Tính cách là một khái niệm phức tạp trong khoa học tâm lý, đặc biệt là trong tâm lý học tính cách, tâm lý học nhân cách và tâm lý học dân tộc. Việc đưa ra một định nghĩa chính thống, đảm bảo tính khoa học và được đa số mọi người thừa nhận là một việc không hề đơn giản đối với nhận thức. Tuy nhiên, để phục vụ cho nhận thức chính xác hơn thì sự “trừu tượng hóa” để đạt đến nhận thức khái niệm là công việc cần thiết. Chính V.I. Lênin đã nhận định rằng: “Chúng ta không thể biểu hiện, thể hiện, đo lường, hình dung sự vận động mà không cắt đứt tính liên tục, không đơn giản hóa, không làm thô lỗ, không tách rời, không làm chết cứng cái đang sống. Việc tư duy (không những tư duy mà cảm giác) hình dung sự vận động (không những sự vận động mà tất cả các khái niệm) bao giờ cũng làm thô lỗ, làm chết cứng” [47, tr.279]. Vì vậy, trong nhận thức khoa học không thể lảng tránh việc đưa ra một định nghĩa khái niệm, mặc dù mỗi khi định nghĩa khái niệm là làm cho nó trở nên nghèo nàn và khô cứng.
Khái niệm tính cách là đối tượng nghiên cứu của nhiều bài viết, nhiều công trình khoa học. Tuy nhiên, gần như không có một định nghĩa nhất quán về tính cách. Việc có quá nhiều định nghĩa khác nhau về tính cách càng chứng tỏ khái niệm tính cách là một khái niệm phức tạp và việc làm rõ nội hàm khái niệm này là công việc hết sức khó khăn và phức tạp.
Trong các công trình nghiên cứu về tâm lý người, tâm lý học nhân cách, từ điển tâm lý học đã đưa ra những định nghĩa khác nhau về tính cách. Trên cơ sở khảo cứu và xem xét các định nghĩa về tính cách thì cách hiểu như sau được nhiều người chấp nhận hơn cả và được thể hiện trong đa số các công trình tâm lý học nghiên cứu về tính cách ở Việt Nam hiện nay: Tính cách là
hệ thống thái độ của con người đối với thế giới xung quanh và bản thân, được
thể hiện trong hành vi của họ.
Nhưng nói đến tính cách không phải là nói đến những đặc điểm hành vi ngẫu nhiên của một người nào đó mà là những phương thức hành vi ổn định, quen thuộc đối với họ, những phương thức hành vi mà chúng biểu thị nhân cách của con người, biểu thị thái độ đối với thế giới.
Tính cách không bao trùm các quá trình tri giác, tư duy, tình cảm, ý chí. Tính cách cũng không phải là số trung bình cộng của các hiện tượng tâm lý khác nhau. Tính cách là một cấu tạo hoàn chỉnh, độc đáo phụ thuộc vào những tác động của cuộc sống, là một hệ thống bao gồm những thuộc tính như xu hướng, ý chí, đặc điểm trí tuệ và tình cảm được hình thành, phản ánh cuộc sống và hoạt động của cá nhân.
Những thái độ đối với thế giới, những cách hành động và xử sự riêng biệt của một người hay một nhóm người đều hình thành trong quá trình nhận thức và hoạt động, trong những điều kiện xã hội nhất định của cuộc sống. Tất cả những thái độ đã hình thành và có tính chất chủ đạo như thế của con người đối với xã hội, đối với bản thân và những cách cư xử quen thuộc trong môi trường xã hội tạo thành tính cách của mỗi người.
Tính cách của con người thể hiện một phong cách sống nhất định trong nhu cầu, hứng thú, nguyện vọng, mục đích, tình cảm và ý chí. Những yếu tố này biểu hiện ở chỗ cá nhân lựa chọn một hoạt động và hành vi, thái độ và cách đối xử như thế này hoặc như thế kia. Tuy nhiên, trong hệ thống những thuộc tính tâm lý thì niềm tin, thái độ và thói quen đạo đức giữ vai trò trung tâm trong tính cách của con người. Nghĩa là, tính cách là tập hợp những đặc điểm tâm lý bền vững nhất của nhân cách, thể hiện qua hành vi và hành động của họ.
Nói đến tính cách là nói đến cái điển hình và cái cá biệt trong nhân cách. Tính cách không phải di truyền, cũng không phải là một thuộc tính bất biến của nhân cách. Tính cách của con người được hình thành và phát triển
dưới ảnh hưởng của môi trường, của kinh nghiệm sống, của giáo dục và tự giáo dục. Các ảnh hưởng này bao gồm hai loại: thứ nhất, đó là những ảnh hưởng xã hội lịch sử, bởi vì mỗi người đều sống trong một môi trường xã hội, trong một chế độ xã hội và một thời đại nhất định, nên họ sẽ được hình thành như một nhân cách dưới ảnh hưởng của những điều kiện đó; thứ hai, đó là những ảnh hưởng cá thể độc đáo. Bởi vì những điều kiện sống và hoạt động của mỗi người, con đường sống của họ đều rất độc đáo và không lặp lại. Tính cách của mỗi người vừa được quy định bởi hoàn cảnh xã hội của họ, vừa được quy định bởi đời sống cá nhân của họ. Nói cách khác, tính cách của mỗi người đều là sự thống nhất của cái điển hình và cái cá biệt. Trong tính cách của mỗi người cụ thể có thể tách ra những nét chung của cả loài người, của dân tộc, của giai cấp và những nét cá biệt - đặc trưng riêng cho mỗi người. Cái chung và cái riêng kết hợp với nhau, tạo thành một sắc thái thống nhất của nhân cách, một cung cách hành vi nhất quán của con người.
Tính cách xét về cấu trúc, có sự thống nhất biện chứng giữa hệ thống thái độ và hành vi. Mặt chủ đạo và là nội dung của tính cách là hệ thống thái độ, nói lên sự hoàn chỉnh thống nhất giữa ý nghĩ, hành động, lời nói và việc làm trong mọi tình huống và hoàn cảnh. Hệ thống thái độ của tính cách bao gồm thái độ đối với xã hội, với những người xung quanh thể hiện qua nhiều tính cách như lòng trung thành, yêu nước, nhân ái, vị tha…, thái độ đối với lao động hình thành các nét tính cách như cần cù, chăm chỉ, lười biếng…, thái độ đối với tự nhiên thể hiện nhận thức về mối quan hệ giữa tự nhiên và con người, về sự khám phá, cải tạo, bảo vệ thiên nhiên, thái độ đối với tập thể sẽ hình thành các nét tính cách như tôn trọng tập thể, cộng đồng…, thái độ đối với bản thân với các nét tính cách như khiêm tốn, tự cao tự đại, ham học hỏi…
Trong hệ thống các thái độ, thái độ đối với xã hội, với những người xung quanh là đặc biệt quan trọng, bởi nó phản ảnh bản chất xã hội của con người và chi phối các mối quan hệ khác. C. Mác đã từng khẳng định: “Con
người là một sinh vật có tính loài, không những với ý nghĩa là cả về thực tiễn cũng như về lý luận, con người biến loài, cả loài của chính mình cũng như loài của những vật khác, thành vật của mình, mà còn có ý nghĩa - và đây chỉ là cách diễn đạt cũng điều ấy nhưng theo một lối khác mà thôi - con người đối xử với bản thân mình như với một loài hiện đang sống, con người đối xử với bản thân mình như với một thực thể phổ biến và do đó là một thực thể tự do” [53, tr.134]. “Bản chất con người của tự nhiên chỉ tồn tại đối với con người xã hội; vì chỉ có trong xã hội, tự nhiên đối với con người mới là một cái khâu liên hệ con người với con người, mới là tồn tại của con người đối với người khác và tồn tại của người khác đối với người đó, mới là nhân tố sinh hoạt của hiện thực con người; chỉ có trong xã hội, tự nhiên mới biểu hiện ra là cơ sở của tồn tại có tính chất người của bản thân con người. Chỉ có trong xã hội, tồn tại tự nhiên của con người mới là tồn tại có tính chất người của con người đối với con người và tự nhiên mới trở thành con người đối với con người” [53, tr.170].
Hình thức biểu hiện của tính cách là hệ thống hành vi. Hệ thống hành vi, cử chỉ, cách nói năng của con người rất đa dạng và phong phú, chịu sự chi phối bởi hệ thống các thái độ nói trên. Đây là kiểu hành vi xã hội được đánh giá về mặt đạo đức - tương ứng với hệ thống thái độ đối với xã hội, với lao động, với tập thể, với bản thân… Phương thức hành động này còn được đánh giá cả về mặt tài năng, tuy nhiên không phân chia một cách tuyệt đối, bởi cùng một hành vi có thể được đánh giá cả về mặt tài năng và đạo đức.
Tính cách là một hệ thống hoàn chỉnh những động cơ và những cách xử sự mà khi phân tích một cách tỉ mỉ bao giờ chúng ta cũng có thể tách ra thành những khâu chủ yếu của hệ thống. Trong đó, các tác động bên ngoài ảnh hưởng đến đặc điểm đặc trưng cho hành vi của con người trong hoàn cảnh đó. Động lực của tính cách cũng phụ thuộc vào động lực của hiện thực bên ngoài, vào những yêu cầu được đề ra cho con người, phụ thuộc vào tình thế mà con người gặp phải cũng như vào các phẩm chất của tính cách và cá nhân nói
chung. Bởi vậy, phải xét cấu trúc của tính cách một cách toàn diện, phải phân tích hành vi của con người trong những tình thế khác nhau của cuộc sống, và không phải là nói chung, mà trong mối liên hệ với lịch sử cuộc sống và lịch sử giáo dục của mỗi người. Cần phải nhấn mạnh rằng, việc tách ra nội dung và hình thức thành các mặt riêng biệt của tính cách là một việc làm có tính hình thức chỉ tiện cho việc phân tích mà thôi. Bởi vậy, mọi sự tách biệt một cách tuyệt đối giữa nội dung và hình thức hay tìm cách cắt bỏ nội dung và chỉ coi tính cách là hình thức cư xử như các nhà tâm lý học tư sản Rico, Fulie, Polan… đã làm, đều dẫn tới học thuyết trừu tượng về tính cách, xem xét tính cách tồn tại bên ngoài thời gian và không gian, dẫn tới việc hiểu tính cách là bản thân hình thức cư xử tự nó đã hình thành, tới việc xây dựng những sơ đồ về tính cách.
Tóm lại, khi nghiên cứu về tính cách phải thấy được tính biện chứng, tức là thấy được sự thống nhất và chuyển hóa giữa các mặt đối lập, giữa hệ thống thái độ và hệ thống hành vi trong tính cách của con người.
2.2. Tính hai mặt trong một số tính cách tiêu biểu của con ngƣời Việt Nam
Với sự ảnh hưởng của địa lý, lịch sử và truyền thống văn hóa mà tính cách của mỗi người Việt Nam mang đậm sắc thái riêng biệt, trong đó có cả mặt tích cực và mặt hạn chế. Tuy nhiên, ẩn sâu trong tâm lý của dân tộc Việt Nam, thể hiện qua kho tàng folklore, có một thứ tâm lý nguy hiểm của người Việt Nam là tự ảo tưởng về chính mình. Tâm lý đó thể hiện qua những câu chuyện về những ông Trạng chân đất, những ông Trạng Lợn, Xiển Bột là rất rõ. Tất nhiên, tâm lý đó không phải chỉ có ở riêng người Việt Nam nhưng điều đó càng có nghĩa là chúng ta phải nhận thức lại về chính mình. Nhận thức lại về chính mình không phải để phủ nhận các giá trị tốt đẹp ẩn chứa trong tính cách của con người Việt Nam đã góp phần tạo nên những kỳ tích trong lịch sử dân tộc, mà là để nhận thức khách quan hơn, toàn diện hơn, để thấy được bên cạnh những điểm tích cực, tốt đẹp thì còn có những yếu tố xấu,
yếu tố tiêu cực đang ẩn chứa trong mỗi con người Việt Nam và được thể hiện ra thông qua hành vi của họ.
Nhưng từ trước đến nay, con người Việt Nam với tâm lý thích được khen và cũng hay tự khen mình quá nhiều, đến nỗi bây giờ ai có tinh thần phê phán cái xấu của dân tộc, thì gần như người đó bị cả cộng đồng đặt vào vị trí của tiếng nói đối lập, bị coi là thiếu thiện chí. Trên thực tế, việc chỉ ra những điều cần khắc phục trong tính cách của cả dân tộc luôn là điều tốt, có ý nghĩa tích cực đối với sự tiến bộ. Don Quixote của Cervantes, AQ của Lỗ Tấn là những hình tượng sâu sắc về một kiểu tính cách dân tộc, thể hiện một cái nhìn tỉnh táo, mang đậm tính chất tự phê phán, đã góp phần không nhỏ trong sự thức tỉnh ý thức dân tộc và khơi dậy nỗ lực hoàn thiện tính cách dân tộc. Nhà văn Nguyên Ngọc đã từng so sánh hoàn cảnh của Việt Nam ngày nay với một thế kỉ trước, thời điểm những phong trào Duy tân diễn ra. Ở cả hai thời điểm, Canh tân và Phục hưng dân tộc đều là những yêu cầu có tính chất sống còn. Và trong cả hai thời điểm, vấn đề tự phê phán luôn là một trong những vấn đề có tính cách xương sống. Ông cũng cho rằng cần nhất thiết phải “đánh đổ” một tâm lí coi việc nói về những nhược điểm của chính dân tộc mình như một điều cấm kị.
Tuy nhiên, sự nghiên cứu tính cách của con người Việt Nam cũng cần phải vượt qua giới hạn của những nhận thức phiến diện và sự phê phán chỉ có tính phê phán. Mặc dù có thể thấy rằng, khác với phương Đông, trong lịch nhận thức của phương Tây, tư duy phê phán luôn được đề cao và điều đó đã thúc đẩy sự phát triển của nhận thức, nhưng không phải mọi sự phê phán đều dựa trên cơ sở khoa học và vì mục đích tốt đẹp của cuộc sống. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin chính là những mẫu mực của tư duy phê phán, đã vượt ra ngoài sự phê phán thuần túy có tính phê phán, làm cho học thuyết và tư tưởng của các ông có sự thống nhất chặt chẽ giữa tính khoa học và tinh thần phê phán cách mạng.
Sự nhận thức khách quan và toàn diện về tính cách của con người Việt Nam luôn là một yêu cầu quan trọng đối với nhận thức khoa học. Với quan điểm mâu thuẫn, ở mỗi con người về phương diện tính cách đều có sự thống nhất giữa mặt tích cực và mặt tiêu cực, giữa mặt tốt và mặt xấu. Ở mỗi vùng miền cũng như ở mỗi hoàn cảnh, con người lại bộc lộ nhiều hay ít những điểm tích cực hay những điểm tiêu cực, có tác động xấu đến xã hội ở mức độ khác nhau. Cổ nhân có câu: “Bách nhân, bách tính”, nghĩa là tính cách của con người không ai giống ai. Vì vậy, khi nghiên cứu tính hai mặt trong tính cách của con người Việt Nam, tôi không nhằm ám chỉ ai và cũng không có ý cho rằng tất cả con người Việt Nam đều có những đặc điểm tính cách này. Hơn nữa, đối với tư duy biện chứng thì nhận thức về cái phổ biến không hề loại trừ cái đặc thù, cái đơn nhất. Với tư duy và cách tiếp cận như vậy, nên nội dung được nghiên cứu dưới đây, trước hết là sự tổng hợp một cách khách quan những quan điểm của các nhà nghiên cứu tiêu biểu về tính hai mặt trong tính cách của con người Việt Nam.
Tính hai mặt trong tính cách của con người Việt Nam đã được đa số các học giả thừa nhận và khẳng định trong các công trình nghiên cứu về tâm lý, văn hóa và lịch sử dân tộc. Trong tác phẩm “Việt Nam văn hóa sử cương”, giáo sư Đào Duy Anh đã đưa ra những nhận xét khái quát như sau: “Về tinh thần thì người Việt Nam đại khái thông minh, nhưng xưa nay thấy ít có người có trí tuệ lỗi lạc phi thường. Sức ký ức thì phát đạt lắm, mà giàu trí nghệ thuật hơn trí khoa học, giàu trực giác hơn luận lý. Phần nhiều người có tính ham học, song thích văn chương phụ họa hơn thực học, thích thành sáo và hình thức hơn là tư tưởng hoạt động. Não tưởng tượng thường bị não thực tiễn hòa