Đặc điểm kinh tế và đời sống vật chất

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vai trò nhân tố chủ quan trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mường tỉnh ninh bình hiện nay (Trang 53 - 55)

2.2. Đặc điểm văn hoá dân tộc Mường ở Ninh Bình

2.2.1. Đặc điểm kinh tế và đời sống vật chất

- Về nguồn gốc lịch sử:

Người Mường ở Ninh Bình dân số có khoảng 20.149 người, cư trú vừa tập trung, vừa xen kẽ với người Kinh và sống rải rác trên địa bàn huyện Nho Quan, thuộc 8 xã: Thạch Bình, Xích Thổ, Yên Quang, Văn Phương, Phú Long, Kỳ Phú, Cúc Phương, Quảng Lạc.

Trên địa bàn rộng lớn của 3 tỉnh: Hoà Bình, Ninh Bình, Thanh Hoá, có “Mường Ngoài” (ở Hoà Bình), “Mường Trong” (ở Thanh Hoá) và “Mường Giữa” (ở Ninh Bình).

Người Mường ở Ninh Bình có 4 nhóm cộng đồng là: + Mường Vang (ở xã Thạch Bình, Xích Thổ, Yên Quang). + Mường Rậm (ở xã Cúc Phương và xã Văn Phương sau này). + Mường Bơ (ở xã Quảng Lạc).

+ Mường Kỳ Lão (ở xã Kỳ Phú và xã Phú Long sau này).

Tương truyền: người Mường Vang xưa kia di cư từ Hoà Bình xuống. Người Mường Rậm cũng di cư từ Hoà Bình xuống, nhưng ít giao lưu với các nhóm cộng đồng “Việt - Mường” khác, mà chỉ cư trú trong những nơi rừng rú rậm rạp. Người Mường Bơ di cư từ những “Mường Trong” (Thanh Hoá) ra, tuy cư trú ở những xóm, bản, trại riêng nhưng đã sớm giao lưu với người Kinh và có khá đông người theo đạo Thiên chúa. (ở xã Quảng Lạc, Nho Quan, có Xứ Ngải với nhà thờ khá lớn). Người Mường Kỳ Lão chỉ sinh sống ở một bản Mường cổ

thuộc xã Kỳ Phú, có tiếng nói, tập quán cổ truyền rất đặc trưng mà các cộng đồng Mường khác ở Ninh Bình đến nay (1999-2012) vẫn coi đây là khác biệt.

- Về địa hình cư trú và sinh sống:

Hầu hết các bản, trại, xóm Mường ở huyện Nho Quan - Ninh Bình đều có địa hình phức tạp, theo địa thế các dải đồi núi, các thung lũng, vùng bán sơn địa, cách xa tỉnh lỵ, huyện lỵ, các trung tâm kinh tế và văn hoá. Nơi cư trú chính (nhà ở) của Mường vùng này thường là ven các đồi núi, và trên bề mặt các thung lũng có thể canh tác lúa nước và hoa màu (ngô, sắn, đậu, khoai, vừng…). Có những bản, xóm trại của người Mường rất đa dạng, về địa hình khá phức tạp.

- Về đất đai canh tác:

Đất đai canh tác của đồng bào Mường ở Nho Quan - Ninh Bình gồm nhiều chủng loại: đất đồi vùng bán sơn địa, (đất đỏ lẫn sỏi, đá gan trâu), đất bạc màu, đất bồi lắng ở các thung lũng khá màu mỡ. Các loại đất đai canh tác ở đây phân bố phức tạp, hỗn hợp. Sự phân bố đất đai như trên đã hạn chế nhiều đối với yêu cầu chuyên canh, đặc biệt cản trở công việc “đưa cơ giới vào phục vụ sản xuất, canh tác”. Do vậy, đến nay, (tính đến năm 2012) các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu mới đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng ở địa phương theo phương thức “tự cấp, tự túc”. Sản phẩm hàng hoá nông nghiệp cung cấp cho thị trường trong tỉnh, trong nước còn hạn chế.

Địa hình cư trú, điều kiện sản xuất canh tác của các địa phương mà đồng bào Mường Ninh Bình cư trú hiện vẫn tác động lớn đối với sự khu biệt về “địa kinh tế” và “địa văn hoá” của mỗi xã, bản, trại, của mỗi nhóm cộng đồng người Mường.

Cơ chế thị trường đã tác động rất lớn đến tập quán canh tác và chăn nuôi của cư dân Mường, việc trao đổi, mua bán hàng hóa trong vùng Mường cũng diễn ra phong phú và nhộn nhịp không khác gì các chợ miền xuôi, đây là điều kiện thuận lợi để người dân thoát dần ra khỏi tập quán canh tác cũ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào.

Hầu hết các làng, bản, xóm, trại người Mường ở Nho Quan hiện vẫn là những đơn vị dân cư thuần nông; cấy lúa, trồng màu, trồng cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tuy nhiên trong từng bản, xóm, trại vẫn có nghề thủ công ở mức độ, phạm vi nhất định. Đó là những nghề mây tre đan, mộc, nền, khai thác vật liệu xây dựng, sơ chế nông sản, nuôi ong… Ngoài ra, nhiều sản phẩm trong vùng, đồng bào Mường đã và đang tích cực tham gia trồng, bảo vệ rừng theo Dự án 327. Mô hình kinh tế hộ gia đình ở đây là: VACR (vườn, ao, chuồng, rừng). Đây cũng là cơ sở của sự phối kết hợp, trước mắt và lâu dài giữa kinh tế hộ gia đình và kinh tế các nông trường, xí nghiệp, thông qua các chính sách, kế hoạch giao đất, giao rừng, mua bán các sản phẩm nông nghiệp, phối kết hợp xây dựng cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm) phát triển các thị tứ…

Chính những nét đặc thù trong hoàn cảnh sống và kinh tế đã góp phần làm nên những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể độc đáo của người Mường ở Ninh Bình. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ bảo tồn, phát huy những tinh hoa văn hóa cổ truyền thì tốc độ phát triển nhanh và mạnh của kinh tế cũng làm cho các giá trị văn hóa Mường truyền thống bị lãng quên, đặc biệt là các giá trị văn hóa tinh thần; những câu hát ví, những điệu múa dân gian, những lễ hội cổ truyền của người Mường đang mai một dần, trong số ít các thể loại văn hóa còn tồn tại và được phục hồi hiện nay cũng bị Kinh hóa khá cao.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vai trò nhân tố chủ quan trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mường tỉnh ninh bình hiện nay (Trang 53 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)