Đây có thể nói là một trong những tiền đề ảnh hưởng lớn đến việc hình thành tư tưởng triết học của Morin nói chung, tư tưởng của ông về giáo dục nói riêng.
Cuối thế kỷ XIX, ở châu Âu nhất là ở nước Pháp đã xảy ra những biến động chưa từng thấy trong đó khoa học tưởng chừng phẳng lặng bỗng nhiên cũng nổi sóng khủng hoảng. Nhưng cuộc khủng hoảng này cũng đã bắt đầu mở ra một nền văn minh mới, một bằng chứng rực rỡ về sức sống của khoa học. Chưa có thời kỳ nào có nhiều biến động như thời kỳ cuối thế kỷ XIX ở châu Âu nhất là ở Pháp mà lại có một áp lực của các nhà khoa học to lớn như thế. Hơn bao giờ hết khoa học có tính quyết định đối với toàn bộ hoạt động của con người. Số nhà khoa học ở thời kỳ này có thể nhiều hơn toàn thể các nhà khoa học trong lịch sử cộng lại.
Trong khoa học, vào cuối thế kỷ XIX hình ảnh về tự nhiên đã gây nên những nghi ngờ. Trước hết, trong vật lý học: Chủ nghĩa quyết định dưới hình thức Laplace (Có thể tính toán được sự tiến hóa của thế giới bằng quy luật. Các nguyên tắc và các lý thuyết của vật lý học đều được thừa nhận tuyệt đối. Con người chỉ còn một việc là phải hành động không cách nào tránh khỏi theo các quy luật đó) đã hoàn toàn trở thành không bền vững.
Trong toán học, có những khám phá lớn như: Hình học phi – Eculide và lý thuyết tập hợp. Nó chứng tỏ rằng những gì trước đây người ta coi như là tiền đề đơn giản nhất của toán học thì giờ đây chúng trở thành không còn chắc chắn nữa. Những khám phá toán học hướng sự quan tâm của con người vào phân tích tính chính xác các khái niệm có vẻ đơn giản tới sự kiến thiết định đề của các hệ thống.
Trong khoảng chưa đầy 30 năm đầu của thế kỷ XX, khoa học đã được chứng kiến chấn động lớn: Năm 1905 và 1915, Einstein công bố thuyết tương đối. Năm 1926, những công trình hoàn chỉnh đầu tiên của cơ học lượng tử ra đời, với một số nguyên lý cơ bản, được coi là mở ra một con đường mới, làm biến đổi hình ảnh vũ trụ vốn có ở con người, một cuộc biến đổi còn triệt để hơn cả sự biến đổi mà các cuộc cách mạng Copernic đã tạo ra, đặc biệt vang dội là nguyên lý bất định do nhà vật lý người Đức W. Heisenberg trình bày trong năm 1927, cùng dịp với đại hội Copenhague, đánh dấu sự thành lập chính thức Lý thuyết lượng tử. Bốn năm sau, năm 1931, nhà toán học người Áo Kurt Godel công bố một định lý làm chấn động thế giới toán học, được đánh giá là kỳ lạ nhất và cũng bí hiểm nhất trong toán học. Định lý có nội dung như sau: Đối với các hệ thống toán học hình thức hóa với một tiền đề đủ mạnh, thì, một là, hệ thống đó không thể vừa là nhất quán, vừa là đầy đủ, hai là, tính nhất quán của hệ tiền đề không thể được chứng minh trong trong hệ thống đó.
Những biến đổi cách mạng tư duy trong vật lý học hiện đại xuất phát từ sự thật rằng, không thể hy vọng đứng bên trong thế giới duy lý mà biết hết
mọi thứ. Thế giới tự nhiên quả thực có nhiều thứ lạ lùng hơn mọi điều mà trí tuệ duy lý của chúng ta có thể nắm bắt được.
Ta có thể hiểu rằng bất cứ một lý thuyết nào mà con người xây dựng nên, đều chỉ phản ánh một tình huống nhất định của nhận thức. Từ bên trong một tình huống, không thể hiểu hết mọi chuyện trong tình huống đó, chỉ khi đứng ngoài tình huống đó thì may ra mới đạt tới một bức tranh sâu rộng hơn để có thể nhận ra toàn bộ mối quan hệ tạo nên cấu trúc bên trong của nó.
Nhiều nhà khoa học, kể cả các nhà vật lý, đã nhận rõ là cần vượt ra ngoài biên giới của mọi quy giản về tư duy duy lý để có thể nhận thức đầy đủ hơn về thế giới, mà trí tuệ không bao giờ có thể thấu hiểu hoàn toàn.
Những biến chuyển trong khoa học thúc đẩy một cuộc cách mạng tư duy về phương pháp luận khoa học, nó còn nảy sinh một vấn đề: nhiều thế hệ các nhà khoa học mải mê trên con đường đi sâu mãi vào lòng vật chất của thế giới, bằng tư duy quy giản, cắt vụn hiện thực, rồi xem cái mẩu được cắt ra đó là chính hiện thực. Và chính nó đã gây ra một ảo tưởng, rằng ngày nay mọi vấn đề của khoa học đời thường đều đã được giải quyết. Ảo tưởng đó đã trở thành niềm tin xác tín mang tính thần lực.
Trong lúc cuộc cách mạng tư duy cuốn hút trí tuệ thời đại trên con đường tiếp cận chân lý của hiện thực bằng chiến lược, hệ thống thì triết học giáo dục lại đi theo một tiến trình ngược lại: sự chia nhỏ, manh mún gọi là chuyên sâu, sự phân ban, lao sâu vào những cuộc thử nghiệm chuyên biệt, ngay tại cấp học gọi là phổ thông, với ý tưởng đi tìm đỉnh cao tri thức. Ở đây đối tượng của giáo dục là con người để làm người, như một tổng thể của hiện thực đã bị biến mất.
Với những thành tựu về khoa học đã đưa nó vững vàng tiến vào thời hiện đại. Thể hiện những đặc trưng vượt trội và sự khác biệt so với khoa học cổ điển. Điều này cũng làm ảnh hưởng đến triết học và giáo dục. Nó đòi hỏi
triết học, giáo dục cần phải thay đổi hình thức của mình. Tạo điều kiện để thay đổi nội dung, phương pháp, cách thức tổ chức trong giáo dục.
Edgar Morin đã đặt giáo dục trước những vấn đề thách thức của một thế giới toàn cầu hóa, mà sự hội nhập của các quốc gia dân tộc là một tất yếu. Nền giáo dục kiến tạo những tri thức và thông tin bị băm vụn dần trở thành những giáo điều ngấm vào nhận thức của hôm nay. Ông đang nói đến việc học tập thân phận con người trong một thế giới biến đổi chưa từng có như ngày hôm nay.