Kết cấu nhân vật tìm kiếm bản thể của con ngƣời hiện đại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật kết cấu trong tiểu thuyết của haruki murakami (Trang 72 - 83)

5. Cấu trúc:

3.2. Kết cấu nhân vật dấn thân tìm kiếm cái tôi đích thực

3.2.2. Kết cấu nhân vật tìm kiếm bản thể của con ngƣời hiện đại

Theo Milan Kundera: “Tất cả mọi tiểu thuyết của thời đại đều chăm chú vào bí ẩn của cái tôi. Từ lúc anh bắt đầu sáng tạo một con người tưởng tượng, một nhân vật, tức thì anh đối mặt với câu hỏi: Cái tôi là gì? Bằng cách nào nắm bắt được cái tôi?. Đây là một trong những câu hỏi cơ bản, trên đó tiểu thuyết được hình thành với tư cách là tiểu thuyết”[22; tr.29]. Với tinh thần “nhận thức lại”, các nhà tiểu thuyết quan tâm đến những vấn đề bản thể. Với nhiều nhà tiểu thuyết, viết tác phẩm trở thành một hành trình tìm kiếm chính mình, chăm chú vào bí ẩn cái tôi, lật xới vấn đề muôn thưở Cái tôi là gì? Bằng cách nào nắm bắt được cái tôi? Xuất hiện kiểu người kể chuyện tự kể về mình bằng giọng điệu trải nghiệm, với những suy ngẫm triết lí về bản thể. Tiểu thuyết Haruki Murakami là những tác phẩm như thế - những cuốn sách êm ái đưa người đọc từ những mối bận tâm thường nhật đến chứng tâm thần tiềm ẩn, như thể thách thức niềm tin của mỗi chúng ta vào thế giới vật chất... (tạp chí The New York Observer nhận xét).

Nhà nghiên cứu Patricia Welch đã viết trong bài Thế giới truyện kể của Murakami (Trần Tiễn Cao Đăng dịch): Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Murakami, họ “Là những sinh linh cô độc, họ khép mình trước thế giới, tự dựng lên những hàng rào tâm lí, tự buộc mình cách li với cộng đồng. Nhìn bên ngoài, cuộc sống của họ chẳng có gì không ổn, những vẫn thiếu một cái gì đó..”. Chính sự thiếu một cái gì đó này đã tạo thành một cái nét bất bình thường mà chúng tôi nói ở trên. Họ thiếu gì? Họ thiếu một niềm tin đầy đủ và chắc chắn - một xác tín, có thể nói

vậy - về ý nghĩa của sự tồn tại của chính mình trong tư cách một con người giữa xã hội loài người.

Và vì thế, họ khao khát được tìm thấy con người đích thực của mình trong sự cộng thông với tha nhân, trong một thực tại khác với thực tại nhàm chán mà họ đang sống. Cuộc gặp của Toru Okada với Trung uý Mamiya là chi tiết rất có ý nghĩa trong tác phẩm: Toru Okada đã xuống giếng sau khi nghe Trung uý Mamiya kể lại việc ông bị ném xuống chiếc giếng cạn ở hoang mạc Nomohan hồi Đệ nhị thế chiến. Bằng hành vi đó, anh khước từ tính chân xác của cái thực tại này, cái thực tại mà anh bị thất nghiệp, bị vợ bỏ, cái thực tại mà những người anh gặp đều đánh mất trọng lực của niềm tin, cái thực tại mà hình ảnh có khi còn thực hơn cả vật thể (ví như trường hợp Wataya Noburu, anh vợ của Toru Okada, con người mẫu mực không chê vào đâu được khi xuất hiện trên màn hình vô tuyến).

Khước từ thực tại này để chấp nhận thực tại kia, như một sứ mệnh, đó là điều đã đến với Toru Okada sau khi anh đã trải nghiệm đến đáy sự hư vô lúc ở trong giếng cạn. Anh đi xuyên qua bức tường ngăn cách thực tại nàythực tại kia. Đi xuyên tường, một chi tiết đã từng đem lại niềm vinh quang cho văn học huyễn tưởng (hoặc văn học kỳ ảo) của thế giới. Nhưng với Murakami, khi sử dụng lại chi tiết này, ông không hề khai thác nó ở hiệu quả đem lại sự kinh ngạc về khả năng kỳ lạ của con người, mà ông muốn nói đến sự dấn thân, đến yêu cầu phải dấn thân nếu con đường đã mở ra trước mắt. Đi xuyên qua bức tường, xin nhắc lại, là Toru Okada đã ở thực tại kia chứ không phải ở phía bên kia của cùng một thực tại. Anh rơi vào một thế giới xa lạ, một thế giới mà anh chẳng biết gì về nó ngoài niềm tin là phải chiến đấu đến cùng ở trong đó, cho dẫu, chiến thắng là điều không hề được hứa hẹn. Ở đây, rõ ràng là chủ đề dấn thân trong triết học hiện sinh của Sartre và Camus đã được Murakami thể hiện rất rành mạch, tất nhiên, theo cách của riêng ông. Người ta có thể nói rằng Murakami đã đan cài trong Biên niên ký chim vặn dây cót

yếu tố thực tại và yếu tố phi thực tại, nhưng với tôi, phi thực tại chính là một thực tại khác, khác với cách chúng ta thường quan niệm về thực tại mà thôi. Tất cả đều có thể, tất cả đều ngang bằng nhau về giá trị xác thực. Điều duy nhất có ý nghĩa là ở

đâu và bằng cách nào, con người tìm được bản thể đích thực của mình qua hành động dấn thân đầy quả cảm, như Toru Okada đã làm khi đi tìm người vợ bị mất tích của mình... Trong hành trình tìm kiếm lại hạnh phúc của đời mình (Kumiko, người vợ yêu dấu), anh đã gặp Kano Malta và Kano Creta. Với hai cô gái này anh đã biết tới một thực tại vượt ra ngoài khuôn khổ sự quan niệm về thực tại quen thuộc của con người: đó là thế giới của những giấc mơ, những ảo giác, những hoạt động tinh thần không ý thức kiểm soát.

Như Haruki Murakami đã từng nói “Không ai là một hòn đảo cả” và chính nhân vật của ông - Ushikawa - cũng từng phát biểu rằng: Chứ cứ trơ ra có mỗi mình anh, không thuộc về đâu cả thì đã gục là gục hẳn, đi đời luôn. Chấm hết[10; tr.528]; Toru Okada thấu hiểu điều đó. Anh biết rằng không có thứ hạnh phúc biệt lập nào dành riêng cho mỗi con người mà chỉ có niềm hạnh phúc được nảy sinh từ sự hài hòa, cảm thông và chia sẻ của tình đồng loại. Chính vì thế, anh đã không chỉ chiến đấu để đốn ngộ chính mình, mà còn chiến đấu vì những người quanh anh. Chính họ là sự sống của anh, là ý nghĩa để anh tồn tại.

Thế giới nhân vật trong Biên niên ký chim vặn dây cót đều kiếm tìm cái bản thể của chính mình. Cô thiếu nữ “có vấn đề tâm lí” Kasaha May đã bịt mắt người bạn trai đang đèo mình khi cả hai đang đi xe máy (cái chết đã đến với người bạn trai ấy) như cô nói chỉ cố để: “đẩy tới những giới hạn”. Anh chàng nhạc công đốt tay mình trên lửa, chỉ để cảm nhận được cái đau của thể xác và muốn những người xem cũng có cảm giác về cái đau giống anh ta. Cô điếm tinh thần Kano Creta dịch chuyển từ chỗ bao giờ cũng thấy đau đến không còn biết cảm giác đau là gì nhờ một vụ hãm hiếp… Toru Okada - nhân vật chính, một con người bị vợ bỏ, thất nghiệp, chẳng có ý chí gì lớn lao, chẳng có tài cán gì đặc biệt, chẳng có nét nổi trội nào về hình thức. Ta có thể gọi nhân vật này là một phần tử của mẫu số chung tầm thường trong xã hội người. Anh đi tìm người vợ đã mất tích, song cuộc tìm kiếm này ngày càng đưa anh dấn sâu vào một cuộc hành trình về nội tâm để thấu hiểu mối quan hệ giữa qúa khứ đầy bạo lực của nước Nhật với hiện tại trống rỗng của nó. Những chuyện, những hình ảnh tưởng chừng như không ăn nhập gì với nhau tạo âm hưởng

sâu xa. Cuối cùng, Toru đã đi xuyên qua bức tường để bắt gặp chính mình là kẻ tòng phạm trong những sự kiện đã xảy ra từ trước khi anh ra đời và giờ đây đã bị xoá hoàn toàn khỏi ý thức tập thể. Để thành công trong cuộc tìm kiếm, Toru phải vượt qua sự tách mình khỏi cộng đồng, sự thoát li xã hội, để đạt tới một chủ nghĩa cá nhân hoàn thiện, để ít nhất cũng phải nỗ lực liên kết với những kẻ khác, mặc dù đó là việc rất khó khăn.

Từ vết bầm trên má Toru Okada sau lần đầu xuống giếng đến công việc của anh tại phòng “chỉnh lý” là một quá trình mà bản thể từ sự tách biệt cá nhân đã dần dần hòa hợp với “tha nhân”. Okada nhận thấy ngày một rõ hơn những sợi dây vô hình theo cách này hay cách khác đã gắn kết con người lại với nhau mà trong đó anh là một mắt xích quan trọng: “Những “khách hàng” này và tôi gắn kết với nhau bởi vết bầm trên má tôi. Ông ngoại của Quế và tôi cũng gắn kết với nhau bởi vết bầm trên má tôi. Ông ngoại của Quế và trung úy Mamiya ràng buộc với nhau bởi thành phố Tân Kinh. Trung úy Mamiya và ông Honda có tài thấu thị gắn kết với nhau bởi cùng tham gia nhiệm vụ đặc biệt ở biên giới Mãn Châu - Mông Cổ, còn Kumiko và tôi thì được gia đình Wataya Noboru giới thiệu với ông Honda. Trung úy Mamiya và tôi gắn bó với nhau bởi cả hai đều đã biết thế nào là ở dưới giếng…Tất cả đều gắn kết với nhau như một vòng tròn mà tâm điểm là Mãn Châu thời trước chiến tranh, Đông Á đại lục và cuộc chiến tranh ngắn ngủi ở Nomonhan..”[10; tr.579].

Hay trong Kafka bên bờ biển, cuốn sách kể câu chuyện một cậu bé tên là Kafka Tamura bỏ nhà ra đi để trốn một lời tiên đoán rằng cậu sẽ phạm một tội kiểu Ođíp (giết cha, lấy mẹ - theo thần thoại Hy Lạp); hoặc có thể cậu ra đi để tìm người mẹ và người chị đã mất tích từ lâu. Kafka có bạn đường là một gã khờ khạo tên là Nakata, gã này dường như không bao giờ hồi phục được sau những chấn động thời chiến tranh… Cả hai đi vào cuộc phiêu lưu hiện thực huyền ảo trong đó có tranh luận giữa người với mèo, có gã ma cô giống như một con ma với cô gái điếm toàn nói những câu trích dẫn từ Hêghen, có cơn mưa cá từ trên trời rơi xuống cùng

những sự tồi tệ… Và cuối cùng, sự gắn kết hai nhân vật lạ lùng tìm được câu trả lời cho mỗi người trong họ.

Những con người này họ đang sống, song dường như họ không thể xác định mình trong những quy ước thông thường của đời sống, trong cái toạ độ của các mối quan hệ bình thường. Một nỗi bất an ngấm ngầm nào đó luôn tồn tại và gây xao xuyến trong họ. Nỗi bất an ấy có thể bắt nguồn từ những xung động chưa được cắt nghĩa trong vô thức tập thể của cả dân tộc mà họ cũng có thể là hệ quả trực tiếp của sự phát triển kinh tế đại công nghiệp, nơi mà con người bị cuốn đi trong vòng xoáy của công việc - ăn uống - làm tình - mua sắm… Và như thế họ khao khát tìm thấy con người đích thực của mình, con người bản thể khác với thực tại nhàm chán mà họ đang sống.

Trong Phía nam biên giới phía tây mặt trời vợ Hajime có lần nói: “Em rất hạnh phúc với anh. Và em nghĩ rằng, ngay cả bây giờ vẫn vậy, anh vẫn còn yêu em. Nhưng em không đủ cho anh.”[12; tr.262]. Còn Hajime, lúc nào cùng băn khoăn, hoài nghi: “Có lúc tôi tự hỏi, không biết tất cả những điều này có phải là một vở hài kịch hay không. Liệu có phải là chúng tôi đang hài lòng với việc đóng những vai diễn dành cho mình? Liệu có phải là chúng tôi đã đành mất một điều gì đó cốt yếu? Liệu có phải là kể từ nay ngày nào chúng tôi cũng sẽ chỉ sống như những cái máy đơn giản”[12; tr.269)]. Hàng loạt những câu hỏi mãi mãi không tìm thấy câu trả lời. Chúng treo lơ lửng trong lòng cái giếng đen sâu thẳm không đáy. Chúng chơi vơi trong đó và chờ đợi con người hoàn thành sứ mệnh lấp đầy hố đen vô tận. Nhưng bao giờ con người sẽ hoàn thành sứ mệnh của mình: “Để có thể chắc được rằng những gì chúng ta coi là thực tế đúng là thực tế, chúng ta cần đến một thực tế khác làm nền tảng. Và cứ như thế, cho đến khi tạo ra trong ý thức của chúng ta một chuỗi mắt xích kéo dài đến vô tận. Chắc chắn là không hề quá lời khi nói rằng chính trong sự giữ gìn cái mắt xích đó mà chúng ta có thể dò được đến cảm giác về sự tồn tại thật của mình. Nhưng chỉ cần chuỗi mắt xích đó đứt gãy, tức khắc chúng ta sẽ lạc lối. Thực tế có thật sự nằm ở phía cái mắt xích bị rời ra, hay ở phía cái chuỗi cứ kéo dài mãi mãi”[12; tr.273].

Cuộc trường chinh tìm kiếm cái gì đó để làm đầy, làm vĩnh cửu linh hồn con người không đi đến hồi kết giống như câu chuyện về người nông dân Xibêri vứt bỏ thảo nguyên, lang thang cô độc đi về phía Tây mặt trời, để biết xem nơi mặt trời thực sự có cái gì. Kết cục là anh ta gục ngã, chết giữa sa mạc, trong đói khát cô độc mà vẫn không tìm được đáp án cho đời mình. Giống như một người bạn đã nói với Hajime: “Một thế hệ biến mất, một thế hệ khác thế chỗ. Đó là một quy luật tuyệt đối. Có nhiều cách sống và nhiều cách chết. Nhưng có quan trong gì đâu. Điều duy nhất còn lại là sa mạc... Phải, tất cả đều sẽ chết. Một số thứ biến đi mất giống như bị chém một nhát thật ngọt, những thứ khác dần lẫn lộn vào nhau và biến đi mất theo thời gian. Và chỉ còn lại sa mạc ”[12; tr.110-111].

Hajime đã sống với những cảm xúc rất thực. Ở cái hoàn cảnh và điều kiện thực tại vào thập niên 50 của thế kỉ XX, ở một đất nước cụ thể, hoàn cảnh cụ thể là sau chiến tranh thế giới thứ hai. Cái mà Murakami xây dựng lên là một sinh thể thực với những mâu thuẫn bên trong nội tại của một con người mà khó lí giải thấu đáo. Cái mà như Hajime luôn tìm kiếm là “một cái gì đó” thật sự là cái gì? nó có tác động như thế nào đối với con người? Ngay chính nhân vật cũng chưa từng biết đến, chưa từng được trải nghiệm nó, vậy cũng chưa đủ năng lực diễn giải hay định tuyến. Do vậy cứ mải mài kiếm tìm không mệt mỏi, không lí giải bằng một hạn mức nào đó, không đặt ra những hệ lôgic.

Có người cho rằng Phía nam biên giới phía tây mặt trời là một câu chuyện tình buồn đầy ám ảnh, có vẻ như vậy còn phiến diện, thực chất đây là một cuộc thám hiểm và kiếm tìm. Thám hiểm và kiếm tìm trong cô độc, bất lực trước những biến cố của cuộc sống. Hay chính xác hơn đó là cuộc tìm kiếm trong quẫn bách và tuyệt vọng, bế tắc: “Có thể tất cả những thứ này không phải là cuộc đời mình như thể tôi đi theo một số phận đã định sẵn cho tôi bởi một người khác. Cái người đàn ông làm tôi đang nhìn thấy trong gương chiếu hậu là chính tôi theo cách nào?”[12; tr.99].

Tính cánh không đồng nhất khiến Hajime không dừng lại ở một vị trí nhất định, trải qua những giai đoạn khác nhau, dễ bị lay động bởi yêu – ham muốn...

nhưng lại vẫn thế, vẫn là những mâu thuẫn ấy, dễ bị lay động nhưng vẫn có một “cái gì đó” là mục đích kiếm tìm, yêu nhưng không hẳn là ham muốn và ham muốn nhưng không hẳn là yêu. Anh có cách tư duy đặc thù, tư duy tìm kiếm và mạo hiểm. Trải nghiệm để nhận thức một cách đầy đủ mặc kệ những mối quan hệ. Tìm kiếm cài gì đó của riêng mình để thay đổi thực tại. Nhưng mà cho dù có khao khát mãnh liệt như thế nào, dù có tìm kiếm không mệt mỏi ra sao, cuối cùng vẫn chỉ khẳng định thêm rằng con người ta không thể nào trở lại để thay đổi quá khứ, cái quá khứ đã đông cứng bởi thời gian không cho phép quay ngược. Rằng người ta chỉ có thể thay đổi ở tương lai...

Chúng ta cũng như nhân vật của Murakami, đều băn khoăn tìm kiếm “cái gì đó” đủ sức lấp đầy cái giếng hun hút của cuộc sống. Và rồi cuối cùng chúng ta đều nhận ra rằng, cái giếng ấy không thể lấp đầy, cái giếng ấy là vô tận. Bởi điểm mà ta tưởng là đáy giếng - thực tại lại là cách cửa mở ra một thế giới mới mà ta chỉ có thể biết khi rơi xuống đó. Cuộc sống này, hạnh phúc này, khoảnh khắc này mới là cái

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật kết cấu trong tiểu thuyết của haruki murakami (Trang 72 - 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)