Thái độ của cha mẹ đối với việc giáo dục giá trị cho con

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thái độ của cha mẹ đối với việc giáo dục giá trị cho con cái (Trang 40)

1.2.3 .Giáo dục giá trị

1.2.5. Thái độ của cha mẹ đối với việc giáo dục giá trị cho con

1.2.5.1. Định nghĩa

Thái độ của cha mẹ đối với việc giáo dục giá trị cho con là sự nhận thức, tình cảm và hành vi của họ trong việc lựa chọn những giá trị, lựa chọn những phương pháp, cách thức cũng như những nguyên tắc giáo dục giá trị chon con, nhằm hướng đến hình thành những giá trị mà họ cho là tốt đẹp, là cần thiết đối với con.

1.2.5.2. Các mặt biểu hiện

Thái độ của cha mẹ đối với giáo dục giá trị cho con biểu hiện thông qua nhận thức, sự quan tâm và hành vi của các bậc cha mẹ đối với giáo dục giá trị cho con.

- Nhận thức của cha mẹ về việc giáo dục giá trị cho con: Cha mẹ hiểu thế nào về vai trò, mục tiêu, phương pháp giáo dục giá trị cho con.Trên thực tế, không phải cha mẹ nào cũng có những nhận thức đúng đắn về ý nghĩa vai trò hay phương pháp giáo dục giá trị cho con. Có gia đình mặc dù không có sự hiểu biết nhiều về cụm từ “giáo dục giá trị” nhưng họ lại luôn chú ý giáo dục cho con những nghĩa cử cao đẹp, nếp sống văn hóa… và ngược lại, có những gia đình mặc dù có những hiểu biết nhất định về giáo dục giá trị nhưng lại không quan tâm tới vấn đề này… Vì thế việc cha mẹ có nhận thức như thế nào có ảnh hưởng lớn tới hiệu quả của giáo dục giá trị cho con nhưng nó không quyết định tất cả, bởi còn phụ thuộc vào cảm xúc, hành vi của cha mẹ trong quá trình giáo dục cho con.

- Cảm xúc của cha mẹ đối với việc giáo dục giá trị cho con: Mức độ quan tâm tới việc giáo dục giá trị cho con của cha mẹ tới đâu, có thường xuyên liên tục hay không? Trong quá trình giáo dục giá trị cho con cha mẹ có những cảm xúc, mong muốn, suy nghĩ… như thế nào đều thể hiện thái độ của cha mẹ và ảnh hưởng rất lớn tới sự hình thành, phát triển giá trị ở trẻ.

- Hành vi giáo dục giá trị cho con của các bậc cha mẹ: xuất phát từ nhận thức và cảm xúc của mình trong giáo dục giá trị cho con, cha mẹ vạch ra những mục tiêu, xác định những phẩm chất quan trọng, cần thiết với con, từ đó sử dụng những phương pháp cụ thể để đạt được mục tiêu đó. Nếu chỉ dừng lại ở những mục tiêu và những giá trị tốt đẹp, nhưng không có những hành vi, những phương pháp giáo dục

giá trị hiệu quả và phù hợp với con thì việc giáo dục giá trị cho con cũng không thể thành công.

Như vậy, có thể thấy cả 3 mặt: nhận thức, cảm xúc và hành vi trong thái độ của cha mẹ đối với việc giáo dục giá trị cho con đều rất quan trọng, chúng có mối quan hệ không thể tách rời, qua lại, ảnh hưởng lẫn nhau và quyết định tới hiệu quả của việc giáo dục giá trị cho con trong gia đình.

1.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến thái độ của cha mẹ trong giáo dục giá trị cho con

Thái độ là yếu tố tâm lý xã hội phổ biến, khi chúng ta có thái độ như thế nào đối với bất kỳ sự vật hiện tượng nào thì nó cũng chịu sự chi phối của rất nhiều yếu tố khác nhau. Thái độ của cha mẹ với việc giáo dục giá trị cho cũng chịu sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố, có thể chia thành 2 nhóm yếu tố chính: chủ quan và khách quan.

- Trình độ, giới tính, tuổi, nghề nghiệp của cha mẹ

- Sự thống nhất trong giáo dục cho trẻ giữa cha và mẹ, giữa cha mẹ và ông bà trong giáo dục giá trị cho trẻ:

+ Một đặc điểm của nhiều gia đình Việt Nam hiện là đa hệ, thường là 3 thế hệ sống cùng nhau, tuy nhiên do sự thay đổi, phát triển của văn hóa xã hội kéo theo sự thay đổi trong nhận thức cũng như cảm xúc và hành vi của mỗi thế hệ trong giáo dục giá trị cho con của cha mẹ và ông bà. Ví dụ như: ông bà có thể đề cao những giá trị truyền thống đạo đức, còn bố mẹ lại đề cao những giá trị về tri tuệ, năng lực…

+ Cha và mẹ cũng dễ có những quan điểm, định hướng khác nhau như: mẹ coi trọng giá trị tình cảm, bố coi trọng giá trị độc lập, mạnh mẽ…

- Mức sống, hoàn cảnh gia đình:

+ Điều kiện vật chất, thu nhập của gia đình có những ảnh hưởng nhất định tới thái độ của cha mẹ trong việc giáo dục giá trị cho con. Ở những gia đình thành thị, có điều kiện vật chất tốt, thường các bậc cha mẹ có điều kiện để tiếp cận và nhận thức được về giáo dục giá trị, từ đó thái độ tích cực hơn trong giáo dục giá trị cho con. Ngược lại, những gia đình ở nông thôn, có hoàn cảnh khó khăn thường cha

mẹ ít có được những hiểu biết về giáo dục giá trị. Tuy nhiên không phải gia đình nào có điều kiện tốt đều có thái độ đúng trong giáo dục giá trị. Có những gia đình, vì kinh tế giàu có nên coi nhẹ những giá trị truyền thống, tinh thần; đề cao những giá trị vật chất; hoặc chỉ chú trọng làm ăn kinh tế mà thờ ơ với việc giáo dục giá trị cho con…

+ Mối quan hệ giữa cha và mẹ, số lượng các thế hệ sống trong gia đình, số anh chị em sống trong gia đình cũng ảnh hướng tới thái độ của cha mẹ trong giáo dục giá trị cho con.

- Những giá trị truyền thống của gia đình, nếp sống của gia đình: Đó là những chuẩn mực hành vi xã hội tương đối ổn định của các thành viên gia đình, phản ánh mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình với nhau, với môi trường và những người xung quanh, tạo nên những giá trị chung của cả gia đình. Ví dụ nếp sống gọn gàng, ngăn nắp, quan tâm chia sẻ lẫn nhau, chị ngã em nâng, kính trên nhường dưới.

- Mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường : nếu thường xuyên có sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục giá trị cho trẻ chắc chắn sẽ đạt được hiệu quả tốt hơn.

- Nhóm bạn bè : ảnh hưởng của nhóm bạn đối với trẻ rất mạnh mẽ trong việc hình thành các giá trị. Trẻ thường chơi với các nhóm bạn bè trong hay ngoài trường, mục tiêu của nhóm bạn này là gì (học tập, hưởng thụ, thể thao, hay có những hoạt động bí mật).

- Các giá trị truyền thống dân tộc, truyền thống văn hóa địa phương:

+ Các giá trị dân tộc truyền thống là những giá trị tồn tại một cách bền vững và tham gia vào hệ thống các chuẩn giá trị của xã hội. Có rất nhiều giá trị truyền thống lâu đời của dân tộc ta, như: tinh thần yêu nước, tinh thần cộng đồng, hiếu thảo, lòng nhân ái, trọng tình nghĩa, chăm chỉ cần cù, giản dị trong cuộc sống. Những phẩm chất tốt đẹp này là sản phẩm tích lũy từ lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, khẳng định được sức sống bền vững, vượt qua được

thử thách của thời gian để tham gia cấu thành diện mạo và bản sắc của con người Việt Nam.

+ Truyền thống của địa phương: Việt Nam ta có câu “phép vua thua lệ làng”, “nhập gia tùy tục”… giáo dục trong gia đình cũng vậy, luôn bị ảnh hưởng bởi truyền thống, phong tục của địa phương. Vì thế các bậc cha mẹ cũng luôn dựa trên những truyền thống, phong tục đó để giáo dục giá trị cho con mình.

- Định hướng giáo dục giá trị cho công dân: đây chính là những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về việc định hướng giáo dục giá trị cho toàn dân nói chung và cho thế hệ trẻ nói riêng. Cha mẹ thường giáo dục con hướng theo những gì mà xã hội, Đảng và Nhà nước đề ra.

- Truyền thông: Chúng ta không thể phủ nhận được tầm quan trọng của yếu tố truyền thông hiện nay trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục giá trị. Nhờ có các phương tiện như đài, internet, sách báo đã làm cho việc thu thập thông tin của cha mẹ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, tốn ít thời gian mà hiệu quả lại cao. Các bậc phụ huynh có thể tham khảo kiến thức cũng như những kĩ năng thông qua những phương tiện này để dễ dàng hơn trong việc giáo dục giá trị cho con cái.

Chương 2. TỔ CHỨC VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU2.1. Đặc điểm địa bàn và mẫu khảo sát 2.1. Đặc điểm địa bàn và mẫu khảo sát

2.1.1. Một số nét về quận Đống Đa và huyện Thường Tín (Hà Nội)

a. Quận Đống Đa

Đống Đa là một đơn vị hành chính cấp quận trực thuộc thủ đô Hà Nội. Có diện tích rộng 9.96 km², dân số thường trú khoảng 390.000 người (năm 2011), đông nhất trong các quận, huyện của Hà Nội. Quận có 21 phường, các phường phía nam của Đống Đa là những khu dân cư tập trung với những khu nhà chung cư được xây dựng sớm nhất của Hà Nội như Phương Mai, Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Nam Đồng.

Với truyền thống lịch sử lâu năm, kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội của Đống Đa đã và đang là một trong số những quận huyện có sự phát triển mạnh và bền vững của Thủ đô Hà Nội.

Trong địa bàn quận, tập trung nhiều di tích văn hóa lịch sử quan trọng như Văn Miếu, Gò Đống Đa; tượng đài vua Quang Trung … và hệ thống rất nhiều trường cấp 3, đại học, cao đẳng uy tín, chất lượng như: trường cấp 3 Đống Đa, Hoàng Cầu, Lê Quý Đô, Kim Liên…; trường đại học Công Đoàn; Đại học Giao thông Vận tải; Đại học Luật Hà Nội; Đại học Ngoại Thương; Đại học Thủy lợi Hà Nội; Đại học Y Hà Nội; Học viện Ngoại giao Việt Nam; Học viện Ngân Hàng; Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam; Học viện Hành chính; Trường Kinh tế Ngoại giao Việt Nam.

b. Huyện Thường Tín

Thường Tín là một huyện nằm phía nam của thành phố Hà Nội, bao gồm 1 Thị trấn và 28 xã có diện tích là 127,59 km2 và dân số khoảng 240.000 người, là huyện có lịch sử phát triển mang đậm nét truyền thống làng xã của Việt Nam:

- Có rất nhiều làng nghề lâu đời nổi tiếng như: tiện gỗ ở Nhị Khê; sơn mài ở Duyên; bánh dày ở Quán Gánh; mây tre đan ở Bằng Sở… và một số nghề mới phát triển mấy chục năm trở lại đây như: bông len ở Trát Cầu, mộc ở Vạn Điểm…

- Huyện có 126 làng cổ, hiện thời được phân thành 169 thôn, cụm dân cư, tổ dân phố. Các làng được thừa hưởng truyền thống lịch sử văn hóa đặc sắc của vùng ven đô.

- Thường Tín còn là một huyện có truyền thống khoa bảng rạng rỡ: trong các triều đại phong kiến, Thường Tín là huyện đứng ở tốp đầu về con số đăng khoa. Nhiều dòng họ, nhiều gia đình nối đời đỗ đạt, điển hình là họ Vũ làng Ba Lăng xã Dũng Tiến được coi là đất học với nhiều người học rộng tài cao. Họ Ngô ở Nghiêm Xá (Nghiêm Xuyên) với 3 cha con cùng đỗ đại khoa. Họ Từ ở làng Khê Hồi xã Hà Hồi được gọi là "Họ Tiến sỹ" vì có đông người đỗ khoa bảng. Tiêu biểu là Gia đình Nguyễn Phi Khanh làng Nhị Khê, cả cha và con đều đỗ Thái Học Sinh năm 1400 (tương đương Tiến sỹ). Hay Nguyễn Trãi với tài văn võ song toàn đã có công lớn trong việc giúp Lê Lợi đánh thắng nhà Minh, sau này, 600 sau ngày sinh ông được UNESCO đưa vào danh sách những nhân vật kiệt xuất nhất của lịch sử nhân loại là Danh nhân văn hoá thế giới.

Những năm gần đây, huyện đã và đang triển khai phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, thực thiện nếp sống văn minh như đám cưới, hội hè và các lễ thức khác. Đã có 78% số hộ đạt Gia đình văn hoá, 58 làng đạt danh hiệu Làng văn hoá, 58 cơ quan, đơn vị doanh nghiệp văn hoá.

2.1.2. Một số nét về trường Trung học cơ sở Đống Đa (Đống Đa, Hà Nội) và trường Trung học cơ sở Thường Tín (Thường Tín, Hà Nội)

a. Trường Trung học cơ sở Đống Đa (Đống Đa, Hà Nội)

Trường THCS Đống Đa thành lập năm 1972. Qua 40 năm xây dựng và trưởng thành, nhà trường luôn phấn đấu thi đua Dạy tốt - Học tốt, được công nhận trường Tiên tiến xuất sắc cấp Thành phố 32 năm liên tục. Trường đã vinh dự được nhận: Bằng khen của Bộ GD&ĐT, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhất.

- Trường là đơn vị chỉ đạo điểm của Bộ Giáo dục về mô hình thân thiện, định hướng xây dựng trường học trong tương lai giai đoạn sau 2010.

- Trường là đơn vị trong Thành phố được chọn tham gia Dự án Giáo dục với Vương quốc Anh và 7 nước ASEAN; Dự án Quốc tế về tiếng Đức và nhiều dự án về giáo dục tiên tiến của quốc tế được áp dụng điểm ở Việt Nam. Trường đã đón nhiều đoàn giáo dục quốc tế Mỹ, Anh, Đức và tổ chức UNICEF về giao lưu trao đổi phương pháp giảng dạy, học tập.

- Năm học 2009 - 2010, trường đã được CHLB Đức trao biển Trường đối tác của CHLB Đức tại Hà Nội.

- Năm học 2011 - 2012, Trường được Chủ tịch Nước tặng Huân chương Độc lập Hạng Ba.

- Trường THCS Đống Đa là nơi đã đào tạo bồi dưỡng nhiều thế hệ học sinh chăm ngoan, học giỏi, nhiều em đạt giải Thành phố, Quốc gia, Quốc tế về văn hóa, văn nghệ...

Hiện nay, trường vẫn giữ vững truyền thống giáo dục toàn diện với chất lượng cao. Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp và vào các trường Trung học phổ thông luôn ở nhóm các trường dẫn đầu Quận, Thành phố.

Trường đang được đầu tư xây dựng thành trường chuẩn Quốc gia và chuẩn khu vực Châu Á.

b. Trường Trung học cơ sở Thường Tín (Thường Tín, Hà Nội)

Trường THCS Thường Tín trước đây là trường chuyên Văn – Toán Thường Tín được thành lập năm 1988 và đặt tại xã Hà Hồi – Thường Tín – Hà Tây. Năm học 1997-1998, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định xóa bỏ trường chuyên, lớp chọn ở bậc THCS nên trường đổi tên thành Trường THCS Thường Tín.

Từ khi thành lập đến nay, trường được Huyện ủy, HĐND, UBND huyện và Phòng GD-ĐT giao nhiệm vụ là cái nôi đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi cho huyện. Qua 25 năm xây dựng và phát triển, trường luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, là đơn vị dẫn đầu nghành giáo dục huyện Thường Tín về chất lượng giáo dục.

Cả 2 trường đều có số học sinh chủ yếu học đúng tuyến tại địa phương mình sinh sống nên phù hợp với yêu cầu nghiên cứu của đề tài với 2 trường đại diện cho học sinh thành thị và nông thôn Hà Nội.

2.1.3. Đặc điểm mẫu khảo sát

Đề tài thực hiện khảo sát với 240 cha mẹ và 120 người con của họ hiện đang học lớp 8, lớp 9 tại trường THCS Đống Đa (đại diện cho khu vực nội thành) và THCS Thường Tín (đại diện cho khu vực ngoại thành). Trong đó: 120 cha mẹ và 60 người con (50%) ở nội thành; 120 cha mẹ và 60 người con ở ngoại thành.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

2.2.1. Phương pháp nghiên cứu tài liệu

Thông qua phương pháp này, chúng tôi tìm hiểu tình hình nghiên cứu về giá trị, giáo dục giá trị, thái độ giáo dục giá trị của cha mẹ trong việc giáo dục giá trị cho con bằng cách nghiên cứu, tổng hợp, phân tích, hệ thống hoá, thao tác hoá, khái quát hoá, đưa ra các kết luận. Trên cơ sở đó xác định các khái niệm công cụ và cơ sở lý luận cơ bản của đề tài.

2.2.2. Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi

Đây là phương pháp nghiên cứu chính của đề tài, thông qua việc xây dựng và sử dụng các bảng hỏi dành cho khách thể nghiên cứu, giúp chúng tôi thu thập được một lượng lớn thông tin về thực trạng của vấn đề.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thái độ của cha mẹ đối với việc giáo dục giá trị cho con cái (Trang 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)