Trong thực tế, một số VBQPPL có nội dung chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng tồn tại nhiều kẽ hở pháp lý để những đối tượng lợi dụng làm trái pháp luật. Ví dụ:
- Ngày 13/8/2004 Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 81/2004/TT-BTC về việc hướng dẫn thi hành Nghị định số 147/2004/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao. Thông tư này đã quy định thực hiện khấu trừ thuế 10% trên tổng thu nhập đối với các khoản chi trả cá nhân có thu nhập từ 500.000đ/lần trở lên mà khoản thu nhập này có được từ các hoạt động đại lý hưởng hoa hồng, môi giới, tiền nhuận bút, tiền giảng dạy, tiền bản quyền, dịch vụ tư vấn - thiết kế – kiến trúc, hoạt động biểu diễn vv. Với quy định trên nếu đơn vị chi trả và người được chi trả “thông đồng” với nhau để lập nhiều phiếu chi, mỗi lần dưới 500.000đ thì sẽ “lách” được khoản thuế phải nộp. Cũng trong Thông tư trên, quy định mức khởi điểm chịu thuế trên 5 triệu đồng với lao động trong nước và trên 8 triệu đồng đối với lao động nước ngoài vẫn còn thể hiện sự thiếu công bằng khi áp dụng vào thực tế cuộc sống. Bởi vì phần lớn thu nhập của người nước ngoài không được sử dụng tại Việt Nam mà được đưa về bản xứ qua hệ thống tín dụng - ngân hàng. Ngoài ra sự chênh lệch về mức khởi điểm chịu thuế nói trên dễ dẫn đến tình trạng người lao động tìm đến những nước, lãnh thổ tính thuế thu nhập thấp hơn làm việc làm dẫn đến chảy máu chất xám.
- Quyết định số 177/TCHQ của Tổng cục Hải quan chỉ quy định bảng giá tối thiểu để tính thuế nhập khẩu một số mặt hàng điện thoại di động mang ký hiệu Nokia 6110, Nokia 6150, Nokia 8210 là 120 USD/chiếc; Nokia 8810, Nokia 8850 là 190 USD/chiếc…còn tất cả các loại khác không có trong bảng này chỉ chịu thuế 80 USD/chiếc. Tận dụng sơ hở này, công ty Đông Nam đã nhập hàng loạt những điện thoại không có trong danh mục bảng giá như Nokia 8250, Nokia 8850, Nokia 8910…là những điện thoại di động đời mới có giá cả chục triệu đồng mỗi chiếc, nhưng chỉ chịu mức thuế 80 USD/chiếc…Kết quả là công ty Đông Nam đã trốn thuế được 39.000 chiếc điện thoại. Vì sao những văn bản quan trọng liên quan đến việc thu thuế nhập khẩu lại chứa một “lỗ hổng” quá lớn như vậy? Đó là điều cần phải lý giải [71].
- Quyết định số 04/1999/QĐ-BGD&ĐT ngày 11/02/1999 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế về tổ chức đào tạo, kiểm tra và công nhận tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng hệ chính quy. Quy chế này đã quy định “Điểm trung bình chung học tập để xét phân loại kết quả học tập của khoá học, xét tốt nghiệp (…) được tính theo điểm thi cao nhất trong hai lần thi”. Đây là kẽ hở trong văn bản đã và đang bị lợi dụng và trở thành một hiện tượng bất bình thường tại một số trường Đại học. Đó là có hiện tượng sinh viên xin được đánh trượt để thi lại. Hiện tượng này xuất phát từ quy định cho phép tính điểm trung bình của cả khoá học để xếp loại bằng tốt nghiệp là điểm cao nhất của các môn thi trong các kỳ thi. Với quy định như vậy, nhiều sinh viên học kém bị thi lại nhưng đến cuối khoá học vẫn có kết quả học tập cao vì được chọn điểm “cao nhất". Mặt khác, đợt thi lại ở lần sau thường cách xa kỳ thi chính và đề thi dễ hơn nên sinh viên “bị thi lại” hoặc
“được thi lại” sẽ có thời gian ôn thi kỹ hơn và có cơ hội đạt điểm cao hơn. Như vậy rõ ràng đây là một quy định bất hợp lý và không công bằng khi những sinh viên không bị thi lại môn nào nhận bằng trung bình còn có sinh viên thi lại nhiều môn lại có kết quả cao hơn. Quy định trên đã tạo sơ hở để sinh viên lợi dụng, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng đào tạo của chúng ta và có thể gây nên những tác hại khôn lường [22].