Học thuyết Bush

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) so sánh hoạt động của đảng dân chủ và đảng cộng hòa trong hệ thống chính trị mỹ từ năm 2001 đến nay (Trang 83 - 87)

7. Kết cấu của đề tài

3.2. Học thuyết của George W.Bush và Barack Obama

3.2.1. Học thuyết Bush

George W. Bush chính thức trở thành Tổng thống thứ 43 của nước Mỹ ngày 21/1/2001. Trước tình hình quốc tế phức tạp, với ưu thế vượt trội của Mỹ trên trường quốc tế, cũng như tình hình chính trị - xã hội biến động trong nội bộ nước Mỹ và những chuyển biến trong hoạt động đối ngoại của Hoa Kỳ, sự kiện 11/9/2001 đã làm bộc lộ rõ hơn những định hướng mới trong vấn đề đối ngoại của nước Mỹ dưới thời Tổng thống Bush. Chính những điều này đã dẫn tới sự ra đời học thuyết Bush. Học thuyết Bush đã thể hiện một cách sâu rộng trong chính sách đối ngoại của Mỹ, đồng thời là một kế hoạch tham vọng nhằm tái thiết lập trật tự thế giới sau sự kiện khủng bố 11/9/2001.

Học thuyết Bush hướng đến việc “vượt trên ngăn chặn và phòng vệ” đối với các cuộc tấn công, hay các hành động thù địch, nhằm loại trừ kẻ thù, hay chủ nghĩa khủng bố. Bush đã thực thi một chính sách đối ngoại cứng rắn chẳng những với các “Nhà nước cứng đầu” như Iraq, CHDCND Triều Tiên, mà với cả những “đối tác chiến lược” lớn như Nga và Trung Quốc. Cũng như chính quyền Tổng thống Clinton, chính quyền Bush theo đuổi mục tiêu dài hạn, mang tính chất xuyên suốt và không thay đổi của nước Mỹ, đó là củng cố và duy trì vị trí siêu cường số một trên thế giới, thiết lập một trật tự thế giới

mới do Mỹ lãnh đạo, mà ở đó các giá trị Mỹ được phổ biến và Mỹ ngăn chặn không cho bất cứ quốc gia nào đe dọa đến vị thế của Mỹ.

Học thuyết Bush dựa vào 4 trụ cột chính:  Bảo vệ nước Mỹ, các đồng minh và thế giới  Bảo đảm sự thịnh vượng của kinh tế toàn cầu

 Duy trì vị thế lãnh đạo thế giới của Mỹ trong một trật tự quốc tế ổn định  Mở rộng dân chủ trên thế giới

Trụ cột thứ nhất là bảo vệ nước Mỹ, công dân Mỹ, lợi ích của các đồng minh. Trong các Chiến lược an ninh Quốc gia qua các thời kỳ, Mỹ luôn nhấn mạnh trụ cột này. Và dưới thời Tổng thống Bush, do bối cảnh khủng bố vừa xảy ra, Mỹ đã nhấn mạnh chủ nghĩa đơn phương. Đó chính là khả năng tấn công đơn phương của Mỹ để thúc đẩy lợi ích quốc gia. Chủ nghĩa đơn phương thể hiện ý chí và khả năng của một quốc gia trong việc hành động một mình nhằm đạt được các mục tiêu quân sự, chính trị, hoặc kinh tế. Ở đây, chủ nghĩa đơn phương được hiểu là việc thiết lập một khung chương trình hành động hiệu quả và hợp lý, cho phép một quốc gia tiến hành chiến tranh chống lại một hoặc những quốc gia khác. Tuy nhiên, đôi khi kế hoạch hành động đơn phương của Mỹ đã làm xói mòn sự ảnh hưởng của chính siêu cường này. Với chủ nghĩa đơn phương, Mỹ cho phép mình can thiệp vào bất cứ nơi nào trên thế giới mà Washington cho rằng có liên quan đến khủng bố. Điều này dẫn đến sự phản đối từ các cường quốc khác, khiến làn sóng nổi dậy, cùng các phong trào chống đối tăng cao. Trên thực tế, Mỹ đã điều chỉnh chính sách này khi cho rằng sẽ thực hiện chủ nghĩa đơn phương, hành động đơn phương khi có thể và tìm kiếm hành động đa phương, hoặc được Liên hợp Quốc cho phép.

Trụ cột thứ hai, sự thịnh vượng của kinh tế toàn cầu. Sức mạnh an ninh, quân sự của nước Mỹ luôn cần có sự hậu thuẫn của sức mạnh kinh tế. Điều này buộc Mỹ phải đẩy mạnh phát triển kinh tế trong nước, đồng thời phải thúc

đẩy sự thịnh vượng của nền kinh tế toàn cầu. Mỹ luôn đẩy mạnh đầu tư và xuất nhập khẩu với khu vực Châu Âu, nơi có đồng minh NATO, khu vực CA – TBD phát triển năng động. Mỹ cũng chú trọng khu vực Châu Phi – Trung Đông và Mỹ La Tinh, nhưng rõ ràng không mạnh mẽ như hai khu vực kia. Bên cạnh đó, Mỹ cũng thúc đẩy phát triển các thể chế kinh tế đa phương, toàn cầu thông qua WTO và các Hiệp định thương mại tự do.

Trụ cột thứ ba chính là để khẳng định vị thế số một lãnh đạo thế giới của Mỹ, điều này thể hiện sự tập trung quyền lực vào nước Mỹ và khả năng Mỹ sử dụng quyền lực để củng cố và duy trì sức mạnh, sử dụng các lợi ích về kinh tế và văn hóa để duy trì trật tự thế giới. Sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, Mỹ trở thành siêu cường duy nhất, cùng lúc đó những ảnh hưởng về văn hóa và kinh tế của Mỹ đã nhanh chóng phát triển ở nước ngoài. Dưới học thuyết Bush, tuyên bố về vị thế số một của Mỹ cho thấy quyết tâm của nước này trong việc sử dụng sức mạnh vượt trội nhằm chủ động duy trì và gây ảnh hưởng lên trật tự thế giới. Trụ cột này thể hiện chiến lược “đánh đòn phủ đầu” của Tổng thống Bush. Với chiến lược này, Washington có thể bắn “một mũi tên trúng hai đích”. Một là tiến hành tấn công, hay chiến tranh nhằm tiêu diệt khả năng kẻ thù này tấn công nước Mỹ trong tương lai; Hai là ngăn cản quốc gia khác có ý định xâm hại vị thế của Mỹ bằng WMD. Chính quyền Bush cho rằng, con đường duy nhất để ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố là loại trừ các nguy cơ trước khi chúng được cụ thể hóa bằng hành động.

Trụ cột thứ tư là mở rộng dân chủ, cho thấy sự lan tỏa nền dân chủ Mỹ đến các quốc gia khác bằng nhiều con đường. Với việc phát động cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq, chính quyền Bush đã cố gắng thiết lập một chế độ dân chủ mới, tuy nhiên kết quả không mang lại hoàn toàn những điều tốt đẹp. Trong trường hợp Afghanistan, sự trỗi dậy của phiến quân Taliban và al Qaeda đã đe dọa tính ổn định của nền dân chủ và kế hoạch xây dựng một đất nước Afghanistan hòa bình và ổn định. Như vậy, có thể cho rằng, một nền dân

chủ bị áp đặt vào một thể chế chính trị yếu ớt bởi một cường quốc từ bên ngoài thường sẽ không tạo nên kết quả như mong đợi.

Chiến lược “Đánh đòn phủ đầu” được coi là trọng tâm, là xương sống của Học thuyết Bush. Trong Báo cáo Chiến lược an ninh Quốc gia (công bố ngày 20/9/2002) đã chỉ ra rằng, nước Mỹ cần nỗ lực “duy trì ưu thế vượt trội và đánh bại chủ nghĩa khủng bố bằng cách đập tan mọi mối đe dọa này trước khi nó đến biên giới chúng ta” [5, 65]. Chiến lược “đánh đòn phủ đầu” có những điểm đáng chú ý sau:

Thứ nhất, sau sự kiện 11/9/2001, chống khủng bố trở thành ưu tiên chiến lược quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại, an ninh của chính quyền G. Bush. Đây cũng chính là ưu tiên hàng đầu của Mỹ trong những năm đầu của thế kỷ XXI.

Thứ hai, trong chiến lược“đánh đòn phủ đầu” của chính quyền Bush, an ninh quân sự trở thành trụ cột được ưu tiên số một trong ba trụ cột chiến lược an ninh quốc gia mới. Điều này được thể hiện trong việc Mỹ chủ trương tăng ngân sách quốc phòng và quyết tâm thúc đẩy hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD) bất chấp sự phản đối của Nga và các nước khác. Sự kiện 11/9 và cuộc chiến chống khủng bố được phát động tạo cơ hội cho chính quyền Tổng thống Bush tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quân sự theo tư duy mới: tấn công là biện pháp tốt nhất để phòng ngự. Đây cũng là một luận điểm cơ bản trong Chiến lược an ninh Quốc gia mới của Mỹ sau sự kiện 11/9 [28].

Thứ ba, Châu Á - Thái Bình Dương trở thành trọng điểm số một trong chiến lược đối ngoại của chính quyền Bush. Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, Mỹ ngày càng coi trọng hơn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Nếu như trong chiến lược “Cam kết và mở rộng” của chính quyền Clinton, lục địa Âu - Á được coi là trọng tâm của hai khu vực là Châu Âu - Đại Tây Dương và CA- TBD, nhưng trọng điểm vẫn là Châu Âu, thì đối với chính quyền G.W. Bush lại

trọng như Châu Âu - Đại Tây Dương và nhấn mạnh sự tập trung chú ý vào CA - TBD như là một trọng điểm số một, nhất là chiến lược quân sự - an ninh.

Thứ tư, chính quyền Tổng thống Bush thực hiện chính sách nghiêng về hành động đơn phương một cách cứng rắn và công khai. Đồng thời, thực hiện chính sách ngoại giao dựa trên sức mạnh để “thiết lập nền hòa bình thông qua sức mạnh”. Liên minh quốc tế chống khủng bố chỉ là một sự tập hợp lực lượng tạm thời và là một trong những biểu hiện trên thực tế của chính sách đối ngoại thực dụng của Mỹ.

Chiến lược đánh đòn phủ đầu thông báo cho thế giới biết rằng, nếu cần Mỹ sẽ sử dụng sức mạnh quân sự để bảo vệ an ninh của chính mình và đồng minh. Tuy nhiên, việc ứng dụng chiến lược mới này chứng tỏ Mỹ tự cho phép mình đặc quyền quyết định can thiệp vào bất kỳ quốc gia nào “bị tình nghi có dính líu đến khủng bố quốc tế”, dẫn đến khả năng sử dụng sức mạnh của mình một cách tùy tiện. Song hai nhiệm kỳ của Tổng thống Bush ngoài việc sự kiện các cuộc tấn công khủng bố 11/9 được lấy làm lý do chính đáng phát động các cuộc chiến tranh tấn công phủ đầu, Mỹ không còn yếu tố nào khác có thể dùng để thuyết phục cộng đồng quốc tế tiếp tục ủng hộ chiến lược này. Bằng chiến lược đánh đòn phủ đầu, Mỹ đã phớt lờ sự phản đối của các tổ chức quốc tế, luật pháp quốc tế, tự động gây chiến, gây nên hàng loạt hậu quả đối với chính sách của Mỹ. Lòng tin của người dân Mỹ vào cuộc chiến chống khủng bố ngày càng giảm sút và Mỹ dường như đã không thể kiểm soát được cuộc chiến do chính mình khởi xướng. Đây là những lý do khiến cho chính quyền của Tổng thống Bush có những điều chỉnh nhất định trong chính sách đối ngoại và chính sách chống khủng bố, khi đã tìm kiếm sự hỗ trợ của LHQ và những nước khác, tập hợp các nước đồng minh chống khủng bố Quốc tế.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) so sánh hoạt động của đảng dân chủ và đảng cộng hòa trong hệ thống chính trị mỹ từ năm 2001 đến nay (Trang 83 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)