Bối cảnh quốc tế và khu vực

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Quan hệ văn hóa, giáo dục Việt Nam - Singapore những năm đầu thế kỷ XXI (Trang 35 - 37)

Thứ nhất, đầu thế kỷ XXI chứng kiến sự tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ. Nếu như cuối thế kỷ XX được đánh dấu bằng cuộc chạy đua vũ trang khốc liệt trong Chiến tranh lạnh thì cuối thế kỷ XX đầu XXI lại chứng kiến những bước tiến vượt chưa từng thấy trong khoa học và công nghệ. Tự động hoá bắt đầu len lỏi vào mọi mặt cuộc sống trên toàn cầu. Khoảng cách giữa con người với con người được rút ngắn dần nhờ những tiến bộ của khoa học công nghệ. Từ đó, xuất hiện một số quan điểm về một thế giới không khoảng cách - “thế giới phẳng”.

Thứ hai, toàn cầu hoá trở thành xu thế chung trên toàn thế giới. Các trung tâm kinh tế, khu vực kinh tế có quy mô khu vực hoặc toàn cầu ngày càng xuất hiện nhiều. Thế giới có xu hướng trở thành một thể thống nhất có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Kinh tế trở thành nhân tố quyết định sức mạnh của quốc gia và đóng vai trò quan trọng trong quan hệ quốc tế. Xu thế toàn cầu hóa vừa là cơ hội cho các nước nghèo có khả năng tiếp cận vốn và công nghệ để đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế đất nước, đồng thời cũng là thách thức khiến nền kinh tế của họ có nguy cơ quá phụ thuộc vào các nền kinh tế lớn. Toàn cầu hoá mở ra sân chơi công bằng cho các nước, giúp các nước đang phát triển có động lực hơn nữa trong việc tham gia vào hệ thống kinh tế toàn cầu. Cùng với xu thế toàn cầu, xu thế liên kết khu vực cũng diễn ra mạnh mẽ.

Thứ ba, thế giới lúc này xuất hiện rất nhiều bất ổn. Xung đột tôn giáo, xung đột sắc tộc ngày càng diễn ra gay gắt ở nhiều nơi trên thế giới. Nhân loại đứng trước những thách thức toàn cầu về môi trường, khí hậu, dân số, bệnh dịch… Ngoài ra chủ nghĩa khủng bố cũng ngày càng phức tạp và gây nhức nhối cho nhân loại.

Thứ tư, vai trò của thế giới một cực do Mỹ đứng đầu dần mờ nhạt, các nền kinh tế mới như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nga, cùng với các nước và khu vực phát triển truyền thống Nhật Bản, EU… bắt đầu nổi lên, phát triển như bão. Tất cả đang cùng tạo ra sân chơi lành mạnh hơn và sòng phẳng hơn.

Thứ năm, vấn đề hạt nhân và vũ khí hạt nhân đang trở thành vấn đề điểm nóng hơn bao giờ hết. Thế giới đang “nóng” dần lên khi các hoạt động hạt nhân của Triều Tiên, Iran đang thách thức nền hoà bình thế giới. Ngoài ra, vấn đề Biển Đông cũng đang là tâm điểm chú ý của quốc tế trong thế kỷ XXI.

Trong điều kiện tình hình thế giới và khu vực như vậy, mối quan hệ Việt Nam – Singapore cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Thái độ ứng xử tương đồng trong các vấn đề quốc tế đã tăng cường sự gắn bó trong mối quan hệ hai nước. Việt Nam và Singapore cùng ở khu vực Châu Á nên đều chịu sự cạnh tranh từ các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật Bản. Việc tuyên bố chủ quyền biển của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông cũng vô tình đẩy quan hệ Việt Nam – Singapore lại gần nhau hơn vì cả hai nước đều lên án hành động này của Trung Quốc. Ngoài ra, do cùng nằm trong khối các nước không nghiên cứu và sử dụng vũ khí hạt nhân, Việt Nam và Singapore đều lên án mạnh mẽ các hành động sử dụng hạt nhân đe doạ nền hoà bình thế giới. Ngoài ra, Việt Nam và Singapore cũng tích cực tham gia vào các hoạt động an ninh phi truyền thống như vấn đề khủng bố, vấn đề môi trường…

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Quan hệ văn hóa, giáo dục Việt Nam - Singapore những năm đầu thế kỷ XXI (Trang 35 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)