Tư tưởng Hồ Chí Minh về phụ nữ trong gia đình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng hồ chí minh về gia đình và ý nghĩa của nó đối với xây dựng gia đình văn hóa ở việt nam hiện nay (Trang 35 - 42)

8. Kết cấu của luận văn

1.2. Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về gia đình

1.2.3. Tư tưởng Hồ Chí Minh về phụ nữ trong gia đình

* Tư tưởng Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò phụ nữ trong gia đình.

Dưới chế độ phong kiến, nhất là từ khi đề cao Nho giáo làm hệ tư tưởng chính thống, thân phận người phụ nữ Việt Nam bị coi nhẹ, họ chỉ thực hiện bổn phận, “Đàn ông trên nhà, đàn bà dưới bếp”, mà không có tiếng nói riêng. Những hi sinh và đóng góp của họ trong gia đình rất lặng lẽ. Ít ai đánh giá đúng và đánh giá hết được những cống hiến của những người vợ, người chị, người mẹ trong cuộc sống gia đình. Hồ Chí Minh đồng cảm và đã nhiều lần bênh vực họ, lên án tội ác của thực dân, phong kiến đối với người phụ nữ. Trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, Người dành hẳn một chương

để nói lên nỗi khổ nhục của người phụ nữ bản xứ. Thậm chí họ còn “bị áp bức tàn tệ. Ngoài xã hội, phụ nữ bị xem khinh như nô lệ. Ở gia đình thì họ bị kìm hãm trong xiềng xích tam tòng”. [59, 523]. Đó là những thiệt thòi mà người phụ nữ nói chung và người phụ nữ Việt Nam đã phải gánh chịu trong suốt bao thế kỷ .

Thấu hiểu thực tế địa vị của người phụ nữ trong gia đình truyền thống, Hồ Chí Minh luôn có sự cảm thông sâu sắc với những khó khăn, vất vả, thiệt thòi của người phụ nữ trong gia đình. Người phụ nữ vừa phải tham gia sản xuất kinh tế, tổ chức chi tiêu sinh hoạt gia đình, vừa phải nuôi dạy con cái. Đồng thời, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin về vai trò của quần chúng nhân dân, Người thấy được cần phải thức tỉnh và giải phóng họ, nhìn nhận vai trò to lớn của người phụ nữ có ảnh hưởng rất lớn đến sự ổn định, hạnh phúc của gia đình, phồn thịnh của quốc gia. Hồ Chí Minh hiểu rõ từ những năm tháng chiến tranh, người đàn ông ra trận, người phụ nữ đóng góp một phần không thể thiếu của hậu phương lớn, bám đồng ruộng, tiếp tục sản xuất, tiếp tế lương thực cho bộ đội nơi tiền tuyến. Họ đảm trách vai trò người vợ, người mẹ, người chị chăm lo cho gia đình, nuôi dạy con cái, làm yên lòng những người trai ra trận. Ghi nhận công lao to lớn của chị em phụ nữ cho cách mạng, Người nói: “Phụ nữ tham gia sản xuất, khuyến khích chồng con ra trận, giúp đỡ binh lính may vá và giặt giũ quần áo, ưu đãi các gia đình kháng chiến” [49, 465]. Người nhiều lần khen ngợi, biểu dương những tấm gương tốt của người phụ nữ Việt Nam như: Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Định, mẹ Suốt…và luôn trân trọng những đóng góp lớn lao của phụ nữ đối với lịch sử hào hùng của dân tộc, “nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta.”[61, 172]

Ngoài sản xuất vật chất, người phụ nữ còn có vai trò quan trọng trong xây dựng đời sống tinh thần phong phú, đa dạng của gia đình và xã hội. Hồ

Chí Minh đã đánh giá rất cao vai trò của phụ nữ trong gia đình cũng như với xã hội. Người đã trân trọng dành tặng cho những người phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng: “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Người luôn khẳng định: “nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội.” [58, 300], vì vậy trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, phát triển xã hội, đặc biệt là trong đời sống gia đình “vai trò phụ nữ rất quan trọng” [53, 131]. Người luôn khẳng định vai trò to lớn trong thực tế của người phụ nữ trong nền sản xuất xã hội cũng như trong kinh tế gia đình. “Sự thật người vợ An Nam có nhiều ưu đãi (mà phụ nữ châu Âu không có), nắm “chìa khóa của gia đình” và quản lý tài sản của gia đình” [47, 507]. Là người giữ tay hòm, chìa khóa tham gia từ việc tổ chức chi tiêu sinh hoạt gia đình, sản xuất kinh tế cho đến nuôi dạy con cái. Với mỗi con người được sinh ra thì sự chăm sóc, nuôi dạy của người mẹ luôn là những ảnh hưởng đầu tiên, trực tiếp đến sự trưởng thành cả về mặt thể lực, trí tuệ và tâm hồn. Trong gia đình Việt từ xưa đã có truyền thống “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, việc chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái nghiễm nhiên được coi là thiên chức cao cả của người phụ nữ, vì thế “non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ.” [53, 340]. Hồ Chí Minh cũng nhiều lần khuyên nhủ: "chị em phụ nữ phải hết sức chăm lo bảo vệ sức khỏe của con cái, vì thiếu nhi là tương lai của dân tộc” [57, 547]. Hơn nữa chị em không chỉ chăm sóc , dạy dỗ cho con cháu mình khỏe và ngoan, mà còn phải cố gắng giúp đỡ cho tất cả các cháu trong đại gia đình dân tộc Việt Nam đều ngoan và khỏe, như tấm gương cụ Lê Thị Hoan “đã có công giáo dục mấy chục cháu xấu trở thành những cháu tốt” [60, 312]. “Nếu tất cả chị em phụ nữ ta đều cố gắng làm được như cụ Hoan thì chắc rằng con cháu chúng ta sẽ đều ngoan và tốt.” [60, 312]. Như vậy, tư tưởng của Hồ Chí Minh về gia đình nói chung, phụ nữ nói riêng là rất toàn diện, sâu sắc, rất sáng tạo và cách mạng. Người thấy được việc chăm sóc, nuôi dạy con cái, xây dựng tổ ấm gia đình của người phụ nữ không chỉ có ý nghĩa đối với từng gia

đình nhỏ của họ, mà còn góp phần to lớn vào sự nghiệp ổn định, phát triển xã hội, đặt nền móng xây dựng tương lai cho đất nước. Họ tạo ra mối tương quan bền chặt giữa lợi ích cá nhân – gia đình – xã hội – dân tộc là nền tảng phát triển bền vững cho xã hội.

* Tư tưởng Hồ Chí Minh về địa vị phụ nữ trong gia đình.

Để phát huy vai trò của phụ nữ, một bộ phận quan trọng của sự nghiệp cách mạng, Hồ Chí Minh không chỉ đưa ra quan điểm mới thay đổi nhận thức đặt vị thế bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ căn bản của người phụ nữ ngang hàng với nam giới, mà sau khi cách mạng giành được thắng lợi còn đi đến tạo ra những cơ sở pháp lý, xây dựng Hiến pháp, Luật hôn nhân và gia đình, nhằm thực hiện mục tiêu giải phóng phụ nữ một cách hiện thực, hiệu quả, triệt để. Theo Người, phụ nữ chỉ được giải phóng khỏi sự áp bức trong gia đình và xã hội khi có cơ sở pháp lý ở các điều khoản của Hiến pháp, Luật hôn nhân và gia đình, trong đó bảo đảm sự bình đẳng về giới, quy định mọi hành vi bạo hành, cưỡng chế người phụ nữ là phạm pháp, hôn nhân được xác lập trên cơ sở của tình yêu nam nữ và mọi sự bất bình đẳng giới được xóa bỏ. Đã mấy nghìn năm lịch sử, ảnh hưởng của đạo đức Nho giáo phong kiến từ đời này qua đời khác rót vào tai phụ nữ những ngụy thuyết của “tam tòng”, “tứ đức” để người phụ nữ nguyện kết những bông hoa vào chính giữa những xiềng xích của mình mà an phận, cam chịu sự lép vế của mình từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Họ phải nép mình vào khuôn phép, chịu “thuần dưỡng” để chỉ biết vâng lời, nhường nhịn, chịu đựng và hy sinh do chế độ hà khắc, bất công, bất bình đẳng trong xã hội và ngay chính gia đình của mình mang lại.

Từ những trải nghiệm thực tiễn, thấu hiểu và thương xót cho thân phận người phụ nữ trong xã hội thực dân – phong kiến xưa, từ khi đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công cuộc cách mạng đấu tranh giành quyền bình đẳng cho phụ nữ trên mọi lĩnh vực một cách toàn diện và triệt để, nhằm đưa người phụ nữ Việt Nam đứng ngang hàng với đàn

ông để hưởng mọi quyền lợi bình quyền tự do của công dân trong quốc gia độc lập. Sự bình đẳng ấy trước hết là từ trong gia đình rồi đến xã hội, đưa người phụ nữ lên địa vị thực sự mà họ xứng đáng được hưởng với những công lao, đóng góp, hy sinh của họ cho gia đình, cho xã hội. Người nhiều lần chỉ ra những cơ sở, nguyên nhân căn bản dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giới, rằng trước hết đó là do tư tưởng “trọng trai, khinh gái”. “Trọng trai khinh gái là một thói quen mấy nghìn năm để lại. Vì nó ăn sâu trong đầu óc của mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội” [53, 342]. Và sở dĩ có tình trạng đó vì “có một số người chưa thấy rõ vai trò của phụ nữ hiện nay cũng như sau này, nên còn tư tưởng xem thường khả năng của phụ nữ.” [58, 369]. Bên cạnh đó, còn một thực tế khá phổ biến là nhiều người còn chưa thật hiểu một cách đúng đắn về sự bình đẳng nam – nữ, coi đó chỉ đơn thuần là sự chia đều công việc trong gia đình giữa chồng và vợ. “Nhiều người lầm tưởng đó là một việc dễ, chỉ: hôm nay anh nấu cơm, rửa bát, quét nhà, hôm sau em quét nhà, nấu cơm, rửa bát thế là bình đẳng bình quyền. Lầm to! Đó là một cuộc cách mạng khá to và khó.” [53, 342]. Theo Hồ Chí Minh: Để cuộc cách mạng đấu tranh cho quyền bình đẳng giới thành công, giành địa vị xứng đáng cho người phụ nữ, trước tiên phải giải phóng người phụ nữ khỏi những ràng buộc của lề thói, tập tục lạc hậu đã ăn sâu, bám rễ trong xã hội bao đời nay, phải “tiêu diệt tư tưởng phong kiến, tư sản trong người đàn ông…” [58, 301], “đấu tranh để xóa bỏ cái thói “trọng nam khinh nữ” ấy”[59, 294]. Đặc biệt phải lên án những hành vi “khinh rẻ phụ nữ, và dã man nhất là thói đánh vợ”[59, 524], phải xem “đó là một điều đáng xấu hổ”[61, 260], là hành vi phạm pháp và cần có biện pháp răn đe, trừng phạt thích đáng.

Hồ Chí Minh đã dành nhiều tâm sức đưa ra quan điểm xây dựng gia đình kiểu mới dựa trên sự hiện thực hóa Hiến pháp và Luật hôn nhân và gia đình để nhằm bảo vệ, giải phóng người phụ nữ. Trước Hồ Chí Minh đã có rất nhiều nhà tư tưởng Việt Nam cũng nhận thức được những bất công, thiệt thòi,

khổ đau của người phụ nữ, song họ mới chỉ dừng lại ở những cảm thông, an ủi và thuyết giáo cho sự nhẫn nhục, chịu đựng. Như Nguyễn Gia Thiều, Đặng Trần Côn, Nguyễn Dữ, mà tiêu biểu nhất có Nguyễn Du đã từng than:

“Đau đớn thay phận đàn bà Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”.

Hồ Chí Minh đã kế thừa và vượt lên trên các nhà tư tưởng tiền bối, không chỉ dừng lại ở cảm thông, an ủi mà trước sự bất công, đau thương của thân phận người phụ nữ, Hồ Chí Minh kêu gọi toàn xã hội chung tay xây dựng mô hình gia đình kiểu mới theo Hiến pháp và Pháp luật, mà trước nhất là chính bản thân người phụ nữ phải thay đổi nhận thức nguồn gốc của nỗi đau ấy và tìm ra con đường để xóa bỏ những căn nguyên làm nên nỗi đau thân phận mà phụ nữ phải gánh chịu. Với tầm nhìn xa trông rộng, am hiểu văn hóa nhiều dân tộc, Hồ Chí Minh đặt vấn đề giải phóng phụ nữ trong toàn bộ vấn đề giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng nhân loại. Người nói: “nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người” [58, 300]. Trong sự nghiệp giải phóng “một nửa loài người” ấy đòi hỏi sự chung tay góp sức của tất thảy mọi người trong xã hội. Cuộc cách mạng này trước hết phải thực hiện từ trong nhận thức và hành động của phụ nữ. Hơn ai hết, chính bản thân chị em phụ nữ phải tự mình vươn lên giải phóng cho mình, chứ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình. “Bản thân chị em phụ nữ phải có chí tự cường tự lập, phải đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của mình” [58, 707], “phải xóa bỏ cái tâm lý tự ti và ỷ lại” [59, 59], “phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà” [59, 60] để hăng hái tham gia sản xuất, hoạt động xã hội, xây dựng đời sống gia đình ấm no, hạnh phúc, xóm làng đoàn kết thân ái, có như vậy chị em ta mới giành được vị thế xứng đáng của mình trong gia đình cũng như xã hội. “Phụ nữ thì phải tự mình phấn đấu giữ gìn quyền bình đẳng với đàn ông.” [61, 260], Ngay trước lúc đi xa, trong di chúc

của mình, Hồ Chí Minh vẫn không quên căn dặn: “Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ.” [61, 617].

Tiểu kết chương 1

Qua những phân tích trên chúng ta thấy rõ với cơ sở lý luận vững vàng và thực tiễn phong phú nên nội dung những quan điểm của Hồ Chí Minh về vấn đề gia đình thể hiện hệ thống nội dung phong phú, toàn diện, trong đó vừa có sự kế thừa của quan điểm về vai trò, vị trí, địa vị người phụ nữ trong văn hóa gia đình Việt Nam truyền thống, lại vừa mang những nét tiếp biến giá trị mới mẻ của tinh hoa văn hóa gia đình nhân loại, đặc biệt là quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin về gia đình. Điều đó nói lên phương pháp, tư tưởng cách mạng và biện chứng sâu sắc ở Người. Đồng thời chúng ta cần nhận thức trong đó nội dung những quan điểm sáng tạo của Hồ Chí Minh về vấn đề gia đình, về phụ nữ và giải phóng phụ nữ, xây dựng kiểu gia đình tiến bộ toát lên tính nhân văn cao cả của một danh nhân văn hóa lỗi lạc. Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, những quan điểm đó của Người từng bước được hiện thực hóa trong đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta và đang được toàn Đảng, toàn dân nỗ lực thực hiện. Cho đến nay, tư tưởng của Hồ Chí Minh về xây dựng các phương diện gia đình văn hóa mới vẫn tiếp tục được khẳng định và là nền tảng trong chiến lược của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển gia đình bền vững, để gia đình Việt Nam hiện đại thực sự là tế bào khỏe mạnh cho xã hội phát triển hòa vào dòng chảy tiến bộ chung của nhân loại.

Chương 2

Ý NGHĨA TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ GIA ĐÌNH ĐỐI VỚI XÂY DỰNG GIA ĐÌNH VĂN HÓA Ở VIỆT NAM HIỆN NAY.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng hồ chí minh về gia đình và ý nghĩa của nó đối với xây dựng gia đình văn hóa ở việt nam hiện nay (Trang 35 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)