đang bị khủng hoảng. Tháng 6/2009, không hài lòng với tiến độ của gói kích thích kinh tế, Obama kêu gọi nội các đẩy mạnh đầu tư. Ông ban hành chương trình Car Allowance Rebate System trị giá 3 tỉ USD, hỗ trợ người dân đổi xe cũ tiêu hao nhiều nhiên liệu lấy xe mới tiết kiệm nhiên liệu.

Ngay từ khi bắt đầu nhiệm kỳ 2, ông Obama đã ra kế hoạch chấn hưng nền kinh tế và cải cách xã hội vào vị trí hàng đầu, tập trung nguồn lực chủ yếu cho giải quyết những vấn đề trong nước và giảm chi phí quốc phòng. Một trong những thành tựu lớn nhất trong nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống B. Obama là đưa nền kinh tế trở lại trạng thái phát triển bình thường. GDP năm 2012 là 15.924,18 tỉ USD (trong khi đó, GDP năm 2012 của Trung Quốc là 7.426,09 tỷ USD và Nhật Bản là 5.974,29 tỷ USD); thu nhập bình quân đầu

người của Mỹ năm 2012 là 48.373 USD (so với cùng thời gian: GDP/người của Nhật Bản là 45.912 và Trung Quốc 5.432 USD) [30, 8-9]. Sau thời kỳ khủng hoảng, đến năm 2014 nền kinh tế Mỹ đã có sự phục hồi ấn tượng. Với tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 2 và quý 3 đạt mức cao nhất trong vòng hơn một thập kỷ qua (4,6% và 5,0%). Kinh tế tăng trưởng nhanh làm cho mức thâm hụt ngân sách liên bang giảm mạnh, tài khóa 2014 chỉ ở mức 483,3 tỷ USD so với đỉnh điểm 1.420 tỷ USD của năm 2009. Kinh tế tăng trưởng cao góp phần làm cho thị trường lao động giữ được đà cải thiện với tỷ lệ thất nghiệp vào thời điểm cuối năm là 5,8%, giảm mạnh so với đỉnh cao 10% hồi tháng 10/2009.

Các vấn đề an sinh xã hội cũng được chính quyền Bush và Obama quan tâm hơn. Tổng thống Bush ủng hộ việc tư nhân hóa một phần an sinh xã hội trong năm 2005-2006, nhưng đã không thành công trong việc đạt được bất kỳ cải cách đối với chương trình vì gặp sự cố kháng cự mạnh mẽ của Quốc hội.

Trong cuộc đua tranh cử nhiệm kỳ 2, Obama đã chủ trương tăng đầu tư vào các chương trình giáo dục và đào tạo với mục tiêu giúp trẻ em Mỹ phải được tiếp cận sự giáo dục tốt nhất thế giới, phấn đấu đứng đầu thế giới về tỷ lệ tốt nghiệp đại học vào năm 2020. Trong Thông điệp Liên bang năm 2011, Tổng thống B. Obama tập trung vào các chủ đề giáo dục và đổi mới, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đổi mới kinh tế để tăng cường sức mạnh cạnh tranh của nước Mỹ trên thế giới. Ông nói về việc đóng băng chi tiêu nội địa trong 5 năm, bỏ việc giảm thuế cho các công ty dầu mỏ, đảo ngược chính sách cắt giảm thuế cho giới giàu có nhất và cắt giảm chi phí y tế.

Trong lĩnh vực cải cách xã hội có một loạt các thay đổi về chính sách nhập cư, cải thiện việc làm cho thanh niên, bảo hiểm y tế. Một trong những cải tổ sâu rộng nhất của Obama về vấn đề cải tổ y tế phải kể đến đó là Đạo luật chăm sóc y tế (hay còn gọi là Obamacare). Đạo luật này được coi là cuộc cải cách lớn nhất trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ kể từ năm 1965, đem lại cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế cho người dân thuộc tầng lớp thu nhập

Obama đề nghị mở rộng bảo hiểm y tế để có thể bao gồm những người chưa được bảo hiểm, và cho phép những người mất việc, hoặc thay đổi công việc duy trì bảo hiểm của mình. Ông kêu gọi chi tiêu 900 tỉ USD trong 10 năm cho kế hoạch bảo hiểm y tế nhằm giúp kế hoạch bảo hiểm của chính phủ để cạnh tranh với khu vực bảo hiểm tư như là một biện pháp nhằm làm giảm giá bảo hiểm, đồng thời nâng cao chất lượng hệ thống chăm sóc sức khỏe. Dự luật cũng cho rằng việc bỏ rơi người mắc bệnh là bất hợp pháp, và yêu cầu tất cả người Mỹ đều có bảo hiểm sức khỏe. Kế hoạch này cũng tính đến việc cắt giảm chi tiêu y tế và đánh thuế với những công ty bảo hiểm cung ứng các gói bảo hiểm đắt tiền [61].

Như vậy, sau vụ tấn công khủng bố, các Tổng thống thuộc hai Đảng chính trị ở Mỹ khi lên cầm quyền đều rất chú trọng đến việc khôi phục nền kinh tế và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội cho người dân. Trong một chừng mực nhất định, cùng sự nỗ lực cả Bush và Obama đã cải thiện được nền kinh tế, xã hội của Mỹ trong thời gian điều hành Nhà trắng của mình. Nhưng chúng ta có thể nhận thấy một điều rằng, chính sách mà Bush đưa ra chủ yếu nhằm thúc đẩy nền kinh tế, thương mại tự do của Mỹ. Tổng thống Bush và người Cộng hòa trong Quốc hội ít quan tâm đến việc phát triển các chính sách an sinh xã hội, đối tượng mà Bush hướng đến chủ yếu là tầng lớp thượng lưu, giới tư bản công nghiệp… Trong khi đó, trong thời gian cầm quyền Tổng thống Obama rất quan tâm đến việc thay đổi, mở rộng các chính sách y tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Vấn đề di cư, mở rộng quan hệ quốc tế cũng được Obama chú trọng hơn. Điều đó, thể hiện sự khác biệt trong việc điều hành Nhà trắng của hai Đảng khi cầm quyền.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) so sánh hoạt động của đảng dân chủ và đảng cộng hòa trong hệ thống chính trị mỹ từ năm 2001 đến nay (Trang 54 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)