Vai trò của nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh sơn la hiện nay (Trang 25 - 29)

B. NỘI DUNG

1.1. Quan niệm, đặc điểm của nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế

1.1.3. Vai trò của nguồn nhân lực

Con người không chỉ là sản phẩm của tự nhiên mà còn là chủ thể cải biến tích cực của tự nhiên và xã hội. Đồng thời, con người là điểm khởi đầu và điểm kết thúc của mọi quá trình lịch sử. Nguồn lực con người đóng vai trò là yếu tố quan trọng nhất trong lực lượng sản xuất của xã hội, là lực lượng sản xuất quyết định nhất của xã hội.

Thứ nhất, nguồn nhân lực là điều kiện nền tảng, bắt buộc và không thể thiếu của các hoạt động kinh tế, xã hội

Kinh tế gia nổi tiếng William Petty đã từng khẳng định rằng, lao động là cha, đất đai là mẹ của mọi của cải vật chất; C.Mác cho rằng, con người là yếu tố số một của lực lượng sản xuất. Trong truyền thống xã hội Việt Nam cũng khẳng định “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Nhà tương lai Mỹ Avill Toffer nhấn mạnh vai trò của lao động trí thức, theo ông ta “Tiền bạc tiêu mãi cũng hết, quyền lực rồi sẽ mất; Chỉ có trí tuệ của con người thì khi sử dụng không những không mất đi mà còn lớn lên”. [60, tr.131].

Theo đó, ngày nay trong bối cảnh khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Do vậy, nguồn nhân lực có chất lượng là nguồn lực chính quyết định quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn nhân lực, nguồn lao động là nhân tố quyết định việc khai thác, sử dụng, bảo vệ và tái tạo các nguồn lực khác.

Như mọi hoạt động sáng tạo khác, lao động trí tuệ với tư cách là một yếu tố cấu thành của nguồn lực con người muốn được phát huy cũng cần có môi trường xã hội thích hợp. Cả môi trường tự nhiên lẫn môi trường xã hội đều có tác động lớn đến việc phát huy tính năng động của con người. Nó có khả năng tạo điều kiện thuận lợi hoặc gây trở ngại khó khăn cho nguồn lực con người. Mặt khác, có thể khẳng định sự tồn tại con người với tư cách là một nguồn lực đóng vai trò quyết định các quá trình lịch sử, kinh tế và xã hội. Vai trò này không chỉ đúng trong các xã hội trước đây, mà còn đúng trong quá trình phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Để đánh giá được đầy đủ vai trò của nguồn lực con người cần đặt nó trong mối quan hệ với các nguồn lực khác.

Sự tồn tại bền vững và phát triển theo con đường tiến bộ của bất cứ quốc gia nào bao giờ cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, nguồn vốn đã được tích lũy trong nước và nguồn vốn tranh thủ từ nước ngoài, khả năng làm chủ và sử dụng có hiệu quả các thành tựu của khoa học và công nghệ,.… Tuy nhiên, các yếu tố đó chỉ tồn tại dưới dạng tiềm năng chứ không phải là những yếu tố có tính tự thân để tạo ra các giá trị. Giá trị của chúng chỉ thực sự bộc lộ khi có tác động của con người. Bởi con người không chỉ tồn tại với tư cách là chủ thể của các mục tiêu phát triển, quá trình phát triển. Các vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên là những yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của đất nước. Nhưng thực tế cho thấy, chúng phụ thuộc vào khả năng khai thác, phát huy của con người.

Sở dĩ nguồn lực con người đóng vai trò quyết định đến các quá trình phát triển kinh tế và xã hội, trước hết là do năng lực sáng tạo trí tuệ của bản thân con người và cộng đồng người theo chiều hướng tiến bộ của lịch sử. Do đó, nguồn lực con người phải được nhìn nhận trong môi trường của quá trình phát triển xã hội.

Nói cách khác, nguồn lực con người không chỉ cần được nhìn nhận về mặt tự nhiên, mà còn được nhìn nhận về mặt xã hội. Để con người sống tự do, hạnh phúc và có điều kiện sống thuận lợi nhất cho hoạt động sáng tạo thì tính năng động của nhân tố con người trong bản thân nguồn lực cần phải được khơi dậy và thể hiện ở mức tối ưu. Ngược lại, nếu không coi trọng yếu tố xã hội, sẽ xuất hiện những vấn đề xã hội tiêu cực, kìm hãm khả năng hoạt động sáng tạo của con người và nguồn lực con người.

Con người với trí tuệ, năng lực hoạt động xã hội và sức mạnh cải tạo tự nhiên, xã hội, cải tạo chính bản thân con người, là nguồn lực không bao giờ cạn kiệt, có khả năng phục hồi và tự tái sinh ra chính nó, phát huy và tạo ra nguồn lực khác. Tính vô hạn của con người biểu hiện ở chỗ nó có khả năng không chỉ tự tái sinh về mặt sinh học mà còn tự đổi mới không ngừng, phát triển về chất lượng. Vì thế, nếu chăm sóc, bồi dưỡng và khai thác nguồn lực con người một cách hợp lý, hiệu quả thì tri thức của con người “có tính khai thác không bao giờ hết”. Chính vì vậy, con người là “nguồn lực của mọi nguồn lực”.

Thứ hai, nguồn nhân lực là động lực của các hoạt động kinh tế, xã hội

Khi đề cập đến vai trò của nguồn lực con người là một trong những động lực quan trọng nhất của hoạt động kinh tế, xã hội là chủ yếu nói đến sức mạnh thể chất và khả năng lao động sáng tạo của con người. Khả năng sáng tạo là nguồn tiềm năng vô tận của con người. Bởi vì, khi chúng ta càng sử dụng nó càng phát triển và phong phú hơn. Để thúc đẩy kinh tế phát triển cần phải chú trọng hơn nữa nguồn lực con người, coi nó như nguồn lực nội

sinh, là động lực để thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển đáp ứng yêu cầu của đất nước.

Con người với tất cả năng lực và phẩm chất tích cực của mình bao gồm: Trí tuệ, kinh nghiệm, kỹ năng, tính năng động sáng tạo, niềm tin và ý chí... thì tự mình có thể trở thành động lực của sự phát triển xã hội nói chung. Hiện nay, đối với tỉnh Sơn La nói riêng, Việt Nam nói chung, sự thành công phụ thuộc chủ yếu vào việc hoạch định đường lối, chính sách cũng như tổ chức thực hiện của chủ thể lãnh đạo và quản lý, nghĩa là phụ thuộc vào năng lực nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người.

Thứ ba, nguồn nhân lực là mục tiêu của các hoạt động kinh tế, xã hội

Nguồn lực con người với tư cách là mục đích của sản xuất đồng thời là động lực của sản xuất có nhu cầu không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trong mọi phương thức sản xuất xã hội, sản xuất cái gì ? sản xuất như thế nào? và sản xuất cho ai? - suy cho cùng đều phục vụ nhu cầu của con người. Vì vậy, nhu cầu của con người trở thành tác nhân vô cùng quan trọng kích thích sản xuất. Đây chính là động lực mạnh mẽ thúc đẩy nền sản xuất phát triển.

Nhu cầu của con người rất đa dạng, bao gồm nhiều mức độ khác nhau, phát triển từ thấp đến cao. Có nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần, nhu cầu trước mắt và lâu dài, nhu cầu cống hiến và hưởng thụ,.… Các nhu cầu ấy quan hệ chặt chẽ và chi phối mạnh mẽ các hoạt động xã hội, kể cả hành vi của con người (trước hết là người lao động) trong quan hệ với tự nhiên, xã hội và trong bản thân mỗi con người.

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, mục tiêu hàng đầu là vì con người trên cơ sở đẩy mạnh phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm đáp ứng nhu cầu và phát triển nhu cầu mới của mọi người, thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau. Chỉ trên cơ sở đó mới sử dụng, khai thác, phát huy được vai trò của nguồn lực con người.

Nguồn lực con người không chỉ cần được nhìn nhận về mặt tự nhiên mà còn được nhìn nhận về mặt xã hội. Để con người sống tự do, hạnh phúc, có điều kiện thuận lợi nhất để con người hoạt động sáng tạo, thì tính năng động trong nhân tố con người trong bản thân nguồn lực cũng được khơi dậy và thể hiện ở mức tối đa. Ngược lại, nếu quên đi yếu tố xã hội hoặc yếu tố xã hội trong bản thân con người và cộng đồng người không được quan tâm một cách thỏa đáng cũng sẽ là nhân tố tác động tiêu cực và kìm hãm khả năng hoạt động sáng tạo của con người và nguồn lực con người. Nếu so sánh với các nguồn lực tự nhiên nếu chậm được khai thác và sử dụng có thể giá trị của nó vẫn còn giữ nguyên hoặc có thể tăng thêm giá trị theo thời gian. Nhưng nếu nguồn lực về con người chậm được phát huy hoặc phát huy không có hiệu quả thì không chỉ làm tổn thương đến chính nguồn lực mà còn là nhân tố kìm hãm sự phát triển của xã hội. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để phát huy có hiệu quả nguồn lực con người thì còn tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia hay cộng đồng có thể căn cứ vào các mục tiêu và định hướng phát triển mà đưa ra các giải pháp phù hợp.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh sơn la hiện nay (Trang 25 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)