5. Cấu trúc:
4.2. Kết cấu không gian
4.2.1. Kết cấu không gian thực
Không gian là khoảng không lưu giữ, định vị sự tồn tại của con người và sự vật. Không gian thực tồn tại hoàn toàn khách quan với ý thức con người.. Không gian trong tác phẩm văn học còn gọi là không gian nghệ thuật, nó thuộc về cấu trúc nội tại của tác phẩm văn học góp phần xây dựng hình tượng trong tác phẩm văn học. Nhiều không gian trở thành một đặc trưng song hành khi ta nhắc tới nhân vật. Không gian là sự tương tác của nhân vật với thế giới.
Murakami sử dụng không gian như một yếu tố nghệ thuật để khắc họa nhân vật. Đó là không gian hoàn cảnh lẫn không gian tâm lí, không gian thực - ảo đan xen, không gian rộng - hẹp tương phối, chúng kết hợp với nhau tạo thành mê cung trong tác phẩm của ông. Nói về mê cung, người ta hình dung ngay tới “một mạng chằng chịt những lối đi quanh co rắc rối” [7; tr.592]. Đồng thời khi nhắc đến mê cung, người ta không chỉ hình dung ra những tầng không gian địa lý mà còn liên tưởng đến những tầng không gian của thế giới nội tâm con người. “Mê cung cũng dẫn vào nội tâm của bản thân tới một thứ điện thờ ẩn giấu bên trong con người, nơi tọa lạc cái phần huyền bí nhất của nhân tính” [7; tr.592].
Trong những câu chuyện thần thoại cổ xưa, mê cung là một mô típ khá quen thuộc. Người ta có thể tìm thấy mê cung trong thần thoại Hy Lạp, gắn liền với tên tuổi của vị thần Hadex. Đó là một nơi “nằm sâu dưới lòng đất không bao giờ có nắng mặt trời. Nơi đó, những con sông đen ngòm chạy ngoằn ngoèo, và những dòng nước, bùn lầy sôi sục chảy vòng quanh. Ở hai bên bờ là những tiếng rên rỉ của những linh hồn chết lượn lờ lang thang. Không ai có thể quay trở về được một khi đã xuống thế giới sầu thảm này. Họ bị canh giữ bởi các nữ thần, tay cầm những chiếc roi rắn dõi theo. Mê cung của văn học cổ xưa thường gắn liền với các vị thần đầy quyền uy”[38; tr.36].
Không gian trong tiểu thuyết Murakami, đó là không gian thực sống của nhân vật: những khu học xá, đường phố, quán bar, không gian âm nhạc, không gian tràn ngập bóng tối quẩn quanh trong những hành lang dài. Kết thúc mỗi tác phẩm, có không gian mưa..
Trong tiểu thuyết Rừng Nauy, có hai loại không gian chính: không gian nhà nghỉ Ami và không gian bên ngoài nhà nghỉ Ami. Hai kiểu không gian đó cũng chính là biểu tượng cho hai phần của Nhật Bản: truyền thống và hiện đại. Nhật Bản hiện đại đã Âu- Mỹ hóa với ê chề vật chất, tự do quá trớn, dục tình buông thả lấn át một Nhật Bản truyền thống: tôn trọng các giá trị đạo đức, danh dự và lối sống cộng đồng. Giữa hai phần truyền thống và hiện đại ấy đã không có sự tương thông, giao cảm để tạo lập sự hài hòa. Ranh giới của nó là sự ngăn cách của những ám ảnh cạm bẩy, chết chóc, là sự cách ngăn giữa quá khứ và hiện tại. Con người sinh tồn trong những mảnh không gian đó luôn mang cảm giác cô đơn. Murakami đã thổi vào không - thời gian cảm giác nhàm chán vì sự thiếu vắng lí tưởng, thiếu vắng những mục đích sống chân chính khiến cho sự cô đơn như vón cục lại. Không gian nhuốm bầu không khí kiểu Âu-Mỹ càng tô đậm sự ngột ngạt, tù túng khiến con người trở lên trống rỗng, hoang mang hoài nghi về “cái thực tại”.
Thế giới Rừng Nauy thiếu vắng lí tưởng, thiếu vắng các giá trị truyền thống có khả năng dẫn dắt cuộc sống hiện tại, cũng không có mẫu hình tương lai nào khả dĩ làm điểm tựa; cái đẹp phải trôi dạt và tự hủy diệt; tàn bạo, dung tục lên ngôi, nhân vật trong Rừng Nauy hoang mang, họ cô đơn, cố gắng tìm cách tương thông với người khác trong tình bạn, tình yêu, tình dục mong tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời dù chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi nhất. Nhưng cô đơn vẫn hoàn cô đơn. Bế tắc, buồn chán, nhân vật tìm đến cái chết, đến rượu, đến sự hành xác và lang thang vô hướng, đến sự phá phách và thây kệ rất mù quáng, đến thái độ bất cần, bất hợp tác, li thân với ngoại giới; đến tiểu thuyết, âm nhạc, và cả phim ảnh. Nhưng cô đơn chỉ vợi đi chứ không biến mất. Nó như một thứ tội tổ tông cứ bám diết lấy các nhân vật, thành một khối đặc quánh bao vây họ, như một bầu khí quyển riêng của Rừng Nauy. Dẫu biết rằng cần phải làm khác đi để thoát khỏi bầu khí quyển đặc quánh ấy như Naoko
và Reiko đã nói: “Đây có lẽ là việc chúng ta nên làm: hãy tìm cách hiểu nhau hơn”. Nhưng đã không ai hoàn toàn vượt khỏi cái ngã của mình để hòa nhập thực sự với người khác.
Tên tiểu thuyết trùng với tên bài hát Rừng Nauy của nhóm Beatles, là bài hát nổi tiếng và rất phổ biến những năm 60 - 70 trên phạm vi cả thế giới. Nó được các nhân vật thanh niên trong tiểu thuyết này yêu thích đặc biệt. Nó gọi hồi ức, nó gợi kỷ niệm, nó tạo hưng phấn cho các nhân vật. Họ nghe nó thật trịnh trọng, như nghe lễ ca. Đặc biệt, mỗi lần nghe bài hát này, Naoko luôn cảm thấy chính nó đã vẻ nên số phận bất hạnh của mình: “Bài hát có thể làm cho mình thật buồn”, “mình tưởng tượng như đang lang thang trong một khu rừng sâu. Mình chỉ có một mình và trời thì lạnh và tối, và chẳng có ai đến cứu mình”[11; tr.98]. Về sau, chính Naoko tìm đến cái chết trong một khu rừng hoang vắng, trong cô độc hoàn toàn. Bởi vậy, tên tiểu thuyết là Rừng Nauy, đâu chỉ thuần tuý là tên một bài hát. Nó còn là tên một nỗi ám ảnh về sự cô độc nơi phương xa xứ lạ. Là tên một dự báo buồn mang tính thời đại, cũng là tên của những khoảnh khắc hạnh phúc ngắn ngủi, chóng vánh như nội dung của ca từ: “Tôi từng có một cô gái…”.
Không gian tâm lý thể hiện qua sự đồng cảm của con người, với con người, sự nhận biết thế giới của những cá nhân. Murakami đi sâu vào không gian nội tâm của nhân vật, bám sát nỗi sợ hãi, nỗi ám ảnh và niềm khát khao đổi thay của họ. Ông để họ tự đi vào chiều sâu của nội tâm, để tìm con người trong con người. Xen vào đó là không gian âm nhạc: nhạc jazz, không lời, rock.. tạo chiều sâu tâm lí, tâm trạng nhân vật được biển hiện sâu sắc hơn.
Trong Phía nam biên giới phía tây mặt trời có những đoạn hội thoại lại diễn ra một cách ngắt quãng bởi “một khoảng thời gian”. Nhân vật ngồi đối diện với nhau, nhưng các câu chuyện lại rất ít khi ăn nhập với nhau. Mỗi người đều theo một ngã rẽ riêng cho suy nghĩ của chính mình. Chúng ta có thể thấy câu chuyện giữa Hajime và Shimamoto-san trong lần gặp lại đầu tiên:
“Tôi nhìn khuôn mặt cô và cuối cùng đã nhận ra cô là ai - Shimamoto-san, tôi lẩm bẩm, miệng khô khốc.
- Mất bao lâu cậu mới nhận ra tớ, cô nhận xét giọng vui vẻ sau khi im lặng một lúc. Tớ đã nghĩ là cậu còn không nhớ nổi tên tớ cơ.
……..
- Xem nào, Hajime, tại sao hôm đó cậu đi theo tớ lâu thế? Cách đây tám năm ấy...[12; tr.119-120].
Câu chuyện của họ trôi đi trên nền những bản nhạc của Nat Kinh Code hay bản Star Crossed Lovers (Những tình nhân sinh ra dưới một ngôi sao xấu) của Duke Ellington, được lặp đi lặp lại như là một ẩn dụ trong Phía nam biên giới phía tây mặt trời với hương vị lạ lùng của những ly cocktail Daquiri và Robin’Net. Không gian ấy như làm “chất xúc tác - gia vị” cho câu chuyện của họ. Ai đó đã nói “Âm nhạc giống như một thứ nước, nó có mặt khắp mọi nơi và có thể cứu rỗi con người”. Với Murakami việc sử dụng âm nhạc làm nền cho các câu chuyện đặc biệt là nhạc jazz nhẹ nhàng thanh thoát khiến cho ngôn ngữ trong tác phẩm của ông luôn có sự biến hình và “lũng đoạn” những khuôn hình ngữ nghĩa. Khi ấy những lời đối thoại bị kéo dãn ra, chêm vào giữa chúng là những mảng ký ức nóng bỏng. Và tính cách nhân vật hiện ra đằng sau những vụ va chạm của ngôn ngữ đa diện, làm bung nở những cảm xúc đa chiều đầy gợi mở. Chính điều ấy khiến chúng ta, bị “đày ải” vào một cuộc du lãm trong sa mạc cuộc đời mà biên giới của nó quá xa xôi khi mặt trời thì nhăm nhe tắt nghỉ.
Không gian âm nhạc trong tiểu thuyết của Murakami, thứ âm nhạc đưa họ vào một thế giới khác, êm dịu nhưng đầy bí ẩn chỉ có họ mới biết cách tìm vào: “tớ tự hỏi không biết giai đoạn hạnh phúc nhất của đời mình có phải là khi chúng ta cùng nghe những đĩa nhạc đó, cậu và tớ, trong phòng khách của bố mẹ cậu”[12; tr.127]. Với họ, nghe nhạc không chỉ là sở thích mà còn là sự hòa điệu khiến tâm hồn họ đồng điệu cùng nhau. Họ có thể ngồi cùng nhau nghe nhạc và nói chuyện về âm nhạc hàng giờ mà không biết chán. Câu chuyện về âm nhạc là những hồi ức đẹp nhất.
Các nhân vật trong tiểu thuyết của Murakami, họ bị bó hẹp trong khoảng không gian tù túng, chật hẹp của xã hội tựa như ngôi nhà hoang, như cái ngõ cụt mà
Toru Okada đi tìm kiếm con mèo. Đó là một không gian thiếu sức sống, bị bỏ quên giữa dòng đời ồn ào, náo nhiệt - một sự lãng quên chua xót: “Nó vẫn đứng nguyên đấy, lặng ngắt như mọi khi. Trên nền trời xám trĩu nặng, căn nhà hai tầng với những cánh cửa đóng im ỉm trồi lên đen thẫm…”[10; tr.72]. Con người hiện đại cũng đang bị lãng quên như thế, họ cũng đang lãng quên người khác như thế, và cuối cùng số phận của họ cũng như cái tượng chim không tâm hồn, bất động trong ngôi nhà hoang ấy mà thôi.