đề tài.
Đề tài là: Khái niệm chỉ loại các hiện tượng đời sống được miêu tả,
phản ánh trực tiếp trong sáng tác văn học. Đề tài là phương diện khách quan của nội dung tác phẩm [27]. Khi đã được coi là một tác phẩm văn học thì
đương nhiên phải phản ánh một hiện tượng nào đó, dù nhỏ bé hay rộng lớn ngoài đời. Ở mỗi tác giả khác nhau có một cách phát hiện, tiếp cận và xử lý đề tài riêng biệt.
Đề tài quê hương đất nước và đề tài chiến tranh là hai mảng đề tài lớn, có tính bao trùm các đề tài nhỏ, được các tác giả trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ quan tâm, tìm tòi, khai thác. Nhà thơ Nguyễn Duy cũng không khác lớp người thời mình, hai đề tài quen thuộc đã bước vào thơ nhưng với những thanh sắc riêng, tạo nên một Nguyễn Duy chân quê mà lại độc đáo, mới lạ. Đó chính là sự kết hợp nhuần nhị giữa những giá trị truyền thống và cách tân trong cách biểu hiện đề tài của ông.
2.1.1. Đề tài quê hương đất nước.
Không đi tìm định nghĩa về đất nước, không lý giải đất nước bằng một truyền thuyết nên thơ nào, Nguyễn Duy yêu đất nước quê hương mình từ sự gắn bó bền bỉ, gốc gác máu thịt. Ông nhận thấy được bản chất của quê hương đất nước nằm ở con người, con người làm nên mọi giá trị vật thể và phi vật thể, ở điều này ta thấy Nguyễn Duy giống với Nguyễn Khoa Điềm:
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng, gò bãi
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta (Đất nước)
Nhà thơ không viết trực tiếp về tình yêu đất nước, không ca ngợi đất nước, mà thông qua cách viết về con người, mà cụ thể là những người thân yêu: bà, cha mẹ, vợ, em, đồng đội …, những con người gắn bó với cuộc đời tác giả như chính quê hương đất nước - để thấy được một góc thiêng liêng mà không xa lạ của thơ ông. Đất nước quê hương là con người, là một nhân vật trữ tình hối thúc cảm hứng, lúc nào cũng hiện hữu, ngự trị trong tấm lòng và tâm hồn của tác giả. Đất nước, quê hương được coi là nguồn cội:
Từ dòng sông ấy
tôi đi Giọt nước từ nguồn ra biển cả
Mát suốt đời tôi gió nồm sông Mạ Mẹ và em sinh thành ở đó
Quê nhà và tình yêu của tôi ( Dòng sông mẹ)
Nguyễn Duy nhớ về quê hương, viết về quê hương là viết về vùng quê,
nơi ông sinh ra, cũng là nơi “mẹ và em sinh thành ở đó”. Có lúc được gọi
thành tên: sông Mạ, cầu Bố, Thanh Hóa, Đò lèn …, có lúc chỉ là một “nơi ấy” ngắt lặng nỗi nhớ và tình yêu thương:
Nơi ấy
nhá nhem giữa quên và nhớ đỉnh nuí hiện lên bóng bà và mẹ Mây chiều hôm gánh gạo đưa ta Tất tưởi đường xa cầu vồng ráng đỏ”
( Xó bếp)
Ta cảm như ẩn sâu trong yêu thương là nỗi niềm xót xa, như nuối tiếc, như thấy mình có lỗi với những vất vả, nhọc nhằn. Và tất cả đã bất biến như “đỉnh núi”, “mây chiều hôm”, “ như cầu vồng ráng đỏ”. Nó đối lập với “khoảng trống vẫn còn bỏ ngỏ” của tương lai. Tương lai là cái mà cuộc đời hướng tới, xây dựng và hy vọng, song nói như Nguyễn Duy: quá khứ là khởi đầu của mọi đổi thay. Hình ảnh bà và mẹ vẫn là hình ảnh của “con cò lặn lội bờ sông”, không “khóc nỉ non” mà vụt lên đẹp đẽ, vĩ đại, hóa thân vào đường nét của thiên nhiên đất nước một cách tự nhiên như ngàn năm đã là như thế. Bà và mẹ hướng tới con cháu mình đang lên đường ra mặt trận bảo vệ Tổ Quốc, có phải vì thế mà Nguyễn Duy viết về đất nước quê hương là viết về tình cảm của những người mẹ ở khắp mọi miền đất nước. Dù ở đâu, mẹ vẫn mang dáng hình của người sinh ra “ ta”, nuôi dưỡng và chờ “ta”, tác giả viết
về mẹ với những tình cảm ấm nồng giản dị như rơm rạ, mái gianh.
Tổ quốc hiện lên không chỉ là giá trị phi vật thể thông thường, cái giá trị tinh thần mà Nguyễn Duy khắc được trên thơ mình đó là tình mẹ. Cái nhìn mới lạ thoát khỏi ca dao hòa vào với cái nhìn thời đại. Người mẹ của Nguyễn Duy có cái gì nhẫn nại chịu thương chịu khó, vừa bươn chải lo toan, vừa mang một nỗi niềm rất riêng của người phụ nữ cổ. Không nói tới những chiến công, chỉ nói về những việc sớm hôm của mẹ, những sự cao cả có khi chỉ ở những việc bình thường, mẹ vẫn hiện lên ngang tầm đất nước. Đọc “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” ta nhận thấy: ca dao là một, Nguyễn Duy là hai nói đến cái dáng mẹ trong khoảnh khắc rất hiếm hoi:
Nhìn về quê mẹ xa xăm
Lòng ta chỗ ướt mẹ nằm đêm mưa Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Tác giả mượn câu ca dao để tưởng nhớ đến mẹ, nhưng sự nhắc lại này như kéo ta ùa vào lòng mẹ, bởi thân quen quá, dân dã quá. Cái hơi ấm ổ rơm kia là tấm lòng mẹ, hơi ấm của bốn nghìn năm lúa nước.
Mẹ là đất nước, là lời ru, lời kết tinh từ tâm hồn, từ tình yêu của con người đất Việt. Lời ru tha thiết về những cái thật giản đơn, nhỏ bé, nhưng “ Ta đi trọn kiếp con người cũng không đi hết mấy lời mẹ ru”. Bởi lời mẹ ru là điệu hồn dân tộc, ngàn vạn kiếp người đã bồi đắp nên và giữ lời ru trong tim, trong trí não. Cái lớn lao của lời ru xuất phát từ chính người cất giữ nó, trân trọng và hiểu giá trị của nó - giá trị của lẽ đời - mà một cuộc đời nhỏ bé làm sao hiểu hết lẽ đời ngàn năm? Có lúc tác giả chợt băn khoăn- sự băn khoăn
của con người biết gìn giữ cội nguồn: “ Bà ru mẹ, mẹ ru con, biết mai sau các
con còn nhớ chăng?”. Đọc bài “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa”, bất kỳ ai cũng
xúc động nhớ về mẹ. Câu thơ không chỉ ý nghĩa ở những hình ảnh nó gợi ra, mà cao hơn là giá trị suy tưởng đặt vào lòng người đọc.
Người mẹ trong thơ Nguyễn Duy như được vẽ nên bởi những màu được chiết ra từ đất, từ cây cỏ, từ nước, phong cách bức vẽ đặc chất phương Đông: chỉ phác bắt hồn, không ưa nhiều sắc màu và chi tiết rườm rà. Mẹ bước vào thơ bằng tất cả những nét chân thật đời thường, con người của “ đồng đất quê mình”. Tác giả thường gợi cử chỉ của mẹ, chứ không biểu lộ lời nói đã khiến ta cảm nhận được sự im lặng của tảo tần, sự im lặng chứa cái ngẫm suy dành cho con, lớn hơn nữa là dành cho dân tộc.
Nếu Mẹ là đất nước quê hương ở phần yêu thương, chứa cái nhìn âu yếm và tác giả như có lỗi với những nhọc nhằn thì đến cha - ta bắt gặp niềm tự hào của người con, một niềm tự hào cũng hết sức giản dị. Cha đồng hiện với lịch sử, với những hình ảnh mạnh mẽ hơn, thoáng đãng hơn:
Nhà tôi đó…không cổng và không cửa Ai ghé qua cứ việc hút thuốc lào
Cha tôi trổ rất nhiều cửa sổ Gió nồm nam thoải mái ra vào (Cầu Bố)
Lòng tự hào thốt lên thành lời “ cha tôi đó…”, rồi để thấy được rằng: cha là hiện thân của lớp người ở một dân tộc anh hùng: “ cha tôi đó… dân làng tôi vậy đó - xả hết mình khi nước gặp tai ương”. Ta thường bắt gặp thơ viết về mẹ nhiều, mà ít khi thấy thơ về cha, đến bài thơ “Cầu Bố” của Nguyễn Duy- bài thơ có tiêu đề là tên cây cầu nhỏ bắc qua sông nhà Lê, nơi quê hương tác giả, nhưng lại viết về cha - phải chăng, cha cũng chính là phiên bản của “ Cầu Bố” Thanh Hóa - của quê hương. Nguyễn Duy viết về cha cũng không nhiều, chỉ thoáng qua thôi, song thơ viết về mẹ đằm đến bao nhiêu thì thơ về cha cũng nặng trĩu mến thương nhường ấy:
không răng…cha vẫn cười khì đời là rứa kể làm chi cho rầu .….ruột ta thắt, mặt ta nhăn
Cha ta thì cứ không răng cười cười Ta đi mơ mộng trên đời
để cha cuốc đất một đời chưa xong” (Về làng)
Tinh thần lạc quan hay sự nhẫn nại chứa lòng tin tưởng của người cha thoát ra từ chính lối sống ông cha. Nụ cười trong khốn khó nâng đỡ tâm hồn con, xoa dịu nỗi xót xa của con, cái “cười khì” như vô tư chứa đầy tâm cảm, đó là cái nụ cười nén đau thương lại để yêu thương. Một người cha rất cụ thể - cha của tác giả - nhưng mang dáng hình của bao người cha trên khắp nẻo quê Đất nước - một người cha bước ra từ truyền thống văn hoá dân tộc, và đó cũng là một nét khá đắt giá cho hình ảnh tổ quốc, quê hương trong trang thơ
Bài thơ Với cha là lời đối thoại giữa cha và con, một đoạn đối thoại
không lạ trong cuộc sống giữa người cha và người con trưởng thành, nhưng bước vào thơ Nguyễn Duy ta thấy như đoạn đối thoại này không phải là cái gì hằng ngày bình thường nữa, mà trong lời của cha chứa sự thăng trầm của bảy mươi năm đời người- bảy mươi năm của quê hương đất nước. Cha không thể “ tiếc mà chi vườn cũ với cây già”, bởi đó là linh hồn, là máu thịt. Sự gắn bó giữa con người với quê hương được hình thành bởi thời gian với những biến động lịch sử. Để còn lại “ vườn cũ với cây già”, con người phải trải qua bao cuộc đổi thay, phải chiến đấu, phải hy sinh ngay cả mạng sống của mình để giữ lại. Những phút cuối cùng của cuộc đời không phải là phút hưởng thụ một cuộc sống khác mình, mà là phút tận hưởng cái thanh bình, nồng ấm, cái giá trị mà mình đã dày công dựng xây và giữ gìn. Lời đối thoại bình thường nhưng đã truyền lại tình yêu quê hương đất nước - thứ tình cảm nồng nàn của truyền thống dân tộc - cho muôn đời sau. Và chẳng cần đến “ bảy mươi rồi mới hiểu được lòng cha”, khi viết nên bài thơ này là lúc Nguyễn Duy muốn chia sẻ tâm cảm về quê hương thông qua lời cha với tất thảy mọi người con của Tổ Quốc.
Có thể nói, Nguyễn Duy dành những trang thơ khá súc tích và chứa đựng nhiều nỗi niềm về quê hương, đất nước, nhất là khi viết về cha mẹ. Đó cũng là điều dễ hiểu, bởi tình cảm và sự lớn lao của đất nước quê hương và cha mẹ đã hòa làm một, đồng hiện trong cảm xúc. Phần thơ này tuy không xuất hiện trong nhiều bài thơ, nhưng chính vì thế nó đã làm nên một góc riêng sâu đằm trong thơ Nguyễn Duy.
Nguyễn Duy không định nghĩa, không lý giải về đất nước, nhưng đọc thơ Nguyễn Duy ta thấy rất rõ mạch nguồn cảm xúc khá dạt dào, chảy tự nhiên như không nằm trong ý đồ tác giả. Một đất nước chân thực như còn nguyên mùi rơm rạ, bùn đất. Sở dĩ ca dao còn mãi bởi ca dao muôn đời là hồn
cốt quê hương, thơ Nguyễn Duy có chút gì như thế, nỗi niềm về mẹ - cha của ca dao, tình yêu của ca dao, và nỗi nhớ thương cũng của ca dao. Và ta nhận ra một điều rằng: cái bản chất sâu xa của đất nước quê hương trong thơ Nguyễn Duy chính là con người - chủ thể của văn hóa chủ thể làm nên mọi giá trị đất nước.
Đất nước quê hương qua những địa danh được nhìn một cách toàn diện hơn, không chỉ là quê hương- nơi sinh ra và nuôi dưỡng mình lớn lên mà một quê hương - đất nước, không chỉ có tình cảm của con người cá nhân mà còn bao hàm cả con người cộng đồng. Tuy nhiên cảm xúc đã làm nên sự kết hợp hài hòa khăng khít giữa riêng và chung - giữa cá nhân và cộng đồng. Miền đất nào cũng có những trăn trở, bởi nhà thơ đã ghé nỗi trăn trở của mình vào đó:
Đèo Cả…
… đỉnh núi thêm bia đá trông theo Thêm mùi hoa dại đi ngang gió Người đi hun hút bóng qua đèo…
Cái “ hun hút bóng qua đèo” ở cuối bài thơ “ Đèo Cả” như để lại một khoảng trống trong lòng nhà thơ, khiến ta cảm thấy có sự xót xa thương cảm với những số phận nơi đèo Cả. Rồi vết dầu bảy sắc “hoang mang” không chỉ là nỗi niềm riêng luyến tiếc cho sự thanh sạch của cảnh sắc mà là nỗi niềm chung của xã hội về môi trường.
Nhìn qua nhiều địa danh, đất nước được nhìn ở nhiều góc độ hơn. Nguyễn Duy không né tránh những phần hiện thực đang làm mờ đi những tên đất tên sông, mặc dù những điều này làm ông dằn vặt và có khi đau khổ. Yêu quê hương đất nước nhưng ca ngợi và bộc lộ tình cảm lại ít khi bộc trực mà kín đáo, phần nhiều nhờ cái e ấp của một mối tình ( “Sông Thao” “Lạng Sơn” “Đà Lạt một lần trăng”… ). Gần như miền đất nào cũng gắn với “ em”- “ em” và đất ấy đã đặt duyên nợ vào tôi để ra đi còn đầy lưu luyến. Dường như sự
sóng đôi này biểu hiện cái nhìn nên thơ của tác giả về mỗi vùng đất, đất là em- giống như người con gái đẹp làm mê đắm kẻ si tình, muốn chinh phục nhưng không nỡ rời xa, muốn được nâng niu, trân trọng.
Cuộc hành trình tới những miền đất khác nhau của tổ quốc đã mở ra cái phông rộng lớn về cuộc đời. Nguyễn Duy thả sức trải nghiệm và gom góp, cóp nhặt vốn sống. Tất cả được nuôi dưỡng trong tâm hồn nhân ái, những trang thơ viết ra giống như những trang tùy bút ở chỗ thật riêng. Cảnh thì thật như một điều hiển nhiên bởi tên đất luôn được biểu lộ trực tiếp, nói đến đất là ta lại nghĩ tới người, tới cảnh; còn cái riêng là ở tình người - nhà thơ coi cảnh như người để khám phá sức sống và tâm hồn của đất, mang đến cho độc giả thứ cảm xúc rất nhân văn. Nguyễn Duy với cách gọi tên riêng những vùng đất quê hương trong thơ đã làm gần khoảng cách với ca dao xưa. Ca dao gọi tên để ca ngợi nên vùng đất có đặc trưng gì là đưa vào, nó giống như cách“ lập thương hiệu” ngày nay, điều đó cho thấy tâm hồn mộc mạc, hồn hậu của ngày xưa:
- Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh… - Bình Định có núi Vọng Phu
Có đầm Thị Nại, có cù lao Xanh
Thơ Nguyễn Duy có cái hồn hậu của ca dao nhưng không phải chỉ giới thiệu về vùng đất mà rộng hơn là hiểu biết, sâu hơn là yêu thương vùng đất ấy nữa. Nguyễn Duy đi nhiều, đến đâu cũng thấy yêu mến, bởi mang trong mình cái nhìn của con người khao khát được khám phá, và hơn tất cả đó là tình yêu quê hương đất nước làm nền tảng cho mỗi bước đi.
Đề tài quê hương đất nước còn được Nguyễn Duy khai thác ở hai đối cực: đẹp - đau thương. Đó vừa là cái nhìn thẳng thật của nhà thơ, nhưng cũng là cái nhìn mang đậm triết lí phương Đông - cái nhìn hài hòa âm dương. Vạn
vật đều sinh ra từ âm dương và vận động theo nguyên lý âm dương. Quê hương đẹp ở con người, ở đường nét màu sắc, ở vốn văn hóa, ở lịch sử, nên bên trong cái đẹp ấy là những khốn khó, khổ đau. Dường như trong đau thương quê hương càng bộc lộ được cái bản chất quý giá, giống như hạt ngọc trai. Nguyễn Duy đã nhìn thấy cả cát và ngọc, và nhìn thấy quá trình rút ngọc đau đớn. Vẻ đẹp và đau thương được thổi vào thơ Nguyễn Duy chân thực bởi bắt nguồn từ tâm hồn rất Việt Nam nhân ái, giản dị. Gần như đẹp và đau