3.1. Lực lượng vũ trang cách mạng đánh bại quốc sách “ấp chiến lược”
3.1.1. Lực lượng vũ trang miền Nam phối hợp cùng nhân dân phá ấp
lược” và kế hoạch bình định của địch (1961-1963)
3.1.1. Lực lượng vũ trang miền Nam phối hợp cùng nhân dân phá ấp chiến lược chiến lược
Chính sách ấp chiến lược được đế quốc Mỹ coi là “xương sống” của chiến lược “chiến tranh đặc biệt” để kìm kẹp nhân dân, tách dân ra khỏi Đảng, cô lập Đảng để đi đến tiêu diệt Đảng, tiêu diệt lực lượng cách mạng của nhân dân ta và xây dựng cơ sở xã hội cho chế độ thực dân mới của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Với mục đích đó, từ giữa năm 1961, địch đã tập trung mọi biện pháp, trong đó chủ yếu là lực lượng quân đội và biện pháp quân sự, tiến hành càn quét lập ấp chiến lược có quy mô ở khắp các vùng. Tháng 8-1962, Ngô Đình Diệm cho công bố: “kế hoạch lập ấp chiến lược toàn quốc”, lập ấp chiến lược được nâng lên thành “quốc sách”, với ý đồ đến hết năm 1962 tập trung được 10 triệu dân ở nông thôn vào 1.600 - 1.700 ấp chiến lược.
“Với sự tăng viện về đô la, vũ khí, thiết bị chiến tranh, đội ngũ cố vấn và lực lượng yểm trợ của Mỹ, trong những năm 1961-1962, chính quyền và quân đội Sài Gòn dồn sức vào việc gom dân, lập ấp chiến lược bằng nhiều thủ đoạn và biện pháp khốc liệt, đẫm máu”. Diệm mở nhiều cuộc hành quân càn quét, sử dụng các loại vũ khí, khí tài hiện đại và triển khai các chiến thuật tân kỳ như “thiết xa vận”, “trực thăng vận”, vận dụng các thủ đoạn tác chiến “bủa lưới phóng lao”, “trên đe dưới búa”, “phượng hoàng vồ mồi” đánh giá dữ dội phong trào cách mạng miền Nam, đánh sâu vào toàn bộ hệ thống căn cứ kháng chiến của quân và dân miền Nam Việt Nam. Vượt qua những thử thách, khó khăn trong năm 1961, quân và dân miền Nam đã tiến hành hơn 15.000 trận đánh lớn, nhỏ, loại khỏi vòng chiến đầu hàng chục ngàn tên địch,
thu hàng nghìn khẩu súng các loại. Được sự hỗ trợ của đòn tiến công quân sự, phong trào đấu tranh chính trị tiếp tục có bước phát triển rộng khắp. Hơn 33 triệu lượt người đã tham gia các cuộc đấu tranh chính trị trực diện với kẻ thù và làm công tác binh vận. [4, tr. 142]. Tuy nhiên, năm đầu chuyển từ khởi nghĩa vũ trang sang chiến tranh cách mạng, quân dân các địa phương miền Nam chưa tích luỹ được nhiều kinh nghiệm về tổ chức lực lượng, về xây dựng và phát triển thế trận đấu tranh nhân dân trên ba vùng chiến lược, về sự kết hợp phương châm “hai chân”, “ba mũi”… Vì vậy, ở nhiều địa phương, phong trào đấu tranh còn yếu, lực lượng bị tổn thất lớn… yêu cầu cần phải đẩy mạnh hơn nữa phong trào đấu tranh vũ trang trên toàn miền Nam.
Bước sang năm 1962, đế quốc Mỹ chính thức thi hành toàn diện kế hoạch Xtalay - Taylo, đẩy mạnh hoạt động “chiến tranh đặc biệt” với quy mô lớn và chủ trương, thủ đoạn quyết liệt. Được Mỹ tăng cường chi viện và dưới sự điều hành của hệ thống cố vấn Mỹ, quân đội Sài Gòn trong suốt năm 1962 đã ráo riết và liên tục mở hàng ngàn cuộc hành quân càn quét, hành quân bình định với quy mô lớn, nhỏ và thời gian dài, ngắn khác nhau, đánh phá dữ dội các vùng căn cứ, vùng giải phóng, hỗ trợ cho chương trình bình định. Mỹ - Diệm thực hiện kế hoạch dồn, gom 1 triệu nông dân miền Nam vào 16.000 ấp chiến lược mà thực chất là các trại tập trung hòng tách việt cộng ra khỏi dân chúng để dễ bề tiêu diệt. Dựa vào ưu thế áp đảo trên không, trên sông nước, Mỹ và quân đội Sài Gòn đã gây tổn thất nặng nề cho lực lượng cách mạng miền Nam, gây hoang mang trong nhân dân và một bộ phận các đơn vị vũ trang Quân giải phóng non trẻ.
Trước sức tấn công mạnh mẽ, quyết liệt của quân đội Sài Gòn, đã có không ít đơn vị vũ trang cấp đại đội, trung đội Quân giải phóng bị loại khỏi vòng chiến đấu; nhiều cán bộ, chiến sĩ bị bắt; nhiều làng mạc, thôn ấp, vùng giáp ranh, vùng giải phóng, vùng căn cứ kháng chiến bị bom đạn và chất độc hoá học tàn phá nặng nề; nhiều khu vực hậu cứ nằm sâu giữa bưng biền hay
miền rừng núi… bị uy hiếp dữ dội và liên tục. Thiếu đi sự hỗ trợ của đòn tiến công quân sự, phong trào phá ấp chiến lược ở nhiều địa phương miền Nam bị chững lại, bị chùng xuống. Các cấp lãnh đạo, chỉ huy ở chừng mực nào đó tỏ ra lo lắng và lúng túng trong việc đề ra phương hướng, biện pháp chỉ đạo quân và dân miền Nam Việt Nam đối phó với các thủ đoạn tác chiến mới của Mỹ - Ngụy. Kết quả là trong 9 tháng đầu năm 1962, Mỹ - Ngụy đã gây cho quân và dân miền Nam những thiệt hại nặng nề: 32.000 người hy sinh, bị thương, bị bắt trong đó có 25.000 cán bộ, chiến sỹ [4, tr. 144].
Từ ngày 23/3/1962 đến cuối năm 1962, địch mở cuộc hành quân Mặt trời mọc quy mô cấp sư đoàn đánh vào 9 tỉnh miền Đông Nam Bộ, hỗ trợ thực hiện chương trình bình định, xây dựng ấp chiến lược. Lúc đầu, các lực lượng vũ trang ở miền Đông Nam Bộ chưa nhận thức đầy đủ âm mưu của địch nên chưa tập trung lực lượng chống cuộc hành quân Mặt trời mọc để hỗ trợ nhân dân phá cho bằng được ấp chiến lược Bến Tượng và phá toàn bộ kế hoặch xây ấp chiến lược. Lực lượng chủ lực khu và tỉnh ở miền Đông đã kết hợp với bộ đội địa phương, du kích và nhân dân tổ chức tiến công liên tục, phá đi phá lại nhiều lần, tiến tới phá rã ấp chiến lược Bến Tượng, rút kinh nghiệm cho toàn miền chống phá âm mưu dồn dân lập ấp chiến lược của Mỹ - Ngụy.
“Ở khu 10, khu 8, từ giữa năm 1962, địch đã đẩy mạnh xây dựng ấp chiến lược khắp các tỉnh. Khi địch lập ấp chiến lược thí điểm ở xã Tân Lý Tây, huyện Châu Thành, Mỹ Tho, các bộ lúc đầu chủ quan cho rằng dân bị gom vào ấp chiến lược phần lớn đã kinh qua đồng khởi, do đó địch xây dựng ấp chiến lược sẽ trở thành ấp chiến đấu của ta. Nhưng thực tế, nhằm hỗ trợ cho kế hoạch bình định và quốc sách ấp chiến lược, địch đẩy mạnh càn quét, lợi dụng địa hình đồng bằng trống trải, chiến khai chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” làm cho tình hình nông thôn càng thêm căng thẳng, thế tiến công của đồng bào bị giảm sút, lực lượng vũ trang bị tiêu hao, tổn thất, bị động, lúng túng trong việc tiến công địch, đánh phá âm mưu, thủ đoạn mới của địch” [46, tr.13].
Ở khu 9, giữa năm 1962, khu uỷ, ban quân sự khu chỉ đạo các tỉnh đánh phá các cuộc càn quét của địch, chống địch gom dân lập ấp chiến lược, mở rộng vùng căn cứ U Minh Hạ. Tuy các địa phương đều tích cực phá ấp chiến lược, nhưng do phương thức sử dụng lực lượng vũ trang từ ngoài đánh vào, chỉ đánh đồn, diệt ác, phá rào nhưng kết quả còn rất hạn chế.
Tháng 8/1962, Trung ương Cục ban hành chỉ thị về đánh phá ấp chiến lược và chống gom dân. Chỉ thị nêu một số nhược điểm: trong lãnh đạo có nhiều lúng túng, chưa nhận rõ đặc điểm từng vùng khác nhau để đề ra phương châm thích hợp. Nhiều nơi nặng hình thức phá rào bên ngoài, chưa phát động được lực lượng bên trong ấp chiến lược; chưa kết hợp chống gom dân lập ấp chiến lược với xây xã chiến đấu, lực lượng vũ trang chưa kết hợp chặt chẽ với quần chúng. Chỉ thị xác định đây là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài, giằng co ác liệt; là một cuộc đấu tranh toàn diện, phải kết hợp chặt chẽ các hình thức đấu tranh quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá; kết hợp giữa hợp pháp và bất hợp pháp, công khai và bí mật. Có kế hoạch phân loại từng khu, ấp chiến lược để chống phá có hiệu quả. Mỗi khu, tỉnh, huyện cần chọn điểm yếu nhất của địch tập trung phá bằng được. Phải nhận thức rõ càn quét và lập ấp chiến lược là hai âm mưu của địch tiến hành song song, ta phải kết hợp chặt hai nhiệm vụ chống phá ấp chiến lược với chống địch càn quét, gom dân.
Thực hiện chỉ thị về phá ấp chiến lược của Trung ương Cục, ban quân sự các cấp đã vận động đồng bào chiến đấu kiên cường, tiến hành nhiều biện pháp phá banh, phá rã, phá đi phá lại nhiều lần từng ấp, nhiều ấp trong hệ thống ấp chiến lược của địch. Tuy nhiên có nơi thành công, có nơi tạm thời thất bại. Cán bộ, đảng viên bị thương vong khá lớn, không ít nơi cán bộ, đảng viên và lực lượng vũ trang bị tách rời khỏi dân. Tính đến cuối năm 1962, địch đã lập được gần 4.000 ấp chiến lược trong tổng số 11.316 ấp dự định lập trên toàn miền Nam. Trước tình hình khó khăn trên, Ban Quân sự Miền đã chỉ đạo các lực lượng vũ trang quán triệt sâu hơn, đầy đủ hơn chỉ thị phá ấp chiến
lược của Trung ương Cục, củng cố tư tưởng, động viên vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên nghiên cứu cách đánh, kết hợp với địa phương bám sát dân, hướng dẫn nhân dân đấu tranh vừa hợp pháp, vừa bất hợp pháp. Tổ chức các trọng điểm đánh phá ấp chiến lược nhằm rút kinh nghiệm phổ biến cho các địa phương căn cứ tình hình cụ thể của mình mà vận dụng.
“Ban Quân sự Miền nhận định, trước sự đấu tranh quyết liệt của quần chúng và sự hỗ trợ chiến đấu của các lực lượng vũ trang giải phóng, mục tiêu gom dân lập ấp chiến lược địch đề ra cho năm 1962 sẽ không thực hiện được; mặt khác số ấp chiến lược dù đã được xây dựng nhưng tác dụng kìm kẹp quần chúng còn ở nhiều mức độ khác nhau và không thể tách lực lượng cách mạng ra khỏi nhân dân” [5, tr 30].
Từ việc đánh giá các đơn vị địa phương chưa thật quán triệt nhiệm vụ phá ấp chiến lược, chưa kết hợp chặt chẽ giữa chống phá ấp chiến lược với chống địch càn quét, nhất là ở cơ sở xã, Trung ương Cục ra chỉ thị bổ sung về chống phá ấp chiến lược, đề ra một số điểm chỉ đạo cục thể: “phải nắm vững quan điểm phá ấp chiến lược, chống địch gom dân là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài, giằng co quyết liệt, không thể nôn nóng, phải thắng địch từng bước; đây là một cuộc đấu tranh toàn diện, kết hợp chặt chẽ giữa quân sự, chính trị, binh vận, kinh tế, kết hợp hợp pháp với nửa hợp pháp, bất hợp pháp, công khai và bí mật; lực lượng phá ấp chiến lược là lực lượng chính trị vũ trang của quần chúng từ bên trong là cơ bản, lực lượng bên ngoài và bên trên có tác dụng hỗ trợ; ta phải kết hợp chặt chẽ việc phá ấp chiến lược với chống càn quét gom dân, chống càn thắng lợi là hỗ trợ tích cực cho phá ấp chiến lược” [5, tr 35].
Trong những năm 1962-1963, được sự hỗ trợ, phối hợp của lực lượng vũ trang, nhân dân tích cực đẩy mạnh phá ấp chiến lược. Tính đến tháng 5- 1962, “riêng Quảng Ngãi có 15 vạn dân thuộc thuộc các huyện Bình Sơn, Sơn
Tịnh, Tư Nghĩa giành được quyền làm chủ; Bình Định có 157 thôn (thuộc 4 huyện Hoài Nhơn, Phù Cát, Phú Mỹ, Bình Khê) được giải phóng; ở Phú Yên óc 103 thôn (trong 25 xã) với gần 35 vạn dân được giải phóng; nhân dân Quảng Nam phá được 24 ấp chiến lược”. “Tháng 9-1962, 4 tiểu đoàn chủ lực Quân khu V cùng lực lượng địa phương hỗ trợ nhân dân các huyện Tiên Phước, Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ (Quảng Nam) phá tan 24 ấp chiến lược, làm chủ 7 xã, 13 thôn” [71, tr 102]… Đến cuối năm 1962, lực lượng vũ trang đã hỗ trợ phá “2.665 ấp chiến lược, biến 115 ấp chiến lược của địch thành làng chiến đấu, giải phóng 4.441 thôn trong tổng số 17.162 thôn, nâng tổng số dân giải phóng lên 6.500.000 người”. Địch chỉ lập được 3.900 ấp chiến lược, đạt 31,7% so với chỉ tiêu lập 16.000 ấp chiến lược trên toàn miền Nam để dồn 10 triệu dân vào ấp của Mỹ-Diệm. Năm 1963, ta phá được 2.895 ấp chiến lược trong tổng số 6.164 ấp do chính quyền Diệm lập ra, giải phóng 12.000 thôn xã với gần 9 triệu dân. Như vậy, kế hoạch bình định miền Nam trong vòng 18 tháng của Xta-lây Tay-lo coi như bị phá sản.