Nhà trường không thể là nơi truyền thụ tri thức, nhưng phải là nơi chỉ cho học sinh làm thế nào để tiếp cận, chọn lựa và góp phần tạo ra tri thức. Theo Morin, nền giáo dục hiện đại phải chuẩn bị cho người học tinh thần và phương pháp tự học, tự đào tạo suốt đời. Có nghĩa phải trang bị phương pháp chứ không phải là dạy kiến thức đơn thuần.
Vì giáo dục có mục tiêu là đào tạo ra những con người có năng lực nên tác giả đề nghị một phương pháp tiếp cận liên ngành là điều cần thiết nếu chúng ta muốn giúp học sinh hiểu vấn đề đương đại trong cái toàn bộ và sự phức tạp của nó. Phương pháp mà ông nói tới chính là phương pháp tiếp cận tính phức hợp, giúp chúng ta có khả năng tư duy về tính phức hợp.
Ngay từ những cuốn sách đầu tiên của mình, Edgar Morin đã phải đối mặt với tính phức hợp, nó đã trở thành mẫu số chung cho rất nhiều công trình khác nhau của ông về sau. Cuối những năm 1960, lý thuyết thông tin, điều khiển học, lý thuyết hệ thống, khái niệm tự tổ chức dẫn lối giúp Morin nghĩ đến khái niệm phức hợp. Theo ông, khái niệm này không nên hiểu tầm thường là sự phức tạp, sự lẫn lộn mà nối kết trong nó cả trật tự, vô trật tự và tổ chức và trong lòng của tổ chức nó nối kết cái một với cái đa dạng.
Tính phức hợp, hay cái phức hợp (la complexté, le complexus) có hai nghĩa. Thứ nhất, đó là “những gì liên kết lại với nhau, đan dệt cùng nhau” (“ce qui est lié ensemble, ce qui est tissé ensemble”). Khác với cái đơn giản, có thể tách biệt hay tháo rời các bộ phận hợp thành của nó, cái phức hợp bao gồm vô vàn những tương tác, những mối liên hệ hữu cơ giữa các bộ phận hợp thành, tạo nên “tấm dệt chung” không thể phân cách và quy giản được. Thứ hai, phức hợp cũng bao hàm trong nó cái ngẫu nhiên, vô trật tự, không chắc chắn. Do vậy cái phức hợp cũng nhất thiết mang theo tính bất định
(incertiude). Và rõ ràng khoa học cổ điển không có khả năng trả lời những thách đố của tính phức hợp. Muốn trả lời những thách đố ấy phải phát triển khoa học lên trình độ mới và tất yếu phải có một cuộc cải cách đích thực đối với tư duy.
Khái niệm phức hợp đã được hình thành, lớn lên, phát triển và đâm chồi nảy lộc, nó đã trở thành một khái niệm vĩ mô, một vị trí tham vấn then chốt, từ nay sẽ luôn là mấu chốt của vấn đề tưởng chừng như nan giải về mối quan hệ giữa cái kinh nghiệm, cái logic và cái duy lý.
Nếu tính phức hợp không hẳn là chìa khóa của vũ trụ mà chỉ là thách thức cần đối mặt, thì tư duy phức hợp cũng không phải là nhằm để né tránh hoặc thủ tiêu thách thức mà là để giúp làm bộc lộ và đôi khi thậm chí để vượt qua thách thức ấy. Con người cho rằng có thể lý giải được toàn bộ các vấn đề của tự nhiên và vũ trụ. Phương pháp giáo dục đã cắt mảnh, phân đoạn, quy giản và cho mọi thứ là tất định. Thuyết nhị nguyên khẳng định chỉ có hai phương chiều: tốt và xấu. Con người thiết lập kỷ cương khắp vũ trụ, ngộ nhận tính vạn năng của khoa học và qúa tin vào năng lực của con người.
Lối tư duy này đã bị phá vỡ khi người ta phát hiện ra rằng thay vì hai vật tương tác với nhau, nếu cho ba vật tương tác thì phương, chiều và lực xuất hiện vô cùng đa dạng và không thể tính toán hết. Con người phát hiện ra rằng họ không thể kiểm soát mọi vấn đề, không thể dự liệu hết các tình huống hay ỷ vào sự toàn năng của khoa học, kỹ thuật hay hệ thống lý thuyết của mình.
Edgar Morin có nói đến chuẩn thức (phạm thức) của tính phức hợp: Chuẩn thức có vai trò đặc biệt trong nhận thức và tư duy con người. Mỗi cá nhân đều nhận thức, tư duy, hành động tùy theo những chuẩn thức đã ăn sâu trong họ. Nếu tư duy đơn giản hóa chịu sự chi phối của chuẩn thức về tính giản đơn thì tư duy phức hợp hình thành và phát triển trong khuôn khổ của chuẩn thức về tính phức hợp.
Chuẩn thức xuất hiện rồi bị thay thế bởi một chuẩn thức mới. Cách mạng khoa học chính là sự thay đổi chuẩn thức đó, cũng là sự thay đổi cái nhìn về thế giới.
Sử dụng thuật ngữ “chuẩn thức”, Edgar Morin cho rằng thuật ngữ này “chứa đựng những khái niệm cơ bản, hay những phạm trù chủ đạo của lý tính, cùng với loại hình những quan hệ logic về hút/đẩy (phép hội, phép tuyển, phép kéo theo, hay các phép tính khác) giữa những khái niệm hay phạm trù ấy”. [39, tr. 441]
Egar Morin nói có thể lấy “chuẩn thức lớn của phương Tây” làm ví dụ tiêu biểu. Chuẩn thức này do Descartes (1596 - 1650) xác lập và đã bị áp đặt bởi những chặng đường phát triển của lịch sử châu Âu từ thế kỷ XVII. Chuẩn thức Descartes tách rời chủ thể với khách thể, mỗi bên có một lĩnh vực riêng, một bên là triết học và nghiên cứu phản tư, bên kia là khoa học và nghiên cứu khách quan. Kiểu tách rời theo lối nhị nguyên này cứ nối dài thêm mãi, xuyên suốt mọi bộ phận khắp vũ trụ: chủ thể - khách thể, linh hồn – thể xác, tinh thần – vật chất, chất lượng – số lượng, mục đích – nguyên nhân, tình cảm – lý trí, tự do – tất yếu, tồn tại – bản chất.
Theo ông, chuẩn thức này “xác định những khái niệm cao nhất và quy định quan hệ logic: sự cách ly… Phạm thức này xác định một thế giới quan hai mặt, thật ra chỉ là một sự phân đôi của cùng một thế giới: một phía là thế giới của những đồ vật được đem ra quan sát, thử nghiệm, thao tác; phía kia là là một thế giới nơi các chủ thể tự đặt cho mình những vấn đề của cuộc sống, của cảm thông, của ý thức. Như vậy, cùng một lúc phạm thức có thể soi sáng về che tối, bộc lộ và giấu đi. Nằm tiềm ẩn chính trong lòng nó là một vấn đề then chốt của cơ chế sự thật và sai lầm.” [35; tr. 32-33]
Chuẩn thức trên đây của Descartes là chuẩn thức đơn giản hóa. Nó quy định các khái niệm chủ đạo theo tinh thần đối lập và xác lập quan hệ logic chia tách theo phép tuyển, tức là dứt khoát chọn một trong hai, loại trừ mọi
khả năng thứ ba. Chuẩn thức này củng cố tư duy cơ giới, phá vỡ những khối tổng thể hữu cơ và tỏ ra mù lòa trước tính phức hợp của thực tại.
Edgar Morin cho rằng đã đến lúc cần có cuộc cách mạng về chuẩn thức. Chúng ta đang bước vào thời kỳ đích thực của cuộc cách mạng chuẩn thức sâu xa, có thể nói còn cấp tiến hơn cả cuộc cách mạng thế kỷ XVI - XVII. Cuộc cách mạng này xác lập chuẩn thức về tính phức hợp. Một trong những nội dung cơ bản của chuẩn thức này là phải có một phương thức vận dụng logic học một cách phức hợp, nhằm khắc phục những đối chọn cổ điển theo kiểu “hoặc là… hoặc là…”. Nếu tư duy đơn giản hóa dựa trên quyền ngự trị của hai loại phép tính logic và phép tuyển và phép quy giản mà cả hai vốn là tàn bạo và máy móc, thì các nguyên tắc của tư duy phức hợp nhất thiết sẽ là nguyên tắc, phân biệt, phép hội và phép kéo theo.
Tư duy phức hợp do Morin khởi xướng. Nhưng xét đến cùng đây là sản phẩm của cả một chặng đường phát triển lịch sử văn hóa, văn minh nhân loại. Nó thể hiện một tổng thể các quan niệm mới, tầm nhìn mới, khám phá mới, suy tư mới và mong ước của tác giả là tìm kiếm sự thống nhất giữa khoa học và lý thuyết về tính phức hợp nhân bản ở trình độ cao.
Tư duy đơn giản hóa có giới hạn, những thiếu sót, khiếm khuyết, sau đến là những điều kiện không cho phép chúng ta lẩn tránh sự thách đố của cái phức hợp. Liệu ta có được một phương thức tư duy, một phương pháp đủ mạnh để vượt qua sự thách đố của tính phức hợp hay không? Đây không phải là việc vãn hồi tham vọng của tư duy đơn giản luôn muốn kiểm soát và chế ngự thực tại, mà là muốn nói đến sự rèn giũa một tư duy có khả năng xử lý với thực tại, đối thoại và thương thuyết với nó.
Đối với Edgar Morin ông không chịu nổi thứ tri thức bị xé vụn, chưa bao giờ đủ sức tách một đề tài nghiên cứu khỏi bối cảnh của nó, khỏi những gì có trước nó, khỏi tương lai của nó. Ông luôn khao khát có được một tư duy đa diện. Ông chưa một lần đủ sức loại bỏ mâu thuẫn nội tại, lúc nào cũng cảm
thấy chính những chân lý sâu xa, đối kháng nhau, là những gì bổ sung cho nhau trong khi vẫn không ngừng đối kháng. Ông chưa bao giờ muốn tìm cách cưỡng lại sự bất định và tính mơ hồ.
Tác giả E. Morin chủ trương tổ chức lại tri thức luận, xây dựng tri thức luận phức hợp. Theo Morin điểm xuất phát của tri thức luận phức hợp là tri thức trong tính đa dạng và nhiều chiều của nó. Phương pháp mà Morin đề cập đến là phương pháp tiếp cận tính phức hợp.
Trong lời nói đầu cuốn “Nhập môn tư duy phức hợp”, Morin viết rằng: Tư duy phức hợp có tham vọng làm lộ diện những khớp nối liên kết các lĩnh vực chuyên môn với nhau đã bị tư duy chia tách, tháo rời. Hiểu theo cách này tư duy phức hợp mong muốn đạt đến một tri thức đa diện (Diverse knowledge). Nhưng lối tư duy này cũng ý thức được ngay từ đầu rằng tri thức toàn vẹn hay toàn thức là bất khả dĩ. Tư duy phức hợp chấp nhận những mối liên kết giữa các thực thể mà chúng ta thường nghĩ cần phải được phân biệt, nhưng không hoàn toàn biệt lập với nhau. Tổ chức phức hợp, hay thậm chí siêu phức hợp. Phương pháp tiếp cận tính phức hợp chính là phương pháp phức hợp (complex method).
Tư duy phức hợp giúp ta thấy được các yếu tố khác. Giúp ta vận dụng phương pháp nghiên cứu đặc thù của từng thể loại để nghiên cứu vấn đề có sự tham dự của nhiều yếu tố. Tư duy phức hợp là cách tiếp cận một hiện tượng bằng tư duy của nhiều ngành khoa học. Vì thế cái nhìn của con người khi bàn đến một vấn đề, hiện tượng không bó hẹp trong riêng địa hạt nào, mà mở rộng trong mối liên hệ tri thức rộng lớn ở tầm vĩ mô. Tư duy phức hợp cho ta cái nhìn đa chiều, kết hợp được các phương pháp, các ngành khoa học vào tiếp cận một vấn đề. Khi có tư duy phức hợp, chúng ta tránh sự cực đoan trong xem xét đặc trưng của vấn đề và vận dụng phương pháp phức hợp sẽ tạo điều kiện cho việc nghiên cứu một hiện tượng hay vấn đề thấu triệt, toàn diện, tránh nghiên cứu thiên lệch, một chiều, cứng nhắc, phiến diện.
Trong đời sống hiện đại, giáo dục phải giúp con người tìm thấy vùng tự do của mình trong hoạt động nhận thức, truyền dạy phương pháp nhận thức trên tất cả các khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội. Và ở Edgar Morin phương pháp giáo dục mới đã được ông đưa ra chứa đựng nhiều nội dung như chú trọng giáo dục kỹ năng cho con người.
Thế kỷ XX, người ta bắt đầu nói nhiều đến sự cáo chung của quyết định luận, của quy giản luận, sự kết thúc của cái chắc chắn… với ý nghĩa đòi hỏi kết thúc sự thống trị độc tôn của quyết định luận, quy giản luận, của quan niệm về tính chân lý tuyệt đối của các quy luật… Niềm tin vào tính đúng đắn tuyệt đối của tri thức khoa học bị lung lay, càng ngày ta càng nhận thấy là thực tế vô cùng phức tạp, các mô hình khoa học mà ta sử dụng chỗ dựa thực tế là quá sơ lược và đơn giản, các phương pháp khoa học mà ta đã có bất cập trong việc nhận thức bản chất của cái phức tạp muôn màu muôn vẻ của thực tế. Và từ đó nhận thức của con người lại phải bắt đầu một hành trình thám hiểm mới. Cũng là trái đất ấy, thiên nhiên, cuộc sống ấy, nhưng cần phải được thám hiểm bằng những đôi mắt mới của trí tuệ và tâm thức con người.
Đối với Edgar Morin, ông đã đưa ra một phương pháp hiện đại – tư duy phức hợp. Sự đổi mới tư duy này không nhất định phải từ bỏ kiểu tư duy cũ (quyết định luận, sự đơn giản hóa, phương pháp phân tích, với lập luận nhị nguyên chỉ có đúng hoặc sai…), “không phải là chối bỏ nhận thức về những thành phần để giữ lấy nhận thức về cái toàn bộ, cũng không phải bỏ cái phân tích để lấy cái tổng hợp; mà cần phải kết hợp chúng”. [35, tr. 58]
E. Morin yêu cầu từ bỏ cái địa vị độc tôn duy nhất của lối tư duy cũ tức là tư duy cơ giới và của các phương pháp khoa học trong phạm trù của tư duy đó. Việc sử dụng phương pháp tư duy phức hợp không những không loại bỏ việc vận dụng các phương pháp nhận thức đó mà trái lại còn yêu cầu các phương pháp đó phải được phát triển và tăng cường thêm bằng cách sử dụng các ý tưởng và công cụ của khoa học và công nghệ hiện đại. Tư duy phức hợp
sẽ càng sắc bén thêm, sâu sắc thêm, nếu khoa học phức hợp được phát triển mạnh mẽ, cung cấp thêm nhiều căn cứ xác đáng. Mà khoa học phức hợp, thì dù có được phát triển trong cách nhìn phức hợp, có sử dụng nhiều loại mô hình khác nhau không nhất thiết là toán học, có vận dụng kết hợp các tính toán định lượng với các lập luận định tính… cũng vẫn phải dùng các mô hình quy giản, các phương pháp phân tích và các lập luận logic nhị nguyên, dựa vào các “quy luật” tất định, ngay cả khi nghiên cứu cái bất định cũng thực chất là nghiên cứu các luật tất định và các hiện tượng bất định đó. Chỉ có điều là khi vận dụng các khái niệm, mô hình và phương pháp đó, ta phải luôn nhớ rằng đó chỉ là những sản phẩm giản lược của nhận thức, những cái xấp xỉ, gần đúng của thực tế, có thể thích hợp cho việc nhận thức một số đối tượng và quá trình tương đối đơn giản nào đó, ở một số thành phần và về một số mặt nhất định, chứ khó có thể giúp ta nhận thức được thực tế trong cái toàn thể phức tạp của nó. Và vì vậy, từ bỏ vai trò độc tôn của tư duy cơ giới cũng sẽ cho phép ta không đồng nhất bất kỳ một lý thuyết nào với chân lý, bất kỳ lý thuyết nào cũng có thể bị bác bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung bằng những giả thuyết mới mỗi khi gặp mâu thuẫn của thực tế.
Tư duy phức hợp luôn được kích thích bởi một sự căng kéo thường trực giữa khát vọng có được một tri thức không bị xé vụn, không bị ngăn ô, không bị quy giản, và việc phải chấp nhận tính thiếu hoàn chỉnh và tính bất toàn của mọi tri thức. Đổi mới tư duy, hay sử dụng phương pháp tư duy phức hợp có nghĩa là trên cơ sở khoa học hiện đại mà tiếp thu những quan điểm về nhận thức của các triết thuyết truyền thống, kết hợp các tri thức khoa học với các tri thức thu được bằng trực cảm, kinh nghiệm; tìm hiểu sự thấu hiểu của chúng ta bằng lý lẽ và cả bằng những xúc động tâm hồn; bằng ngôn ngữ của những công thức, những luận giải, và cả bằng “ngôn ngữ” trực tiếp của tai nghe, mắt nhìn, nhìn vào hình ảnh màu sắc và cả “nhìn sâu”, “nhìn xa” bằng tưởng tượng của trực cảm trí tuệ. Không chỉ kết hợp mà còn là bổ sung cho nhau,
nâng cao năng lực của nhau. Càng có nhiều tri thức thì càng có nhiều trí tưởng tượng, và ngược lại càng giàu tưởng tượng thơ mộng thì sẽ nảy sinh