Theo truyền thống văn học phương Đông, con người thường được xây dựng theo mô hình con người vũ trụ. “Con người vũ trụ là mô hình cơ bản chi phối sự miêu tả con người trong thơ văn cổ Việt Nam cho tới đầu thế kỷ XX” [25; 128]. Theo cách hiểu chung nhất, thì con người vũ trụ được đặt
trong mối quan hệ gắn bó với thiên nhiên, vũ trụ, đất trời, là một chỉnh thể không tách rời của môi trường đó, thậm chí là tinh tuý của càn khôn, có đôi khi vươn đến những tầm vóc vĩ đại mà những kẻ tầm thường hoặc bình thường trong xã hội không thể với đến được. Tầm vóc ấy thường bắt gặp trong hình tượng người anh hùng thời loạn, trong thơ của Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Hữu Cầu:
“Thiên sinh ngô, địa tải ngô
Thiên địa sinh ngô nguyên hữu ý” (Trời sinh ta, đất chở ta
Trời đất sinh ta là có ý) (Nguyễn Công Trứ)
“Bay thẳng cánh muôn trùng Tiêu Hán Phá vòng vây làm bạn với kim ô” (Nguyễn Hữu Cầu)
Có thể bắt gặp rất nhiều hình ảnh “con người vũ trụ” trong thơ văn các nhà nho trước thế kỷ XVIII:
“Cội cây la đá lấy làm nhà Lân các ai hầu mặc đến ta Non lạ nước thanh làm dấu Đất phàm cõi tục cách xa” (Thuật hứng IV_ Nguyễn Trãi)
Thông thường mô hình con người vũ trụ thể hiện ở người quân tử, người trượng phu. Giai đoạn này nó còn thể hiện ở người hồng nhan, có lẽ vì hai lý do: một, các tác giả có cái nhìn bình đẳng hơn về giá trị của nữ nhi; hai, các nhân vật nữ thực chất cũng là cái “bóng” của tác giả, của người tài tử.
Các tác phẩm thường thể hiện mô hình con người vũ trụ qua hai khía cạnh chủ yếu: 1) hệ thống các thủ pháp ước lệ là yếu tố thiên nhiên; 2) con người thường được đặt trong bối cảnh thiên nhiên, hướng về đất trời, vũ trụ. Các thủ pháp ước lệ bằng yếu tố thiên nhiên có thể thấy rõ qua việc sử dụng các biểu tượng, hình ảnh thiên nhiên để nói đến con người (đã được nói đến ở trên) và cả các yếu tố thiên nhiên được sử dụng để mô tả từng chi tiết cụ thể về ngoại hình, tính cách, tài năng.
Các biểu tượng, hình ảnh thiên nhiên đã được chúng tôi nói đến ở trên, ở đây xin lưu ý thêm một đặc điểm để làm rõ hơn quan niệm nghệ thuật về người phụ nữ và thân phận của họ. Hầu hết các biểu tượng thiên nhiên dành cho người phụ nữ đều là những biểu tượng truyền thống dành cho người quân tử. Nhưng cũng có những loài cây, hoa vốn chỉ nữ nhi. Chẳng hạn như hoa đào, mẫu đơn, liễu, nhài. Trong văn học giai đoạn này, ta bắt
gặp các loài cây, hoa đó và còn thêm nhiều loại khác rất phong phú như: phù
dung, hướng dương, hải đường, tía hồng, mai, lan, … Theo đó, có thể thấy
hầu hết các biểu tượng thiên nhiên chỉ người phụ nữ thường là các loài hoa đẹp, nhiều màu sắc. So với con người vũ trụ của người quân tử, thì con người vũ trụ của người hồng nhan được mĩ lệ hoá. Điều này cũng có thể
thấy rõ qua sự “vay mượn” các biểu tượng, hình ảnh về người nam nhi và trong sự so sánh với văn học dân gian. Các biểu tượng như “cúc”, “mai”, “sen”, “lan” được chuyển sang để tả người phụ nữ, nhưng những biểu tượng như “thông”, “trúc”, “đa” thì không. Trong văn học dân gian, các biểu tượng, hình ảnh thiên nhiên chỉ người phụ nữ rất nhiều và không giới hạn ở các cây hoa: con hạc, con bống, con cò, hạt gạo, đào liễu, cau non, tép nhỏ,
củ ấu gai, hoa gạo, hoa sen, thân tằm, miếng cau khô, quả xoài, …
“Cái bống là cái bống bình
“Thân em như miếng cau khô
Kẻ thanh tham mỏng, người thô tham dày”
Ở những biểu tượng, hình ảnh thiên nhiên về thân phận “khách má đào”, tính chất mĩ hoá có giảm đi, thay vào đó là tính chất nhỏ bé, yếu đuối, đáng thương: con ong cái kiến, thân lươn, bèo, liễu, hạt mưa … Các biểu tượng này không nhiều bằng các loài cây hoa trên. Song chúng cũng cho thấy mô hình con người vũ trụ của người hồng nhan đã khác nhiều so với người quân tử giai đoạn trước và cũng không giống người tài tử, người trượng phu giai đoạn này. Con người đó vẫn được “hình dung trong một quy mô vũ trụ, đứng giữa đất trời” (Trần Đình Sử), nhưng dường như cảm giác
nhỏ nhoi, yếu đuối, bất lực chiếm ưu thế hơn so với người nam nhi.
Trong từng chi tiết về ngoại hình, tính cách, tài năng của các nhân vật nữ, các tác giả cũng tận dụng các yếu tố thiên nhiên: khuôn trăng, nét ngài, hoa cười, ngọc thốt, làn thu thuỷ, nét xuân sơn, mai cốt cách, tuyết tinh thần, lệ hoa, khoé thu ba, mày liễu, mày ngài, má đào, gót sen, hồn bướm, xuân xanh, niên hoa, vóc bồ liễu, mặt hoa, … Và cả môi trường hoạt động của nhân vật cũng được “thiên nhiên hoá”, mĩ lệ hoá. Khung cảnh xung quanh Kiều đã được ước lệ hoá như thế:
“Thềm hoa một bước, lệ hoa mấy hàng” “Sợ uy dám chẳng vâng lời
Cúi đầu nép xuống sân mai một chiều” “Cất mình qua ngọn tường hoa
Lần đường theo bóng trăng tà về tây” Bức tranh của nàng cung nữ cũng vậy: “Khi ấp mận ôm đào gác nguyệt
Không phải tất cả các nhân vật nữ đều được xây dựng với cảm quan về con người vũ trụ. Chỉ có những con người thuộc hàng “đấng tài danh”, “bậc tài sắc” mới được khắc hoạ theo mô hình như thế. Một số nhà nghiên cứu đã công nhận điều đó. Trần Đình Sử khi viết về mô hình con người vũ trụ trong Truyện Kiều đã chỉ ra: “Cùng với mô hình con người vũ trụ là thái độ tôn xưng đối với loại người tài tình, phân biệt với những người khác. Có thể nói có một quan niệm con người “đấng, bậc” chi phối sự cảm nhận và
miêu tả. Đạm Tiên là “đấng tài hoa”, Kim Trọng là “bậc tài danh”, Từ Hải là “đấng anh hùng”, Thuý Kiều là “bậc bố kinh”. Những người này thường được khắc hoạ với những đường nét bề ngoài đầy ước lệ, khuôn sáo, còn những người thường hoặc là quân vô loài thì được miêu tả theo đặc tính thực tế của chúng về nghề nghiệp, cá nhân (…) rất hiện thực”. Ta sẽ thấy cùng là nhân vật nữ, nhưng Hoạn Thư không được tả ước lệ với các yếu tố thiên nhiên. Trong thơ của Hồ Xuân Hương, ở những bài nhân vật nữ mang dáng dấp của những kẻ tài tình, phong lưu như Tự tình I, II, III, các nhân vật vẫn được tả với những biểu tượng, hình ảnh thiên nhiên hoặc trong khung cảnh đất trời, non nước, nhưng những bài nói về người phụ nữ lam lũ như Cái nợ chồng con thì tác giả lại mô tả bằng những nét rất hiện thực. Trần Nho Thìn
khi nghiên cứu về sự thể hiện con người trong văn chương thời cổ qua
Truyện Kiều cũng có cùng quan điểm với Trần Đình Sử. Ông chỉ ra tư duy
phân loại của nhà nho bộc lộ ở tầng sâu nhất là những biểu tượng dùng để xây dựng nhân vật này. Các nhân vật chính diện (nữ nhi hoặc nam nhi) đều được xây dựng với các yếu tố thiên nhiên, đặt trong bối cảnh thiên nhiên, còn nhân vật phản diện thì lại được miêu tả thật cụ thể, giống như thực, đặt trong cái trần tục của cuộc sống hàng ngày. Các nhân vật trữ tình của ngâm khúc như nàng cung nữ, nàng chinh phụ cũng được phân tích “giống như phân tích “cái tôi” nhà nho trong thơ hay nhân vật chính diện trong truyện
thơ - tất cả đều là nhân vật chính diện (…) sự thể hiện hai nhân vật này ở hai thể loại khác nhau có điểm tương đồng loại hình. Làm nên tính tương đồng loại hình này chính là hệ thống các thủ pháp ước lệ với việc sử dụng các yếu
tố thiên nhiên” [30; 118].
Ngoài việc được mô tả, được “cấu tạo giá trị” bằng các yếu tố thiên nhiên, người hồng nhan còn thường được đặt trong bối cảnh thiên nhiên, hướng về đất trời, vũ trụ. Có thể thấy điều tương tự đối với các nhà nho quân tử trước đây, nhất là trong thơ văn người ẩn dật. Ở đó, bức tranh thiên nhiên chiếm ưu thế hơn hẳn bức tranh xã hội. Phân tích các tác phẩm như Cung oán ngâm, Chinh phụ ngâm, ta thấy không gian thiên nhiên đã có lúc lấn át
không gian chật hẹp của chốn cung cấm, hoặc không gian gia đình. “Hình mộc thạch vàng kim ố cổ
Sắc cầm ngư ủ vũ ê phong Tiêu điều nhân sự đã xong
Sơn hà cũng ảo côn trùng cũng hư Cầu thệ thuỷ ngồi trơ cổ độ
Quán thu phong đứng rũ tà huy Phong trần đến cả sơn khê
Tang thương đến cả hoa kia cỏ này” (Cung oán ngâm)
“Bóng Ngân hà khi mờ khi tỏ Độ Khuê triền buổi có buổi không Thức mây đòi lúc nhạt nồng
Chuôi sao Bắc Đẩu thôi đông lại đoài” (Chinh phụ ngâm)
Thời gian cũng được đo đếm bằng sự biến đổi của thiên nhiên: “Thuở lâm hành oanh chưa bén liễu
Hỏi ngày về ước nẻo quyên ca Nay quyên đã giục oanh già Ý nhi lại gáy trước nhà líu lo” (Chinh phụ ngâm)
Rõ ràng thiên nhiên không chỉ là “cái nền” của nhân vật mà còn thực sự là không gian trong đó nhân vật suy tư bằng cái lô gích của nó. Khi bế tắc, khi đau khổ, nhân vật đều hướng cái nhìn về phía cảnh vật, về đất trời, vũ trụ, tự đặt mình trong mối tương quan đó. Trong Cung oán ngâm, Chinh phụ ngâm, Truyện Kiều, thơ Hồ Xuân Hương, đều xuất hiện mô típ nhân vật
nữ chính hướng về trời cao đất dày, bốn bề non nước để than thở, oán trách hoặc giãi bày tâm sự riêng. Bức tranh tứ vọng trong Chinh phụ ngâm, cảnh
vật trước lầu Ngưng Bích trong Truyện Kiều, hay không gian nước non trong các bài Tự tình I, II, III của Hồ Xuân Hương là những ví dụ tiêu biểu. Trần
Nho Thìn còn cho rằng bức tranh “tứ vọng”(trông bốn bề) của nàng chinh phụ “chính là được xây dựng theo mô hình ngũ hành, mô hình vũ trụ của phương Đông cổ (theo mô hình này, hành Thổ thuộc trung tâm ứng với con người, còn ứng với bốn phương có Kim (phương Tây), Mộc (phương Đông), Thuỷ (phương Bắc), Hoả (phương Nam). Có thể nói thiên nhiên đã góp phần cực kì quan trọng trong việc xây dựng hình tượng nhân vật chinh phụ” [30; 119].
Tư thế hướng về thiên nhiên, vũ trụ rất quen thuộc trong văn thơ của nhà nho trung đại. Điển hình là các bài thơ nói đến việc chủ thể “ngửa lên trông trời, cúi xuống nhìn đất” (thể hiện qua cặp đôi động từ “ngưỡng”, “phủ”).
“Thê thê bất nhẫn văn Phủ ngưỡng tâm ưu tư”
Ngửng trông trời, cúi nhìn đất, trong lòng lo nghĩ) (Phạm Quý Thích)
Dù trong các tác phẩm đang xem xét không xuất hiện cặp đôi động từ “ngưỡng”, “phủ” như vậy nhưng vẫn có thể bắt gặp tư thế “ngửa lên trông trời, cúi xuống nhìn đất” của người hồng nhan để than thở, oán trách, kêu thương:
“Nàng rằng: Trời thẳm đất dày Thân này đã bỏ những ngày ra đi” (Truyện Kiều)
“Một mình đứng tủi ngồi sầu
Đã than với nguyệt lại rầu với hoa” (Cung oán ngâm)
“Trông bốn bề chân trời mặt đất Lên xuống lầu thấm thoắt đòi phen Lớp mây ngừng mắt ngại nhìn
Biết đâu chinh chiến là miền Ngọc Quan” (Chinh phụ ngâm)
Việc xây dựng nhân vật nữ chính bằng các thủ pháp thiên nhiên ước lệ cũng như đặt nhân vật vào bối cảnh thiên nhiên, vũ trụ là cách cấu tạo giá trị cho nhân vật xuất phát từ quan niệm có tính chất triết học- tôn giáo về
nhân cách của nhà nho. Các nhà nho vẫn thường cho rằng nhân cách cao quý có nguồn gốc từ Trời, từ vũ trụ huyền bí. Không phải bỗng dưng mà họ gọi vua là “Thiên tử” và tự coi mình là người có trách nhiệm giúp “Thiên tử” trị nước an dân. Sách Lễ kí viết: “Nhân giả, kì thiên địa chi đức, âm dương chi
giao, quỷ thần chi hội, ngũ hành chi tú khí” (Người ta là cái đức của trời đất, sự giao hội của âm dương, sự tụ hội của quỷ thần, là cái khí tốt lành của ngũ hành). “Vì coi thiên nhiên là nguồn gốc sinh ra nhân cách cao quý nên theo
quan niệm Nho gia, thiên nhiên là mẫu mực, là lý tưởng, là cái đẹp, cái hoàn mĩ. Mặt khác, chỉ có những con người cao quý mới xứng đáng sánh cùng thiên nhiên, đối diện với thiên nhiên. Những kẻ độc ác, xấu xa vĩnh viễn bị cầm tù, lưu đày trong phạm vi cuộc sống xã hội, trong cái hàng ngày, trần tục bụi bặm, đáng khinh đáng ghét” (Trần Nho Thìn). Như vậy, tư thế hướng về thiên nhiên, vũ trụ cũng không khác gì với việc trở về “nguồn cội” đã sinh ra mình, đã cấp cho mình những nét nhân cách cao quý. “Chỉ có thiên nhiên mới xứng đáng là bối cảnh của “cái tôi” suy tư về thân phận, về cuộc đời” [30; 118]. Do đó, có thể thấy rằng người hồng nhan với những giá trị về sắc đẹp, tài năng, nhân cách cũng được coi là tinh tuý của đất trời. Nhưng đồng thời cũng có thể thấy tư duy của các tác giả về vấn đề thân phận. Ở ngay trong môi trường xã hội, bị môi trường đó chi phối, những nỗi đau khổ, ngang trái, bế tắc đều do những lực lượng xã hội cụ thể gây ra, nhưng mỗi lần than thở, oán trách, suy nghĩ về số phận, người hồng nhan lại hướng về thiên nhiên, vũ trụ. Điều đó cũng chứng tỏ người hồng nhan tin tưởng giá trị của họ do trời đất sinh ra, và cũng tin rằng số phận của họ do Trời quyết định.
Con người vũ trụ là mô hình cơ bản và phổ biến trong văn hoá phương Đông và đã chi phối đến nhân vật trong văn học cho đến đầu thế kỉ XX. Ta bắt gặp con người vũ trụ ở những quân tử, thánh nhân, tài tử, cả ở những thiền sư, và đặc biệt ở những nhân vật kiệt xuất. Giai đoạn này còn bắt gặp con người vũ trụ ở người phụ nữ. So với các đấng nam nhi, con người vũ trụ ở nữ nhi một mặt được mĩ hoá, mặt khác lại có thêm tính chất nhỏ nhoi, yếu đuối của thân phận. Hình ảnh người hồng nhan không chỉ được xây dựng bằng những yếu tố thiên nhiên mà còn được đặt trong bối cảnh đất trời, vũ trụ. Con người ở trong mối quan hệ mật thiết với thiên nhiên, vũ trụ ấy bắt nguồn từ quan niệm có tính chất triết học- tôn giáo về
nhân cách của nhà nho. Như vậy, mĩ học của Nho gia về cơ bản vẫn chi phối mạnh mẽ đến việc xây dựng loại nhân vật trung tâm mới của thời đại.