Chương 2 ĐẠO CÔNG GIÁO VÀ VẤN ĐỀ ĐOÀN KẾT DÂN TỘC
2.1. Khái quát về lịch sử đạo Công giáo ở Quảng Bình
Quảng Bình là một tỉnh duyên hải thuộc vùng Bắc Trung Bộ, Việt Nam, với diện tích tự nhiên 8.065 km2. Quảng Bình nằm ở nơi hẹp nhất theo chiều Đông-Tây của dải đất hình chữ S của Việt Nam (50 km theo đường ngắn nhất tính từ biên giới Lào ra biển Đông). Tỉnh này giáp Hà Tĩnh về phía bắc với dãy Hoành Sơn là ranh giới tự nhiên; giáp Quảng Trị về phía nam; giáp Biển Đông về phía đông; phía tây là tỉnh Khăm Muộn và tây nam là tỉnh Savannakhet của Lào với dãy Trường Sơn là biên giới tự nhiên.
So với các địa phương khác, ở Quảng Bình, việc truyền giáo diễn ra chậm và theo hai hướng, từ Đàng Ngoài vào, từ Đàng Trong ra. Ở Đàng Ngoài, sau khi thực hiện được công cuộc „mở nước Chúa“ ở các tỉnh phía Bắc, các linh mục bắt đầu chuyển hướng việc truyền giáo vào phía Nam, trong đó có Quảng Bình (vào khoảng năm 1628). Lúc đầu, các nhà truyền giáo chỉ tập trung ở những vùng dọc sông Gianh huyện Quảng Trạch. Sau đó, lập thành hạt Bố Chính vào khoảng cuối thế kỷ XVIII (đổi thành hạt Bình Chính khoảng năm 1850). Nhà thờ đầu tiên ở hạt Bình Chính là nhà thờ Làng Ngang ở xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch, sau đổi thành nhà thờ xứ Vĩnh Phước, từ đó phát triển sang Kinh Nhuận, Phù Kinh, Hướng Phương, Hòa Ninh,.... „Hạt Bình Chính thuộc địa phận Vinh, nằm trọn trên đất Quảng Bình từ Đèo Ngang đến bắc sông Gianh trong phạm vi ba huyện: Quảng Trạch, Bố Trạch và huyện Tuyên Hóa. Có nhà thờ hạt ở Hướng Phương, Quảng Trạch“.[72, 11]
Gianh của tỉnh Bố Chính xưa và Quảng Bình sau này cho đến giáp tỉnh Hà Tĩnh. Ở Đàng Trong, Công giáo được du nhập vào các địa phương phía Nam của tỉnh Quảng Bình (vào khoảng năm 1630), sau đó cũng dần phát triển và lập nên hạt Tam Tòa vào khoảng thế kỷ XVIII. Trong địa bàn giáo phận Vinh, Bình Chính là một trong những vùng đất được đón nhận hạt giống đức tin sớm nhất, dưới thời truyền đạo của linh mục Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ). Tiếp sau thời cha Đắc Lộ, vùng đất nơi đây cũng đã đón nhận nhiều nhà truyền giáo phương Tây. Riêng giáo xứ Hướng Phương, nơi đây là chỗ cư trú của nhiều nhà truyền giáo nhất trong vùng đất Bình Chính. Thuở xưa, khi giáo phận Vinh còn thuộc về giáo phận Tây Đàng ngoài, hay khi đã trở thành giáo phận Nam Đàng ngoài và ngay cả khi đã hình thành tên gọi giáo phận Vinh cho đến cách đây vài ba chục năm, do địa bàn rộng lớn, ngăn sông cách núi và phương tiện đi lại, nên giám mục giáo phận luôn đặt cha chính hay linh mục tổng đại diện trông coi xứ Hướng Phương, cùng để giải quyết những công việc của các giáo xứ trong vùng đất Bình Chính.
Năm 1954, tính cả hạt Bình Chính và Tam Tòa, trên địa bàn tỉnh có khoảng 40 giáo xứ, với trên 40.000 giáo dân sinh sống ở 33 xã, phường, thuộc 6 huyện, thị xã, (theo đơn vị hành chính hiện nay) trong đó có 43 thôn Công giáo toàn tòng và 73 thôn xen kẽ giữa giáo và lương. Toàn tỉnh có 28 vị linh mục, 2 dòng tu, với 30 tu sỹ; có hai nhà thờ trung tâm địa hạt Hướng Phương và Tam Tòa và có 40 nhà thờ xứ. Năm 1954, lấy chiêu bài Chúa đã vào Nam, bọn phản động lợi dụng đạo Công giáo đã tuyên truyền, kích động, mua chuộc cưỡng ép 16.257 trên tổng số giáo dân toàn tỉnh là 41.649, chiếm khoảng 39% di cư vào Nam, trong đó, đại bộ phận là giáo dân thuộc hạt Tam Tòa, từ Sen Bàng (Bố Trạch) trở vào. Địa bàn giáo xứ Tam Tòa và một số vùng giáo ở huyện Quảng Ninh gần như trở thành „vùng trắng“ về Công giáo, số lượng giáo dân còn lại không nhiều, cơ sở thờ tự bị chiến tranh tàn phá. Do chịu ảnh hưởng nặng nề trong hai cuộc chiến tranh, nhất là trong cuộc kháng
chiến chống Mỹ cứu nước, giáo dân Công giáo Quảng Bình có truyền thống đấu tranh kiên cường, nhiều vùng đồng bào Công giáo bị bom Mỹ đánh phá ác liệt, nhiều nhà thờ bị tàn phá, hủy diệt, nhưng bà con giáo dân vẫn bám làng chiến đấu, bám hố bom để sản xuất. Hàng vạn con em giáo dân đã hăng hái tham gia chiến đấu và nhiều người đã anh dũng hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. [1, 1]
Vào năm 2005, hạt Bình Chính đã chia ra làm bốn giáo hạt là Hướng Phương (hay Bình Chính), Hòa Ninh, Minh Cầm và Đồng Troóc. Giáo hạt Hướng Phương hiện nay có 10 giáo xứ; và giáo xứ Hướng Phương, với số tín hữu khỏang 6.000, được đặt làm trụ sở của hạt. Trước năm 2006, các giáo xứ Sen Bàng, Hà Lời, Tam Tòa, Trung Quán, Bình Thôn, Hoành Phổ, Phúc Tín thuộc Tổng giáo phận Huế. Từ năm 2006, các giáo xứ này được sát nhập vào Giáo hạt Nguồn Son (Đồng Troóc). Kể từ đó, các giáo xứ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đều thuộc một giáo phận duy nhất là giáo phận Vinh.
Theo số liệu điều tra, năm 2001 đạo Công giáo trên địa bàn tỉnh có khoảng 85.500 tín đồ, đến cuối năm 2011, có 101.000 tín đồ, tăng 15.500 tín đồ. Về tổ chức tôn giáo, năm 2001 trên địa bàn tỉnh có 27 giáo xứ, 84 giáo họ, 01 giáo hạt, 16 linh mục. Đến năm 2011, tØnh Quảng Bình đã chấp thuận cho Tòa Giám mục Địa phận Vinh lập mới 01 giáo hạt, 05 giáo xứ, 11 giáo họ và 02 điểm sinh hoạt tôn giáo, đưa tổng số tổ chức đạo Công giáo trên địa bàn tỉnh lên 32 giáo xứ, 95 giáo họ, 02 giáo hạt và 02 giáo điểm, với 28 Linh mục trong đó: Quảng Trạch có 19 giáo xứ, 53 giáo họ; 17 linh mục và 01 Dòng tu Mến Thánh giá Hướng Phương, có 110 Nữ tu; Tuyên Hóa 04 giáo xứ, 19 giáo họ, 04 linh mục; Bố Trạch có 8 giáo xứ, 23 giáo họ, 05 linh mục; Quảng Ninh 02 giáo họ, 02 giáo điểm, 01 linh mục và thành phố Đồng Hới 01 giáo xứ, 01 linh mục. Ban hành giáo, giáo xứ, giáo họ: Năm 2001 có 444 người tham gia. Năm 2007 Ban hành giáo đổi thành Hội đồng mục vụ có 682 người tham gia; có 05 tổ chức Hội đoàn, gồm: Hội ca đoàn, Hội dâng hoa, Hội trống trắc, Hội
thánh Vasia và Hội bác ái tình thương với 2.720 tín đồ. Về cơ sở thờ tự, có 31 nhà thờ xứ, 58 nhà thờ họ, 01 cơ sở Tu viện. Đến nay, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 78/84 cơ sở tôn giáo đạt 92,28%, với tổng diện tích 344.298,90 m2; hiện còn có 03 giáo xứ và 03 giáo họ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Sau hơn 25 năm đổi mới, bà con giáo dân Quảng Bình một lòng yêu nước, gắn bó đồng hành với dân tộc, hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước do Đảng lãnh đạo. Năm 2006 được sự chấp thuận của Ban Tôn giáo Chính phủ, các giáo xứ từ Nam Sông Son thuộc Giáo phận Huế được chuyển về Địa phận Vinh quản lý.
Đến cuối 2013, tỉnh Quảng Bình có 05 huyện, thành phố và 70 xã, phường, thị trấn có đồng bào theo đạo Công giáo với 21.304 hộ, 101.070 khẩu, chiếm khoảng 11% dân số, có 33 linh mục (trong đó 1 linh muc nghỉ hưu, 1 linh mục dưỡng bệnh); phụ trách dòng tu: 2 người (01 Trưởng, 01 Phó) tu viện Mến thánh giá và có khoảng 100 tu sỹ, một trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật, nuôi dạy trên 100 cháu khuyết tật và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; có 02 giáo hạt, 32 giáo xứ, 94 giáo họ, 89 nhà thờ. Công giáo Quảng Bình thuộc Giáo phận Vinh, gồm 4 hạt và 37 xứ:
- Hạt Hướng Phương: 10 giáo xứ - Hạt Minh Cầm: 6 giáo xứ - Hạt Hòa Ninh: 6 giáo xứ
- Hạt Nguồn Son (Đồng Troóc): 15 giáo xứ
Đa số đồng bào Công giáo trong tỉnh sống ở vùng nông thôn, vùng miền núi, vùng cồn bãi, gắn với sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp là chủ yếu. Bà con Công giáo cơ bản chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, đoàn kết thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, hưởng ứng tích cực các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận phát động.
Nhìn chung, tình hình Công giáo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cơ bản ổn định, các sinh hoạt tôn giáo diễn ra bình thường tại cơ sở thờ tự, đa số bà con giáo dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, tiếp tục lồng ghép có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận phát động và phong trào „Người Công giáo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc“; hăng hái thi đua lao động sản xuất, xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nói chung, vùng giáo nói riêng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.