Về đặc điểm kinh tế

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vai trò nhân tố chủ quan trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mường tỉnh ninh bình hiện nay (Trang 46 - 47)

2.1. Vài nét về văn hoá dân tộc Mường

2.1.2. Về đặc điểm kinh tế

Người Mường biết làm ruộng từ lâu đời và sống định canh định cư. Nghề nông chiếm vị trí hàng đầu trong đời sống kinh tế và lúa là cây lương thực chủ yếu. Lúa nếp được trồng nhiều hơn lúa tẻ. Trước Cách mạng Tháng Tám ruộng thường độc canh lúa, ít trồng các loại hoa màu khác. Người Mường còn trồng khá nhiều lúa trên ruộng bậc thang.

Ruộng lúa trước đây phổ biến làm một vụ. Ruộng chiêm không phải vùng nào cũng có và chiếm một tỷ lệ tương đối thấp so với ruộng mùa, những nơi nào đã cấy hai vụ lúa thường có đời sống kinh tế sung túc.

Kỹ thuật canh tác ở từng vùng cũng khác nhau, nhưng nhìn chung còn thấp. Sau khi gặt người ta thường cày vỡ chuẩn bị cho vụ sau, có nơi ở ruộng sâu người ta không cày, chỉ bừa rồi cấy. Công cụ làm ruộng như cày, bừa còn thô sơ.

Người Mường có kinh nghiệm làm thủy lợi nhỏ, đồng bào làm mương, phai để lấy nước. Nhiều nơi thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, Hòa Bình xe cọn để đưa nước vào ruộng. Cọn có thể đưa nước lên cao năm, sáu mét.

Người Mường cũng làm nương rẫy, diện tích nương không lớn nhưng thường gia đình nào cũng có. Bên cạnh trồng hoa màu, đồng bào còn trồng các cây công nghiệp và một số cây khác như: Luồng (Thanh Hóa), Trầu, Sở (Hòa Bình). Một vài nơi có trồng cây Gai, Đay, Quế, cây thuốc, cây lấy cánh kiến… Bông cũng là loại cây trồng quan trọng trước đây.

Người Mường chăn nuôi trâu, bò chủ yếu là dùng làm sức kéo trong nông nghiệp, trong nghề rừng và một phần làm phân bón ruộng. Trâu được nuôi nhiều hơn bò và còn được dùng trong các nghi lễ tôn giáo, trong cưới xin, để trao đổi hay bán cho miền xuôi. Ngoài ra đồng bào còn nuôi các loại gia súc, gia cầm khác như: lợn, gà, vịt…

Săn bắn cũng là hoạt động thường gặp trong người Mường, nhưng đó không phải là nguồn sống quan trọng. Săn bắn còn là việc làm để chống thú rừng, bảo vệ mùa màng; vừa là nguồn cung cấp thực phẩm, vừa là thú vui. Trong làng xóm chưa có người chuyển sống bằng nghề săn bắn nhưng người đàn ông

nào cũng biết đi săn, gia đình nào cũng có nỏ và súng. Cùng với việc săn bắn, còn dùng bẫy để đánh cầy, cáo, chim, sóc…, có nhiều loại bẫy khác nhau, nhưng phổ biến là loại bẫy sập.

Đánh cá cũng là nghề phụ trong gia đình tương đối phát triển ở các khu vực ven các con sông, suối lớn. Nam giới người nào cũng biết đánh cá, biết đan chài, lưới và gia đình nào cũng có đồ đánh cá. Các công cụ đánh cá cũng đa dạng như: chài, lưới, vó, đó, đơm, đăng v.v. Một số nơi còn lấy một số loại lá hoặc dễ cây đem giã ra rồi thả xuống nước. Đánh cá kiểu này tuy kiếm được nhiều, nhưng cá chết hàng loạt, ảnh hưởng không tốt đến nguồn cá sau này.

Hái lượm là nguồn cung cấp thức ăn hàng ngày như lấy các loại rau rừng, măng, một số các loại hoa quả. Lúc đói kém người ta thường vào rừng đào các loại củ như: củ Mài, Môn, Nâu…

Người Mường cũng có nghề thủ công là dệt vải, đan lát, nuôi tằm ươm tơ. Một số nghề thủ công quan trọng như: nghề gốm, đúc kim loại, rèn hầu như không có. Những sản phẩm bằng gốm, bằng kim khí đều phải mua hoặc trao đổi.

Nhìn chung, nền kinh tế của người Mường trước đây là nền kinh tế tự nhiên, mang nặng tính chất tự cấp tự túc. Trong các hình thái kinh tế, nông nghiệp giữ vai trò chủ yếu. Chăn nuôi chưa trở thành nghề chính và chưa tách khỏi nông nghiệp. Thủ công nghiệp chỉ là nghề phụ trong gia đình. Vì vậy, đó vẫn chỉ là một nền nông nghiệp lạc hậu, kinh tế hàng hóa kém phát triển.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vai trò nhân tố chủ quan trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mường tỉnh ninh bình hiện nay (Trang 46 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)