Nguyên tắc hoạt động của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) so sánh hoạt động của đảng dân chủ và đảng cộng hòa trong hệ thống chính trị mỹ từ năm 2001 đến nay (Trang 79 - 82)

7. Kết cấu của đề tài

3.1. Nguyên tắc hoạt động của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa

Mỗi đời Tổng thống dù thuộc Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa đều hoạt động dựa trên nền tảng ba nguyên tắc: Dân chủ rộng rãi, nguyên tắc đa số và phi tập trung. Những nguyên tắc này được Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa áp dụng vào quá trình hoat động, thể hiện đặc trưng của đảng chính trị Mỹ.

3.1.1. Nguyên tắc dân chủ

Là nguyên tắc cốt yếu trong tổ chức và vận hành của các đảng ở Mỹ. Dù đảng cầm quyền, hay đảng đối lập đều phải tuân theo nguyên tắc hoạt động này và nó được thể hiện như sau:

Thứ nhất, người muốn trở thành đảng viên của một đảng đều phải dựa trên tinh thần tự nguyện. Đảng viên của đảng không phải thực hiện bất kỳ cam kết, ràng buộc nào, không phải đóng đảng phí, hay phải thực hiện một nghĩa vụ nào với đảng. Nếu cảm thấy đảng đó không phù hợp, không mang lại lợi ích gì cho mình, thì người đó có thể rời bỏ đảng và đăng ký vào đảng đối lập, hoặc đảng thứ ba khác mà không gặp phải bất kỳ thủ tục phiền toái nào.

Thứ hai, các vấn đề về tổ chức, kinh phí, nhân sự, đường lối chính sách của đảng ở các cấp đều được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, cho đảng viên và người dân biết. Các nguồn thu và chi của đảng phải tuân thủ những quy định của pháp luật và được đặt dưới sự giám sát của các cơ quan thanh tra và kiểm toán.

Thứ ba, việc bầu chọn các ứng cử viên của đảng cho các chức vục của chính quyền, từ cấp địa phương đến cấp bang, cấp quốc gia chủ yếu được thực hiện thông qua các cuộc bầu cử sơ bộ - nghĩa là các đảng viên của đảng trực tiếp bỏ phiếu giới thiệu các ứng viên, chứ không căn cứ vào ý muốn chủ quan của một số ít người trong ban lãnh đạo đảng. Khi đó, các đảng viên có thể trực tiếp đề cử cho đảng những người mà mình tín nhiệm, chứ không thông qua các đại diện trung gian. Điều này sẽ tránh được tình trạng các ứng viên được bầu chịu sự chi phối và chịu ơn ban lãnh đạo đảng. Các ứng viên được bầu nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trước các cử tri của đảng, cũng như trước người dân đã lựa chọn họ.

Trong những năm gần đây, Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đã có những cải cách nhằm tạo ra một sự dân chủ lớn hơn, được coi là thực sự trong nội bộ đảng, làm giảm ảnh hưởng của các nhà lãnh đạo. Chẳng hạn, hội nghị của Đảng Dân chủ từ vài thập niên gần đây đã quy định rằng, số các đại biểu nam và nữ đi dự hội nghị đảng toàn quốc phải như nhau; phân bổ các chỉ tiêu thích hợp đối với các đại biểu của các nhóm thiểu số, theo tỷ lệ dân số tại các đơn vị bầu cử; công khai hóa các thủ tục lựa chọn đại biểu; hạn chế 14% số ghế đại biểu dự hội nghị toàn quốc của đảng được dành cho các nhà lãnh đạo đảng và các quan chức được bầu, 86% số ghế còn lại được bầu ra từ các đơn vị đảng ở các bang và các địa phương, thông qua các cuộc bầu cử sơ bộ, hoặc các hội nghị đảng địa phương .

3.1.2. Nguyên tắc theo đa số

Đây được coi là nguyên tắc cơ bản để đưa ra những quyết định chính trị và để bầu chọn các ứng cử viên, các ban lãnh đạo của đảng ở các cấp khác nhau. Trong các cuộc bầu cử của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa thường áp dụng nguyên tắc theo đa số tương đối. Theo nguyên tắc này, người thắng cử trong các cuộc đua là người giành được nhiều phiếu bầu nhất trong số những ứng cử viên tranh cử, chứ không nhất thiết phải đạt hơn 50% (quá bán) số phiếu ủng hộ. Nguyên tắc theo đa số được áp dụng một cách phổ biến trong các cuộc bầu cử các cấp ở Mỹ, từ việc bầu những nhà lãnh đạo đảng ở cấp địa phương, cho đến bầu các đại biểu đi dự đại hội đảng toàn quốc, bầu ứng cử viên Tổng thống.

Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa ở các cấp đều tuân theo nguyên tắc này. Nhờ tuân thủ nguyên tắc này mà các nguyên tắc dân chủ và nguyên tắc phi tập trung được hai đảng thực hiện trong các hoạt động và nó thể hiện đặc trưng, cũng chính là điểm giống nhau của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa.

3.1.3. Nguyên tắc phi tập trung

Các đảng ở Mỹ được mô tả như là những tổ chức phi tập trung cao độ và được gắn kết một cách lỏng lẻo hơn hẳn so với các đảng phái ở nhiều nước khác. Tổ chức đảng thiếu một định nghĩa về tư cách thành viên của đảng và không có một sự nhất trí về ý nghĩa của từ thành viên của Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hoà, không có một cơ chế ràng buộc đảng viên phải tuân theo kỷ luật của đảng, không có chế tài nào đối với đảng viên chống lại đường lối do lãnh đạo đảng vạch ra. Do đó, Chính phủ ở Mỹ luôn tồn tại sự chia rẽ, bởi trong khi Tổng thống là người của một đảng, thì có thể Quốc hội lại thường do đảng kia nắm ưu thế. Hoặc trong trường hợp, Tổng thống cũng là người của đảng đang nắm đa số trong Quốc hội, nhưng khi thông qua chính sách vẫn có thể có sự chia rẽ. Sở dĩ như vậy, vì mặc dù vẫn có sự thống nhất nhất định trong một đảng, vẫn luôn có trường hợp đảng viên của đảng này bầu cho những vấn đề do người của đảng kia bảo trợ và đề xuất.

Tổ chức và hoạt động của đảng chính trị Mỹ chủ yếu bị chi phối bởi luật pháp bang. Mỗi bang có những quy định riêng cho hoạt động của các đảng phái. Do đó phương thức hoạt động của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa ở mỗi bang là không giống nhau. Nhiều người cho rằng, trên thực tế ở Mỹ không chỉ có một Đảng Cộng hòa và một Đảng Dân chủ, mà nước Mỹ có tới 50 Đảng Dân chủ và 50 Đảng Cộng hòa khác nhau. Sự phi tập trung trong tổ chức và hoạt động của đảng chính trị Mỹ còn được thể hiện ở sự độc lập của các tổ chức đảng cấp dưới đối với tổ chức đảng cấp trên. Đối với Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa, tổ chức và hoạt động của đảng ở cấp bang, hạt và thành phố đều không chịu sự chỉ dẫn, kiểm soát của Ủy ban toàn quốc, hoặc Chủ tịch Đảng toàn quốc.

Như vậy, khi so sánh những nguyên tắc hoạt động trên của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa, có thể thấy rằng việc áp dụng các nguyên tắc này không có sự khác biệt lớn, tùy hoàn cảnh mà hai đảng áp dụng cho phù hợp với điều kiện của mình. Điều khác biệt chính là các đảng tùy vào điều kiện cụ thể của mình mà áp dụng các luật của bang một cách phù hợp nhất và tổ chức thực hiện những nguyên tắc hành động này theo một cách riêng của mình để đạt được mục đích tốt nhất.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) so sánh hoạt động của đảng dân chủ và đảng cộng hòa trong hệ thống chính trị mỹ từ năm 2001 đến nay (Trang 79 - 82)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)