Tổ chức và hoạt động của các tổ chức xã hội ở nước ta từ khi đổi mớ

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vai trò của các tổ chức xã hội đối với hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay (Trang 32 - 35)

7. Kết cấu của đề tài

1.2.2. Tổ chức và hoạt động của các tổ chức xã hội ở nước ta từ khi đổi mớ

đến nay

Trong cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp trước đổi mới, các quan hệ kinh tế-xã hội mang nặng tính hành chính và nhà nước hóa, quyền tự do kinh doanh, sự đa dạng của các hình thức sở hữu và quan hệ thị trường bị hạn chế; quyền dân chủ của người dân chưa được đảm bảo; các tổ chức xã hội chưa có điều kiện phát triển. Vì vậy, trước năm 1986 cả nước chỉ có gần 30 tổ chức được thành lập.

Bước vào thời kỳ đổi mới, nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của các tổ chức quần chúng, các hội trong sự nghiệp đổi mới, Nghị quyết số 8B-NQ/TW (khóa VI) ngày 27/3/1990 của Đảng ta đã nêu ra chủ trương: Trong giai đoạn mới cần thành lập các hội đáp ứng nhu cầu chính đáng về nghề nghiệp và đời sống nhân dân hoạt động theo hướng ích nước, lợi nhà, tương thân, tương ái. Các tổ chức hội quần chúng được thành lập theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản và tự

trang trải về tài chính trong khuôn khổ pháp luật. Do đó, từ năm 1990 đến nay, số lượng các tổ chức xã hội ngày càng tăng nhanh.

Năm 1990 có khoảng 100 hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc, 300 hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Năm 1996, có khoảng 160 hội ở Trung ương được thành lập. Năm 2002, có 240 hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc, 1450 hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Năm 2007, có 364 hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc, 3625 hội có phạm vi hoạt động tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hiện nay, cả nước có khoảng 425 hội hoạt động ở phạm vi toàn quốc, khoảng gần 14.000 hội có phạm vi hoạt động ở cấp tỉnh, huyện, trong đó ở 22 tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Nam có 2.636 tổ chức hội ở cấp tỉnh; ở 13 tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung-Tây Nguyên có 1.712 tổ chức; ở các tỉnh khu vực phía Bắc có gần 3000 hội cấp tỉnh. Ngoài ra còn có hàng vạn tổ chức hội hoạt động ở phạm vi xã, phường, thị trấn. [8, 94].

Vì nhiều lý do khác nhau, các tổ chức xã hội ở nước ta do nhiều tổ chức, cơ quan khác nhau thành lập, lãnh đạo và quản lý. Một số hội do Ban Bí thư quyết định thành lập (11 hội); có hội do Chủ tịch nước quyết định thành lập (02 hội); khoảng 80 hội do Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; một số hội do Bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định thành lập.

Ngoài ra, còn có các tổ chức xã hội thuộc các tổ chức chính trị-xã hội như Hội Liên hiệp thanh niên, Hội Sinh viên thuộc Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; các câu lạc bộ, đội, nhóm trong hội như: Hội Du khảo trẻ, hội Doanh nghiệp trẻ, hội Y bác sĩ trẻ, hội Xây dựng trẻ thuộc Hội Liên hiệp thanh niên; câu lạc bộ nữ doanh nghiệp thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; câu lạc bộ Cựu quân nhân, câu lạc bộ Nữ quân nhân, các ban liên lạc truyền thống của trung đoàn, binh đoàn, các quân binh chủng thuộc Hội Cựu chiến binh Việt Nam... Đây là các hội quần chúng được lập ra nhằm thực hiện chủ trương đa dạng hóa các hình thức

tập hợp của các đoàn thể. Thông qua các tổ chức hội, nhóm, câu lạc bộ này, các đoàn thể đã đáp ứng ngày càng tốt hơn những nhu cầu, lợi ích, nguyện vọng của quần chúng các giới và trên cơ sở đó đổi mới phương thức tập hợp quần chúng.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, đa số các hội có phạm vi hoạt động trong cả nước hoặc liên tỉnh do Bộ trưởng Bộ Nội vụ cấp phép thành lập; một số hội do tổng hội, liên hiệp hội quyết định thành lập; các hội có phạm vi hoạt động ở cấp tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp phép thành lập. Trong những năm gần đây, tính trung bình mỗi năm có khoảng 20 hội, hiệp hội nghề nghiệp khoa học và công nghệ, kinh tế có phạm vi hoạt động toàn quốc được cấp phép thành lập.

Ở Trung ương, hiện có 23 hội được nhà nước giao 384 biên chế, trong đó chủ yếu là các hội được công nhận là tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội-nghề nghiệp. Ở địa phương, các hội được Ủy ban nhân dân tỉnh giao khoảng trên 3000 biên chế; ngoài ra ở một số địa phương Ủy ban nhân dân tỉnh cũng hỗ trợ kinh phí cho phép một số hội được tuyển dụng thêm cán bộ hợp đồng lao động. [8, 96].

Như vậy, có thể thấy hiện nay ở nước ta, bên cạnh các đoàn thể nhân dân có truyền thống lịch sử gắn với quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, ngày càng có nhiều tổ chức xã hội được thành lập với các mô hình và tên gọi rất đa dạng, phong phú. Nhiều hội chuyên ngành hoạt động trong cùng lĩnh vực tập hợp lại thành liên hiệp các hội như: Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Liên hiệp các hội Văn học-Nghệ thuật Việt Nam; Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Nhiều hội chuyên ngành hẹp tập hợp thành tổng hội như: Tổng hội Y học Việt Nam; tổng hội Địa chất Việt Nam; tổng hội Xây dựng Việt Nam... Các hội nghề nghiệp như: Hội Luật gia Việt Nam, hội nhà báo Việt Nam... Các hội từ thiện nhân đạo như: Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt

Nam; hội Bảo trợ nạn nhân chất độc màu da cam... Các hiệp hội của các tổ chức kinh tế như: Hiệp hội Lương thực Việt Nam; hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam; hiệp hội Da-giầy Việt Nam... Các viện, trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ không do nhà nước thành lập, tự trang trải kinh phí hoạt động và các quỹ không thuộc ngân sách nhà nước, không do nhà nước nắm giữ, hoạt động phi lợi nhuận với mục đích nhân đạo, từ thiện, phát triển văn hóa xã hội.

Tóm lại, từ sau đổi mới đến nay, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước rất nhiều tổ chức xã hội đã ra đời trên khắp lãnh thổ Việt Nam phản ánh nhu cầu và nguyện vọng đa dạng của nhân dân. Và trong số rất nhiều các tổ chức xã hội đó, có nhiều tổ chức đã thể hiện được vai trò to lớn của mình đối với sự phát triển đất nước nói chung và đối với hệ thống chính trị nói riêng.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vai trò của các tổ chức xã hội đối với hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay (Trang 32 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)