Vai trò nhân tố chủ quan thể hiện trong tính chủ động, sáng tạo

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vai trò nhân tố chủ quan trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mường tỉnh ninh bình hiện nay (Trang 39 - 43)

1.2. Vai trò của nhân tố chủ quan trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn

1.2.2. Vai trò nhân tố chủ quan thể hiện trong tính chủ động, sáng tạo

của quần chúng nhân dân giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, chúng ta đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý điều hành của Nhà nước và các đoàn thể nhân dân xây dựng môi trường văn hóa, hỗ trợ, tổ chức các lực lượng vật chất và tinh thần cần thiết, tạo điều kiện cho quần chúng nhân dân

phát huy vai trò chủ động sáng tạo của mình trong các lĩnh vực văn hóa - xã hội. Nhưng chủ nhân thực sự của nền văn hóa dân tộc trong mọi thời đại là quần chúng nhân dân, họ vừa là người sáng tạo ra các giá trị văn hóa, vừa là người hưởng thụ, lưu truyền, gìn giữ những giá trị văn hóa đó. Tính tích cực sáng tạo của quần chúng nhân dân gắn bó chặt chẽ với quá trình lao động sản xuất, với những nhu cầu và lợi ích vật chất của họ. Do vậy, sự sáng tạo của quần chúng nhân dân chính là nhân tố cơ bản của sự tồn tại và phát triển của xã hội. Đề cập đến vấn đề này Danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh đã nói:

Quần chúng là những người sáng tạo, công nông là những người sáng tạo. Nhưng quần chúng không phải chỉ sáng tạo ra những của cải vật chất cho xã hội. Quần chúng còn là những người sáng tác nữa… Những câu tục ngữ, những câu vè, ca dao rất hay là những sáng tác của quần chúng [32, tr.250].

Quần chúng nhân dân sáng tạo văn hóa bằng chính cuộc sống của mình. Các giá trị văn hóa được hình thành trong lao động sản xuất, trong văn học nghệ thuật, trong tín ngưỡng, trong phong tục tập quán (ăn, ở, mặc, ngôn ngữ…) và được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Mỗi con người, mỗi gia đình đều có thể là nơi chứa đựng những giá trị nhân văn của xã hội, là nơi bảo vệ, lưu truyền những giá trị nhân bản của con người. Nhưng tính tích cực của quần chúng nhân dân trong các hoạt động văn hóa tinh thần không phải lúc nào cũng hàm chứa những yếu tố tiến bộ; cùng với quá trình sáng tạo, gìn giữ, lưu truyền những giá trị văn hóa mang ý nghĩa nhân văn thì những tư tưởng phong kiến, những yếu tố phi văn hóa, phản tiến bộ, những hủ tục cũng len lỏi đâu đó trong đời sống cộng đồng. Do vậy, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, trở thành mục tiêu và động lực để phát triển kinh tế xã hội thì vai trò của đội ngũ trí thức đặc biệt quan trọng. Nghị quyết Trung ương năm (khoá VIII) khẳng định: “Đội ngũ trí thức gắn bó với nhân dân giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa” [10, tr.57].

Sự hiện diện của đội ngũ trí thức trong sáng tạo văn hóa như là một biểu hiện của chất lượng cuộc sống. Những phát minh khoa học, những công trình

nghệ thuật, những sáng tác văn học, những sản phẩm lao động của đội ngũ trí thức thực sự quan trọng trong diện mạo tinh thần của mỗi quốc gia. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế tri thức như hiện nay, với những thiên chức riêng của mình, đội ngũ trí thức có vai trò đặc biệt quan trọng giữ vững nền tảng tinh thần của xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa. Xuất thân từ nhân dân, và là người hoạt động trí tuệ, có chức năng chủ yếu là sáng tạo những giá trị tinh thần cho xã hội, nên ảnh hưởng của lực lượng trí thức đến quần chúng nhân dân là rất lớn. Bằng những sáng tạo văn hóa, người trí thức có thể chuyển tải trong đó những tư tưởng, đạo đức, lối sống, những quan niệm tín ngưỡng, những triết lý nhân sinh đến quần chúng nhân dân. Họ là lực lượng nòng cốt, là chủ thể trong toàn bộ quá trình tích hợp sức mạnh nội sinh, tiếp nhận, phát huy những tinh hoa văn hóa nhân loại, giữ gìn và phát triển văn hóa, có thể hướng công chúng đến cách nhìn tốt đẹp, nhân bản trong cuộc sống tinh thần. Nhưng dù quan trọng như thế nào thì đội ngũ trí thức cũng từ nhân dân mà ra, và họ không thuần nhất về trình độ và cảm quan nên khi tác động đến đời sống tinh thần họ bộc lộ cả mặt tích cực và tiêu cực.

Nhìn chung, những yếu tố tích cực của quần chúng nhân dân biểu hiện trong quá trình phát triển kinh tế, ổn định chính trị và đặc biệt trong sáng tạo văn hóa. Họ lao động, sáng tạo vì chính nhu cầu vật chất và mong muốn được thỏa mãn đời sống tinh thần của chính mình; nhu cầu hưởng thụ văn hóa càng cao, càng kích thích nhu cầu sáng tác, tăng sức sáng tạo của quần chúng nhân dân lao động. Nhưng để phát huy vai trò và tính sáng tạo của trí thức, của quần chúng nhân dân trong phát triển xã hội, trong sáng tạo, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đòi hỏi Đảng, nhà nước và các đoàn thể nhân dân phải nâng cao trình độ lý luận, bám sát thực tiễn, xây dựng môi trường kinh tế, chính trị, văn hóa do con người và vì con người. Quan tâm đúng mức, thỏa đáng đến đội ngũ trí thức, có chính sách thu hút, đãi ngộ hiền tài, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho đội ngũ cán bộ. Phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chỉ thị, nghị quyết của Đảng và nhà nước đến quần chúng nhân dân, đảm bảo cho họ có

đủ năng lực, trình độ, đạo đức và tinh thần tự tôn dân tộc, đảm bảo vai trò chủ động trong sáng tạo nghệ thuật, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại.

Chương 2

THỰC TRẠNG VAI TRÒ NHÂN TỐ CHỦ QUAN

TRONG VIỆC GIỮ GÌN, PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HOÁ DÂN TỘC MƯỜNG Ở NINH BÌNH HIỆN NAY

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vai trò nhân tố chủ quan trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mường tỉnh ninh bình hiện nay (Trang 39 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)