PHẦN 4 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
4.2. Biểu hiện biến đổi khí hậu tại địa bàn nghiên cứu
Theo số liệu quan trắc được tổng hợp từ trạm khí tượng Chí Linh từ năm 1961-2015, có thể thấy xu hướng một số yếu tố khí hậu có sự biến đổi theo nhiều hướng phức tạp. Qua đây, đề tài chỉ đề cập đến một số xu thế biến đổi các yếu tố khí hậu như nhiệt độ tối cao, nhiệt độ tối thấp, lượng mưa, số ngày nắng nóng.
4.2.1. Xu hướng biến đổi nhiệt độ
Xét trong giai đoạn 55 qua tại địa phương (từ 1961-2015), nền nhiệt độ trung bình qua các năm đã tăng với tốc độ tăng là khoảng 0,14°C/ thập kỷ (p<0,01). Theo đó các chỉ tiêu như nhiệt độ tối cao (TTC), nhiệt độ tối thấp (TTT) cũng có xu hướng tăng lên. Với mức tăng là 0,2°C/ thập kỷ thì TTC có mức độ gia tăng lớn nhất (p< 0,01).
Để thấy rõ hơn xu thế thay đổi nhiệt độ qua 6 thập kỷ chúng tôi vẽ biểu đồ diễn biến nhiệt độ trung bình, tối cao, tối thấp qua các thập kỷ, kết quả thu được thể hiện qua biểu đồ ở hình 4.2.
Nhìn vào biểu đồ (hình 4.2) ta thấy, nhiệt độ trung bình có xu hướng tăng dần qua các năm nhưng mức tăng giảm tại mỗi năm là khác biệt và có sự biến động lớn giữa các tháng trong năm. Giai đoạn 1991 – 2015 nhiệt độ có xu hướng tăng và tăng mạnh hơn so với giai đoạn 1960 -1990 nên ta tiến hành so sánh sự thay đổi nhiệt độ tối thấp (TTT) và nhiệt độ tối cao (TTC) tại địa phương trong 54 năm qua để thấy được xu hướng biến đổi này.
Hình 4.2. Xu hướng thay đổi nhiệt độ giai đoạn 1961-2015
Nguồn: Số liệu khí tượng trạm Chí Linh (2016) Xu thế những ngày nắng nóng giai đoạn 1961- 2015:
Trong 55 năm từ 1961 đến 2015, tại địa phương, số ngày nắng nóng (nhiệt độ cao nhất trong ngày đạt từ 33°C trở lên) và nắng nóng gay gắt (nhiệt độ cao nhất trong ngày đạt từ 35°C trở lên) có xu hướng tăng mạnh (Hình 4.3). Phân tích số liệu khí tượng bằng hàm tương quan, ta thấy số ngày nắng nóng có mức nhiệt trên 35oC tăng 6,6 ngày/thập kỷ ở mức ý nghĩa 0,1%. Những năm có số ngày nắng nóng cao như 1967, 1972, 1977, 1983, 1987, 1993, 1998, 2003, 2005, 2007, 2010. Điều này cho thấy mùa hè sẽ khắc nghiệt hơn dẫn tới những tác động tiêu cực tới sinh hoạt của người dân cũng như sự phát triển của cây trồng và vật nuôi.
Ngược lại, số ngày rét đậm (nhiệt độ ngày <=15°C) và rét hại (nhiệt độ ngày <=13°C) có xu hướng giảm (Hình 4.4). Những thay đổi này có tác động không nhỏ đến đời sống và sản xuất của người dân địa phương. Bên cạnh xu thế biến đổi số ngày nắng nóng, nắng nóng gay gắt thì số ngày rét đậm (Tmin<=150C) và số ngày rét hại (Tmin<=130C) lại có xu hướng giảm đi. Số ngày rét đậm giảm 1,52 ngày/thập kỷ số ngày rét hại giảm gần 1,79 ngày/thập kỷ.
Hình 4.3. Xu hướng thay đổi số ngày nắng nóng và nắng nóng gay gắt tại địa phương giai đoạn 1961-2015
Nguồn: Số liệu khí tượng trạm Chí Linh (2016)
Qua việc phân tích số liệu khí tượng từ trạm Chí Linh chúng ta có thế thấy được nhiệt độ ở huyện Gia Bình đang có xu hướng tăng lên. Số ngày nắng nóng, nắng nóng gay gắt đang tăng. Số ngày rét đậm, rét hại có xu hướng giảm dần.
Hình 4.4. Xu hướng biến đổi số ngày rét đậm, rét hại tại địa phương giai đoạn (1961-2015)
4.2.2. Xu hướng thay đổi lượng mưa
Để thấy rõ hơn xu thế thay đổi lượng mưa qua 6 thập kỷ chúng tôi vẽ biểu đồ diễn biến lượng mưa trung bình năm qua các thập kỷ, kết quả thu được thể hiện qua biểu đồ ở hình 4.5.
Hình 4.5. Diễn biến lượng mưa trung bình các năm giai đoạn từ 1961-2015 giai đoạn từ 1961-2015
Nguồn: Số liệu khí tượng trạm Chí Linh (2015) Nhận xét:
Lượng mưa trung bình năm có xu hướng giảm dần từ 1961 đến 2015. Đường thẳng hồi quy có chiều hướng đi xuống theo phương trình tuyến tính có hệ số a âm. Tuy nhiên, xu hướng giảm của dãy số liệu có độ tin cậy thấp, chưa đạt được ý nghĩa thống kê (p>0,1). Lượng mưa trung bình diễn biến qua các thập kỷ 60-69; 70-79; 80-89; 90-99; 00-09 và 10-15 theo phương trình hồi quy tuyến tính là: Y = -2,212x + 5917.
Lượng mưa hàng năm thường phân bố không đều, tập trung vào từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm. Những năm gần đây, các trận mưa có diễn biến phức tạp; tập trung ở từng khu vực, cường độ cao, có những đợt mưa trên 300 mm.
4.2.3. Biểu hiện của BĐKH đối với các chỉ tiêu thời tiết khác
Một số biểu hiện của Biến đổi khí hậu ở địa bàn nghiên cứu đã được thống kê nhiều năm có được nhận xét như sau:
- Bão, áp thấp nhiệt đới: mùa mưa, bão thường xuất hiện từ tháng 6 và kết thúc vào tháng 10, tập trung chủ yếu vào các tháng 7, 8, 9. Những năm gần đây xuất hiện bão muộn trái quy luật với cường độ khá lớn vào tháng 11. Trung bình, mỗi năm, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh chịu ảnh hưởng trực tiếp từ 2 – 3 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Huyện Gia Bình chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các cơn bão mạnh gây thiệt hại về hoa màu và sản xuất của nhân dân.
- Giông, tố lốc: thời kỳ chuyển mùa trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh bị ảnh hưởng nhiều của một số trận giông, lốc, sấm sét gây thiệt hại về hoa màu, ảnh
hưởng tới nhiều công trình giao thông và phúc lợi công cộng.
- Lũ lụt, thủy triều: mùa lũ trùng với mùa mưa bão, đỉnh lũ lớn nhất trên các sông trên địa bàn huyện thường xuất hiện vào tháng 8. Trong mùa lũ, ảnh hưởng của thủy triều đối với sông khá lớn, thủy triều cùng với lũ làm cho lũ trên các sông lên cao hơn, song lại rút chậm hơn. Hàng năm mưa, bão đều xuất hiện và gây ngập úng một số diện tích cục bộ, nhiều năm bị úng ngập trên diện rộng.
- Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông ảnh hưởng tới nước ta từ 9- 10 cơn. Khu vực địa bàn xã chịu ảnh hưởng từ 2 – 3 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới tập trung vào các tháng 6, 7, 8.
- Mùa lũ có nhiều diễn biến phức tạp, lũ tiểu mãn xuất hiện sớm hơn, vào giữa tháng 5 và ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm.