2.1. Vài nét về văn hoá dân tộc Mường
2.1.3. Về đặc điểm văn hóa, xã hội
- Sinh hoạt vật chất
Làng xóm của người Mường thường được xây dựng dưới chân đồi, chân núi, nơi đất thoải, gần sông, suối v.v. Mỗi làng thường có vài chục nóc nhà (ít làng có tới trên một trăm). Không có một quy định chung nào về cách thức xây dựng cũng như hướng nhà. Nhìn từ xa, làng của người Mường thường lẫn trong những đám cây. Quanh làng nhiều nơi cũng có những rặng tre bao bọc, tuy chưa thành một lũy kín. Làng người Mường còn được tô điểm bằng những hàng cau cao.
Nhà của người Mường là nhà sàn, nhìn bề ngoài không khác gì nhiều so với nhà sàn của người Tày, Thái, nhưng đi vào chi tiết cũng có những điểm khác nhất định. Chẳng hạn, như trong bộ kèo, gồm hai kèo (kẻ), mỗi kèo còn được lắp một cái “Pa wac” hay còn gọi là “cu” để giữ cho nhà thêm vững chắc. Nhà được làm theo cách gọi là “gác gỗ làm nhà”, không có những mộng để lắp ghép vào nhau mà chủ yếu là những cây gỗ gác lên nhau. Cột nhà phần lớn là cột chôn. Nhà có bốn mái, hai mái lớn và hai mái nhỏ ở đầu hồi. Mái nhà khá dốc và thấp, điểm mái che lấp một phần cửa sổ.
Dưới nhà sàn là nơi nhốt trâu, bò, đặt chuồng lợn, chuồng gà, vịt. Ngoài ra đó còn là nơi để cối giã gạo, các công cụ sản xuất như cày, bừa v.v. Hiện nay qua các cuộc vận động nếp sống văn hóa mới, vệ sinh phòng bệnh, chuồng gia súc được đưa ra khỏi gầm sàn. Trước kia xung quanh nhà đều có hàng rào bằng tre nứa hoặc xương rồng phòng trộm cắp, thú dữ. Cổng ra vào hẹp, ban đêm được đóng cẩn thận.
Tuy có những nét khác nhau mang tính chất địa phương, nhưng trang phục của của người Mường về cơ bản là thống nhất. Đồng bào biết trồng bông, dệt vải, nên trước đây đã tự túc được một phần quan trọng trong may mặc. Ở những vùng giáp ranh với người Việt, người Thái người Mường cũng chịu ảnh hưởng trang phục của họ.
Y phục của nữ có phần đa dạng hơn và còn giữ được những nét độc đáo. Khăn đội đầu là mảnh vải trắng hình chữ nhật không thêu thùa. Khi đội trùm lên đầu và buộc lại ở đằng sau gáy. Cái yếm của người Mường cũng giống yếm của nữ người Việt nhưng ngắn và nhỏ hơn. Áo cánh phổ biến là màu trắng thân rất ngắn, thường xẻ ở ngực (có nơi xẻ ở bên vai) và ít khi cài cúc. Khác với nhiều dân tộc lân cận, váy của phụ nữ người Mường khá dài, gồm hai phần chính, thân váy và cạp váy. Cạp váy là bộ phận trang phục có hoa văn.
- Sinh hoạt xã hội và gia đình
Trước Cách mạng tháng Tám 1945, xã hội Mường thường được đặc trưng bằng chế độ Lang đạo (hoặc có thể gọi là chế độ nhà Lang). Tính chất và quan hệ của nó khá phức tạp và tùy theo từng khu vực mà có những nét khác nhau.
Trong chế độ Lang đạo, tính chất đẳng cấp được thể hiện khá rõ rệt. Ở Hòa Bình, các dòng họ nắm quyền thống trị lâu đời là Đinh, Quách, Bạch, Hoàng, Hà, Xa… Trong số đó họ Đinh và Quách là những dòng họ có thế lực mạnh nhất. Dân dù tài giỏi hay có khả năng gì chăng nữa cũng không thể trở thành Lang. Dân không được phép lấy con gái nhà Lang. Ngược lại Lang vẫn lấy được con gái dân, nhưng đó chỉ là vợ lẽ dù cưới trước. Vợ cả phải là người thuộc dòng họ nhà Lang. Trong trường hợp Lang chết, không có con trai, có khi vợ được quyền kế vị chồng cai quản dân trong vùng. Một nhà Lang tuyệt tự, dân phải đi rước một dòng Lang khác về thay thế, thường gọi là Lang bảo hộ. Nhà Lang hay dùng trống đồng hay vạc đồng tượng trưng cho uy thế của mình. Những Lang cũng cai quản nhiều đất đai, nhiều dân, có nhiều của cải, đồng thời lại nắm những chức vụ trong bộ máy chính quyền thực dân phong kiến, là những kẻ có thế lực. Thổ Lang có một số người giúp việc để điều hành công việc trong Mường, trong xóm (gọi là ậu, có nơi gọi là cat).
Gia đình người Mường đã mang tính chất phụ quyền rất rõ rệt. Quyền lực của người đàn ông được xác lập một cách vững chắc. Hình thức phổ biến của gia đình người Mường là tiểu gia đình, hiếm có gia đình từ ba, bốn thế hệ cùng ở với nhau. Người chủ gia đình có những quyền hành rộng rãi và quyết định mọi công việc quan trọng trong nhà. Quyền con trưởng được coi trọng, con trai trưởng là người kế vị trực tiếp cha. Con trai trong gia đình là những người chính thức được thừa kế gia sản, trong đó người con trai trưởng thường được phần nhiều hơn.
Địa vị của người phụ nữ trong gia đình thấp kém, họ không được tham gia vào những cuộc họp bàn của làng xóm, không được hưởng quyền thừa kế, sự bất bình đẳng giữa nam và nữ còn khá nặng. Tuy nhiên, khi chưa đi lấy chồng, người con gái phần nào được tự do trong sinh hoạt, được quyền làm một mảnh
nương riêng, thu hoa lợi sử dụng theo ý mình. Mặt khác, trong sản xuất người phụ nữ đóng vai trò đáng kể, là những lao động chính, nên trong gia đình họ cũng được tham gia bàn bạc công việc. Nhiều việc trong nhà người đàn ông cũng phải hỏi ý kiến người phụ nữ.
Hình thức hôn nhân của người Mường là một vợ một chồng, cư trú bên nhà chồng. Gia đình của người Mường là kiểu gia đình gia trưởng, nên việc hôn nhân của con cái cũng do cha mẹ quyết định. Hôn nhân đã mang tính chất mua bán, nhà trai phải đền bù cho nhà gái một món tiền và một số hiện vật nhất định. Người Mường còn tồn tại chế độ đa thê, nhưng trường hợp này thấy nhiều trong tầng lớp Lang đạo và những nhà giàu có. Những người chung một họ (họ nội) không được phép lấy nhau. Nếu ai vi phạm bị phạt vạ rất nặng, ngay cả hôn nhân con cô con cậu cũng hiếm có. Hôn nhân còn mang tính đẳng cấp khá rõ.
Hôn nhân của người Mường thường có hai hình thức: cưới dâu và lấy rể. Cưới dâu là hình thức phổ biến, còn lấy rể ít thấy hơn và chỉ xảy ra trong những trường hợp nhất định. Tục cưới xin bao gồm nhiều giai đoạn, mỗi vùng có một tục lệ riêng, nhưng đại thể có một số bước sau: chạm ngõ, ăn hỏi, xin cưới và đón dâu.
- Tôn giáo tín ngưỡng
Trước cách mạng Tháng Tám, một số người vì muốn thoát khỏi ảnh hưởng của Lang đạo nên đã dựa vào thế lực của cha cố. Tuy theo công giáo nhưng lòng tin của họ chưa sâu sắc lắm, vẫn mời thầy mo về cúng ma, vẫn thờ cúng tổ tiên.
Trong các gia đình người Mường đều có thờ cúng tổ tiên, họ tin rằng người chết sang thế giới bên kia vẫn có một cuộc sống tương tự ở trần gian. Các làng phần lớn có đình, thờ Thành Hoàng. Thành Hoàng làng thường được coi là người có công khai phá ruộng nương, lập làng lập xóm. Nhiều vùng Thành Hoàng lại là Tổ tiên nhà Lang.
Nhiều dòng họ kiêng kỵ không được ăn, không được giết hại một số thú vật hoặc một số cây nhất định, chẳng hạn họ Quách ở Lạc Sơn kiêng ăn thịt chó, họ Đinh ở Cao Phong, Kỳ Sơn kiêng thịt khỉ,…
Trong dân gian, người ta tin rằng một số người có ma chài, ma ếm, có thể dùng phương thuật, thần chú để hãm hại người khác. Đây là biểu hiện của loại ma thuật làm hại.
Người Mường có nhiều nghi lễ liên quan đến nông nghiệp như lễ hạ điền, thượng điền, cúng cơm mới,…
- Văn học nghệ thuật
Người Mường có một nền văn học dân gian khá phong phú, các truyện thơ Úi lót Hồ Liêu, Nàng Nga Hai mối, Nàng Ởm chàng Bồng Hương, Con Côi, v.v. nói về tình yêu nam nữ, lên án nạn ép duyên của chế độ cũ. Ca dao tục ngữ Mường phản ánh cuộc đấu tranh bất khuất của con người với thiên nhiên, của nhân dân lao động với bọn thống trị, mặt khác ca ngợi lao động, tình yêu…
Người Mường hát trong khi lao động sản xuất, trong ngày hội, ngày lễ, lúc gặp bạn bè, lúc tỏ tình, thậm chí cả khi thờ cúng, ma chay. Bộ mẹng hoặc lệ giọng là hình thức hát giao duyên diễn tả tâm sự tình yêu của tuổi trẻ.
Hát ví, đúm cũng là loại dân ca tương đối phổ biến, nó được thể hiện dưới hình thức đối đáp và được hát nhiều trong khi đi chợ, lúc gặp nhau dọc đường hoặc trong lao động sản xuất…
Bên cạnh các thể loại kể trên, người Mường còn có một số thể loại hát khác nữa như: ru em, đồng dao, hát đập hoa, hát đổ, hát trẻ con chơi.
Truyền thuyết người Mường khá phong phú, ít nhiều phản ánh những sự kiện xã hội và lịch sử qua các thời kỳ. Nhân vật chính trong các truyện cổ tích thường là những người mồ côi, nghèo khổ…
Trong văn học dân gian của người Mường cũng cần phải kể đến thể loại lễ ca. Đó là những bài mo, bài khấn do ông mo, ông trượng đọc và hát trong đám tang, khi cúng ma, cầu vía. Bài mo “Đẻ đất đẻ nước” là một tài liệu văn học dân
trị đưa vào nhằm nâng cao uy thế của mình, nó không những có giá trị về mặt văn học mà còn có giá trị về nhiều mặt khác nữa.
Về nghệ thuật dân gian, ngoài nhị, sáo, trống, khèn bè,… cồng là loại nhạc cụ đặc sắc của dân tộc Mường. Trong âm nhạc và trong sinh hoạt âm nhạc, cồng chiếm một vị trí quan trọng, nó được chơi thành nhiều bài bản khác nhau. Ngoài ra, ở vùng Mường Vĩnh Phú còn dùng ống nứa gõ vào những tấm gỗ trên sàn nhà tạo thành những tiếng động mang tính nhạc, gọi là đám đuống. Trong nghệ thuật dân gian cũng cần phải nói đến những trang trí trên cạp váy và mặt chăn. Có thể nói, cạp váy Mường là một yếu tố độc đáo trong nghệ thuật tạo hình dân gian.
Là cư dân bản địa, người Mường đã góp phần quan trọng trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Nhưng dưới chế độ thực dân phong kiến, đồng bào bị kìm hãm nhiều mặt, bị áp bức bóc lột nặng nề, bị khinh rẻ, bị phân biệt đối xử… Đồng bào phải sống trong cảnh nghèo nàn lạc hậu, trình độ văn hóa thấp kém, mê tín dị đoan nặng nề. Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, người Mường đã thực sự đổi đời, đã được giải phóng khỏi áp bức bóc lột của chế độ cũ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân dân tộc Mường đã đạt được những thành tích đáng kể. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân đã góp sức người, sức của để chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, nhân dân dân tộc Mường đã thực sự đổi thay về mọi mặt. Đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần. Hiện nay giao thông, y tế, trường học, điện thắp sáng,… đã phát triển đến tận xã, thậm chí đến tận bản, trình độ mọi mặt của nhân dân được nâng cao.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được của đồng bào dân tộc Mường, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cần phaỉ tập trung giải quyết, như: Xây dựng cơ cấu kinh tế mới cho phù hợp với điều kiện của từng vùng, quy hoạch đất, rừng ổn định để phát triển có chiều sâu. Xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh trong sạch đủ sức để giải quyết được những vấn để chính trị, kinh tế, xã
hội ở địa phương. Xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, vừa phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa của từng vùng, vừa phù hợp với cuộc sống mới của cả cộng đồng dân tộc Việt Nam. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về mọi mặt cho đồng bào, mặt khác giáo dục nâng cao lòng tự hào về những giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc mình và tinh thần đoàn kết gắn bó trong cộng đồng, không kỳ thị dân tộc, không cục bộ địa phương…